Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ
UYÊN NGUYÊN: Tôi thừa hiểu việc thì cũng chưa tới phiên mình nói. Song, trước đã cho đăng, sau cũng phải đăng. Tôi giữ nguyên tắc tôn trọng sự thật. Muốn đạt được điều này, trước hết cần phải tôn trọng mọi cuộc thảo luận, thông tin trao đổi quanh sự kiện chính nó.
Tôi cho đăng lại bài viết thứ 2 của tác giả Lê Hảo, như lần trước, một phần để lưu giữ tư liệu tham khảo cần thiết, sau có cơ sở nhận định và kết luận. Tất nhiên toàn bài tác giả thuật lại, do mượn không gian facebook, trình bày ngắn, nhanh, nên có những chi tiết quá qua loa. Trước hết do cấu trúc, cách gieo câu, chữ cho những tình tiết rời rạc, thành ra vấn đề có những phần mông lung, dễ khiến người đọc không nắm bắt thấu đáo và xuyên suốt thực chất câu chuyện. Ví dụ như cách gọi tên “Giáo hội Phật Giáo Quốc Doanh”, thực tế là một danh xưng không có, nhưng tác giả tạm gán như vậy để phân biệt giữa Giáo Hội Truyền Thống và Giáo Hội thành lập năm 1981, trước tình thế mà Nhà nước áp đặt “Thống nhất Phật Giáo”, như là cách xóa sổ GHPGVNTN với thái độ răn đe: “Chúng tôi có xe tăng và súng đạn – Các thầy chỉ có 2 con đường, một theo, hai là chống”. Vậy rồi câu trả lời vô cùng dứt khoát của Ôn Già Lam: “Chống thì chúng tôi không chống, mà theo thì cũng không theo”, hẳn nhiên xác quyết cho quan điểm muốn thành lập một giáo hội “quốc doanh” hay không, cho dù đối với Nhà nước, GHPGVNTN lúc bấy giờ “không có con đường thứ 3 để chọn lựa”. (Đọc “Thống Nhất Phật Giáo” của Đỗ Trung Hiếu). Đau thương nhất là Ôn Già Lam vì mở đường sinh cho bao thế hệ học tăng, truyền nhân hậu học, pháp lữ tăng nhân… bằng chính cái chết oan khuất của bản thân sau một thời gian kham nhẫn gánh chịu bao nỗi trắc ẩn đầy tủi nhục. Dù sao, có hay không chủ trương như tác giả nêu, thì bài thuật của Lê Hảo cũng giúp làm sáng tỏ một vấn đề mấu chốt, đó là thời gian tính của sự kiện được nhắc đến, là trước những năm 1981. Mà ở đây, nếu có, thì chúng ta cũng cần hiểu thêm những điều kiện nào giữa hai bên buộc để thực hiện được. Cho nên, điều mà tác giả Lê Hảo nêu ra, phải chăng chỉ là ý muốn thống nhất hai tổ chức Phật Giáo Nam Bắc, mà lập trường của quý Ôn thống nhất là việc nội bộ Phật Giáo. Thống nhất nhưng Giáo Hội không nằm trong Mặt Trận Tổ Quốc v.v…, điều này thì khác với khái niệm “chủ trương thành lập Giáo Hội Phật Giáo Quốc Doanh” như tác giả Lê Hảo trình bày. Cuối cùng diễn biến thế nào, trước những sách lược trí trá của Nhà Nước, đối với Ôn Già Làm qua việc thống nhất Phật Giáo nói trên, đã được Thầy Tuệ Sỹ kể lại rất chi tiết, trong buổi nói chuyện với Tăng sinh Thừa Thiên, Huế.
Vậy thì, đến mốc điểm Đại Hội Nguyên Thiều sau này, 2003, và một thời gian dài sau nữa, quý Ôn và quý Thầy đã tỏ thấu ngọn nguồn, hòa hiệp cho đại phật sự phục hoạt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thì “chủ trương thành lập Giáo Hội Quốc Doanh” lại được dựng lên với một kịch bản mới, thâm độc hơn: “một Giáo hội không Quảng Độ-Huyền Quang”, mà gần đây nó lại được dấy động trở lại. Thật bất nhẫn! Khi mà cả hai Ôn Huyền Quang và Quảng Độ đã thuận thế vô thường, viên tịch, thì cái gọi là “chủ trương thành lập Giáo Hội không Huyền Quang-Quảng Độ,” tự nó vốn đã là không. Bởi không bao giờ có. Vì có thì đã có, và nhất là có sau Giáo chỉ số 2. Sẽ có lúc tôi xin thuật lại lời của chính vị Tăng sĩ lo việc hành chánh của Giáo Hội thế Ôn Tuệ Sỹ, liên quan giáo chỉ số 2, tạm gọi là “Giáo chỉ giờ thứ 25”.
Cuối cùng tôi tin, Ôn Tuệ Sỹ và nhiều Chư Tôn Túc khác đã giữ im lặng, y giáo phụng hành giáo chỉ 2. Và im lặng-bất động bấy lâu một bản thể Tăng già, như là nghĩa cử cung kính thủy chung vô lượng đối với GHPGVNTN và với riêng Ôn Đệ Ngũ Tăng Thống Quảng Độ, điều đó chính là cốt lõi của việc truyền thừa Tâm Ấn những ngày cuối cùng. Ở đây tôi nhấn mạnh đến TÂM ẤN hơn là cái khuôn triện làm bằng đá thạch, đồng.
Và tôi tin, nhiều chư Tôn Túc, Cư sĩ Phật tử cũng như riêng Ôn Tuệ Sỹ sẽ vẫn im lặng như nhất, bằng hạnh nguyện Bồ Tát Hành, nhưng chắc một điều lịch sử sẽ lên tiếng một ngày không xa.
___________________
Thị Giác Lê Hảo: Tôi nhận tài liệu này từ anh Trần Công Lai, Phật Tử Hoa Kỳ gởi về bằng tin nhắn, không công khai, cách đây vài hôm. Không ngờ thầy Nhật Ban, Hồng Trí đưa lên công khai qua facebook của tôi!
Tôi xin nhắc lại trong bài TÂM TÌNH mới đây của tôi có nêu một vấn đề BÍ MẬT chưa nói ra. Bây giờ tôi xin nói:
Trước khi thành lập Giáo Hội Quốc Doanh năm 1981, có việc như sau, ôn Già Lam Trí Thủ, ôn Lê Mạnh Thát, Ôn Tuệ Sỹ và tôi đồng ý THÀNH LẬP GIÁO HỘI “QUỐC DOANH”, ôn Huyền Quang, ôn Quảng Độ không chịu. Đừng cho rằng chúng tôi đồng ý thành lập Giáo Hội Quốc Doanh là theo Cộng Sản, vì quý vị biết rằng lúc đó chúng tôi đang bí mật hoạt động chống cộng sản là LỰC LƯỢNG VIỆT NAM TỰ DO. Có cụ Trí Quang, cụ Già Lam ủng hộ.
Tôi ở giữa được các cụ thương, ôn Lê Mạnh Thát bảo tôi thuyết phục hai ôn Huyền Quang và Quảng Độ đồng ý để ôn Già Lam thành lập giáo hội “quốc doanh” nhưng hai ôn không chấp thuận. Kế hoạch lập giáo hội “quốc doanh” là một chiến lược lâu dài được nhận định trên 30 năm, Ôn Huyền Quang có hỏi ý kiến ôn Bửu Huệ ở An Dưỡng Địa Huệ Nghiêm, bởi vì giai đoạn này Ôn Huyền Quang ở chùa Ấn Quang thường ra Huệ Nghiêm chơi, giảng, dạy, tâm sự, các thầy nếu còn ở Huệ Nghiêm sẽ làm chứng. Về việc lập giáo hội “quốc doanh” thì ôn Bửu Huệ trả lời một câu: “Phân thân Phật Bổ Xứ”. Ôn Huyền Quang không đồng ý. Ngày nay Ôn Thiện Nhơn, ôn Thiện Pháp đang lãnh đạo giáo hội quốc doanh là ở Huệ Nghiêm. Ý tưởng Ôn Bửu Huệ là chia nhau ra mà làm, ai ở lại giữ nhà thì cứ ở lại giữ nhà, ai đi làm nhà mới thì cứ đi – tùy duyên bất biến – phân thân Phật bổ xứ. Sau đó chúng tôi đi tù, ôn Già Lam chết năm 1984. Các ôn Huyền Quang, Quảng Độ bị cưỡng chế về quê. Như vậy cả hai bên đều bị nạn dù là phân thân Phật Bổ xứ.
Một chi tiết quan trọng nhất là Ôn Hộ Giác đại diện cho giáo hội Thống Nhất theo danh sách đi Hà Nội dự đại hội thành lập quốc doanh, ôn Hộ Giác ủng hộ Ôn Già Lam. Chính thức buổi sáng của cái ngày phái đoàn Sài Gòn lên máy bay đi Hà Nội năm 1981, thì đêm khuya trước đó mấy giờ Ôn Hộ Giác bỏ trốn đi vượt biên. Tôi ngồi bên cạnh ôn Quảng Độ sáng hôm đó tại Thanh Minh Thiền Viện, Ôn nói: “Thầy Hộ Giác chơi một vố rất đẹp mắt, lâu nay cứ tưởng thầy Hộ Giác theo cộng sản vì ủng hộ lập giáo hội “quốc doanh”, không ngờ đến phút chót bỏ đi mất – Ôn bảo tôi nghe tin tức thử có đi trót lọt không, chứ bị bắt lại là chết – hai ngày sau nghe tin đã đến Thái Lan. Như vậy lúc hội họp về vấn đề của giáo hội thì cãi nhau dữ lắm, nhưng nghe tin có sự cố các ôn vẫn lo lắng cho nhau tôi thật cảm động của cái TÌNH THÂM CÁC ÔN ĐỐI XỬ VỚI NHAU.
Sau khi ra tù, về lại gặp ôn Huyền Quang ở Quãng Ngãi, trong giai đoạn phục hoạt lại GIÁO HỘI THỐNG NHẤT. Lúc này tôi giữ chức phó đại diện kiêm tổng thư ký GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT của tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Ôn Thanh Quang làm chánh đại diện của tỉnh. Phải thừa nhận rằng cả nước thì lúc đó chỉ có một đơn vị duy nhất công khai sinh hoạt, có con dấu riêng với danh nghĩa GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Hai ôn Quảng Độ và Huyền Quang tin tưởng duy nhất, lúc đó quý ôn ở Huế chưa hoạt động mạnh. Sau cái chết Ôn Long Trí, ôn Thanh Quang mới thế vị trí của ôn Long Trí. Ôn Huyền Quang bảo tôi vô gặp ôn Quảng Độ nói nguyên văn: “nói ôn Quảng Độ dẹp cái bọn GĐPT của Nguyễn Châu, Đà Lạt đi”. Tôi xanh dờn, ngạc nhiên hỏi lại nguyên nhân, Ôn la là đừng có hỏi, cứ vô nói thế, sau ôn nói thêm – “Tau không dẹp được, Trí Quang cũng không dẹp được, còn nhiều thứ cấn cái, mắc mứu không gỡ được. Chỉ có Quảng Độ không nợ nần chi cái đám ni, Quảng Độ dẹp được”… Riêng cá nhân tôi có cảm tình với GĐPT nhiều lắm. Châm đuốc trước linh cữu của ôn Huyền Quang trước ngày nhập tháp có mặt tôi, tất cả Phật Tử là của anh em chúng tôi tại Quảng Nam Đà Nẵng do anh Như Hòa Võ Tấn Sáu cầm đầu. Cái việc dẹp GĐPT của ôn Huyền Quang nói với ôn Quảng Độ do tôi chuyển lời là sự thật, chỉ còn một mình tôi biết, hai ôn đã về cõi Phật. Tôi xin thề không vọng ngữ, đặt điều nếu có thì đọa tam đồ không siêu thoát được, ngay bây chừ chết không toàn thây. Ôn Quảng Độ nghe theo ôn Huyền Quang nên mới dùng Lê Công Cầu thế anh Nguyễn Châu. Khi ôn Quảng Độ dùng Lê Công Cầu thì tôi nói với ôn Quảng Độ nguyên văn câu nói của anh Nguyễn Sỹ Thiều: “GIẶC ĐÃ ĐẾN TỬ CẤM THÀNH”. Ôn Quảng Độ, ôn Thanh Quang tin dùng Lê Công Cầu, CẦU dùng THỦ ĐOẠN loại trừ tôi ra, tôi nghỉ luôn từ đó về trồng nấm, chăm sóc phong lan. Ôn Quảng Độ tin CẦU, đưa Ôn Thanh Quang lên tới chức VIỆN TRƯỞNG VIỆN HÓA ĐẠO và LÊ CÔNG CẦU làm TỔNG THƯ KÝ VIỆN HÓA ĐẠO. Đến phút chót hai Ôn đều lầm và HỐI HẬN KHÔNG KỊP !
Đến bây chừ trước khi về với cõi Phật, ÔN QUẢNG ĐỘ chọn ÔN TUỆ SỸ làm người thừa kế giống như NGŨ TỔ HOẰNG NHẪN TRUYỀN Y BÁT CHO LỤC TỔ HUỆ NĂNG, truyền lén trong đêm khuya rồi bảo phải trốn đi chờ 15 năm sau mới công khai!
Đến hôm nay mọi phe phái tung ra các nguồn tin đó về mặt hiện tượng là đúng nhưng nguyên nhân sâu sa kể từ năm 1981. Ban đầu ôn Quảng Độ vẫn chống kế hoạch của ôn Lê Mạnh Thát và Ôn Tuệ Sỹ, lúc đó tôi còn nhớ Ôn Quảng Độ không nghe, nhiều lúc khiến anh Thát nỗi giận, không kềm chế được, phát ngôn hơi bất kính với Ôn, nhưng điều đó không tránh được nhiều khi cha con còn cải nhau quyết liệt, thậm chí từ nhau. Giờ phút này mới thực hiện hay sao? Đúng là VẠN VẬT BIẾN ĐỔI, THẾ GIAN VÔ THƯỜNG, LÒNG NGƯỜI BIẾN ĐỔI, THỜI CUỘC BIẾN ĐỔI, TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI BIẾN ĐỔI THÌ KẾ HOẠCH CŨNG BIẾN ĐỔI – SINH MỆNH GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT CŨNG BIẾN ĐỔI THEO DÒNG SINH MỆNH CỦA ĐẤT NƯỚC VÀ DÂN TỘC!
(đáng lý ra tôi viết riêng một bài nhưng viết chung vô đây để mọi người so sánh với bản tin bên dưới).
*
Đầu óc thì cứ tuông trào bao nhiêu sự kiện , tận mắt tận tai nghe thấy và làm do các ôn sai bảo, những chuyện còn nằm trong THÂM CUNG BÍ SỬ – những việc mọi người biết, thấy, nghe qua văn bản là cái mặt nỗi bên ngoài, cái bên trong cãi nhau, tức giận nhau thì không ai biết đâu! SỰ VIỆC ÔN QUẢNG ĐỘ CHỌN ÔN TUỆ SỸ LÀM NGƯỜI KẾ THỪA, khiến cho tôi nhớ đến một câu chuyện trong lịch sử: thời nhà LÝ có vị quan tài giỏi phò Vua Lý, là TÔ HIẾN THÀNH, bạn đồng quan, còn trẻ hơn là TRẦN TRUNG TÁ, ông này hay chống đối Tô Hiến Thành, bị Tô Hiến Thành đày ra biên ải giữ dê. Bên cạnh có VŨ TÁN ĐƯỜNG lúc nào cũng ủng hộ Tô Hiến Thành, lúc Tô Hiến Thành sắp chết, đang nằm trên giường bịnh, vua Lý đến thăm và hỏi: “Sau khi Thượng Phụ quy tiên (Tô Hiến Thành được vua Lý gọi bằng cha vì ông vua Lý lên ngôi chỉ có 3 tuổi và được Tô Hiến Thành nuôi và dạy dỗ) ai là người thay Thượng Phụ để giúp Trẫm? Tô Hiến Thành mới tâu: “Bệ Hạ nên có chiếu triệu hồi TRẦN TRUNG TÁ thay chức hạ thần để giúp BỆ HẠ gìn giữ GIANG SƠN XÃ TẮC”. Vua Lý ngạc nhiên hỏi sao không chọn VŨ TÁN ĐƯỜNG? – nếu Bệ Hạ chọn đứa ĐẤM LƯNG HAY BƯNG BÔ thì dùng vũ tán đường còn trợ giúp Vua thì chọn Trần Trung Tá!” gặp cái thời VUA LÀ MỘT ĐẤNG MINH QUÂN, THẦN LÀ MỘT TRUNG LƯƠNG ÁI QUỐC! SUNG SƯỚNG THAY!
Kính mong quý vị Y GIÁO PHỤNG HÀNH tuân chỉ DI CHÚC của ÔN QUẢNG ĐỘ chọn ÔN TUỆ SỸ LÀM NGƯỜI THỪA KẾ! HÃY CÙNG NHAU ĐOÀN KẾT LẠI CHUNG TAY VỚI ÔN TUỆ SỸ XÂY DỰNG LẠI NGÔI NHÀ PHẬT GIÁO!
Chuyên mục:Nhân vật - Sự kiện, Nhân vật, Sự kiện
Trả lời