Trích “Hành trình minh oan cho tử tù Hàn Đức Long”
của Luật sư Ngô Ngọc Trai. Domino xuất bản, 2018
Ngày 20/12/2016, tử tù Hàn Đức Long 57 tuổi được trả tự do về nhà sau 11 năm đi tù oan với 4 bản án tử hình về các tội giết người, hiếp dâm và hiếp dâm trẻ em. Để có được kết quả đó là biết bao nỗ lực kêu oan bền bỉ không ngừng của gia đình và luật sư bào chữa.
Tôi bắt đầu biết đến vụ án Hàn Đức Long vào năm 2011, khi vụ án đã xảy ra được 6 năm và tòa án các cấp đã tuyên hai bản án tử hình. Vụ án tưởng chừng như vô phương cứu chữa và số phận ông Long đã được định đoạt. Nhưng niềm tin rằng tử tội bị oan đã thôi thúc tôi hành động. Hàng loạt đơn thư kêu cứu khẩn cấp được gửi đi các ban ngành, nhiều cơ quan báo chí được cung cấp tài liệu để đưa tin, cùng với mạng xã hội truyền tải đánh động tới cộng đồng ề một vụ án oan sai. Những nỗ lực không mệt mỏi, cuối cùng đã đạt đến thành công giúp cứu sống minh oan cho một mạng người.
Vụ án Hàn Đức Long xảy ra trong bối cảnh nền tư pháp nước nhà còn đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện để đạt đến các chuẩn mực của khoa học tư pháp, khi nền tư pháp còn tồn tại nhiều bất cập, lạc hậu, chưa được sửa đổi, một điều tất yếu không thể tránh khỏi là những vụ án oan sai xảy ra. Vụ án Hàn Đức Long theo đó đã trở thành dấu mốc trên con đường phát triển của nền tư pháp, là minh chứng cho một giai đoạn pháp luật tố tụng còn nhiều bất cập, lạc hậu. Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, các vấn đề tư pháp đang được đưa ra bàn thảo, nhiều văn bản pháp luật đã được đặt ra sửa đổi để xây dựng kiện toàn.
Cuốn sách này kể lại hành trình của luật sư bào chữa, giúp mọi người thấy được luật sư đã làm gì để minh oan cho tử tù. Ngoài những phân tích lập luận dựa trên nguồn tư liệu, chứng cứ hồ sơ vụ án và nền tảng nhận thức duy lý nơi con người thì quá trình minh oan cho ông Long cũng là quá trình luật sư thúc đẩy xây dựng cho nền tư pháp. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc kêu oan và những đóng góp ho xây dựng pháp luật, viện dẫn từ thực tế vụ án Hàn Đức Long đã tạo ra hiệu quả cho việc minh oan.
Cuốn sách sẽ hữu ích cho các bạn sinh viên trường luật, các luật sư và tất cả những ai quan tâm đến nền tư pháp, muốn tìm hiểu về những vụ án hình sự và công việc của luật sư bào chữa. Cuốn sách cũng sẽ cung cấp cho bạn đọc góc nhìn khái quát về nền tư pháp hình sự và các kinh nghiệm của luật sư bào chữa, cùng với đó là câu chuyện về một vụ án oan sai để mỗi người rút ra được chiêm nghiệm của mình về nhân quả cuộc đời, về đạo lý làm người và bí quyết để thành công. ~ Luật sư Ngô Ngọc Trai, Hà Nội, tháng 7 năm 2017
Chương 4: Bới Hồ Sơ Tìm Vết
Trong những ngày nắng oi ả của Hà Nội năm 2011, tôi dành phần lớn thời gian làm việc để nghiên cứu hồ sơ vụ án đặc biệt nghiêm trọng Hàn Đức Long ở Bắc Giang.
Công ty luật khi đó đặt văn phòng tại một tòa nhà mặt phố 7-8 tầng ở đường Trần Khát Chân – một con đường rộng lớn của Hà Nội, cách đó không xa là con sông Kim Ngưu với cái tên mang dấu ấn lịch sử nhưng nay đã nặng mùi ô nhiễm vì nước thải dân sinh. Công ty bố trí cho tôi ngồi ở tầng trên cùng, nơi thực chất là gian thờ và để đồ của tòa nhà. Nhờ vậy, tôi có được không gian riêng yên tĩnh và độc lập để nghiên cứu. Bàn làm việc là một chiếc bàn gỗ kiểu bàn họp hình elip lớn màu trắng và nặng với trụ chân vững chãi, cứ thế tôi bày bộ hồ sơ bề bộn ra bàn và từng bước xem từng trang tài liệu hồ sơ đánh dấu bằng bút màu xanh đỏ, đôi khi đối chiếu nhiều trang tài liệu với nhau.
Nhìn qua khung kính phía bên kia hành lang là phòng của Giám đốc – luật sư Đào Trung Kiên cùng một số nhân viên. Anh Kiên thỉnh thoảng sang trao đổi với tôi về các tình tiết vụ án.
Trong sự độc lập và tự do hoàn toàn, anh em luật sư chúng tôi đã có những trao đổi thẳng thắn, thoải mái về vụ án. Chúng tôi đặt ra câu hỏi liệu Hàn Đức Long có oan thật không, tự bản thân chúng tôi cũng nghi ngờ. Mà tôi cũng cảm thấy rằng kẻ nào gây án vụ này thật là tàn bạo quá. Tôi nói, nếu Hàn Đức Long không phải là thủ phạm thì phải tìm mọi cách minh oan cho ông ta. Anh Kiên cũng đã đồng tình.
Niềm tin rằng ông Long bị oan đương nhiên là điều phải có và đủ mạnh mới có thể khiến tôi đeo đuổi kêu oan ròng rã trong 6 năm trời mà không hề có thù lao, trong khi bản thân tôi cũng chẳng dư dả gì. Nhưng niềm tin đó không đến ngay từ đầu mà được xây dựng và củng cố dần theo năm tháng cùng với quá trình nghiên cứu làm rõ các vấn đề trong hồ sơ.
Ban đầu, tôi cũng thấy nản khi mà tài liệu nào cũng thể hiện Hàn Đức Long nhận tội. Những đơn xin tự thú, biên bản ghi lời khai, thư viết về cho vợ đều thể hiện nội dung nhận tội, rồi các bản kết luận điều tra, cáo trạng, bản án sơ thẩm, phúc thẩm trước đó đều có nội dung tương tự. Trong khi đó, những lời kêu oan chỉ được biết đến từ khi mở phiên tòa sơ thẩm lần đầu và như do một lực vô hình chi phối, những lời kêu oan đã không được thể hiện rõ ràng mà chỉ được nhắc đến qua quýt tại những biên bản phiên tòa.
Tôi cố gắng đọc thật kỹ các bản khai ban đầu của Hàn Đức Long và những người liên quan, hy vọng tìm ra ở đó những kẽ hở manh mối để tìm ra sự thật. Nhưng tất cả đều có vẻ chặt chẽ, cứ như là đã có một sự sàng lọc kỹ lưỡng rồi vậy, tức là nếu có một lời khai nào đó cho thấy khả năng Hàn Đức Long bị oan thì nó sẽ chẳng thể tồn tại trong hồ sơ vụ án.
Đứng trước một vụ án mà mọi tài liệu hồ sơ đều nhằm chứng minh là bị cáo phạm tội, vậy tại sao luật sư nghiên cứu lại cho rằng bị cáo vô tội? Như thế có khác nào bức tranh người ta vẽ mùa hè mình xem lại nói đó là mùa đông? Sao có thể trái ngược như vậy? Luật sư thì không có thẩm quyền điều tra, cũng không đưa ra được tình tiết nào mới, quay đi quay lại vẫn chỉ có hồ sơ cũ, vậy căn cứ vào đâu để nói thân chủ oan?
Có một nguyên lý là nếu bị cáo là thủ phạm thì mọi tình tiết, hành vi phạm tội, mọi thao tác diễn biến và chứng cứ của vụ án sẽ có tính logic và phù hợp với nhau, giống như những cạnh răng cưa ăn khớp vào với nhau. Còn ngược lại, nếu bị cáo không phải là thủ phạm thì việc mô tả diễn biến hành vi phạm tội do cưỡng ép chắc chắn sẽ có những điểm vô lý, vênh cong, khập khiễng, khiên cưỡng, gò ép giống như những mảnh răng cưa không ăn khớp.
Mặc dù vậy, cơ quan điều tra gồm những người có chuyên môn nghiệp vụ, để chứng minh Hàn Đức Long chính là thủ phạm họ đã cố gắng tạo ra sự logic, phù hợp của các tình tiết, mài mòn đi những chỗ cong vênh. Nhưng sự thật chỉ có một và không thể nào che giấu đi hết được dấu vết của sự khiên cưỡng. Một luật sư có trình độ và trách nhiệm khi nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án sẽ chỉ ra được những chỗ vô lý, vênh cong đó trong hồ sơ mà những người xem qua loa sẽ không nhận ra. Điều này giống như một người nhai kỹ miếng cơm sẽ phát hiện ra hạt sạn trong khi người không nhai kỹ sẽ nuốt luôn mà không phát hiện ra.
Trong vụ Hàn Đức Long, lúc đầu nghiên cứu bộ hồ sơ (vốn chưa đầy đủ), tôi nhận định, các tài liệu lời khai vốn được điều tra viên viết ra nên nó đã được sàng lọc qua ý chí chủ quan và thành kiến suy đoán có tội. Khả năng là chỉ có những lời khai nào phù hợp với nội dung Hàn Đức Long là thủ phạm mới được ghi chép lại và lưu giữ vào hồ sơ vụ án.
Quả đúng như vậy. Năm 2010, ông Dương Khương Duy là cán bộ điều tra viên phụ trách vụ án qua đời, cơ quan điều tra đã phát hiện ra trong tủ hồ sơ của ông này có một số tài liệu liên quan đến vụ án Hàn Đức Long nhưng không được đưa vào hồ sơ vụ án. Liên ngành tư pháp đã họp bàn và thống nhất đưa các tài liệu này trở lại hồ sơ vụ án, và được đánh số bút lục từ 01 đến 49. Đến sau khi kết thúc điều tra lại, luật sư được quyền sao chụp hồ sơ vụ án; và tôi đã sao chụp toàn bộ hồ sơ vụ án bao gồm cả 49 bút lục mới được tìm ra, tổng số bút lục hồ sơ lên đến hàng nghìn bút lục tài liệu.
Nội dung của 49 bút lục này cho biết, trước khi hai mẹ con bà cụ hàng xóm tố cáo Hàn Đức Long hiếp dâm thì giữa hai gia đình đã xảy ra xô xát. Hàn Đức Long đã gây gổ với gia đình hàng xóm là Trương Công Sanh là con trai bà Kha, Long đã xô đẩy bà Kha, giật cây gậy chống tay của bà cụ và đánh con gái bà là Trương Thị Chín. Ngoài ra, Long còn dùng gạch ném và gây thương tích ở đầu cho người con dâu bà cụ là Nguyễn Thị Thoa. Chính quyền xã sau đó đã buộc ông Long bồi thường cho Thoa 1,6 triệu đồng nhưng Long mới bồi thường được 1,3 triệu. Thoa biết chữ và chính là người viết đơn cho mẹ chồng và chị chồng tố Long hiếp dâm. Đây là manh mối quan trọng giúp mở ra cánh cửa kêu oan cho tử tù Hàn Đức Long.
Tôi tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án và chỉ ra nhiều điểm mâu thuẫn, vô lý trong hồ sơ. Tôi đã đọc kỹ đến nỗi đã phát hiện ra cả những chi tiết mà khi trao đổi hay phát biểu tại tòa, người ta đã nghĩ là tôi dở hơi.
Trong hồ sơ có một số bản khai của một cậu thiếu niên 16 tuổi. Cậu khai rằng chiều hôm xảy ra án mạng, cậu đi sang nhà cháu bé nạn nhân lúc chập tối và không thấy ai. Cậu đi sang để trả vỏ chai bia nhựa loại 1,5 lít đã mua từ hôm trước. Khi lấy lời khai, có cô giáo của cậu tham dự. Tại một bản khai, cậu ta khai là đi bằng xe đạp; khoảng một tuần sau ghi lại lời khai thì cậu khai là đi bằng xe máy. Tôi đã đặt câu hỏi là tại sao cậu ta thay đổi lời khai, do vô tình hay cố ý, nếu nói dối thì vì sao.
Tại phiên tòa, tôi nêu chi tiết cậu thiếu niên này là người duy nhất thừa nhận đã đến nhà cháu bé tối hôm đó và không thấy ai, trong lời khai của cậu lại có chi tiết không rõ ràng; do vậy cần nghi ngờ cậu ta. Phía gia đình cháu bé lập tức đứng dậy chửi tôi và nói cậu ta là anh em họ hàng với cháu bé nạn nhân. Họ gây ầm ĩ tại phiên tòa nên tôi dừng lại và phát biểu sang đoạn khác của bản luận cứ đã chuẩn bị trước. Khi ra về, ngồi trên xe, luật sư đồng nghiệp trách tôi là đã không nghiên cứu kỹ để biết được họ là anh em họ hàng với nhau. Tôi bảo là, nội dung đó không thể hiện trong hồ sơ nhưng ngay cả người trong họ hàng thì vẫn phải nghi ngờ.
Việc tôi tìm ra điểm nghi vấn cậu thiếu niên đi xe đạp hay xe máy đến nhà cháu bé là muốn làm rõ tất cả những điểm nghi vấn trong hồ sơ mà tôi phát hiện ra. Đó là những điểm sai hiếm hoi trong bộ hồ sơ đã được điều tra viên sàng lọc kỹ. Chi tiết đó quá nhỏ khiến ngay cả điều tra viên cũng không chú ý đến mà chỉ có những người nghiên cứu kỹ mới chỉ ra được. Tuy nhiên, những nỗ lực của tôi trở nên vô vọng vì thời gian xảy ra đã lâu, cơ quan điều tra không làm rõ được. Về sau này, sau khi bản án bị hủy và yêu cầu điều tra lại, tôi trình bày nghi vấn này bằng văn bản và trao đổi miệng với điều tra viên; nhưng tôi không biết họ có làm gì thêm để làm rõ sự việc hay không và tới nay vẫn chưa tìm thấy hung thủ thực sự.
Không chỉ có thế, tôi phát hiện ra một điểm mâu thuẫn hết sức vô lý tồn tại chình ình ngay trong hồ sơ vụ án mà không hiểu sao các cán bộ tư pháp không nhận ra và bỏ qua, trong khi nếu tính đến chi tiết này thì không thể kết tội ông Long được. Đó là vấn đề: về thời điểm chết của cháu bé.
Cơ quan điều tra xác định thời điểm chết dựa vào độ phân hủy lượng thức ăn đã nhuyễn có trong dạ dày nạn nhân, họ giám định và cho kết luận cháu bé chết trong khoảng thời gian cách bữa ăn cuối cùng từ 4 đến 6 giờ. Một tài liệu khác lấy lời khai hỏi bố mẹ cháu thì được biết cháu ăn bữa cuối cùng lúc 12 giờ trưa cùng ngày. Từ đó suy ra, cháu bé chết trong khoảng thời gian từ 4-6 giờ chiều. Trong khi đó, cũng theo các tài liệu điều tra khác có trong hồ sơ thì chiều hôm đó, lúc 18 giờ 30 phút Hàn Đức Long mới đi ra quán xay xát thóc, và trong lúc chờ đợi đến lượt mình thì đi qua nhà cháu bé gây án.
Các thông tin về thời gian này đều là kết quả điều tra có trong hồ sơ nhưng nó đã không được khớp nối lại một cách có chủ ý. Nó chỉ ra rằng thời điểm cháu bé chết đã xảy ra trước khi Hàn Đức Long đi ra quán xay xát thóc. Các cán bộ tư pháp đã cố tình lờ đi điểm bất hợp lý trong nội dung kết quả điều tra của chính họ. Họ cố ý để các mốc thời gian được thể hiện rời rạc trên các tài liệu điều tra khác nhau mà không được khớp nối lại để cho ra kết quả, thông tin có ý nghĩa trong việc xác định sự thật của vụ án.
Chương 23: Chỉ Ra Trách Nhiệm của Cơ Quan Kiểm Sát
Trong quá trình kêu oan cho ông Hàn Đức Long, tôi rất thấm thía về vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm sát trong việc đảm bảo một vụ án được giải quyết đúng đắn. Trong một vụ án bình thường, các cơ quan tiến hành tố tụng tham gia giải quyết gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Và để đảm bảo cho hoạt động điều tra đúng pháp luật tránh nhầm lẫn sai sót, luật đã quy định Viện kiểm sát là cơ quan kiểm sát hoạt động điều tra. Nhưng thực tế lâu nay vì nhiều lý do khác nhau, Viện kiểm sát đã không làm tốt vai trò kiểm soát ngăn chặn của mình.
Hầu như ở tất cả các huyện trên cả nước người ta bố trí xây dựng trụ sở cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Tòa án rất gần nhau, nhiều trường hợp là liền kề nhau dẫn đến cán bộ của các cơ quan này biết rất rõ về nhau. Số lượng nhân sự cũng có hạn ví như một tòa án huyện có khoảng 5 thẩm phán, 5 thư ký và vài ba nhân viên hành chính tạp vụ, một viện kiểm sát huyện có khoảng 5 đến 7 kiểm sát viên. Theo thời gian công tác và thông qua các sinh hoạt đoàn thể địa phương, qua các dịp lễ tết hoặc ma chay hiếu hỉ, các điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán có điều kiện biết rõ về tính cách, thói quen sở thích, về công việc của vợ con, các vấn đề gia đình v.v.
Đây là một nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng nể nang, xuê xoa, dĩ hòa vi quý trong công tác, mà nhiều trường hợp pháp luật bị gạt sang một bên dẫn đến các hành vi bao biện, che chắn cho nhau trước sai phạm. Bởi vậy vô hình trung, những lý do không liên quan gì đến chuyên môn mà chỉ do các vấn đề đời sống thường nhật đã làm vô hiệu hóa mối ràng buộc trách nhiệm kiểm soát ngăn ngừa giữa các thiết chế.
Tiến hành nghiên cứu đánh giá vai trò của kiểm sát viên trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn và Hàn Đức Long thì sẽ thấy. Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong cả hai vụ này cùng là ông Đặng Thế Vĩnh, nguyên Trưởng phòng 10 VKSND tỉnh Bắc Giang. Tháng 4/2016, ông Vĩnh đã bị truy tố về tội cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn. Ông Vĩnh cũng là kiểm sát viên tham gia xử lý vụ án Hàn Đức Long ở giai đoạn điều tra ban đầu và xét xử sơ thẩm thời điểm năm 2007.
Trong quá trình suy nghĩ minh oan cho ông Long, tôi nghĩ: Nói điều tra viên đánh đập bức cung ép khai còn nghe được, thế lúc kiểm sát viên phúc cung lấy lời khai thì có bị đánh đập không. Tại sao nhận tội, chẳng lẽ kiểm sát viên cũng đánh bắt phải nhận? Lý giải điều này, ông Long khai rằng khi kiểm sát viên vào làm việc với bị can thì đều có điều tra viên ngồi làm việc cùng. Ông Long cho rằng kiểm sát viên đã chép lại bản cung của điều tra viên và bảo ký vào bản khai.
Còn trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn đi tù oan 10 năm thì theo một bài báo trên báo Đời sống pháp luật, ông Chấn cho biết khi ra đến tòa “Nhìn thấy mặt kiểm sát viên Đặng Thế Vĩnh là tôi khóc.” Theo lời ông Chấn thì: “Ông Đặng Thế Vĩnh dáng người nhỏ, thấp, ít tuổi hơn tôi. Trước khi ra tòa thì ông ấy cũng trực tiếp gặp tôi nhiều lần. Ông ấy không trực tiếp đánh nhưng luôn miệng dọa nạt nếu tôi không nhận tội thì sẽ bị giết chết như chị H. Tôi gặp ông Vĩnh nhiều lần lắm, có lần ngồi trong phòng suốt 3h đồng hồ, lần nào ông ấy cũng bắt phải ký vào giấy nhận tội. Lúc ấy, tôi đành phải ký để mong ra tòa được kêu oan. Thế nên, khi vừa nghe chủ tọa phiên tòa đọc tên ông ấy và khi ngước mặt lên thấy ông ấy ngồi phía bên trên, tôi đã bật khóc. Lúc ấy, tôi nghĩ chết đến chín phần, phía sau thì nghe tiếng khóc của vợ và người nhà tôi…”
Như vậy là đã rõ, lối làm án khép tội của kiểm sát viên trong vụ án, của ông Nguyễn Thanh Chấn cũng đã được sử dụng áp dụng trong vụ ông Hàn Đức Long, kiểm sát viên chỉ chăm chăm kết tội bị can mà không ghi chép lại những lời kêu oan. Nhận ra được vấn đề như thế và thấy rằng người đã làm oan cho ông Chấn cũng chính là người làm vụ ông Long, việc ông Long kêu oan bởi cùng những cán bộ tư pháp với phẩm chất năng lực như vậy đã giúp tôi củng cố nhận định việc kêu oan là sự thật.
Đánh giá về vai trò của kiểm sát viên, thực tế qua nhiều vụ án, tôi thấy không có sự khác nhau giữa có hay không có vai trò của kiểm sát viên. Trong các vụ án bình thường thì tự bản thân cơ quan điều tra, họ cũng có ý thức làm đúng pháp luật rồi cho nên không cần lắm yếu tố kiểm sát, còn trong những vụ việc có dấu hiệu làm sai thì viện kiểm sát lại chẳng có tác dụng kiểm soát ngăn chặn. Quan điểm của viện kiểm sát thường chẳng khác gì cơ quan điều tra, cáo trạng thường chẳng khác gì kết luận điều tra.
Kiểm sát viên rất ít tính phản biện đối kháng mặc dù giữ vai trò đối trọng kiểm soát nhưng thực tế kiểm sát viên chỉ như một người nhân viên dễ bảo của cơ quan điều tra.
Tôi cho rằng Viện kiểm sát đã không làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, Nhà nước và nhân dân lập ra Viện kiểm sát với hy vọng rằng cơ quan này có năng lực chuyên môn, có nghiệp vụ và kinh nghiệm sẽ là thiết chế đối trọng tương xứng để kiểm soát hoạt động điều tra, giúp ngăn chặn lạm dụng để bảo vệ quyền công dân nhưng thực tế mục đích đó đã không đạt được.
Một nguyên nhân khác dẫn đến cơ sự này, là hai cơ quan này tuy là các thiết chế khác nhau nhưng đều chịu sự lãnh đạo của một cấp Đảng ủy địa phương. Cho nên trước mỗi vụ án, họ dễ có nhận thức cùng chung bổn phận trách nhiệm chính trị và có cảm nhận tâm lý là người cùng một phía nhiệm vụ. Khi đó yếu tố chính trị đã làm mất đi sự độc lập khách quan và yếu tố nhiệm vụ đã làm mất đi tính đối trọng kiểm soát ngăn ngừa.
Chức năng kiểm sát giúp ngăn chặn những hành vi lạm quyền bạo hành đối với bị can, nếu không làm tốt sẽ dẫn đến những hệ lụy to lớn đối với nền công lý mà nhiều người không nhận ra. Trong một bài báo, tôi đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho lối làm án lạm quyền, chỉ coi trọng việc điều tra phá án mà xem nhẹ việc tôn trọng nhân phẩm, con người sẽ dẫn đến hệ lụy tai hại cho xã hội.
Bài báo tôi viết trước ngày ông Long được trả tự do hơn một tháng nêu rằng: Tại tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa 14 vào dịp tháng 10 năm 2016 (hơn hai tháng trước ngày ông Hàn Đức Long được trả tự do), Bộ trưởng Công an đã báo cáo trước Quốc Hội về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016, theo đó số liệu thống kê cho biết năm 2016 đã khởi tố mới trên 70.430 vụ án với hơn
102.441 bị can. Tìm hiểu thêm về tình hình tội phạm năm 2015, số liệu tổng hợp cũng cho biết vào khoảng 77 nghìn vụ án với hơn 100 nghìn nghi phạm hình sự năm 2015. Các con số đó rất lớn, cho thấy tình trạng tội phạm trong xã hội rất nghiêm trọng.
Trong bài báo, tôi đặt ra vấn đề là làm sao để việc xử lý tội phạm đảm bảo được công lý, tức là phải làm sao để việc xử lý tội phạm, giúp tạo ra được môi trường an toàn, đem lại bình yên cho nhân dân, chứ đừng để việc xử lý tội phạm với những bất cập tai hại của nó lại là nguyên nhân góp phần gây thêm lên tình trạng phạm tội.
Ở một diễn biến khác, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 lần đầu tiên đã đưa vào sử dụng hai từ Công lý mà trước đó không có. Theo đó nhiệm vụ của Bộ luật Tố tụng hình sự ngoài mục tiêu cũ như không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội thì có thêm mục tiêu mới bảo vệ Công lý. Vậy tại sao bây giờ lại phải thêm vào mục tiêu bảo vệ Công lý? Trước đó đặt mục tiêu không bỏ lọt, không làm oan vẫn chưa đủ hay sao?
Có thể hiểu thế này, nếu mục tiêu chỉ là xử lý đúng người đúng tội thì vẫn có khả năng người ta bất chấp phương thức thủ đoạn để xử lý tội phạm mà theo đó không có công lý. Ví như quá trình điều tra xảy ra tình trạng lạm quyền bạo hành thông qua các hoạt động lạm dụng bắt bớ, giam giữ kéo dài, đánh đập bức ép buộc phải khai báo và đời sống nghiệt ngã khổ sở trong môi trường giam giữ. Tất cả những yếu tố này khiến con người bị hủy hoại nhân phẩm, làm mất niềm tin vào sự nghiêm chính của pháp luật và cơ quan công quyền.
Trong khi đó, đừng quên rằng hầu hết các tội phạm sau khi mãn hạn tù, họ lại trở về với đầy đủ quyền công dân. Vậy với kinh nghiệm đã trải qua và ký ức lưu giữ, liệu họ có còn tín nhiệm vào nền tư pháp? Hay họ đã trở lên táo tợn liều lĩnh, khinh rẻ những giá trị trật tự xã hội và thù địch với trật tự công quyền? Trong khi cả nước mỗi năm có hàng trăm nghìn người vướng vào vòng tố tụng hình sự, việc họ còn hay mất niềm tin vào nền tư pháp công chính là rất quan trọng để giữ trật tự xã hội và kiến tạo môi trường pháp lý an toàn. Vì đằng sau hàng trăm nghìn con người đó lại có hàng trăm nghìn gia đình và người thân, họ sẽ kể lại cho nhau nghe những câu chuyện và truyền cho nhau những kinh nghiệm. Vậy liệu những câu chuyện và kinh nghiệm của họ sẽ vun đúc hay hủy hoại sự nghiêm chính của nền tư pháp?
Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào phân tích đánh giá về mối liên quan giữa tình trạng lạm quyền bạo hành trong vòng tố tụng hình sự với tình trạng tội phạm ngoài xã hội. Tuy vậy, có thể nhận định là giữa chúng có mối quan hệ nhân quả với nhau. Thực tế lâu nay, các ban ngành chỉ vì coi trọng xử lý tội phạm cho nên đã xảy ra tình trạng xem nhẹ quyền công dân, làm kém đi giá trị công lý.
Bộ luật Tố tụng hình sự đã bổ sung thêm mục tiêu bảo vệ Công lý và để có thể thực hiện được mục tiêu này cũng như để bổ trợ cho năng lực có giới hạn của con người, luật đã tiếp thu đưa vào triển khai một số chế định mới như Quyền Im lặng, ghi âm- ghi hình khi hỏi cung bị can và vai trò lớn hơn của luật sư bào chữa. Những chế định mới này giúp ngăn ngừa tình trạng lạm quyền và bạo hành khiến cho việc xử lý tội phạm tuy đúng người đúng tội nhưng không có công lý. Những chế định mới sẽ giúp bảo vệ nhân phẩm con người trong suốt quá trình điều tra xử lý tội phạm, giảm tránh việc lạm quyền bất chấp phương thức thủ đoạn. Vì việc điều tra xử lý tội phạm xét cho cùng cũng chỉ là phương tiện nhằm đạt đến mục tiêu bảo vệ các quyền công dân mà thôi; cho nên phương tiện không được chống lại mục tiêu hướng đến, việc điều tra xử lý tội phạm phải tuân theo những chuẩn mực giá trị không được đi ngược lại mục tiêu bảo vệ dân quyền.
Mặc dù vậy, những chế định mới vẫn không làm mờ đi vai trò trách nhiệm của thiết chế kiểm sát, không gì hơn được những con người có chuyên môn nghiệp vụ kiểm soát các hoạt động. Kiểm sát viên khi làm việc đúng chức trách, nhiệm vụ sẽ là cơ chế hữu hiệu nhất để phòng tránh oan sai. Những chế định mới cùng với ý thức trách nhiệm công vụ của kiểm sát viên sẽ giúp ngăn chặn cái dễ xảy ra nhất trong hoạt động điều tra là đánh đập bức bách buộc phải khai báo. Bởi vì ‘‘cái điều dễ xảy ra nhất trong hoạt động điều tra” đó, làm mất đi mục đích ý nghĩa của hoạt động xử lý tội phạm là bảo vệ công lý và gây ra hệ lụy xấu cho xã hội. Hãy thử hình dung xem cái cơ chế tư pháp kiểu đó sẽ cung cấp gì cho xã hội, công dân hay làm tha hóa họ?
Từ đó, tôi đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo rằng đứng trước số liệu về thực trạng tội phạm trong xã hội hiện nay, cần nhận ra được đâu vấn đề nghiêm trọng nhất của nền tư pháp hình sự. Theo tôi đó không phải vấn đề án oan hay bỏ lọt tội phạm là những vấn đề dễ gây được sự ồn ào chú ý, mà đó là tình trạng lạm quyền và bạo hành ẩn chứa trong hàng chục nghìn vụ án hình sự bình thường mỗi năm, với hàng trăm nghìn nghi can hình sự. Một khi những con người này bị tha hóa về nhân phẩm thì hậu quả gây ra tiềm ẩn cho xã hội là rất khủng khiếp. Và theo đó giải pháp là nâng cao năng lực trách nhiệm của kiểm sát viên trong việc kiểm sát điều tra vụ án.
Chương 27: Sử Dụng Youtube và Nhờ Cậy các Facebooker
Mạng xã hội là công cụ, phương thức được khai thác triệt để để minh oan cho tử tù Hàn Đức Long. Sau khi đã viết quá nhiều nội dung lên các trang web, báo chí, mạng xã hội Facebook, đến những tháng cuối cùng trước ngày ông Long được trả tự do, tôi đã thiết lập một kênh Youtube và đăng tải lên đó các video thuyết trình về vụ án oan Hàn Đức Long. Các video được tôi quay phim ghi hình tại văn phòng công ty và đăng tải lên kênh Youtube để phát tán tới cộng đồng. Đó là một nỗ lực mới góp thêm vào tổng thể tất cả những việc có thể làm giúp minh oan cho tử tù Hàn Đức Long.
Có 6 đoạn video đã được đăng lên Facebook cá nhân và kênh Youtube với tiêu đề Luật sư Ngô Ngọc Trai kể chuyện Án oan Hàn Đức Long. Các bài phát
biểu trên video hiện vẫn còn lưu trên mạng đã có được hàng nghìn lượt xem và sẽ mãi ở đó như một minh chứng cho những gì luật sư đã nỗ lực thực hiện để giữ lại tính mạng cho tử tù. Trong các video đó, tôi thuyết trình về vụ án và phân tích các yếu tố pháp lý oan sai, nội dung không mới so với những gì đơn thư và các bài báo trước đó nhưng đây là dạng thức biểu đạt mới, một cách thức phản ánh kêu oan mới, một sự đa dạng hóa trong các hoạt động mà tôi hy vọng qua đó làm sinh động thêm quá trình kêu oan cho tử tù, tăng thêm lượng người quan tâm đến vụ án và cũng là thể hiện quyết tâm không từ bỏ của bản thân.
Quá trình kêu oan, nhiều năm liền tôi cũng nhiều lần nhờ đến các Facebooker nổi tiếng giúp phản ánh đưa tin về vụ án Hàn Đức Long. Đó là các trang Facebook của những nhà hoạt động xã hội, những công dân mạng được nhiều quần chúng quan tâm theo dõi. Bản thân họ có khả năng truyền tải thông tin rất tốt, một sự chia sẻ của họ giúp thông tin đến được với hàng chục, hàng trăm nghìn người xem. Nhận ra giá trị của những Facebooker như vậy đối với vụ án của ông Long, tôi đã nhờ họ chia sẻ các bài báo tôi viết về vụ án để ý kiến được lan tỏa rộng rãi tới cộng đồng và các ban ngành. Những ý kiến đúng đắn xác đáng được lan tỏa rộng rãi đủ khả năng chống ngược lại với quán tính nhận thức quan liêu của những ai giữ quan điểm ông Long có tội.
Tất cả những điều đó đều đã góp phần tạo nên thành công cuối cùng giúp tử tù được minh oan. Việc minh oan cho ông Long có một phần công sức của nhiều người, những Facebooker và cộng đồng mạng xã hội. Những việc làm này đều đã được thực hiện một cách công khai và hàng vạn người đã thấy, chỉ tiếc rằng bản thân ông Long và gia đình ông đã không biết đến những việc làm này. Do vậy, tôi cần nhấn mạnh rằng thành công của việc minh oan cho tử tù Hàn Đức Long có sự đóng góp công sức của nhiều người, những người mến chuộng công lý, yêu lẽ phải và bênh vực người yếu thế. Có thể nói thành công minh oan trong vụ án này một phần là do các yếu tố pháp lý của vụ án, một phần khác lớn hơn là ở “cách làm” kêu oan đã tạo ra được hiệu quả.
Chuyên mục:Nhân vật - Sự kiện, Nhân vật, Sự kiện
Trả lời