Lời thưa: Kể ra thì hoài cổ và, hoài cố nhân là cảm xúc bừng cháy mỗi khi lật lại những trang thư cũ, những bản văn xưa, những văn kiện lịch sử…; Kể ra thì, mọi điều vẫn còn bỏng rát và lạnh căm căm như băng ngang sa mạc, hay bơi ngược dòng chảy siết để tìm lại cội nguồn. Trong rất nhiều tư liệu lưu giữ tại Hoa Đàm thư quán, tạp chí Chân Nguyên ra đời giữa thập niên 80, của Trung Tâm Chân Nguyên được xem như là cơ sở sinh hoạt của Thanh Niên Tăng Ni Việt Nam, mà sự đóng góp cho việc sâu chuỗi bền chặt giềng mối đạo pháp cũng như phát triển đoàn thể Tăng Già Hải ngoại, Hoa Kỳ không nhỏ. Nó còn là phương tiện quảng diễn pháp âm một cách hùng tráng, như một hiện pháp thân khác của Phật Giáo Việt Nam chung, và riêng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong những ngày bị phong tỏa, bức hại; kể ra thì, bản hoài thống hợp ngày nào của một thế hệ tăng nhân thanh niên thuở ấy nay nhiều vị đã đi vào cõi sinh diệt, nhiều vị đã qua tuổi thất thập, và những thế hệ mới đang tiếp nối, khi mò mẫn gõ từng con chữ trên phím, chợt như sờ chạm vào một vùng mênh mông, cháy bỏng và lạnh căm. Tìm đâu giữa biên địa nóng và lạnh đó, một vùng ấm cúng nếu không phải là những giọt lệ bồi hồi…
Cảm niệm Thầy Nguyên Tánh Phạm Công Thiện đã đỡ đầu để anh em Thanh niên Tăng ni buổi ấy như Thầy Viên Lý, Anh Tâm Quang Vĩnh Hảo, Tâm Huy Huỳnh Kim Quang… khai khẩn một mảnh vườn Chân Nguyên bát ngát, còn thơm hương tận hôm nay.
LÁ THƯ CHÂN NGUYÊN
Thưa bạn đọc,
Đất nước đang mỗi ngày một điêu lInh tang tóc, Đạo pháp đang cận kề bên hố thằm điệt vong!
Tất cả mọi giá trị đạo đức, luân lý, truyền thống văn hóa v.v… đều bị sụp đổ và băng hoại!
Vô số anh hùng dũng sĩ đã vị quốc vong thân, vô số dân lành đã lầm than thống khổ!
Và, hàng hàng lớp lớp tu sĩ, trí thức, học giả, tài năng đã và đang bị bức tử, tù đày, khảo tra, bách hại mà cụ thể: bản án tử hình của hai Đại Đức Tuệ Sỹ, Trí Siêu!
Với thảm trạng vô cùng đau thương và triền miên như thế Phật tử tỵ nạn chúng ta phải làm gì? Và, liệu chúng ta sẽ làm được gì nếu tình trạng Phật giáo lâu nay vẫn ở vào nguyên trạng?
Đã đến lúc mọi thành kiến cố chấp, mọi tật đố, bỉ thử, thị phi hoặc bằng cách này hay cách khác cần phải được chấm dứt, chấm dứt để thay vào đó sự cảm thông hợp tác, sự gắn bó sẻ san.
Hỡi toàn thể Phật t ty nạn chúng ta! Trước cảnh quốc phá gia vong và sự hy sinh dấn thân vô bờ của nhị vị Đại Đức chúng ta nghĩ sao và nghĩ gì?
Xin tất cả chúng ta hãy cùng nhau ngồi lại — ngồi lại để hành động cho một Việt Nam quang vinh trong một đạo Phật Bi Dũng và, cho sự sống còn của những anh hùng đã vì nước xả thân.
Phật giáo và dân tộc có được tiếp tục tồn tại hay không là tùy thuộc vào sự đoàn kết tranh đấu của chúng ta hôm nay.
Xin anh linh chư thánh tử đạo gia bị cho cuộc đấu tranh của chúng ta được tựu thành viên mãn.
CHÂN NGUYÊN
TỰ VẤN
Thích Viên Lý (1988)
Sự ngồi lại đích thực nhằm cứu vãn tình trạng phân hóa trầm trọng trong bối cảnh hiện hữu là một nhu cầu cấp thiết, có tính khẩn trọng, đang đòi hỏi mỗi người con Phật chúng ta phải không ngừng nỗ lực thực hiện — thực hiện trong thành khẩn, miên tục.
Nói đến sự ngồi lại là nói đến tinh thần ý thức trách nhiệm cao độ, là nói đến sự hy sinh dấn thân cao cả mà, cũng có nghĩa: nói đến tinh thần tự giác triệt để mà hẳn nhiên ai trong số chúng ta cũng có khả năng thành đạt; vì thế, khi đề cập đến vấn đề ngồi lại, lập tức chúng ta hình dung ra được cái thực tế phũ phàng mà người Việt ty nạn chúng ta đang phải đối diện. Vấn đề ở chỗ là liệu chúng ta có thừa dũng lực và đủ can đảm để làm một cuộc cách mạng toàn triệt hay không? Đó là một tra vấn hóc búa nhưng không phải không có đáp án.
Cuộc cách mạng như đã đề cập không gì khác hơn là cuộc cách mạng bản thân và tư tưởng mà từ lâu Phật Giáo thường nhắc nhớ qua một tên gọi khác: “Sự tu tập”.
“Cuộc cách mạng” hay “sự tu tập” đòi hỏi người thực hiện một tinh thần tự chủ cao độ, luôn kiên định và có một ý chí bền bỉ, minh mẫn. Chúng ta không thể kêu gọi tu tập khi mà chính bản thân chúng ta bê tha, trụy lạc, không tác phong, vô trách nhiệm, thiếu tự chủ và vô đạo đức. Chúng ta không thể kêu gọi cách mạng khi mà tự tâm chúng ta luôn cực đoan cố chấp, bè phái tông môn, địa phương, thủ cựu và ích kỷ. Thật khó mà thành tựu một kết quả hoàn mỹ khi hạt nhân được ươm không gì khác hơn là cái vỏ lép, là những lời kêu gọi rỗng tuếch có tính giả tạo, lừa lọc và mỵ ngữ.
Muốn có được kết quả tốt đẹp, điều kiện tiên quyết là tự thân và tâm của mỗi một cá thể phải thật sự thành khẩn; có tinh thần đoàn kết, xây dựng và phát triển thật sự. Tệ trạng ích kỷ, quá khích, cực đoan, chỉ biết có mình là những nguyên nhân đưa đến sự bế tắc, đỗ vỡ mà chung cục tất hữu là dẫn đến sự tự hủy, tự diệt. Phải gột rửa cho được những cá tính bất thiện làm ung thối và trở ngại công việc ngồi lại của tổ chức Phật Giáo chúng ta. Phải chấm dứt toàn diện mọi thái độ thù nghịch được bắt nguồn từ những bộ óc đầy vị kỷ, tự ngã.
Bằng mọi cách phải thiết lập bằng được sự tương giao rộng lớn giữa thế hệ và thế hệ, giữa ý hệ và ý hệ nhằm khai mở toàn vẹn cánh cửa cảm thông, hợp tác, chia xẻ và trách nhiệm trên mọi bình diện không phân biệt thân sơ già trẻ, địa phương tông phái và chủng loại.
Bao lâu chúng ta không nhìn ra được sự tương quan sinh tồn thì bấy lâu chúng ta vẫn sống trong lo âu, đố kỵ, thù nghịch, khủng cụ và bất an.
Mỗi người con Phật chúng ta trước hơn ai hết, phải là những nhân tố đích thực trong việc kết hợp được biểu thị qua những hành động cụ thể mà trong đó, mỗi một cá nhân, mỗi một đoàn thể đều hài hòa dung hợp và, thực sự chấp nhận lẫn nhau, đều nhìn nhận giá trị của nhau và, có tinh thần ái kính lẫn nhau. Chúng ta có tương kính, tương ái, có nhìn nhận giá trị của nhau, có đùm bọc chia sẻ với nhau thì chúng ta mới nói đến sự ngồi lại và mới cùng nhau thật sự ngồi lại.
Ngày nào chúng ta còn lo sợ, đố ky trước sự lớn mạnh và phát triển của những tổ chức, những giáo hội có cùng một mục đích, một lý tưởng là ngày đó chúng ta vẫn còn đang tiếp tục đào huyệt để tự chôn lấy mình.
Nhiều giáo hội, nhiều tổ chức, nhiều tự viện, nhiều đường lối tu tập, sinh hoạt khác nhau đã không phải là một điều đở. Cái dở ở chỗ là chúng ta đã không đủ rộng lượng để chấp nhận lẫn nhau, để tương trợ cho nhau. Chúng ta đã đánh mất sự đoàn kết cần thiết, quý báu trong giai đoạn hiện tại và như thế cũng có nghĩa: chúng ta đánh mất sự lãnh đạo; bởi lẽ lãnh đạo sẽ chẳng là gì khi mà tự nó đã không đại diện được cho sự đoàn kết cần có và không còn biểu trưng được cho tinh thần lục hòa cao trọng mà ngàn xưa tăng đoàn đã thưởng trực thực hiện.
Làm sao chúng ta có đủ thì giở để tu tập, để đối phó với những phần tử phá hoại Phật Giáo, lũng đoạn tổ chức khi mà hàng ngũ nội bộ chúng ta đang rã rời, phân hóa? Làm sao chúng ta có được giờ giấc an tịnh, tự tại để nghĩ đến sự uyển chuyển, linh động cần thiết hầu bắt kịp nhịp độ phát triển thần tốc của xã hội tây phương khi mà chúng ta đang loay hoay bận rộn với những chuyện thứ phụ? Làm sao chúng ta có thể hàn gắn — làm triển nở tình thân hữu, đạo hữu, pháp hữu đang khi chúng ta đang tìm cách loại bỏ lẫn nhau, bôi bẩn lẫn nhau và chống phá lẫn nhau?!!!
Một cách đau lòng, chúng ta đã cố tình giết chết những năng lực, hy hiến vô bờ với trọn vẹn nồng nàn cao quý bằng tất cả khối óc, con tim để rồi thấy gì? Hãy ngồi xuống, bình tâm và cẩn trọng suy nghiệm… Thấy gì? Chúng ta đã thấy gì? Có phải biết bao tài năng đã chán chường bỏ cuộc, biết bao hoài bão đã gãy đồ, dở dang và, biết bao tâm hồn đã gục đầu để nghe lòng thổn thức trong niềm cô đơn đến ngút ngàn buốt lạnh!…
Từ lâu, không phải không thấy. Thấy nhưng sợ mích lòng, không nói lên sự thật là một sự thật trong nhiều sự thật — một sự thật ắp đầy chua xót, buồn tủi nhưng không kém ray rứt, dày vò mà hầu hết chúng ta đang âm thầm chịu đựng.
Hãy thẳng thắn nhìn nhận, trực điện và ngồi lại để tìm lấy giải pháp.
Tại sao có sự khác nhau về phương cách hành hóa ở những nước có cùng một giáo lý, một tín ngưỡng? Đã bao giờ chúng ta ngồi xuống để tìm lấy giải pháp cho vấn đề?
Tựu trung, có nhiều việc cần làm, rất cần; nhưng, việc làm cần nhất, cấp thiết nhất, khẩn trọng nhất là việc làm ngồi lại (sự thống họp). Ngồi lại không nhất thiết đòi hỏi tất cả phải có cùng quan điểm, tổ chức hay tự viện. Chúng ta nghĩ sao về hiện trạng của tổ chức PGVN ở hải ngoại hiện nay? Đó là câu hỏi sau cùng còn rớt lại mà người viết muốn được nêu lên như là một tự vấn.
Chuyên mục:Báo Chí Phật Giáo, Nhân vật - Sự kiện, Nhân vật, Sự kiện
Trả lời