Nói đến chuyện thiếu ý thức của người Việt thì không có bút mực nào kể xiết. Ý thức cộng đồng của người Việt Nam rất kém, cực kỳ kém. Họ vô ý thức từ cái việc hay nói chuyện ồn ào nơi công cộng, không có ý thức tôn trọng người khác, làm phiền hàng xóm (nhất là ở những giờ khắc ngủ nghê thư giản), đến cái chuyện xả rác bừa bãi ngoài đường. Họ vô ý thức khi tham gia giao thông trên phố cho đến cái việc ỉa bậy, đái bậy nơi công cộng. Nơi cấm họp chợ thì là nơi chợ họp tự phát xô bồ. Khắp phố phường, bảng quảng cáo dán trái phép tràn lan. Nơi cấm đái, cấm đổ rác, cấm câu cá thì thiên hạ cứ thản nhiên câu cá, thản nhiên đổ rác, thản nhiên đái bậy. Có lần tôi vô tình thấy được mấy dòng chữ ‘Nơi đây chó đái’ sơn chồng lên mấy chữ ‘Cấm đái bậy’ trên một bức tường lem luốc tại Hà Nội. Thật đáo để! Có lẽ, một người nào đó vì quá bức xúc việc một số người kém ý thức lại còn ngoan cố nên đã ghi chồng lên dòng chữ ‘Nơi đây chó đái’ với hy vọng làm ‘thức tỉnh lương tri’ những người đã bị tê liệt dây thần kinh xấu hổ, vậy mà, tôi thấy nhiều người vẫn thản nhiên đứng đái. ‘Nghĩa tử là nghĩa tận’, chết là hết, là trở về với cát bụi. Trong văn hóa VN, người chết luôn được trân trọng, đám tang luôn được tổ chức đàng hoàng, chu đáo. Chỉ có điều, (đây là ý kiến của cá nhân tôi), ngoài việc ngăn chặn đốt, rải vàng mã, vì nó chỉ là tập tục, không có ý nghĩa tâm linh thiết thực mà còn gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến mỹ quang đô thị, chúng ta nên vận động người dân không nên lạm dụng tiếng kèn, tiếng trống hay những buổi hòa nhạc, kéo đờn cò, hát micro khóc than kể lễ thâu đêm suốt sáng, có lẽ chỉ nên tụng kinh vài lần trong ngày. Nói thật, mỗi lần trong khu phố có đám tang là hầu như cả xóm bị đau đầu vì mất ngủ. Tiếng ồn kinh khủng, mà nó có ý nghĩa gì thiết thực đối với vong hồn của người quá cố đâu, hay đó chỉ là một kiểu phô trương mang tính chất mê tín dị đoan cục bộ. Đám tang nên tổ chức gọn nhẹ một ngày rồi đem chôn hoặc hỏa táng, khuyến khích là nên chọn phương cách hỏa táng là phù hợp nhất trong thời đại văn minh, đất chật người thưa như hiện nay. Điều này còn tránh được việc gây ô nhiễm môi trường hoặc những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của cộng đồng.
Nơi cấm câu cá thì thiên hạ cứ thản nhiên câu cá, chài lưới. Tin tức đưa lên TV, đưa lên báo chí hàng ngày, có bản cấm bắt cá hẳn hoi, vậy mà, ngày này qua tháng nọ, sự việc lại đâu vào đấy. Điều lạ lùng là để khắc phục triệt để những chuyện như thế hoàn toàn không khó, như việc cho dân quân, công an hay cán bộ quản lý đô thị đi tuần thường xuyên, phát hiện thì lập tức lập biên bản, cảnh cáo, tịch thu phương tiện, nếu tái phạm có thể phạt tiền hoặc cho đi lao động công ích bắt buộc. Không chỉ câu trộm, ở nhiều nơi, trên các sông hồ, mương rạch, nhiều người vô ý thức còn đánh bắt bằng phương pháp giã cào, sử dụng cả dụng cụ chích điện, thuốc nổ, thuốc cá, v. v… để săn bắt thủy sản (Chính quyền địa phương đều biết, có người còn tận mắt chứng kiến nhưng chẳng có động thái nào để ngăn chặn). Ngoài việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ, giết chết thiên địch khiến cho sâu bọ ngày càng thêm sinh sôi, nguồn thủy sản mất dần đi do việc đánh bắt chúng theo cái kiểu tận diệt, vô ý thức (con lớn con bé gì cũng lấy), một ngày nào đó không xa, sông hồ tại Việt Nam sẽ không còn một con tôm, con cá để làm giống. (Có nhiều chuyện bất cập, khá đơn giản xảy ra trong xã hội gây bức xúc, làm nhức nhối dư luận một thời gian dài, người dân ai cũng biết, vậy mà các cơ quan chức năng lại không biết, và không xử lý được?!). “Nơi nào có bàn chân của người Việt bước qua là nơi đó sẽ trở nên hoang phế”, một người bạn của tôi cám cảnh dân tình đã thốt lên như thế. Tương tự như nạn săn bắt động vật hoang dã đến tận diệt cho đến chuyện phá rừng (đây là nguyên nhân chính khiến cho nhiều nơi trên cả nước phải gánh chịu những cơn thác lũ nghiêm trọng tràn về mỗi khi mùa mưa bão xảy đến, gây ra biết bao đau thương mất mát cho tiền của và sinh mạng của người dân); khai thác khoáng sản; phá núi (thắng cảnh) lấy đá phục vụ ngành xây dựng, chế biến xi-măng; xả chất thải độc hại ra môi trường, xác chết động vật như heo, chó, mèo, gà, vịt… không đem đi chôn mà thản nhiên quăng đại xuống sông, hồ, v. v… Nhiều người còn vì mê tín một cách mê muội, hồ đồ và sằng bậy khi cho rằng quăng xác động vật xuống sông, hồ là đem lại sự may mắn. Tượng ‘Nàng Tô Thị’ bị đập phá để lấy đá nun vôi. Quần thể núi non, hang động, một thắng cảnh nổi tiếng có từ lâu đời trong khu di tích văn hóa Chùa Trầm đã gần như bị san bằng. Và còn nữa, nhiều lắm, kể ra không xiết, như dây điện chằng chịt như mạng nhện, bản quảng cáo thì dán bừa bãi, tràn lan trên các tuyến phố không được khắc phục hay xử lý triệt để. Ông Trời ạ, hãy xuống đây mà xem người Việt Nam đã và đang làm gì với đất nước, với môi trường sống của họ.
“Cả một quả đồi ăm ắp tài nguyên bỗng bị đánh cắp theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, và tác giả của sự việc kỳ lạ này là những người không mang tên họ. Một trưa cuối tháng 5, giữa triền rừng núi nắng nóng quay quắt, tôi một thân một mình tìm đường vào ‘vùng đất lạ’ nằm trên địa phận khu Nhang Quê, xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Quá trình tìm đường khá giản đơn, bởi trên thực tế, ‘quả đồi bị đánh cắp’ nằm sát ngay ‘tỉnh lộ đau khổ’ 316, lồ lộ giữa đất trời, được ngụy trang vụng về bởi những đụn đất đỏ au cao vọi, lại càng thêm nổi bật trên nền rừng thưa xanh thẳm. Đưa tôi tiếp cận hiện trường là ông T. , người địa phương, chủ một tiệm tạp hóa nằm cách khu vực bị khai thác lậu không xa. Tuy vậy, tất cả những gì người đàn ông trung niên này có thể làm là đưa tôi đến thật gần rồi phóng xe đi. Trước đó, ông sợ sệt nói về nỗi sợ hãi mơ hồ, nếu những tố cáo tiêu cực bị phát lộ. Tôi thận trọng mang theo lời khuyên nhủ rồi dò dẫm tiến sâu vào bên trong khu đào xới giữa cái nắng rừng hầm hập phả ra từ khắp bốn phương tám hướng. Mặc dù mồ hôi vã ra như tắm, mắt mờ đi vì ánh nắng chói chang nhưng những gì tận mắt thấy vẫn khiến tôi buốt lạnh sống lưng, hoảng sợ như thể có một lưỡi dao lạnh băng xuyên tận tâm can, đau nhói. Trước mắt tôi, những vết bánh xe qua lại, vết đào bới, máy móc… đều còn rất mới. Tất cả dấu vết của một đại công trường khai thác khổng lồ như chỉ vừa được vội vã ngưng lại trước thời điểm tôi viếng thăm không lâu. Cả một quả đồi bạt ngàn bị tàn phá và đào xới không thương tiếc. Không một bóng xanh nào còn tồn tại. Trên nền đất đỏ, lác đác những vệt cao lanh trắng xóa còn vương vãi khắp nơi. ‘Những kẻ không mang tên họ’ – nói như cách người dân địa phương, đã không chỉ chặt sạch cây xanh, san bằng quả đồi mà còn múc sâu xuống dưới hàng chục mét, chạm đến cả mạch nước ngầm. Mạch nước đùng đục rỉ ra, trồi dần lên trên lớp cao lanh trắng, nhức nhối như một vết thương không thể ngưng chảy máu, im lìm giữa khoảng không đặc quánh tĩnh mịch. ‘Quả đồi bị đánh cắp’ đã hiện nguyên hình dưới chao chát nắng hè. Và tất nhiên, chẳng còn gì ngoài một màu au đỏ nóng nực.
Ai là ‘những người không mang tên họ’? Việc tận mắt chứng kiến một quả đồi bị tàn phá tan hoang đến mức gần như biến mất đã khiến tôi thêm tin tưởng vào những phản ánh của người dân địa phương là có cở sở. Trước khi tiến sâu vào bên trong khu vực khai thác, tôi cũng đã tận tai nghe những tiếng than vãn buồn bã, về sự bất lực trong việc bảo vệ chính những cánh rừng quê hương. “Tất nhiên là chúng tôi muốn bảo vệ rừng. Nhưng đất ấy đã được giao cho một người địa phương theo diện bảo vệ, canh tác 50 năm. Dưới đất ấy có cao lanh, nhiều lắm, nên họ để cho người ta vào làm càn. Đã thế, chính quyền địa phương chẳng ai can thiệp vào việc sai quấy này cả”, anh K. một người dân địa phương phản ánh bằng giọng bức xúc. Cũng theo lời những người bản xứ, đáng lẽ ra, họ vẫn sẽ cố chịu đựng, nếu việc khai thác lậu khoáng sản không phạm vào một sai lầm hết sức nghiêm trọng: Đào quá sâu xuống đất làm mất mạch nước ngầm của hàng chục hộ dân sống lân cận. “Cả một quả đồi đã bị biến mất như thế. Chúng tôi cũng không biết ai là người khai thác, nên truyền tai nhau rằng những kẻ cắp là ‘những người không mang tên họ’. Chúng lầm lũi đưa máy móc vào phá hết tất cả, rồi múc đất cao lanh lên bán. Chẳng ai có thể can ngăn. Mỗi ngày có nhiều chuyến xe chở khoáng sản chạy qua ngay trước cửa nhà khiến cung đường này lại càng bụi bặm”, anh K. cho biết thêm. Theo tính toán của người dân địa phương, đất cao lanh ở đây rất tốt dùng để làm men sứ, bán cho các đầu nậu ‘vứt đi’ cũng được từ 200. 000 – 400. 000 đồng/khối. Việc ‘đánh cắp’ cả quả đồi đầy khoáng sản đắt đỏ này có thể làm lợi cho ‘những kẻ không mang tên họ’ hàng trăm triệu đồng mỗi ngày. Thế nhưng một sự phi lý đến cùng cực, tưởng chừng ‘không thể tin nổi’ vẫn ngang nhiên diễn ra giữa ban ngày ban mặt mà không hề gặp bất cứ khó khăn nào. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Thạch Khoán Đinh Thái Học tỏ ra khá ngạc nhiên khi nghe những gì chúng tôi phản ánh. Cùng 1 cán bộ địa chính theo chân chúng tôi đến tận hiện trường vụ đào xới, ông Học trầm ngâm nhìn quả đồi bị đào trũng sâu xuống dưới nền đất. Tại đây, ông chỉ đạo cấp dưới tìm hiểu rõ thông tin chủ nhân của quả đồi rồi đồng thời thừa nhận những dấu vết đào bới này còn rất mới. Vị chủ tịch xã cũng cho hay, việc đào xới tại khu vực này đã xảy ra từ lâu. Những kẻ cắp cứ mỗi lần đào trộm 1 ít, rồi lại 1 ít nữa, nên chính quyền địa phương không thể xử lý được (?!). Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền xã Thạch Khoán cũng thông tin rằng, ngoài địa điểm trên, xã Thạch Khoán cũng còn một số điểm nóng khác. Cũng trao đổi về sự việc lạ lùng này, ông Nguyễn Hữu Tám (trưởng phòng TN – MT huyện Thanh Sơn) lại tỏ ra khá bức xúc. Ông đổ lỗi cho chính quyền xã Thạch Khoán không làm tròn trách nhiệm trong việc bảo vệ tài nguyên trên địa phương. Ông Tám khẳng định, ông là người có tâm với nghề, và rất nỗ lực trong việc bảo vệ tài nguyên nhưng vì cấp xã đã buông lỏng trách nhiệm, không báo cáo lên thì ông không thể biết được về tình trạng này. Do đó không thể làm gì hơn được. Để chứng minh cho lập luận của mình, ông Tám ngay lập tức kết nối điện thoại đến Chủ tịch xã Thạch Khoán để khiển trách vị Chủ tịch xã đã quá thờ ơ trước nhiệm vụ chung của địa phương. Khi được hỏi trách nhiệm của mình, vị trưởng phòng TN – MT huyện Thanh Sơn không trả lời ngay mà mang đến một văn bản đã ký bởi Chủ tịch tỉnh Phú Thọ, lật giở từng trang rồi cho biết: “Cái này là trách nhiệm chung của UBND huyện. ” Ông cũng nói thêm, do phía chính quyền xã không báo cáo kịp thời, nếu được thông tin ông sẽ xuống hiện trường kiểm tra ngay lập tức. Đồng thời, vị trưởng phòng TN – MT huyện cũng khẳng định sẽ xử lý quyết liệt tình trạng này. ”[1].
Đọc đến đây, tim tôi như nhói đau. Đây không chỉ là sự lưu manh, vô ý thức hay tánh tham lam nhất thời của một số người. Nói rõ ràng hơn, nó chính là sự phá hoại có chủ đích, có tổ chức, bởi những con người không có tim óc và lương tri. Và điều này đã dễ dàng xảy ra, giữa thanh thiên bạch nhật, bởi lẽ, trách nhiệm và vai trò quản lý của Chính quyền địa phương, của các cấp ban ngành liên quan đã bị buông lỏng. Vô trách nhiệm hay có tiêu cực?
“Sau kỳ nghỉ lễ, hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng VN trở nên nhếch nhác, thậm chí biến thành bãi rác khổng lồ. Tuy nhiên, tình trạng này không chỉ xảy ra vào các kỳ lễ hay Tết, mà chính là ‘căn bệnh’ của ngành du lịch trong nước tồn tại hàng chục năm qua. Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, kể rằng có lần đoàn khách đi từ sông lớn vào rạch nhỏ để tới nhà dân ở miền Tây, người lái xuồng phải dừng lại giữa chừng để gỡ bao ni lông và rác quấn vào chân vịt rồi mới có thể chạy tiếp. “Du lịch ở miền sông nước là du lịch sinh thái, nhưng rác nổi lềnh bềnh trên rạch. Người dân buôn bán trên các chợ nổi có thói quen chặt trái cây xong là vứt xuống sông, nhưng nguy hiểm hơn hết cho môi trường là bao ni lông vứt bừa bãi”, ông Huê chán nản.
Chợ nổi: trên tiêu, dưới tắm. Các điểm tham quan ở An Giang cũng có nhiều rác, như núi Sập (Thoại Sơn), núi Sam (Châu Đốc), núi Cấm… Trên đỉnh Bồ Hong cao nhất ở núi Cấm, rác thải không được dọn dẹp tràn lan, dù cảnh quan rất đẹp. Chợ nổi Cái Răng là điểm du lịch sông nước tiêu biểu của ĐBSCL, nhưng tại đây lại nhan nhản những cảnh tượng mất vệ sinh đến phản cảm. Cùng đoàn khách nước ngoài tới VN du lịch, 6 giờ sáng chúng tôi đến chợ nổi Cái Răng. Đang ngất ngây với cảnh buôn bán rộn ràng, thời tiết sông nước trong lành, bất chợt, anh bạn đi cùng tôi thảng thốt, chỉ tay về chiếc ghe lớn đậu phía trước. Một người đàn ông vô tư vệ sinh lộ thiên, phóng uế xuống sông. Cảnh tượng ‘ô uế’ diễn ra trước mắt đoàn khách du lịch phương Tây ngồi trên chiếc tàu 24 chỗ đang chậm rãi chạy ngang. Nhiều khách du lịch nhìn thấy nhưng không rõ chuyện gì cho tới khi người đàn ông đứng dậy kéo quần. Chị Hồng, người lái ghe chở du khách, nói: “Chuyện thường ngày mà. Dân ở đây mấy trăm hộ đều đi vệ sinh xuống sông như vậy cả!”. Đúng như lời chị Hồng, chiếc ghe chở chúng tôi xuôi dòng nước thêm khoảng 30 m, phía dưới ghe lớn, một người đang tắm, kỳ cọ thì ngay phía trên là một người đứng tiểu tiện xuống nước. Chị Hồng phân trần: “Lái đò dẫn khách sợ nhất là đi vào sáng sớm thế này. Vì từ 5 đến 6 giờ sáng là “cao điểm” người ta đi vệ sinh nên tụi tui phải ráng tránh mấy cảnh này, mà cứ tránh được ghe này thì lại dính ghe kia. ” Anh Lý Hữu Phúc, hướng dẫn viên của Công ty du lịch Mekong Eyes Cruise, cho biết người đưa đò và hướng dẫn viên phải vừa ‘né’ cảnh mất vệ sinh mà vừa phải ‘đánh lạc hướng’ khách. “Chúng tôi phải biết dẫn dắt sự chú ý của khách vào cảnh buôn bán, giao thương, trao đổi hàng hóa, những cây bẹo, ráng không để họ thấy cảnh người dân tiêu, tiểu trực tiếp xuống sông… Nhưng không thể tránh hết được”, anh chia sẻ. Theo ông Nguyễn Duy Minh, Giám đốc Trung tâm du lịch Q. Cái Răng, chuyện người dân đi vệ sinh xuống sông là một thực tế mà ngành du lịch quận đã nhận thấy từ lâu nhưng rất khó khăn để khắc phục. Trước đây, cũng có bố trí 1 nhà vệ sinh công cộng nhưng không hiệu quả, người dân không chịu chèo ghe đến nhà vệ sinh, trong khi chi phí cao nên sau đó đành dẹp.
Bịt mũi ở danh thắng. Tương tự, khu vực danh thắng vịnh Hạ Long có khoảng trên 1. 000 tàu, thuyền hoạt động và phần lớn xả chất thải xuống biển nhưng việc thu gom rác thải trên vịnh Hạ Long vẫn đang được xử lý thủ công. Nhân viên của Ban Quản lý vịnh Hạ Long chèo thuyền thu gom, với khoảng 2,5 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Đó là rác thải, còn chất thải lỏng từ tàu thuyền đưa đón khách tham quan, nhà hàng, khách sạn, nhà máy… xả ra vịnh thì chắc chắn không thể kiểm soát được. Chưa kể tình trạng ô nhiễm không khí trên vịnh, khi tàu thuyền hằng ngày di chuyển khắp nơi và xả một lượng lớn khói bụi. Tỉnh Quảng Ninh từng hợp tác với các cơ quan trong và ngoài nước nhằm hạn chế lượng khí thải gây ô nhiễm bằng cách khuyến khích các tàu sử dụng 5% lượng dầu diesel sinh học (pha với 95% dầu diesel thông thường) có thể giảm khoảng 30% lượng khí độc hại thải ra môi trường so với việc sử dụng 100% dầu diesel thông thường. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp hạn chế tình huống. Tương tự, ở Hội An (Quảng Nam) vào mùa khô hạn, đứng vài phút bên Chùa Cầu, du khách phải bịt mũi hoặc đeo khẩu trang vì nước thải bốc mùi hôi thối. Tình trạng nước thải chưa được qua xử lý chảy qua chân Chùa Cầu rồi xả thẳng ra sông Hoài diễn ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa giải quyết được. Người dân sinh sống cạnh địa điểm tham quan nổi tiếng này cho biết, chỉ cần bước vào mùa kiệt, mực nước sông Hoài xuống thấp khi đó mùi hôi thối bốc lên từ dòng kênh này càng trầm trọng. “Mỗi ngày, thông qua dòng kênh này, hàng trăm mét khối nước thải đổ ra sông Hoài. Cứ nhìn màu nước đen ngòm thì biết nó ô nhiễm đến cỡ nào. Mưa xuống còn đỡ, nắng lên mùi hôi tanh ám cả khu vực, không ai chịu nổi”, người đàn ông tên Hòa sống cạnh dòng kênh than vãn. Ông Lê Đại Quang, Tổ phó Tổ môi trường (Phòng TN-MT TP. Hội An), cho hay kênh Chùa Cầu trước đây không phải để thoát nước thải mà dùng để thoát nước mưa, tránh ngập úng từ Cẩm Hà về đến sông Hoài. Tuy nhiên, qua quá trình phát triển đô thị, các tuyến cống tại các phường: Tân An, Cẩm Phô, Minh An đều dẫn ra kênh. Nước thải sinh hoạt của hàng trăm hộ dân, của các khách sạn, nhà hàng… đều về hồ điều hòa, qua kênh Chùa Cầu rồi chảy xuống sông Hoài, với lượng nước hơn 1. 000 m3/ngày. Vì nước chưa qua xử lý nên trước đây nước khu vực này rất hôi. ”[2].
Lúc ở nước ngoài, khi tiếp xúc với người dân bản địa, tôi nhận thấy, những ai đã yêu thích Việt Nam thì họ tỏ ra rất nhiệt tình. Người không thích thì có những lý do tế nhị khiến cho họ dễ nghi ngại và mặc cảm. Những ai chuẩn bị đến VN du lịch thì khá hào hứng. Khi trở về nước, đa số đều khen phong cảnh nước ta đa dạng, xinh đẹp, nhưng chỉ có một số nhỏ nghĩ là có thể quay lại. Phần lớn thì e dè, khéo léo chống chế và tránh né. Mặc dù thiên nhiên xinh đẹp, nhưng hạ tầng yếu kém, dịch vụ bất cập, lạc hậu, vệ sinh môi trường nhếch nhác, ẩm thực đa dạng, ngon miệng nhưng không ít người đã nhập viện vì bị ngộ độc thực phẩm, một số khác bị sốc văn hóa, thẳng thừng cho biết chẳng bao giờ quay lại nước ta lần thứ 2.
Với tinh thần ‘cha chung không ai khóc’, ở bất cứ khoảng đất trống nào, nơi công cộng hay trong những khu dân cư, rác rưởi, xà bần cùng những thứ phế thải tạp nhạp được tập kết tràn lan. Lúc đầu có thể đó chỉ là vài bịch rác nhỏ do một vài người vô ý thức nào đó quăng ra, không ai quan tâm tới thì một thời gian ngắn sau, lập tức nơi này sẽ trở thành một đống rác to tướng. Cách đây nhiều năm, tôi có chứng kiến một việc, có thể nói là khá khôi hài, xảy ra tại Sài Gòn. Giữa một ngả tư sầm uất thuộc quận 5, xuất hiện một cái ổ gà nho nhỏ, ngày qua ngày, hai mùa mưa nắng, xe cộ qua lại đông đúc, cái ổ gà be bé ngày nào dần biến thành cái ổ voi khá to, Chính quyền làm ngơ. Vì xảy ra nhiều tai nạn nên vài người dân sống gần đó cho thợ xây lên một bức tường gạch cao khoảng 5 tất bao quanh. Kể từ đó, người đầu tiên vô ý thức quăng cái bịch rác vào, rồi kế tiếp sau đó, một cái ổ gà nho nhỏ dần biến thành cái hố chứa rác thật to. Sau này, không có dịp quay lại, tôi chẳng biết hiện giờ cái đống rác đó đã được các cơ quan chức năng di vời đi nơi khác chưa. Tại các ngôi chợ ven sông, rác rưởi, bao ni lông quăng đầy, chất thành đống dưới mé. Nơi công cộng trong thị trấn, tại các thành phố lớn ít khi thấy trang bị thùng rác, nếu có thì cũng ít được tận dụng. Ngược lại (và thật nghịch lý), tôi và một số người đã từng bất ngờ đến ngạc nhiên, ở vài vùng thôn quê, dọc 2 bên đường liên tỉnh, những cái thùng rác bằng nhựa màu xanh to đùng được xếp hàng ngay ngắn dày đặc 2 bên bờ cỏ, chạy dài cả mấy cây số. Tôi cũng từng nhiều lần chứng kiến cảnh người dân, ăn uống nhếch nhác ngoài đường, đứng chỉ cách thùng rác khoảng vài mét vậy mà họ không chịu khó đi đến thùng rác để bỏ rác mà cứ thản nhiên, ‘tiện đâu vứt đó’, quăng rác bừa bãi ra đường. Nhìn thấy vô cùng phản cảm.
Thác Damri là một danh thắng đẹp và hùng vĩ có tiếng thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng. Vì cải tạo, khai thác và quản lý một cách bất hợp lý và yếu kém của Chính quyền địa phương cùng với sự thiếu ý thức của phần đông du khách tham quan, thắng cảnh có một không hai này đang dần mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có của nó và đang xuống cấp nghiêm trọng (cùng với số phận của mấy cái thác khác ở Đà Lạt). Nằm giữa núi rừng hoang sơ, chỉ có cây cỏ và vách đá, Chính quyền nơi đây lại cho xây dựng một cái thang máy hiện đại, đứng sừng sững bên hông ngọn thác, ngay giữa lòng thiên nhiên xanh tươi, trong khi đó, đối diện bên kia vẫn có đường bậc thang để du khách có thể đi lên đi xuống ngắm nhìn thác nước. Khi đến đây, những người có chút hiểu biết đều cảm thấy chạnh lòng. Sao lại có những con người có cái đầu ấu trĩ đến như thế?!
Bạn tôi ở nước ngoài về, tánh bình dân và xề xòa như dân quê, ra đường ăn mặc đơn giản, vào cửa hàng thời trang tương đối có tiếng của thành phố, đi lòng vòng xem món này, thử món nọ, thấy vậy cô chủ cửa hàng đi tới bảo: “Hàng hóa ở đây toàn đồ xịn, đắt lắm, anh có đủ tiền mua không mà xem tới xem lui mãi thế, không mua thì biến đi để tôi bán. ” Anh bạn tôi sững sờ vài giây, và vì tánh hiền lành nên không nói gì mà bỏ đi. Cô chủ liền bảo cô giúp việc đem vàng mã ra sân đốt phong lông. Anh bạn tôi kể them: “Nói thật, sống ở nước ngoài mấy chục năm, tôi chưa gặp phải trường hợp như thế này bao giờ. Bên Tây, vào bất cứ cửa hàng nào, thử hàng chục, hàng trăm bộ đồ, cuối cùng có mua hay không là tùy khách, chủ hay nhân viên bán hàng luôn vui vẻ và niềm nở, hàng có mua rồi, sau một tuần, nếu không hài lòng vẫn có thể hoàn trả lại. ” Tại chợ Bến Thành ở Sài Gòn hay chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, nơi mà nhiều du khách nước ngoài đến tham quan mua sắm, tình trạng như trên xảy ra không phải là hiếm. Tại Sài Gòn và trong Nam nói chung, tình trạng này có lẽ đỡ hơn phần nào. Hà Nội ngàn năm văn vật, Hà Nội thanh lịch giờ đã là quá vãn. Do thời cuộc, những người có gốc Hà Nội xưa phần đông đã di cư vào Nam (vào năm 1954 và sau 1975), một số khác ra nước ngoài định cư. Những người từ khắp các tỉnh thành phía Bắc, có không ít người từ ‘cái nôi cách mạng’, đổ xô đến lập nghiệp, họ mang theo bên mình cả những cái ‘tham sân si’ của cuộc đời. Sài Gòn thì sao, cùng chung số phận. Người tứ xứ tràn đến, trong đó có không ít giang hồ đất Bắc. Do khôn khéo, có quan hệ tốt (thuộc thành phần ở gần mặt Trời) nên đa số những người miền ngoài vào đây đã dần ‘chiếm lĩnh thị trường’. Sài Gòn bây giờ đã quá xô bồ. Các vùng khác ở miền Nam như Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Tây Nguyên, v. v… cũng gần giống như thế.
“Sau hai tuần thăm thú Hà Nội, ấn tượng để lại cho anh bạn người Úc của tôi không phải là phở Bát Đàn, bún chả Hàng Mành, không phải Văn Miếu, Hồ Gươm, mà là chuyện nói tục, chửi bậy ở mọi lúc mọi nơi của người Hà Nội. Cuối năm ngoái, tôi có anh bạn thân từ hồi học ở bên Úc sang chơi. Trước khi sang, hắn đã lên mạng tìm hiểu, liệt kê các địa điểm nổi tiếng ở Hà Nội rồi nhờ tôi dẫn đi từng nơi một. Hồ Hoàn Kiếm, Chùa Một Cột, Văn Miếu, phố cổ,…cùng các món ăn không thể bỏ qua khi đến Việt Nam như phở, bún chả, bánh tôm Hồ Tây… Tôi cũng dẫn hắn đi khắp các ngõ ngách, uống bia cỏ, trà đá chém gió… Cố gắng để hắn cảm nhận hết được những nét đặc trưng văn hóa của Hà Nội. Trước khi hắn trở về nước, tôi hỏi hắn là “Mày có hài lòng về chuyến thăm thú Việt Nam này không”. Hắn bảo công nhận Việt Nam nhiều cảnh đẹp, hoang sơ (ngoài Hà Nội hắn còn tự đi Sa Pa và Hạ Long), món ăn phong phú, đậm đà. Hắn ấn tượng nhất là món bún đậu, lần đầu tiên hắn ăn nhưng không hề thấy sợ mùi mắm tôm. Tôi lại hỏi tiếp “Thế mày thấy con gái Việt Nam thế nào”. Hắn bảo “Rất xinh và duyên dáng nhưng…”, hắn hơi ngập ngừng một chút rồi bảo “nhưng nói tục kinh quá”. Lúc này tôi mới há hốc mồm nhớ ra hồi học bên Úc, đã có lần hắn bắt tôi dạy hết các câu nói tục, tiếng lóng của người Việt để “Nhỡ mày có chửi tao thì tao còn biết”. Không ngờ hắn vẫn nhớ. Tôi ngượng quá, chả biết nói thế nào đành tìm cách nói lái sang chuyện khác. Đến khi đưa hắn ra sân bay, lúc chào nhau lên máy bay rồi, hắn vẫn bảo “Đ. M ở Việt Nam có phải đã trở thành ngôn ngữ phổ biến rồi không?”. Chắc có lẽ hắn vừa nghe được tiếng chửi của ông taxi ở trước sảnh. Quả thực, trong tất cả những địa điểm tôi dẫn ông bạn Úc đi tham quan, ở đâu cũng thấy người ta văng tục. Từ sân bay, Bờ Hồ, quán cà phê, quán bún ốc, …Đặc biệt có buổi tối ngồi trà đá ở phố Nhà Thờ, bên cạnh là một nhóm 3 cô gái rất thanh tú nhưng khi trò chuyện thì ôi thôi, văng tục đến đấng nam nhi như tôi cũng phải đỏ mặt. Thế mà các em nói cứ hồn nhiên, bình thản như không, cái kiểu nói trôi chảy, đã quen miệng lắm rồi. Lúc đó tôi cứ nghĩ ông bạn Úc nghe chắc không hiểu gì nên kệ. Một lần khác đang đi qua đường, đèn dừng cho người đi bộ qua, có cô gái đi xe tay ga, mặc váy thướt tha xinh đẹp lắm nhưng vượt đèn đỏ, chút nữa đâm vào ông bạn tôi, đã không xin lỗi, cái miệng xinh đẹp của em còn tương luôn câu “Đ. M thằng Tây” rồi phóng thẳng… ”[3].
Từ khi nhóm người di tản ra đi từ miền Bắc cùng với không ít người hợp tác lao động (đa số cũng là dân miền Bắc) chạy sang từ các nước Đông Âu (sau khi Đông Âu có biến động) đến định cư tại các quốc gia phương Tây, Cộng đồng của người Việt tại các nơi này bắt đầu có những thay đổi đáng kể. Nhiều lần tiếp xúc tôi phải giật mình, đỏ mặt, tím tai. Đa số những người này dữ dằn và chửi thề, chửi tục ghê quá, đặc biệt là phụ nữ. Họ lập thành những băng đảng lấy tên gọi theo từng địa danh quê hương, như: băng Nghệ An, băng Thanh Hóa, băng Hải Phòng, băng Quảng Ninh, băng Hà Nội, v. v… Các băng đảng này tổ chức trộm cắp (thuộc dạng siêu hạng), buôn lậu thuốc lá, quần áo, gái gú, ma túy, v. v… Họ cũng tổ chức cả việc đưa người vượt biên, nhập cảnh trái phép. Thỉnh thoảng trên báo đài có đưa thông tin các băng nhóm tranh giành địa bàn bắn giết nhau ghê rợn. Cũng tại một nước thuộc Đông Âu cũ, nhiều năm về trước, truyền hình quốc gia đưa tin khắp Âu Châu một sự kiện gây chấn động. Một người Việt đã lén lút mở lò giết mổ chó để cung cấp thịt cầy cho đồng hương.
Chuyện đổ bể do có người khai báo. Ai xem cũng sững sờ. Mọi người đều biết, đối với dân phương Tây, nhiều khi, họ quý con chó hơn con người.
Chửi thề, chửi tục (không liên quan tới trường hợp kể chuyện vui, theo kiểu tục giảng thanh) lây lan như dịch là một hiện tượng xã hội, phát sinh từ sự bất cập, thiếu đúng đắn của nền giáo dục, đồng thời nó còn là phương cách để người ta giải tỏa những ức chế, những sự bất mãn bị dồn nén nhiều năm, đó cũng là thái độ phẫn nộ, phản ứng với cái xấu, với những mê loạn và bất công của xã hội.
“Không mua thì xéo, hàng bà toàn đồ tươi ngon, mới sáng ra đã gặp con dở người. Thật tức chết đi được”, bà chủ hàng thịt chợ Phùng Khoang, Hà Nội vừa mắng và cầm dao chém vía người phụ nữ đi chiếc xe đạp cũ. Những người buôn bán ở khu chợ này đều biết tính người đàn bà ngoại ngũ tuần bán hàng thịt. Bà chủ hàng nổi tiếng chanh chua từng ném cả bộ lòng gà vào mặt người mua hàng khi cô này kì kèo muốn bà bán rẻ cho 5. 000 đồng.
Anh Dương làm tại văn phòng luật sư tại Tp. HCM than thở chuyện đi ăn phở ở Hà Nội. Sau khi ngồi chờ 15 phút chưa thấy phở bưng ra, anh thắc mắc thì được nhân viên trả lời cụt lủn: “Chờ tẹo, quán đông khách. ” 10 phút sau, nhân viên mới bê tô phở ra. Chẳng nói chẳng rằng, cô nhân viên đặt uỵch bát phở xuống bàn rồi quay đi. “Không chanh, không ớt, không dấm, tôi gọi với nhân viên hỏi chỉ nhận được một câu vọng ra từ trong bếp ‘đợi chút’”, anh Dương nói. Lần này, anh tự đứng lên đi lấy đồ ăn vì không thể chờ thêm 10 phút nữa mới có đủ gia vị. Rồi, đến khâu thanh toán tiền, anh Dương lại chuốc thêm bực mình nữa. Bát phở của anh giá 25. 000 đồng, không có tiền lẻ, anh rút ra tờ 500. 000 đồng. Vừa trả tiền thừa, chủ quán vừa lẩm bẩm: “Lần sau nói trước, không có tiền lẻ thì đừng tới đây ăn”. Anh Dương ngớ người, tức nghẹn lên cổ nhưng không biết phản ứng thế nào. “Ăn được một bát phở bổ béo đâu chưa thấy mà chỉ biết mua được cả đống cái bực mình. Đúng là không phải lúc nào khách hàng cũng là thượng đế”, anh nhận xét.
Giống như tâm lý của đông đảo người tiêu dùng khác, sau khi rời khỏi quán phở, anh Dương cũng tự thề với mình là sẽ không bao giờ quay lại đây nữa. ”[4]. Trong một xã hội chưa được văn minh như VN thì cái chuyện xem ‘khách hàng là thượng đế’ là chuyện quá xa vời, chúng ta còn phải học hỏi nhiều. Không phải chỉ ở các quán ăn như trường hợp anh Dương gặp phải mà khắp mọi nơi, tại các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước hay các công ty tư nhân, khách hàng vẫn thường xuyên bị đối xử thiếu tôn trọng. Mà khách hàng VN thì nhiêu khê và ‘đa dạng’ lắm, 10 người 11 ý không phải cái nào cũng hợp lý nên không biết đâu mà chiều.
Nói thật, mỗi lần bước chân ra đường là tôi có cảm giác như mình đang bị ức chế. Sợ ăn uống, sợ chạy xe, sợ đủ thứ… Không hiểu luật giao thông được dạy như thế nào mà xe cộ thì chạy loạn xạ (chẳng chú ý gì đến việc ai ưu tiên, ai không ưu tiên); phóng nhanh, vượt ẩu; tạt đầu xe vô lối; qua mặt hay quẹo phải quẹo trái không xin đường, không xi-nhan; vô tư dừng đỗ xe bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào (dừng xe đột ngột hoặc đậu, đỗ xe ngay giữa lòng lề đường); không bao giờ nhìn trước ngó sau (2 con mắt để làm gì không biết?). Rồi chuyện chạy vào đường cấm; đường một chiều; leo lề; vượt đèn đỏ (đặc biệt người lớn và những em học sinh các trường tiểu học, trung học đạp xe đạp đi học, đi làm, có lẽ những người này cho rằng đạp xe đạp trên đường không có liên quan gì đến luật lệ giao thông); nẹt bô, rồ ga (cả những lúc đêm khuya xóm làng đang yên giấc); nói chuyện hay bấm điện thoại khi lái xe (dừng xe lại chừng vài giây để bấm máy thì có… chết ai đâu); đi ngang về tắt (đi bộ hoặc lái xe trên bãi cỏ, băng ngang dải phân cách); khạc nhổ nước miếng (nước bọt) bừa bãi vào mặt người lái xe phía sau; đi nghênh ngang giữa đường, mình bóp còi nhiều lần vẫn không tránh mà cái mặt thì không quay lại nhìn mà cư trơ ra như đá, v. v… thì gần như ngày nào cũng gặp. Lưu thông trên đường phố bằng phương tiện xe 4 bánh thì việc thắt dây an toàn đúng cách là rất cần thiết. Nhờ có dây an toàn nên khi tai nạn xảy ra, nhiều người đã giữ được mạng sống. Tôi thấy đa số người Việt khi gặp CSGT thường chỉ choàng sơ qua cổ dây đay an toàn với mục đích để đối phó. Tại các điểm có kẻ vạch dành cho người đi bộ, ở bên Tây, khi thấy có người vừa bước xuống vạch kẻ này, các loại xe lập tức dừng lại ngay để nhường đường cho người đi bộ, ở nước ta, chẳng những không nhường, nhiều người còn lạng lách, đâm sầm vô khách bộ hành, đôi khi những kẻ vô ý thức còn chửi bới thậm tệ. Nhiều bậc cha mẹ chở con nhỏ trên xe, họ chẳng quan tâm gì đến sự an toàn cho con em của họ. Nhiều đứa trẻ ngồi trên xe mà như đánh đu với thần chết, nhìn thấy mà nổi da gà. Ở nước ngoài, xem nhẹ mạng sống của trẻ con như thế này có ngày đi tù. Vào mùa mưa, nhiều con đường bị ngập nước, khi qua mặt, nhiều người ‘vô tư’ cho xe chạy với tốc độ cao, nhất là các xe loại lớn như xe tải, xe ben…, nước bắn tung té, ướt hết cả áo quần, họ lại tiếp tục ‘vô tư’ nhe răng ra cười… đểu. Có lần xe vừa chạy đến gần ngã tư, đèn giao thông đang có tín hiệu màu xanh, nhưng tôi thấy mọi người đều dừng lại, tôi ngạc nhiên rồi dáo dác tìm hiểu thì thấy, ngay lúc đó ở phía bên kia đường, hai anh công an đang đứng quan sát. Lần khác, buổi trưa đường vắng, tôi chạy xe tới ngã tư, đèn đang có tín hiệu đỏ, tôi dừng xe lại đứng chờ, không lâu sau, một chiếc xe máy khác chạy tới, anh thanh niên lái xe vượt đèn đỏ, vừa chạy qua chỗ tôi, anh ta quay mặt lại nhìn, có vẽ rất khó chịu rồi phán ra một câu hằn học: “Không có công an, đường vắng không có xe mà đứng chờ đèn đỏ, đồ điên!”. Tôi mà cãi lại thì coi chừng bị ăn đòn. Vâng, đã vài lần tôi suýt bị ăn đòn cũng tại cái tánh hay bất bình khi thấy có kẻ vênh váo, chạy xe không đúng luật, sắp gây tai nạn cho người khác mà còn lớn tiếng hống hách, xem trời bằng vung. Nhiều lúc, nhìn cái mặt ngu si, trâng tráo của những phần tử ‘thiếu văn hóa ứng xử’ như thế này, tôi chỉ muốn tống ngay một quả đấm vào mặt cho hả cơn giận. Một số người có thói quen cho xe vượt lên thật xa rồi mới chịu dừng lại chờ đèn đỏ (qua khỏi cột đèn giao thông để tranh thủ chạy trước nên không thể nhìn thấy được đèn tín hiệu). Vì thế, khi đèn xanh bật lên thì những người lái xe phía sau phải thi nhau bấm còi. Tại ngả 3, ngả 4, đèn tín hiệu giao thông chưa kịp chuyển qua màu xanh thì đoàn xe đã lấn tới, bên kia, đèn vàng chuẩn bị chuyển sang màu đỏ mà vẫn cố vượt lên, như vậy, tông nhau hay làm tắc đường là chuyện thường tình. Và khi đường bị ùn ứ thì mạnh ai nấy chạy, lấn chỗ này, chen chỗ kia, chẳng ai chịu nhường ai, rồi cứ thế, mọi người bị kẹt cứng. Tài xế xe tải, xe ben, xe buýt, xe taxi, xe khách, v. v… (đa số là dân thiếu ý thức, ngoài ra, họ còn chịu nhiều áp lực của chủ, của thời gian, của công việc) chạy xe bạt mạng, xem mạng sống của con người chẳng ra gì. Nhiều kẻ ra đường cứ nghênh ngang như chốn không người, họ làm như con đường đó là của riêng họ, mọi người khác phải biến, phải tránh xa. Họ chen lấn, giành giật từng mét đường rồi chạy lạng lách, bạt mạng như đang bị ma đuổi. Họ đâm chỗ này, tạt qua chỗ kia, nhiều khi muốn đâm sầm vô người đi bộ (đang được ưu tiên đèn xanh để băng qua lộ). Những tài xế xe buýt, xe khách, xe tải, xe ben, xe bồn, xe container, v. v… phần đông là những người có trình độ văn hóa hạn chế nên vấn đề ý thức và tác phong ứng xử còn thấp kém, họ rất dã man và vô trách nhiệm với cả mạng sống của con người. Ngày 7/5/2015, hai chiếc xe khách giường nằm ở Trà Vinh đua nhau giành đường, giành khách với tốc độ 110 km và 121 km/giờ, trên tuyến đường chỉ được phép chạy tối đa 80 km/h, gây ra tai nạn thảm khốc, 4 người chết tại chỗ, 2 người nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Cách đây không lâu, tại An Giang, xe tải chạy ẩu tông vào xe máy khiến cho người phụ nữ mang thai chết thãm tại chỗ, con trai bị văng ra khỏi bụng mẹ bị cán đứt lìa 1 chân, người cha cũng bị cưa mất một chân khi vào cấp cứu tại bệnh viện. “Sáng 20/6, Công an huyện Ba Tơ bắt giữ Lê Trần Thanh Bình (29 tuổi) về hành vi vi phạm qui định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng. Trung tá Phạm Văn Roi, Đội trưởng CSGT Công an huyện Ba Tơ cho biết, chiều 19/6, Bình lái xe tải chở gỗ dăm chạy từ Khu kinh tế Dung Quất về huyện vùng cao này với tốc độ rất nhanh trên quốc lộ 24. Đến đoạn qua xã Ba Động, ôtô này lấn đường, tông trực diện vào xe máy của anh Lê Văn Diệp (36 tuổi) chở vợ cùng hai con. Xe tải tiếp tục kéo lê các nạn nhân hơn chục mét khiến 4 người tử vong. “Xe tải này của nhà máy chế biến dăm gỗ Dung Quất. Sau khi gây tai nạn, tài xế Bình đã bỏ trốn khỏi hiện trường”, trung tá Roi nói. Thời gian gần đây nhiều xe tải chở gỗ dăm chạy nhanh, vượt ẩu khiến mạt gỗ bay đầy trên quốc lộ 24, gây nguy hiểm tính mạng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. ”[5]. Những tài xế này có thể vô trách nhiệm và dã man đến thế là cùng. Đối với họ, rõ ràng đây là tội cố sát. Riêng với các doanh nghiệp chỉ nghĩ tới lợi nhuận riêng tư bất chấp sự an toàn tính mạng của người khác cũng phải quy trách nhiệm liên quan, phạt thật nặng để răn đe thiên hạ. Ra đường, các loại xe, đặc biệt là xe 4 bánh, chạy bạt mạng, các tài xế thông đồng ra dấu cho nhau để đối phó, khi sắp tới trạm kiểm soát của CSGT thì cho xe giảm tốc độ, qua trạm là ngay lập tức tăng tốc để bù lại ‘thời gian đã mất’. Điều bất cập này đã tồn tại hàng chục năm, thành một thông lệ tồi tệ nhưng có lẽ chúng ta còn phải tiếp tục cam chịu, các bộ ngành liên quan không ‘bỏ phí’ thời gian để tìm biện pháp khắc phục. Một số không nhỏ trong thành phần lái xe có chủ là những kẻ có thế lực hoặc là quan chức của các cơ quan công quyền, vì nghĩ mình chạy xe loại lớn lại có người bảo kê (khi có chuyện trục trặc sẽ được bảo lãnh) nên họ không còn sợ gì cả, ra đường cứ nghĩ mình là hung thần, là con của ông Trời. Những kẻ có hành động sai trái nhưng không tự giác để điều chỉnh bản thân cho tốt hơn, trái lại, khi được nhắc nhở, giáo dục, họ không tiếp thu mà đôi khi còn tìm cách bao biện, chống chế hay chống đối lại. Đề cập đến tai nạn giao thông, không thể không phần nào nhắc đến trách nhiệm của các cơ quan đăng kiểm. Xe hoặc các phương tiện giao thông không đủ chất lượng hoặc không đủ yêu cầu về kỷ thuật nhưng chỉ cần chung chi đầy đủ cho cán bộ đăng kiểm là có thể được xác nhận cho qua, như vậy những chiếc xe này khi lưu thông trên đường luôn có nguy cơ gây ra tai nạn chết người. Đi ngoài đường, tôi thường xuyên chứng kiến cảnh rác rưởi, đồ phế thải, kể cả võ trái dừa tươi hay một bịch chất thải nôn mửa, phân trẻ con từ các xe du lịch, xe khách, những kẻ vô ý thức thản nhiên quăng đại xuống đường, trên những tuyến phố khang trang, xe cộ tấp nập qua lại. Trên cùng một tuyến đường liên tỉnh, 2 bên đường lưa thưa nhà dân và cây cối xum xuê, một khoảng đường dài không có gì khác biệt, xe đang được phép chạy với vận tốc 80 km/h, sau khoảng vài trăm mét, đột ngột xuất hiện cái bảng chỉ dẫn cho phép chạy 40 km/h. Đến gần chợ, cạnh dốc cầu, nơi người dân qua lại đông đúc, bỗng dưng xe được phép tăng tốc lên 80 km/h (bảng chỉ dẫn 40 km/h hết giá trị). Qua lại nhiều lần trên tuyến đường này, tôi luôn bị ức chế, rồi tự nghĩ, tại sao Chính quyền địa phương, nơi chịu trách nhiệm quản lý cầu đường lại có thể đặt ra qui định quá ấu trĩ như thế, trong một thời gian dài mà không nhìn thấy được sự bất cập và phi lý. Khắp nơi trên 3 miền đất nước đều có những cái bất bình thường như tại những tuyến đường, đúng ra, xe có thể chạy 60 hoặc 70 km/h, nhưng bản chỉ dẫn chỉ cho phép chạy 40 km/h, có nơi, vận tốc đột ngột hạ xuống còn 20 hay 30 km/h, xe đang chạy ngon trớn bỗng dưng ghì chậm lại như xe bò chở đầy lúa. Tình trạng này đã tồn tại trong nhiều năm, người dân bức xúc nhưng chẳng ai quan tâm để điều chỉnh cho phù hợp. Bản hiệu, đèn giao thông trong các khu phố, trên những giao lộ được tổ chức, lắp đặt, điều khiển tùy tiện, thiếu khoa học nên rất bất hợp lý. Nó góp phần làm cho tình trạng giao thông càng thêm hỗn loạn. Mọi điều bất cập được ghi nhận ở trên bắt nguồn từ sự vô trách nhiệm hay bởi vì ngu dốt?
Nói đến tai nạn giao thông, có lần vào thăm người nhà nằm trong Khoa Ngoại thần kinh, bệnh viện Chợ Rẫy, nhìn thấy cảnh bệnh nhân, đa số bị chấn thương sọ não, đầu mình tay chân băng bó chằng chịt, có người đang hôn mê, có kẻ thì rên xiết, nằm la liệt khắp nơi, chen chúc nhau một khoảng không gian chật hẹp ngoài hành lang, về đến nhà, tôi có cảm giác như chẳng còn thiết tha hay ham muốn làm bất cứ chuyện gì.
Những cảnh chen lấn hàng, xô đẩy, giành giật, dẫm đạp nhau trong lúc mua vé, trong những sự kiện, những lễ hội như Khai ấn đền Trần, rồi chuyện hái hoa trong công viên, ngắt hoa Đào trong lễ hội Hoa Anh Đào, trèo hàng rào vô tắm miễn phí hay cảnh khiếm nhã giữa thanh thiên bạch nhật của đám thanh thiếu niên manh động tại Công viên nước ở Hà Nội. Sau mỗi sự kiện tụ họp vui chơi đông người thì chắc chắn rằng, tại hiện trường (bãi biển, công viên, đường sá…), rác rưởi, vật phế thải ngập tràn khắp nơi giống như một bãi chiến trường, v. v… đã thể hiện đầy đủ cái lỗ hổng về văn hóa ứng xử, về sự thiếu ý thức, thiếu lòng tự trọng trong cái tạp nham của cái nền đạo đức dân tộc què quặt. Vài lần di chuyển bằng đường hàng không sang Âu Châu, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh đáng hổ thẹn. Trong lúc chờ đợi để làm thủ tục nhập cảnh, mọi người, trong đó đa số là dân Tây, số còn lại là người Việt, xếp hàng ngay ngắn trên 2 lối đi song hành với nhau. Đến khúc cua, hàng bên phải chuyển hướng vì quầy hải quan ở gần đó nhất. Từ hàng bên trái, một ông Việt Nam đứng phía sau tôi, tự nhiên nhảy phóc lên, xô đẩy người đứng kế cạnh rồi nhào nhanh qua hàng bên phải, chen lấn vài người rồi một lúc sau, ngang nhiên đi đến quầy trình sổ hộ chiếu. Lúc đó, nhiều người Tây đứng cạnh bên ngơ ngác trố mắt nhìn, nhìn tới nhìn lui và thoáng đưa mắt nhìn tôi tỏ vẽ bất bình nhưng hơi nhếch mép cười ái ngại, rồi quay sang nói với nhau những câu mỉa mai mà tôi có thể hiểu được họ đang ám chỉ điều gì. Nói thật, trong lúc đó, tôi cảm thấy xấu hổ đến muốn độn thổ. Mới đây, thông tin cô ca sĩ nổi tiếng Lệ Quyên cho con tè vào túi nôn trên máy bay thuộc hãng Hàng không Việt Nam khiến mọi người ‘bẽ bàng’. Tôi không còn đủ can đảm để viết thêm bất cứ điều gì vào đây. Một người hoạt động trong ngành văn hóa, nhưng hành động của cô ca sĩ này vô cùng thiếu văn hóa. Tôi không hiểu, lúc làm như thế, trong đầu cô ca sĩ này đang nghĩ gì? Vậy mà, vẫn có người lên mạng bao biện cho cái việc thương con ngu xuẩn và vô lối đầy cảm tính của mình. Người Việt chúng ta sao lại có thể thiếu văn minh, vô ý thức và thô tục đến vậy? Đi trên máy bay, tôi đã thường xuyên chứng kiến một số hành khách VN vô ý thức, mặc dù đã được thông báo nhiều lần, họ vẫn thản nhiên nói chuyện điện thoại hoặc hút thuốc. Nhiều người nói to hay cưng chiều con thái quá để mặc con la hét, khóc lóc, chạy nhảy hay ngồi không đúng vị trí, không đúng qui định, chẳng quan tâm tới những người hành khách chung quanh. Khi được tiếp viên nhắc nhở, một số người còn lớn tiếng trả treo, cự cãi. Khi máy bay vừa hạ cánh, đang còn chạy trên đường băng, và mặc dù được yêu cầu vẫn giữ thắt dây an toàn, đa số người Việt vẫn đứng lên, đi tới đi lui nháo nhào mở khoang lấy hành lý. Một hình ảnh đáng hỗ thẹn và không đẹp tí nào trong mắt những người ngoại quốc.
Trong xã hội Việt Nam ngày nay, có lắm trường hợp, nhiều chuyện xảy ra không theo một logic nào cả, nó ngược đời và vô cùng nghịch lý. Những việc cần được cải tổ, mở rộng để dân được hưởng tự do, dân chủ và sự thông thoáng, rất có lợi cho tiến bộ xã hội và sự phát triển của đất nước thì bị xiết chặt hoặc bị kiểm soát gắt gao, những cái cần được quản lý nghiêm chỉnh và chặt chẽ thì bị buông lỏng một cách xô bồ, bất hợp lý và vô tổ chức. Vài thí dụ điển hình: Một người bị nạn trên đường cần được sự giúp đỡ tận tình và kịp thời, do nhiều lý do, trong đó có sự vô cảm, có tâm lý sợ bị liên lụy, thì bị bỏ mặt, làm ngơ (đến bệnh viện thì phải chi tiền trước mới được cấp cứu?!). Trong khi đó, vì tính hiếu kỳ, tò mò, vì tâm lý đám đông, nhiều người dừng xe, chen lấn để được xem một sự kiện khác thường nào đó đang xảy ra trên đường phố, mặc cho việc đi lại của người khác bị ngăn chặn, tắc nghẽn. Một thí dụ khác: Lúc lưu thông trên đường, chiếc xe có gắn thiết bị đèn xi-nhan hay đôi mắt để nhìn trước ngó sau khi qua mặt hoặc thông báo việc chuyển hướng, hai việc rất cần thiết này lại không được sử dụng một cách hợp lý. Cái cần hạn chế lạm dụng là cái kèn (còi) thì bấm vô tội vạ, nhiều loại xe tải lớn, xe bồn, xe container cứ vô tư bấm còi hơi khiến cho người đi đường cạnh bên phải nhiều phen giật mình khiếp vía. Thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp sử dụng còi hơi vô tội vạ gây tai nạn chết người, điển hình là chuyện một người mẹ chở con nhỏ bằng xe máy, cũng vì tiếng còi hơi đinh tai nhức óc làm giật mình thắng gấp đã khiến cho đứa con bé nhỏ bị văng ra phía trước, đập đầu xuống đường tử vong tại chỗ.
Chạy xe trên quốc lộ hay trên đường cao tốc, nhiều bác tài vô ý thức, tuyến đường được phép chạy 80 hoặc 100 km/giờ, nhưng họ cứ chạy chậm cỡ 60 hoặc 80 km/giờ. Họ chạy chậm nhưng không chịu chạy trong làn đường bên trong (bên phải) nhường xe khác chạy nhanh hơn có đủ khoảng trống để qua mặt. Họ chạy không đúng làn đường, không đúng tốc độ nhưng mình ra hiệu xin qua mặt thì lại không cho. Ngu và lỳ không chịu được.
Có lẽ vì bị ức chế nhiều quá khi hằng ngày phải tham gia giao thông, đã 3 lần, tại 3 nơi khác nhau (có một sự trùng hợp rất ngẫu nhiên), tôi đã nghe 3 anh xe ôm phát biểu cùng một câu hi hữu: “Người Việt mình vừa ngu vừa lỳ. ” Nghe xong, tôi cảm thấy hơi bất ngờ, ngẫm lại một lát thấy cũng có lý. Một người chạy xe ôm, có lẽ trình độ học vấn, hiểu biết của họ có giới hạn nhưng lại phát biểu được một câu thật sâu sắc và chân thành đến thế, nghĩ cũng lạ. “Người Việt Nam vừa ngu vừa lỳ, vừa quê mùa, vừa dốt nát. ” Ngu thì ngu tận mạng, lỳ thì như bị đì ngàn năm. ‘Ngu mà lỳ, âm mà trì khó đào tạo’. Lỳ lợm đến phát sợ, mặt cứ trơ ra như đá. Đầu óc thì lúc nào cũng ‘kiên cố’ như những bức tường bê tông. Đối với tất cả mọi sự bất cập trong xã hội, ta không thể cứ trông cậy vào ý thức tự giác của người dân khi mà lương tâm và đạo đức của con người đã xuống cấp nghiêm trọng. Lỳ và ngoan cố nhưng không có những biện pháp quản lý, tuyên truyền, giáo dục, chấn chỉnh hay chế tài, hình phạt hợp lý, thích đáng và mạnh mẽ, quyết liệt thì, ông Trời ạ, xã hội sớm lụn bại mất. Hơn nửa đời người, trải bao thăng trầm, với một ít kinh nghiệm sống cùng với vốn kiến thức tạm gọi là ‘cũng được’, tôi đã rút ra được một bài học để đời, ít nhất là cho riêng mình, đó là, để nghiên cứu và tìm hiểu con người VN, đặc biệt là đối với người nước ngoài, chúng ta không cần tốn quá nhiều thời gian, công sức cho việc điều tra hay tìm kiếm tài liệu trong sách vở, tốt nhất bạn hãy ra đường hoặc đến thăm, đi tham quan mọi ngóch nghách trong các khu buôn bán, họp chợ của người Việt, nơi đó phản ánh thật nhất, đúng nhất cái bản chất xô bồ, nhếch nhác và vô ý thức của con người Việt Nam. Người VN thiếu ý thức, không những thiếu ý thức cá nhân mà còn rất thiếu ý thức và vô trách nhiệm với cộng đồng. Khi chứng kiến những sự bất cập, yếu kém, sai trái cùng những hành vi xấu xí và tồi tệ của đám đông, đa số người Việt có khuynh hướng tránh né, (do sợ bị liên lụy hay những lý do tiêu cực khác), thường tỏ ra dửng dưng hoặc đồng lòng thỏa hiệp với cái xấu. Họ tìm cách để thích nghi với hoàn cảnh, chấp nhận thực tế như một sự hiển nhiên, ít khi bày tỏ thái độ và vì thế chẳng bao giờ có ý nghĩ hoặc nỗ lực tìm cách điều chỉnh, khắc phục và cải thiện thực tại cho tốt đẹp hơn. Họ thường bảo: “Người VN là vậy mà, xã hội VN là vậy, mình có làm được gì đâu mà nói, nói nhiều còn mang họa vào thân”. Với cái tư duy thụ động theo kiểu ‘không phải chuyện của tôi, miễn bàn’ sẽ khiến cho đất nước này không bao giờ có thể tiến bộ được. Những người bạn tâm huyết của tôi thì bảo: “Dù có phải sống cô độc 1 mình nhưng tôi luôn có nguyên tắc, luôn có thái độ sống dứt khoát, không hùa, không làm theo những điều sai trái, những cái xấu xa mà đám đông đang ‘vô tư’ cuốn vào, đồng thời sẽ phản ứng mạnh mẽ những điều mà mình cho là quá phi lý. Đám đông là thói đời, mà cái đám đông ngu dốt và thiếu văn hóa như thế thì, xin lỗi, ta có thể linh động, mềm mỏng dung hòa phần nào, nhưng đến chết cũng không để cho mình bị đánh mất chính mình, trộn lẫn hay bị hòa tan vào những thứ hổ lốn đó được”. Tóm lại, Việt Nam chưa có văn hóa đô thị, chưa có những con người thành thị đúng nghĩa. Cộng thêm đó, khoảng gần 80% người dân sống ở nông thôn, trong quá trình đô thị hóa, một số nhỏ chuyển dần ra phố thị sinh sống, trong thành phần này, không ít người vẫn còn là những anh/chị ‘nông dân thành thị’, với đầy đủ ‘phong cách’ và những đặc thù cố hữu. Có lẽ đúng thế, với cái trình độ dân trí thấp kém thuộc dạng đứng gần chót bảng danh sách thế giới, cộng với cái ý thức thô thiển, một nền văn hóa (ứng xử) chệnh choạng, và một bản chất bảo thủ điển hình, khó, rất khó để đất nước này, dân tộc này có thể ngóc đầu lên được, sánh vai cùng với cường quốc năm Châu bốn biển.
_____________________________
[1] Báo mạng Vietnamnet, số ra ngày 09/06/2015, có đăng bài “Ly kỳ quả đồi “đẻ” trăm triệu mỗi ngày “biến mất” ở Phú Thọ” (Theo tri thức trẻ).
[2] Báo Thanh Niên, số ra ngày 04 và 06/05/2015, có đăng 3 bài báo do các tác giả Đ.Tuyển – H.Sơn – T.Tâm, G.Bình – T.Q.Nam – N.T.Tâm biên soạn.
[3] Báo mạng Vietnamnet, số ra ngày 24/06/2015, tác giả Minh Trí.
[4] Trên một tờ báo mạng, tác giả Phan Linh Anh ghi lại.
[5] Báo mạng Vnexpress, số ra ngày 20/06/2015, tác giả Trí Tín.
Chuyên mục:Xã hội
Trả lời