GS Nguyễn Văn Tuấn: Đọc “Sống Với Chữ” của Nguyễn Hưng Quốc

(Bài của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn)

Tôi rất hân hạnh giới thiệu đến các bạn cuốn sách ‘Sống với chữ’ của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc. Theo tôi, đây là một trong những cuốn sách hay nhứt về tiếng Việt và viết văn Việt.

‘Sống với chữ’ thật ra đã được xuất bản lần đầu vào năm 2004, nhưng tôi chưa có dịp đọc lúc đó. Mười bảy năm sau, trong lần tái bản này, sách đã có thêm nhiều bài mới và tôi may mắn đọc được. Trong mùa ‘lockdown’ này, ai cũng có thì giờ đọc sách một cách thanh thản để cảm nhận, và dưới đây là những gì tôi có thể chia sẻ cùng các bạn về ‘Sống với chữ’.

Nội dung sách được chia làm 2 phần: phần đầu bàn về tiếng Việt, và phần hai viết về những nhà văn hay tác gia nổi tiếng như Phan Khôi, Mai Thảo, Võ Phiến, Võ Đình, Lê Thành Nhơn, Phạm Công Thiện, và Nguyễn Xuân Hoàng. Tôi thích cả hai phần. Tác giả là một nhà phê bình tinh tế, đưa ra những nhận xét làm cho người đọc cảm nhận được cái đẹp của tiếng Việt và cái hay của những người lao động chữ nghĩa. Đọc bài nào trong sách cũng thấy mình học được một điều mới, không chỉ mới mà còn thú vị, và nhứt là cách diễn giải cũng lạ và thách thức người đọc.

Đa số chúng ta (người Việt) viết và nói tiếng Việt một cách gần như mặc định. Chúng ta thốt ra những câu nói hay viết ra những chữ một cách tự nhiên. Chúng ta ít khi nào phân tích cái đẹp, cái hay, hay cái dở của con chữ. Tác giả nói rất đúng là chúng ta ít khi nào có một cuốn từ điển tiếng Việt trong tủ sách để tham khảo, có lẽ vì chúng ta nghĩ đã quá rành với tiếng Việt.

Chính vì sự chủ quan mặc định đó mà đa số chúng ta viết tiếng Việt không hay, nói tiếng Việt càng có nhiều vấn đề. Các bạn chỉ cần đọc những bài luận văn của học sinh, sinh viên sẽ thấy họ dùng chữ khá tuỳ tiện, còn cấu trúc câu văn đều có vấn đề. Ngay cả đọc những người người cầm quyền cao nhứt trong nước (hay những kẻ viết diễn văn cho họ) cũng có vấn đề về tiếng Việt: câu văn dài dòng, câu văn ‘đong đưa’, phi logic, dùng chữ sai, và có khi vô nghĩa. Đó là chưa nói đến những cách sáng chế ra những cách nói kì cục (theo tôi) như ‘điều khiển phương tiện giao thông’, ‘di chuyển’, hay đổi ý nghĩa của động từ (như ‘liên hệ’ thay cho ‘liên lạc’). Có thể nói không ngoa rằng chúng ta đang góp phần làm cho tiếng Việt nghèo nàn hơn.

Nhưng để viết tiếng Việt đúng, chúng ta cần phải hiểu nghĩa của chữ. Và, trong thực tế thì nghĩa của chữ Việt có khi không đơn giản chút nào. Trong bài ‘Tiếng Việt, dễ mà khó’, tác giả chỉ ra một sự phân biệt làm tôi giật mình: ‘nín thinh’ và ‘làm thinh’:
“‘Nín thinh’ là kiềm giữ tiếng động lại, là im lặng. Thế nhưng ‘làm thinh’ lại không có nghĩa là gây nên tiếng động mà lại có nghĩa là… im lặng. […] Trần Quốc Vượng xem đó như là một trong những biểu hiện của Phật tính trong ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam: ‘nín’ và ‘làm’ y như nhau; có và không y như nhau; ấm và lạnh cũng y như nhau (áo ấm và áo lạnh là một!); ‘đánh bại’ và ‘đánh thắng’ y như nhau. Quả là một thứ tiếng ‘sắc sắc không không’, nói theo ngôn ngữ Phật giáo, hay ‘huyền đồng’, nói theo ngôn ngữ của Trang Tử.”

Một phân biệt thật tinh tế!

Bài viết về ‘sờ’ và ‘rờ’ cũng là một lí giải hay về sự khác biệt giữa 2 chữ này. Điều thú vị là các từ điển tiếng Việt vào thế kỉ 17 và 19 chỉ có chữ ‘rờ’, chớ không có chữ ‘sờ’.

Ở Việt Nam ngày nay, người ta có những cách dùng chữ rất … ngộ. Ví dụ như người ta hay dùng chữ ‘mình’ để chỉ người đối diện. Có lần tôi sốc khi cô tiếp viên hỏi tôi ‘Mình đi với ai’, và anh tài xế taxi hỏi ‘Mình đi đâu ạ?’ Hồi nào đến giờ tôi chỉ biết ‘mình’ là cách xưng hô vợ chồng trong nhà, là ‘tôi’, có ngờ đâu ngày nay người ta sáng chế ra cách nói ngược đời như trên. Trong ‘Sống với chữ’, Nguyễn Hưng Quốc có cách lí giải khác về chữ ‘mình’ như sau:
“Một lúc nào đó, tôi chợt khám phá ra chữ ‘mình’ ấy chứa đựng trong nó cả một triết lý về tình yêu của người Việt. Chứ còn gì nữa? Chúng ta đều hiểu ý nghĩa đầu tiên của chữ ‘mình’ là bộ phận chính của thân thể. Trong những giờ vạn vật đầu tiên thời tiểu học, chúng ta đã học là thân thể người ta gồm ba phần: đầu, mình và chân tay. ‘Mình’, chiếm từ cổ xuống mông, là bộ phận lớn nhất của cơ thể, do đó, được đồng nhất với cơ thể: Nói ‘mình đầy mồ hôi’ cũng là nói ‘cơ thể đầy mồ hôi’. Là toàn bộ cơ thể, ‘mình’ biến thành ‘tôi’, ngôi thứ nhất số ít. Yêu nhau, khi hai biến thành một, người ta cho cái ‘mình’ ấy cho người mình yêu: ‘mình’ biến thành ’em’ hay ‘anh’, ngôi thứ hai số ít. Nhưng khi sự phân biệt giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai biến mất, khi ‘mình với ta tuy hai mà một’, ‘mình’ tự động biến thành ‘chúng ta’, ngôi thứ nhất số nhiều.”

Chỉ một chữ ‘mình’ mà tác giả phân tích chi tiết như thế. Những phân tích tinh tế như thế còn thấy nhiều trong các bài viết khác. Chẳng hạn như bài ‘Cuộc đảo chánh trong một chữ’ làm tôi tò mò. Tại sao là ‘đảo chánh’? Đặt tựa đề giật gân? Hoá ra, đây là một bài luận rất hay về sự phân biệt giữa ‘con’ và ‘cái’ trong tiếng Việt. Bắt đầu bằng câu ca dao ‘Con cò mà đi ăn đêm’, tác giả dẫn dắt người đọc một cách điêu luyện qua những cách nói ‘cái cò’, ‘cái vạc’, ‘cái nông’. Tác giả chỉ ra rằng ‘con’ và ‘cái’ trong tiếng Việt là loại từ phân loại (classifier):
“… với hai chức năng chính là nhằm chỉ đơn vị tự nhiên của sự vật và nhằm cá thể hoá sự vật ấy. Với chức năng thứ nhất, ‘cái’ đứng trước những danh từ chỉ vật vô sinh như cái bàn, cái ghế, cái nhà, cái xe, v.v.; trong khi chữ ‘con’ lại đứng trước những danh từ chỉ vật hữu sinh như con mèo, con chó, con gà, con vịt, v.v. Với chức năng thứ hai, ‘cái’ hay ‘con’ có tác dụng làm cho ý nghĩa của sự vật phía sau trở thành cụ thể.”

Chữ ‘cái’ ngày xưa có lẽ có nghĩa là ‘mẹ’ (như ‘con dại, cái man’) vì xã hội Việt Nam thời xưa chủ yếu là xã hội mẫu hệ. Nhưng sự đảo chánh chữ ‘cái’ xảy ra khi Nho giáo được truyền vào Việt Nam và nó có một ý nghĩa tiêu cực. Ngày xưa, ‘cái’ là mẹ, nhưng sau này ‘cái’ là con (‘con cái’) hay còn có nghĩa chê trách (‘Chém cha cái số hoa đào’). Tác giả nhận xét rằng “‘Hồng nhan’ là một từ đẹp, nhưng khi đi liền sau chữ ‘cái’ nó lại biến thành một sự bẽ bàng.” Chỉ một chữ ‘con’ và ‘cái’ mà chúng ta biết được nhiều hơn về quá trình tiến hoá của ý nghĩa. Thật thú vị!

Trong bài ‘Tiếng Việt: mày, tao, mi tớ …’ tác giả phân tích tác động về cách xưng hô ’em’ và ‘tôi’ của người con gái nói với bạn trai, hay của người vợ nói với người chồng rất thú vị. Tác giả viết:
“Nghe chữ ‘tôi’ từ miệng một người vốn thường xưng ’em’ với mình, người ta dễ có cảm tưởng như bị hạ bệ hay bị phản bội. Cảm giác ‘đổ vỡ’ không chừng xuất phát từ đó. Cảm giác ấy càng rõ hơn khi vợ chồng cãi nhau. […] Cứ phải xưng ’em’ là lại thấy bị ép. Bèn đổi thành ‘tôi’ cho… ngang cơ. Chồng, chưa cần biết vợ nói đúng hay sai, chỉ cần nghe chữ ‘tôi’ bất bình thường ấy, đã đùng đùng nổi giận, có cảm giác là vợ mình… hỗn láo, đòi đảo chánh… mình. Tôi tuyệt đối chống lại mọi hình thức bạo hành, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, nhưng tôi tin là tôi hiểu được lý do gì đã thúc đẩy nhiều gã đàn ông, trong những trường hợp như thế, đã không tự kìm chế được, phải vung tay lên: cái hắn muốn đánh, trước hết, là chữ. Chữ, chứ không phải là người.”

Một bài tương đối ngắn nhưng làm tôi bị lôi cuốn theo là ‘Kinh nghiệm viết văn’. Tôi phải thú nhận trước là mình không giỏi môn văn, và càng dở trong viết lách. Viết lách? Hai chữ đó chúng ta thốt ra rất bình thường, ấy vậy mà đằng sau đó là cả một trải nghiệm và tác giả đã phân tích hết sức thú vị. Đọc bài này chúng ta mới thấm thía nỗi khổ của những người cầm bút Việt Nam, họ vừa viết nhưng cũng vừa lách. Lách ở đây có nghĩa là tránh né những điều mà tôi tạm gọi là kị huý hoặc cấm kị đối với những kẻ có quyền đương cuộc. Chính vì phải ‘lách’ khi viết nên giới cầm bút ở Việt Nam (hay người Việt nói chung) không giữ được sĩ khí. Tác giả trích một phát biểu chua chát của Nhà văn Nguyễn Minh Châu:
“Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn.”

Nhà văn trứ danh Nguyễn Tuân thì nói với đàn em trong nước mắt lã chã: ‘Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!’

Nhưng chúng ta đừng vội chửi rủa chế độ đã làm cho giới văn nghệ sĩ phải sợ và mất sĩ khí. Tác giả cho biết ngay cả thời xa xưa, những tác giả lừng danh như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Thuyên, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, v.v. cũng biết sợ và phải lách. Chuyện kể rằng khi vua Tự Đức đọc câu thơ ‘Dọc ngang nào biết trên đầu có ai’, ông đòi lôi cổ tác giả (Nguyễn Du) ra để đánh đòn!

Mà, không phải chỉ ở Việt Nam mới có viết và lách, giới cầm bút ở phương Tây cũng có thói quen này nhưng họ có cái sợ khác ta. Tác giả trích dẫn nhận định của Harold Bloom trong cuốn ‘The Anxiety of Influence: A Theory of Poetry’ để cho thấy người viết lúc nào cũng bị ám ảnh về những tiền nhân, họ muốn thoát khỏi cái bóng của người đi trước. Họ do đó vừa viết, vừa lách. Và, ở Việt Nam cũng vậy, người làm thơ lục bát cố gắng thoát khỏi cái bóng của Nguyễn Du và Nguyễn Bính, làm thơ tự do thì phải tìm cách ‘lách’ Thanh Tâm Tuyền, viết truyện thì phải lách khỏi cái bóng của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nhất Linh, Thạch Lam, v.v. Lách ở đây có nghĩa là tìm cách thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của tiền nhân.

Một nhận xét hơi bất ngờ là lách cũng là một sáng tạo! Để tránh khuôn sáo, người viết phải lách, và qua đó sáng tạo ngôn ngữ trong văn chương. Do đó, bên cạnh những tác động tiêu cực, lách cũng có tác động tích cực vì nó buộc người viết phải sáng tạo.

Tôi thấy chính tác giả cũng là người viết và… lách. Trong Lời nói đầu, tác giả cho biết quyển sách này là kết quả của những suy nghĩ ‘bâng quơ’ của một người phê bình văn học chớ không hẳn là của một nhà ngôn ngữ học.

Những bài viết về các nhà văn hay tác gia nổi tiếng cũng hay. Hay vì tác giả cung cấp nhiều dữ liệu mà tôi đoán là ít người biết được. Hay là những nhận xét (cũng có thể xem là ‘phát hiện’) của tác giả. Chẳng hạn như viết về Võ Đình, tác giả ví von rằng đọc văn của ông như cảm giác … tắm suối. Tắm suối chúng ta thấy nước mát, tinh khiết, nhưng cũng rời rợn. Văn của Võ Đình cũng vậy: những câu chữ tươi mát, sống động, nhưng người đọc cảm thấy rờn rợn.

Tác giả dành đến 2 bài để viết về Võ Phiến, một nhà văn mà tôi từng thú nhận với các bạn là tôi rất ngưỡng phục. Tôi có một chút kỉ niệm cá nhân: Ba tôi và Dượng Út tôi lúc sanh tiền cũng hay nhắc đến Võ Phiến như là một văn tài đặc biệt, vì ông là dân … Bình Định (tức nguyên quán Ba tôi). Ông (Võ Phiến) là người từng theo Việt Minh, nhưng sau này bỏ về thành và trở thành một trong những tác giả quan trọng nhứt của nền văn học miền Nam (và cả Việt Nam). Ông có nhiều tác phẩm hay nhứt trong nền văn học Việt Nam (dù có lẽ các quan văn ở Việt Nam hiện nay không biết hay không muốn ghi nhận điều này).

Võ Phiến cũng là người viết và … lách. Ông né những danh hiệu như ‘nhà phê bình’, ‘nhà nghiên cứu’, ‘nhà biên khảo’. Ông tự mô tả mình bằng một cách nói dân dã: ‘không phải nhà phê bình gì ráo’. Ông chỉ tự nhận mình là người ‘không có một chút vốn kiến thức chuyên môn’ và ‘lâu lâu mới có dịp rón rét ghé mắt nhìn vào công việc gian nan của các học giả’. Thế nhưng người ‘không có một chút vốn kiến thức chuyên môn’ đó lại có những nhận xét tinh tế tuyệt vời mà các nhà biên khảo hàn lâm khó có được. Đọc những dòng tuỳ bút ông viết về nước mắm, về cái võng, tôi phải nói là … ‘phê’. Ông viết tuỳ bút như là một nhà khoa học, khác với những người như Nguyễn Tuân và Vũ Bằng viết ‘tuỳ bút tâm tình’.

Có lẽ tôi nên có đôi dòng để các bạn biết một chút về tác giả để các bạn biết hơn về ông. Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc, tên thật là Nguyễn Ngọc Tuấn, người thuộc vùng địa linh nhân kiệt Quảng Nam, nay là một đồng hương của tôi ở Úc. Tôi gọi là ‘Anh’, vì cùng thế hệ với tôi. Anh là một ‘fellow’ danh dự của Đại học Victoria (Melbourne), và phụ trách môn tiếng Việt và văn học Việt Nam. Anh cho biết còn dạy cả môn Chiến tranh Việt Nam và Văn hoá Việt Nam nữa. Nhiều khi tôi thấy ngậm ngùi, vì cái chức danh fellow đó, theo tôi, quá khiêm tốn so với thành tích [nói theo tiếng Anh là] ‘prolific’ của anh. Anh là tác giả của 20 tác phẩm về văn học Việt Nam trong thời gian trên dưới 30 năm qua. Anh đóng góp rất nhiều bài phê bình văn học trên các tạp chí văn học ở hải ngoại (như Văn, Văn Học, Hợp Lưu, v.v.), và chính anh cũng từng sáng lập và làm chủ bút tạp chí văn học ‘Việt’.

Nguyễn Hưng Quốc có một vị thế khá độc đáo trong giới phê bình văn học Việt Nam: học văn trong nước trước và sau 1975, và làm nghiên cứu văn học Việt Nam ở nước ngoài. Vì vậy, anh có cơ hội tiếp xúc với các dòng lí thuyết văn học phương Tây, và ứng dụng vào phê bình văn học Việt Nam. Thêm vào đó, anh đọc nhiều và uyên bác, cùng với cách viết gãy gọn, anh có thể truyền đạt những lí thuyết phực tạp cho người ‘bình dân’ có thể hiểu được. Tôi và các bạn hay nói với nhau rằng Nguyễn Hưng Quốc là một trong những nhà phê bình văn học hay nhứt hiện nay.

Nguyễn Hưng Quốc có cách viết trong sáng và khoa học, rất giống với văn phong của các học giả phương Tây. Nhưng là người Việt, anh ấy viết còn có văn phong rất đậm chất Việt: tình tự. Bàng bạt trong quyển sách này (và nhiều quyển khác), tác giả phân tích từ ngữ và ý nghĩa từ ngữ dựa trên lí thuyết tâm lí và ngữ học phương Tây. Nhưng cách anh ấy viết thì rất tình cảm. Dù sống trong một xã hội phương Tây xa quê hương, nhưng lúc nào anh ấy cũng trăn trở về quê hương, cũng yêu tiếng Việt: ‘Sống với chữ, ai mà chẳng chìm đắm, có lúc triền miên, trong những nỗi niềm bâng qươ như thế nhỉ?’ Chính cái chất trong sáng – khoa học và tình tự đó tạo cho anh một chỗ đứng khác với các đồng nghiệp trong nước. Khoa học làm cho anh không sa đà vào cảm tính. Tình tự giúp anh có cách viết gần gũi với người Việt.

Tác giả viết văn tình tự, nhưng không cảm tính. Bạn đọc sẽ không tìm thấy những câu văn khen ngợi tiếng Việt kiểu sáo ngữ như ‘đậm đà bản sắc dân tộc’, hay những mệnh đề vô nghĩa kiểu ‘Tiếng Việt thâm thuý’. Ngay cả đọc những bài viết về Võ Phiến hay Mai Thảo, tác giả không có những lời khen thậm xưng hay những ví von hoa ngữ như chúng ta hay thấy ở các tác giả trong nước.

Tôi chú ý thấy tác giả hay dùng dấu hai chấm để làm ngắn câu văn. Chẳng hạn như cách viết ‘Rượu: không thiếu. Rượu ngon: cũng không thiếu’ được dùng rất nhiều trong sách. Cách viết đó nó không chỉ giải thích, mà còn mang tính chắc nịch và dứt khoát. Thỉnh thoảng, tôi bắt gặp vài mệnh đề thú vị, chẳng hạn như tác giả mô tả Mai Thảo là người có ‘cái vốn triệu phú về thơ’, một cách ví von sống động.

Đọc cuốn sách nào tôi cũng cố tìm một điểm yếu để góp ý. Nhưng khổ nỗi, đọc ‘Sống với chữ’ tôi chỉ thấy những cái hay. Một trong những điểm hay của cuốn sách là bảng tra cứu những ‘từ khoá’ (keywords), một phần rất thiếu trong các sách xuất bản bằng tiếng Việt. Nếu có một góp ý, tôi nghĩ phần viết về ‘Mày, tao, mi tớ’ có thể mở rộng ra và đối chiếu với các xưng hô của người Trung Hoa. Tôi nghĩ bài ‘Kinh nghiệm viết văn’ có thể đối chiếu với những tác phẩm của Steven Pinker thì sẽ thú vị hơn nữa. Tôi cũng muốn thêm là phần viết về chuyện học và dạy văn ở Úc có thể làm thành một bài báo khoa học với những phân tích định lượng để giới học thuật phương Tây hiểu tốt hơn về tiếng Việt.
Tóm lại, ‘Sống với chữ’ của Nguyễn Hưng Quốc là một cuốn sách hay về tiếng Việt và viết văn bằng tiếng Việt. Dù tác giả chỉ nhận đó là một kết quả của những suy nghĩ ‘bâng quơ’, nhưng tôi tin rằng các bạn sẽ học được nhiều điều hay từ những suy nghĩ ‘bâng quơ’ đó. Gấp lại cuốn sách, tôi vẫn còn ngẩn ngơ chất vấn trình độ tiếng Việt của mình, và tự nhủ mình cần nên cẩn thận hơn nữa về sử dụng chữ Việt trong tương lai, nhưng tôi cũng thầm cám ơn tác giả đã giúp tôi hiểu hơn về tiếng Việt. Và, tôi tin rằng các bạn cũng có cảm giác như tôi sau khi đọc ‘Sống với chữ’.

Bản trong blog: https://nguyenvantuan.info/…/doc-song-voi-chu-cua…

‘Sống với chữ’ (312 trang) của tác giả Nguyễn Hưng Quốc,
Nhà xuất bản Lotus Media, 2021.
Có bán trên amazon.com, với giá bán 17 USD.


Chuyên mục:Văn Chương

Thẻ:,

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.