Trần Trung Đạo: Lý Luận Thoát Trung | 4 Điều Kiện Tiền Đề Để Thoát Trung

Trong diễn văn đọc tại Seattle tối 22 tháng 9, 2015, Tập Cận Bình phát biểu: “Không có cái gì gọi là ‘Bẫy Thucydides’ trong thế giới cả. Nhưng nếu các cường quốc tiếp tục phạm phải các sai lầm chiến lược, họ tạo ra bẫy cho chính họ.” Nói vậy chứng tỏ khái niệm “Bẫy Thucydides” đã in sâu vào suy nghĩ của họ Tập.

“Bẫy Thucydides” phát xuất từ câu nói của sử gia Thucydides (460 BC-400 BC) rút ra sau khi nghiên cứu và hoàn thành bộ sử Lịch sử Chiến tranh Peloponnesian (History of The Peloponnesian).

Nguyên văn câu nói của Thucydides: “Sự trỗi dậy của Athens và nỗi lo lắng được lan truyền mạnh ở Sparta sẽ làm cho chiến tranh không thể nào tránh khỏi.” (It was the rise of Athens and the fear that this inspired in Sparta that made war inevitable.)[1]

Đề án “Thucydides’s Trap” tại Harvard Kennedy School tổng kết 16 xung đột xảy ra trong lịch sử thế giới. Trong số đó chỉ có 3 xung đột là tránh được chiến tranh và 13 xung đột khác đã dẫn tới chiến tranh. Nói một cách dễ hiểu lãnh đạo của các quốc gia trong 13 cuộc chiến đó đã rơi vào “bẫy Thucydides”. Thế Chiến Thứ Nhất và Thế Chiến thứ Hai là hai trường hợp rơi vào bẫy đẫm máu nhất.

Áp dụng vào quan hệ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Cộng, câu nói của Thucydides có thể viết lại cho thích hợp: “Sự trỗi dậy của Trung Cộng và nỗi lo lắng được lan truyền mạnh tại Mỹ sẽ làm chiến tranh Mỹ-Trung không thể nào tránh khỏi.”

Phân tích của người viết dựa trên cơ sở chiến tranh là một chọn lựa không tránh khỏi giữa Trung Cộng (TC) và phe đồng minh dân chủ do Mỹ lãnh đạo trong tương lai.
_____________________

[1]   Thucydides 431 BC, THE HISTORY OF THE PELOPONNESIAN WAR. Translated by Richard Crawley

 

LÝ LUẬN THOÁT TRUNG | Tác giả: Trần Trung Đạo
http://www.trantrungdao.com
Cổ Loa ấn hành, 2021 | ISBN: 978-1-0880-1050-1

 

Bốn Điều Kiện Tiền Đề
Để Thoát Trung

 

1. Việt Nam phải có dân chủ và dân chủ trước khi TC sụp đổ.

“Thoát Trung” và “Thoát Cộng” là hai nhiệm vụ lịch sử của những người Việt quan tâm đến vận nước và phải được tiến hành song song và  linh động.

Phương cách “thoát Trung” và “thoát Cộng” mà hai đảng CS, CSTQ và CSVN, lo ngại sẽ diễn ra là dân chủ hóa.

TC tàn sát nhiều ngàn thanh niên, sinh viên để ngăn chặn tiến trình dân chủ hóa tại Trung Quốc. Họ cũng không muốn thấy “sân sau Việt Nam” trở thành một nước dân chủ. CSVN dĩ nhiên không muốn thấy ngày cáo chung của chế độ mà các thế hệ lãnh đạo đã nhờ đó vinh thân phì da từ 1975 trên phạm vi cả nước.

Nhưng cho dù CSTQ và CSVN không muốn thấy, dân chủ vẫn là xu hướng, chọn lựa và cách sống của con người trong thời đại ngày nay.

Kinh nghiệm của các nước cựu CS cho thấy con đường dân chủ có nhiều ổ gà, nhiều gai góc nhưng là con đường đúng. Người chăn cừu trên thảo nguyên Mông Cổ trước năm 1990 chỉ là một công cụ sản xuất giống như cừu, hôm nay ông ta là một con người tự do.

Tương tự, Cộng Hòa Botswana, cách đây không lâu đồng nghĩa với nghèo đói, chậm tiến, đời sống bộ lạc, ngày nay là một trong những quốc gia dân chủ nhất tại Phi Châu.

Hai ví dụ cho thấy dân chủ là một tiến trình và mọi tiến trình đều cần được hoàn thiện nhưng luôn thích nghi với con người dù trong trình độ giáo dục nào, nhận thức nào và đang sống ở đâu trên mặt đất này.

Ngoài các giá trị có tính phổ quát như tự do, bình đẳng và quyền sống của con người, dân chủ còn là lối thoát cho nhiều vấn nạn mà dân tộc Việt Nam đang chịu đựng từ Thực Dân đến Cộng Sản.

Trong phạm vi đối nội, chỉ có dân chủ mới có thể tạo điều kiện cho sức mạnh dân tộc được phát huy một cách tối đa và tích cực làm nền tảng cho một quốc gia thịnh vượng lâu dài.

Dân chủ giúp xóa dần những dị biệt về vùng miền, tôn giáo, sắc tộc, quá khứ và thổi vào đất nước một luồng gió mới đầy lạc quan, hy vọng cho tương lai. Yêu nước ngày nTra27n Trần ay gắn liền với yêu dân chủ chứ không phải là sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay bùa mê “chống Mỹ cứu nước” như trong thời chiến.

Trong phạm vi quốc tế, dân chủ là điều kiện tiền đề trong chính sách đối ngoại nhằm tạo sự tin cậy nơi các nước dân chủ. Phần lớn các nước cựu CS Đông Âu không phải tự nhiên được mời vào  NATO nếu không phải là những quốc gia dân chủ và giữ vị trí chiến lược bao quanh Nga.

Vị trí chiến lược của mỗi quốc gia tùy thuộc vào tình thế chính trị thế giới trong mỗi thời kỳ. Việt Nam hiện nay vẫn còn giữ vị trí chiến lược tại Biển Đông nhưng nếu không biết khai thác và vận dụng, một khi xung đột quốc tế mở rộng và các “tình trạng đang hiện hữu” (status quo) thay đổi, Việt Nam có thể không còn giữ vị trí chiến lược nữa vì bị các nước đối đầu với TC xem như nằm hẳn trong vòng đai an ninh sinh tồn của TC.

Ngoài ra, dân chủ phải đến sớm, đừng đợi đến khi chiến tranh Á Châu bùng nổ, máu đổ, thây phơi mới đến.

Dân chủ là vũ khí giúp Việt Nam có cơ hội thuận lợi để giành lại chủ quyền Hoàng Sa và các phần của Trường Sa đã mất vào tay TC.

CSVN và CSTQ có mối quan hệ hữu cơ về tư tưởng, lý luận và cơ chế chính trị. Dân chủ tại Việt Nam sẽ gây một phản ứng dây chuyền dẫn tới sự lung lay toàn bộ đế quốc TC. Một TC mênh mông có nguy cơ tan thành nhiều mảnh, chủ quyền ngay tại lục địa còn không giữ được nói chi là chủ quyền trên hai nhóm đảo Hoàng Sa, Trường Sa xa xôi. Giành lại Hoàng Sa, Trường Sa không phải là ảo tưởng.

Một số quan điểm cho rằng vì sự sống còn của cơ chế CS, TC không bao giờ để Việt Nam trở thành một nước dân chủ, và điều này có nghĩa TC sẽ làm mọi cách để bảo vệ đảng CSVN.

Quan điểm đó không đúng về cả lý luận lẫn thực tế.

Với các cơ chế độc tài, mối lo của giới lãnh đạo không phải là gìn giữ các quyền lợi vùng ngoại biên xa xôi mà là bảo vệ trung tâm quyền lực. Nếu sự can thiệp có thể dẫn tới bất ổn tại trung tâm quyền lực, các chế độ độc tài thường có khuynh hướng nhân nhượng, thỏa hiệp hay bỏ cuộc. Các nước vùng Baltic giành được độc lập và dân chủ tháng 3, 1990,  gần hai năm trước khi Liên Xô sụp đổ vào tháng 12, 1991. Mối lo chính của Mikhail Gorbachev khi đó là sự sụp đổ từ trung tâm nên buộc ông ta phải “hy sinh các quyền lợi Liên Xô” ở xa.

Phân tích tương tự, cuộc đấu tranh vì dân chủ của nhân dân Ba Lan bắt đầu từ đầu thập niên 1970 đến 1981 khi Liên Xô còn chế ngự bởi chủ thuyết Leonid Brezhnev. Tuy nhiên việc can thiệp quân sự vào Ba Lan đã không diễn ra như đã từng diễn ra tại Hungary 1956 hay Tiệp Khắc 1968. Nhiều lý do được đem ra để giải thích nhưng yếu tố chính vẫn là sức mạnh của nhân dân Ba Lan. Ba Lan không phải là Tiệp hay Hung. Phong trào dân chủ Ba Lan mạnh hơn, không sợ hãi và kiên trì kéo dài cuộc đấu tranh suốt hai mươi năm qua nhiều thời kỳ tổng thống Mỹ. Công Đoàn Đoàn Kết (Solidarity) vận dụng mọi biến chuyển và ảnh hưởng quốc tế vào cuộc đấu tranh nhưng không lệ thuộc vào quan điểm của các lãnh đạo nước ngoài. Họ dựa vào nội lực và tinh thần đoàn kết của dân tộc Ba Lan. Cuối cùng như lịch sử thế giới đang chứng minh một cách hùng hồn, nội lực của một dân tộc là võ khí quyết định số phận của dân tộc đó.

Về phương pháp đấu tranh tại Việt Nam. Khi các điều kiện hội đủ, những người Việt quan tâm đến vận nước có thể xây dựng các tổ chức chính trị công khai đối đầu với bạo quyền CS nhưng khi chưa họ có thể xây dựng các mạng lưới không quá nặng ở trung tâm có khả năng tự tồn tại một cách độc lập. Nếu không tham gia các tổ chức hay mạng lưới, họ cũng có thể tạo nên một mặt trận riêng phù hợp với khả năng, hoàn cảnh hay ngành nghề của mình. Cuộc đấu tranh ngày nay là đấu tranh toàn diện.

Những người có nhiệt tâm thường mơ “đội đá vá trời” nhưng lịch sử nhân loại cho thấy sự chuyển hóa xã hội thường không bắt đầu từ cao xuống thấp mà từ những việc làm nhỏ, trong phạm vi nhỏ của mỗi người, mỗi gia đình, thôn xóm, trường học, quận huyện, thành phố và tiến dần đến phạm vi toàn xã hội.

Không giống các hình thức đấu tranh cách mạng trước đây, cuộc vận động dân chủ ngày nay không chỉ là môi trường dành riêng cho những người ly khai khỏi mọi ràng buộc, dâng hiến trọn vẹn đời mình cho lý tưởng tự do mà là vận hội mới của toàn dân, diễn ra ở mọi nơi, mọi chỗ và mọi người đều có thể tham gia.

2. Đoàn kết dân tộc.

Dân chủ là điều kiện tiền đề trong chính sách đối ngoại nhằm tạo sự tin cậy nơi các nước dân chủ Tây Phương nhưng quan trọng nhất là nền tảng của đoàn kết dân tộc. Một dân tộc tự phân hóa không thắng được ai.

Vũ khí mạnh nhất của thời đại hôm nay là Đoàn Kết Dân Tộc.

Bằng sức mạnh Đoàn Kết Dân Tộc, chúng ta mới có khả năng bảo vệ được chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam.

Bằng sức mạnh Đoàn Kết Dân Tộc chúng ta mới có khả năng vượt lên những hệ lụy quá khứ để hướng vào tương lai tươi sáng cho đời đời con cháu mai sau.

Bằng sức mạnh Đoàn Kết Dân Tộc chúng ta mới có khả năng phục hồi sự kính trọng Việt Nam trong lân quốc cũng như trong bang giao quốc tế.

Trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iraq, nhiều người nghĩ kẻ có lợi nhiều nhất sẽ là dân tộc Kurds. Nhưng không, họ là những người chịu đựng thiệt thòi nhiều nhất. Trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, Saddam Hussein tàn sát không thương tiếc các cuộc nổi dậy của nhân dân Kurds ly khai trước sự làm ngơ của Mỹ. Nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ phản bội lý tưởng độc lập của nhân dân Kurds. Điều đó chỉ đúng một nửa. Nửa còn lại là sự phân liệt vô cùng trầm trọng trong tập thể 35 triệu người Kurds sống trong nhiều quốc gia vùng Tây Á.

Một dân tộc chia rẽ, cấu xé nhau, không có một hướng đi chung, không thể vận dụng được sự ủng hộ từ quốc tế và cũng không xứng đáng để được quốc tế ủng hộ.

Mỹ chi 900 tỉ Mỹ kim hay 3 ngàn tỉ Mỹ kim tùy theo nguồn và 4486 nhân mạng để lật đổ Saddam Hussein, không phải chỉ nhằm đem lại hòa bình dân chủ cho nhân dân Iraq. Tuy nhiên, nếu là một dân tộc khôn ngoan, đây là cơ hội giúp Iraq vượt qua những khó khăn trong vài năm nữa trở thành một cường quốc trong thế giới Ả Rập và nếu họ không làm được thì cũng đừng đổ thừa cho Mỹ, đổ tội cho Saddam Hussein mà phải trách ở chính mình.

Trước nay chúng ta thường hiểu muốn có đoàn kết phải tập hợp chung quanh một lãnh tụ anh minh nào đó. Không ít người cũng nghĩ đoàn kết như một mối dây thông cảm giữa những người cùng hoàn cảnh. Không. Thời đại minh quân, minh chủ qua rồi. Đây là thời đại của lãnh đạo tập thể và trong tập thể đó không nhất thiết việc gì cũng phải đồng ý với nhau. Hoàn cảnh hay quá khứ không phải là tiêu chuẩn cho đoàn kết bởi vì khi hoàn cảnh đổi thay, tình đoàn kết giữa những người trong tập thể đó cũng sẽ đổi thay theo. Con đường đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách CS là con đường rất rộng và thích hợp cho mọi người, mọi thế hệ, mọi khả năng, mọi ngành nghề. Thay vì chen lấn, xô đẩy nhau, hãy cố gắng vượt qua những khuyết điểm mà chúng ta đang có để làm việc chung với nhau. Đất nước sẽ không vượt qua được nếu mỗi người trong chúng ta không vượt qua được chính mình.

3. Chủ động chiến lược hóa vị trí quốc gia.

Trong địa lý chính trị, vị trí chiến lược là một khái niệm có thời gian tính. Việt Nam chỉ trở thành một vị trí chiến lược sau khi TC thôn tính toàn lục địa Trung Hoa 1949 nhưng trước đó thì không. Tương tự, Ai Cập trước 1976 không quan trọng hơn Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran nhưng sau khi Tổng thống Anwar Sadat bỏ Liên Xô để bước sang phía thế giới tự do, Ai Cập trở nên một đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ ở Trung Đông và được viện trợ ít nhất 1.3 tỉ Mỹ kim hàng năm. Từ 1978 đến nay, Hoa Kỳ đã viện trợ Ai Cập tổng cộng lên tới 80 tỉ Mỹ Kim, trong đó có 50 tỉ Mỹ kim viện trợ quân sự và 30 tỉ Mỹ Kim viện trợ kinh tế. [1]

Vì lợi ích kinh tế cũng như về các giá trị nhân quyền, Hoa Kỳ mong muốn được thấy TC trở thành một quốc gia dân chủ trong một châu Á và Thái Bình Dương ổn định. TC là nhà băng của nhiều quốc gia trên thế giới kể cả Mỹ, nhưng không giống như các công ty tài chánh Lehman Brothers hay Merrill Lynch, khủng hoảng chính trị tại TC sẽ gây tác hại vô cùng trầm trọng đối với nền kinh tế thế giới không thể đo lường được.

Biết chủ động chiến lược hóa, quốc tế hóa, quan trọng hóa vị trí của quốc gia cũng như biết khai thác mối lo của cường quốc sẽ làm cho vị trí của quốc gia quan trọng hơn trong tranh chấp quốc tế.

Trái lại, chính sách quốc phòng “bốn không” của CSVN như đã được xác định trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019: “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là chính sách tự cô lập, không đúng về lý thuyết lẫn thực tế chính trị, chỉ nhằm mục đích lấy lòng TC và sẽ chết tức tưởi trong cô đơn mà không ai ngó ngàng.

4. Đoàn kết với láng giềng cùng hoàn cảnh và tham gia các liên minh tin cậy.

Việt Nam đang đứng trước những ngã ba, ngã năm trong bang giao quốc tế nhưng dù bao nhiêu ngã cũng chỉ có thể đi trên một con đường trong một thời điểm nhất định. Sự liên minh khôn khéo trong nhiều trường hợp giúp quốc gia tránh được chiến tranh hay có thêm thời gian để chuẩn bị chiến tranh.

Giáo sư Alastair Smith thuộc đại học Washington University đã công thức hóa toán học nhiều mô thức liên minh trong lịch sử bang giao quốc tế và kết luận các quốc gia có những liên minh không đáng tin cậy sẽ dễ bị tấn công hơn là các quốc gia có sự liên minh tin cậy. Hiện nay tại Á Châu có ba liên minh tin cậy Mỹ-Nhật, Mỹ-Phi, Mỹ-Nam Hàn.

Các hợp tác an ninh quốc phòng như AUKUS (Australia, Anh và Mỹ) đang được hình thành và sẽ phát triển nhiều hơn theo nhu cầu an ninh trong tương lai. Hôm 20 tháng 10, 2021, Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh Tướng Nicholas Carter tuyên bố hiệp ước AUKUS không nhằm độc quyền mà có thể mở rộng đến các đồng minh khác như Nhật Bản.[2] TC không có một liên minh tin cậy nào. Liên minh “không tin cậy” của TC về biên giới gồm TC, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan. Sự liên minh giữa TC và Nga là liên minh theo dạng “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Putin chỉ là một kẻ cơ hội. Nền kinh tế Nga tính theo GDP còn nhỏ hơn của Nam Hàn, Canada, Ba Tây, Ý, Pháp. Kho bom nguyên tử vẫn còn đó nhưng vào thời buổi này không mang ra dọa được ai.[3]

Đối với Hoa Kỳ, vùng biển Đông Á là huyết mạch kinh tế lẫn an ninh của các nước đồng minh với Hoa Kỳ như Úc, Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, Indonesia. Trong điều kiện thế giới phát triển toàn cầu như hiện nay, liên minh được với Hoa Kỳ vừa có thể thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa đất nước vừa bảo đảm an ninh.

__________________________

[1] Department of State, U.S.-EGYPT RELATIONS, Jan. 2021
[2] “The UK’s departing Chief of the Defence Staff has signalled the new trilateral AUKUS security pact with the United States and Australia could be expanded to include other allies such as Japan.” ABC News Network Australia, 10-20-2021.
[3] Derek Grossman, China’s friends are few and unreliablẹ Beijing maintains zero alliances, and its partnerships are mostly with pariah states. RAND, October 11, 2020.



Chuyên mục:Lotus Media, Tác giả - Tác phẩm, Trên kệ sách

Thẻ:,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: