Uyên Nguyên: Thơ Lê Giang Trần, vãng sanh hết những hôn trầm nhân duyên…

906348_523146414398707_511753459_o

 

Lòng luôn niệm Ðại Nguyện
Ðịa Tạng Vương Bồ Tát
là nhịp tim nhịp thở
khởi niệm là nương nhờ
thậm thâm là chân thật
ôi tâm Kinh Kim Cương
đã quay về Pháp Cú
tỉnh dậy giữa khuya lơ
nằm im theo hơi thở.
(Tim lưu vong, tr.129)

Trạm Người Quá Bước, là cuộc chịu chơi hay chịu trận? Hầu như tất cả những bài thơ và văn trong tập, tôi hình dung ra một Lê Giang Trần với hơn nửa đời nhứ nhừ trong phong vận kiếp Người.

Bảo đó là trạm, thì sau ngày quá bước họ Lê sẽ đi đâu? Và trước đó, gã từ đâu mà đến? Câu hỏi mang ra chừng không dễ trả lời, chỉ thấy đâu đó giữa hai bờ vực thẳm của điểm khởi đầu lên đường và chốn dừng chân, âm vang cuộc lữ mà có lần Thầy Tuệ Sỹ gọi đó là “Phương Trời Viễn Mộng.”

Với Lê Giang Trần, Quá Bước Trạm Người cũng chỉ vì một lần té ngã, nhưng cú ngã trượt dài cho hết thân phận bể dâu của một quê hương chia lìa, và nghĩa tình bè bạn mới ngày hôm qua, thoắt theo nhau biệt tích. Có thật chăng chẳng một ai vui thú ở trạm Người, nên đến, rồi đi? Người Thơ ở đâu và lúc nào cũng nặng mang niềm trắc ẩn của kẻ lưu vong.

Nói như thế, là khiến cho niềm cô độc hiện hình, con người luôn luôn cảm thấy mình côi cút, bất lực vì sự chết như lưỡi hái treo trên đỉnh đầu, và cả sự sống chi phối, dập vùi:

Cô đơn cô độc mồ côi
con trùng tinh chợt ngừng bơi hóa người
chưa ra đời đã khóc cười
ai xô mà té vào loài tử sinh?
(Công Án, tr. 92)

Và cuối cùng, con người biết nương tựa vào đâu để tồn tại? Thi sĩ họ Lê đã nương tựa vào Tình Yêu mà chịu chơi chịu trận cho hết một cuộc lữ. Hôm nay thơ ra đời, như quyển kinh gối đầu đêm đêm chú tụng, vì còn mong sau này Thơ vãng sanh hết những hôn trầm nhân duyên. (tr.92)

Với một câu thơ này thôi, thi sĩ họ Lê đã xóa hết mọi gốc tích giang hồ phong ba kiếp Người, chỉ còn Thơ vĩnh viễn ngân nga, reo rắt trong thời Không.

Ở chùa, chuông mõ cũng phát ra tiếng. Vậy thì vọng âm để làm gì? Ðể dìu người ra khỏi chốn hôn trầm.

Trạm Người một lần quá bước, e cũng là đủ! Với Lê Giang Trần đến là nhân duyên,đi là sở nguyện. Và tiếng Thơ là vọng âm của cuộc lữ, dìu người thơ đi qua hết một trận hoang mê nơi cõi tạm.

Thôi trái tim, đã đến giờ sống lại
trả trí óc cuồng, ra khỏi hoang mê.
(Tim Lưu Vong, tr.129)

Nương theo ý của câu kết trong bài Dòng Mực Chảy Tươi Xanh ở trang 76 mà tác giả đã viết:

Trời bỗng tạnh mưa sau tiếng thở dài.

Tôi chỉ mong sao là mỗi chúng ta, sau trời mưa, sẽ tạnh một tiếng thở dài!

Tiếng thở dài sau cuối của những ngày lưu vong!

Mặc Cốc tháng Tư, 2013
Uyên Nguyên



Chuyên mục:Tác giả - Tác phẩm, Thân hữu

Thẻ:,

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.