Một thuở Mẹ, Cha…

1.
Nghèo thì nghèo, tôi vẫn giữ trong nhà một cỗ piano. Chẳng phải học đòi sang trọng.

Hầu như tất cả bạn bè, lần đầu đến nhà chơi đều hỏi tôi câu này: “Ðàn piano của ai vậy?” hoặc, “có biết đàn không?”

Ðiều đó thật dễ hiểu, vì không mấy ai trong đám bạn thấy hoặc nghe tôi đàn cả. Nhưng tại sao trong nhà luôn có một cây đàn piano?

Hồi Bố còn trong tù, Mẹ ở ngoài mỗi sáng đạp xe lên chùa đong sữa đậu nành rồi đem bỏ mối cho các sạp dưới chợ. Nhà nghèo, nhưng Mẹ vẫn cho tôi và anh Hai học đàn piano với các Sơ ở nhà thờ. Lớn lên một chút, tôi không thiên âm nhạc giống anh Hai, mà đâm ra đam mê hội họa. Mẹ lại cho học vẽ.

Chừng vài năm trước, tôi có duyên với một cậu bé ở xa, mắc bệnh tự kỷ. Cháu đã gần mười tuổi, khôi ngô, nhưng không nói được câu nào. Nhân có việc tôi sang nhà bố mẹ của cháu, ở trọ vài hôm. Một bữa tự nhiên cháu nhảy lên lòng tôi ngồi, tươi cười như đã thân quen từ lâu lắm.

Ðoạn trở về Cali, lại là lúc phóng viên Ngọc Lan của báo Người Việt đang thực hiện loạt phóng sự về chứng bệnh tự kỷ ở trẻ, mà rất ít gia đình Việt Nam trước đó hiểu rõ tường tận. Tôi đem kể cho bố mẹ cháu nghe, rồi nhận cháu về nuôi ở Cali. Nghĩ, ở đây có nhiều dịch vụ hỗ trợ cho cháu tốt hơn những tiểu bang xa.

Khi đưa cháu về rồi, mới biết việc nuôi dưỡng cháu không phải là điều đơn giản. Tình thương là điều kiện ắt có, nhưng không đủ. Thực tế cần phải có tài chánh rộng rãi để đáp ứng nhiều dịch vụ chăm sóc cho trẻ tự kỷ, trong lúc vẫn chưa xin được chương trình hỗ trợ nào từ chính phủ. Nhà bấy giờ có món gì còn chút giá trị, tôi đem cầm cho bạn hoặc bán đi. Ðến một lúc trong nhà chỉ còn lại mỗi cây đàn piano là quý nhất, tôi thật không nỡ lòng, nhưng chưa biết phải làm gì.

Vừa lúc đó, tin bà Nội của cháu từ xa dọn lên, đòi lại cháu về nuôi. Tôi vừa buồn, nhưng cũng mừng, nhủ lòng thương thì để bụng, và nhớ cháu thôi! Phải mừng vì biết từ nay cháu được trở về nhà và có thêm sự chăm sóc chu đáo của Nội.

2.
Bạn đến chơi, mấy lần hỏi cùng câu ấy. “Có biết đàn không?” hoặc giả “piano của ai vậy?”

Có lẽ tôi không thích đàn, nhưng tôi thích piano. Mỗi lần gõ tay lên phím, tôi nghe tiếng của Mẹ vỗ về. Mỗi khi nhìn thấy cỗ đàn trong nhà, tức thì tôi thấy Mẹ hiện diện.

Mẹ hiện thân Bồ Tát, suốt quãng đời khó nhọc của anh em tôi, thuở Bố vắng nhà.

Thuở, mà hàng trăm ngàn trẻ con Việt Nam vắng Cha…

Vu Lan, 2014
UYÊN NGUYÊN

  • Photo: Internet

 

Video:



Chuyên mục:Nghệ thuật, Văn Chương, Độc thoại, Độc thoại

Thẻ:, ,

1 reply

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: