Tọa kháng vì Môi Trường Sạch cho Việt Nam
Nhân vật trong ảnh được cho là anh Huỳnh Ngọc Chênh, nguyên Thư ký tòa soạn Thanh Niên. (ảnh: Bùi Dzũ)
Có gì giống nhau giữa sự cáo buộc của chính quyền miền Nam trước đây cho rằng cộng sản thao túng biểu tình của Phật giáo hay của thanh niên sinh viên Sài Gòn và chính quyền hiện nay cho rằng đảng phái chính trị nào đó thao túng biểu tình vì môi trường?
1. Cả hai sự cáo buộc đó đều có phần sự thật: cộng sản có mặt (và sau này họ tự nhận là đã lãnh đạo) trong các cuộc biểu tình của Phật giáo và của thanh niên sinh viên Sài Gòn; tổ chức đảng chính trị có mặt trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trước đây và biểu tình vì môi trường hiện nay (và chúng ta sẽ không ngạc nhiên sau này họ tự nhận là đã lãnh đạo các cuộc biểu tình này *).
2. Phần lớn những người xuống đường trong cuộc đấu tranh của Phật giáo và phong trào sinh viên, cũng như phần lớn những người xuống đường trong các cuộc biểu tình hiện nay, không hề biết, hoặc biết mà lờ đi, việc có sự thao túng của các tổ chức chính trị.
3. Chính quyền lấy cớ để bôi nhọ và đàn áp những người biểu tình.
Chuyện tổ chức chính trị thao túng những cuộc xuống đường dân sự không phải là chuyện mới. Chuyện thế lực cầm quyền thổi phồng sự thao túng đó để lấy cớ bôi nhọ và đàn áp biểu tình cũng không phải là chuyện mới. Chúng xảy ra với mọi chính quyền độc tài ở khắp mọi nơi. Cuối cùng thì các thế lực chính trị được hưởng lợi trên sự thua thiệt của xã hội dân sự.
Thế lực cầm quyền sẽ luôn luôn tạo lý cớ để bôi nhọ và đàn áp biểu tình, ngay cả khi không còn sự thao túng nào của các tổ chức chính trị nào. Nhưng trách nhiệm bảo vệ không gian dân sự khỏi sự thao túng của các thế lực chính trị vẫn là trách nhiệm của những người hoạt động dân sự. Cho đến khi những tổ chức dân sự ra đời và công khai lãnh đạo biểu tình, sự thao túng, bôi nhọ và đàn áp này vẫn tiếp tục.
Những người lãnh đạo dân sự phải đủ viễn kiến và quyết đoán để không bị rơi vào những cám dỗ thực dụng của sự có mặt của tổ chức chính trị, dưới tất cả mọi hình thức, trong biểu tình. Họ phải đủ sự sáng suốt và bản lĩnh để loại các tổ chức chính trị, đang cầm quyền hay muốn cầm quyền, ra khỏi không gian dân sự. Cụ thể, họ phải yêu cầu các tổ chức chính trị công khai vai trò của chúng trong biểu tình dân sự, ngăn cấm việc các tổ chức chính trị sử dụng những biểu tượng và khẩu hiểu biểu tình của không gian dân sự. Đấu tranh cho mục tiêu dân chủ và tự do của các tổ chức chính trị là điều chính đáng. Nhưng nó tuyệt đối không thể xảy ra trong không gian dân sự và xã hội dân sự tuyệt đối không để bị thao túng cho mục tiêu này.
Biểu tình là vũ khí duy nhất của xã hội dân sự để thay đổi xã hội một cách ôn hòa. Nó cũng là đối tượng thao túng của các thế lực chính trị cho quyền lợi của chúng. Đấu tranh bất bạo động của xã hội dân sự chống lại các thế lực chính trị là một cuộc đấu tranh gian truân và nó đòi hỏi xã hội dân sự phải đủ trưởng thành để bảo vệ chính nó. Phải bảo vệ tính chính đáng của biểu tình dân sự.
Facebook: Trần Minh Khôi
____________________________________
(*) Sự có mặt của tổ chức đảng chính trị trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trước đây hay biểu tình vì môi trường hiện nay không phải là điều gì mới. Việc thế lực cầm quyền chọn nêu đích danh với cuộc biểu tình này mà không nêu đích danh trong cuộc biểu tình kia là một vấn đề khác.
Chuyên mục:Bài hay trên net.
Trả lời