Tác giả, Hòa thượng Thích Phước An (Ảnh: Vũ)
Lời tựa tập sách Đường về núi cũ chùa xưa của tu sĩ Thích Phước An có viết: “Trong tác phẩm Khơi mạch nguồn thơ Thi sĩ Seamus Heaney,người Ái Nhĩ Lan được giải thưởng nobel Văn chương vào năm 1995, Phạm Công Thiện đã viết một câu đầy xúc động: “Con người chỉ biết lắng nghe, khi con người nghe được tiếng nói thì thầm của tổ tiên mình đồng vọng từ bao nhiêu ngàn năm, từ suối nguồn cao cho đến cơn gió vèo, qua rặng lau sậy dưới bãi biển chiều nay. Chiều hôm nay là tất cả những chiều trên mặt đất…”.
Cũng trong tác phẩm Mặt trời không có thực chỉ độ trăm trang viết, Phạm Công Thiện đã mô tả con đường chứng nghiệm của ông đến với cuộc đời này, cuối cùng là xoá sạch mọi thứ, có chăng chỉ còn một nẻo về bằng: “Hơi thở, chỉ có hơi thở là quan trọng nhất. Biết thở mới là khó nhất. Hơi thở, tìm ý nghĩa cho hơi thở có khác gì tìm mặt trời trong bảo tàng viện đóng kín đầy bụi”. Cho nên, kể từ đây, khi bạn bắt đầu đọc tập sách này, hãy bắt đầu bằng hơi thở, sẽ nhận ra vẻ đẹp nguyên sơ của bản thể, mà không cần tìm ý nghĩa của nó nữa. Đời sống là trở về với cái ta đang là.
Nỗi bi phẫn của các ông hoàng (césar)
Arthur Rimbaud viết một bài thơ đề tựa Nỗi bi phẫn của các césar, chú thích cho lời tựa này là một đoạn ngắn, nhưng đã nói lên hết những ẩn dụ mà thi sĩ mô tả: “Chân dung biếm hoạ của Napoléon III bị cầm tù tại toà lâu đài Wilhelmshöhe, Đức, sau trận Sedan. Nhân vật này trở thành biểu tượng của số phận tất cả những césar trên đời này: bị cầm tù, bộ áo đen thay cho long bào tiếp theo quyền uy tối thượng, từ đây chỉ còn những kỷ niệm hư ảo, không một tương lai, chỉ chờ tan rã, biến thành sương khói”.
Quyền uy tối thượng đạt được từ những trận chiến, những césar tin rằng mình bất tử. Nhưng điều mà họ vẫn phải đối mặt, đó là đến một ngày, nếu họ không chết trên trận chiến với niềm tin vào sự bất tử, thì họ sẽ phải thấy bộ dạng của mình trong niềm u uất khôn nguôi: “Ôi cái tên nào run trên đôi môi câm lặng? Và nuối tiếc nào cắn ông? Ông có con mắt chết”.
Césars trong mắt của Arthur Rimbaud, chỉ là một biểu tượng của con mắt chết. Thế giới con người không có gì lạ nữa, bởi tất cả số phận sinh ra dù không giống nhau thì cũng như nhau hứng chịu đau khổ và luôn đầy tham vọng tìm đến vinh quang, quyền lực, danh vọng của đám đông ồn ào, mê vọng và chỉ rất ít trong số đông hàng tỉ đó biết đạt đến chứng ngộ hạnh phúc được quay về bên trong mình, đạt đến hơi thở tĩnh lặng lan toả khắp bốn phương. Họ là ai?
ÐƯỜNG VỀ NÚI CŨ CHÙA XƯA
Tiểu luận văn học Phật giáo
Tác giả: Thích Phước An
Văn Hóa Sài Gòn – Thư quán Hương Tích xuất bản lần thứ nhất, 2008
Hồng Ðức xuất bản, 2016
Lotus Media xuất bản tại Hoa Kỳ, 2017
Giới thiệu: Nguyên Không Nguyễn Tuấn Khanh
Bạt: Trần Tiến Dũng – Trần Ngân Hà
Bìa và trình bày: Quảng Pháp Trần Minh Triết
© Tác giả và Lotus Media giữa bản quyền.
“Giọt mù sương cố quận”(*)
Có một vị thầy, ở tại một am nhỏ trên đồi gần chân mây. Thuở nhỏ cho đến thất thập, ông không đi đâu xa, chỉ tới lui trên những vùng đất quê nhà, hàng ngày đọc thiên kinh vạn quyển mà vẫn hiểu thế gian ngàn năm ở những con người đã trở thành biểu tượng. Những biểu tượng ông ghi chép lại, trong viễn cảnh sâu xa của con người, trải qua, họ đều nhìn thấy thứ tự do nơi cõi mộng luôn chỉ là ảo ảnh và rồi sẽ bị cầm tù trở lại một vòng luẩn quẩn nơi thân phận hữu hạn của kiếp người. Những biểu tượng khác césars ấy thấu rõ chỉ có nhận chân ra bản nguyên của vạn vật, mới thật sự đạt tới hạnh phúc được hài hoà giữa vạn vật mà không còn bể khổ trần ai.
Đường về núi cũ chùa xưa là tập sách thứ hai của Thích Phước An. Tại am nhỏ chân mây trên đồi Trại Thuỷ, chùa Hải Đức (Nha Trang), ông cặm cụi ngồi viết về những biểu tượng của Phật giáo Việt Nam từ ngàn năm trước, với một ao ước: để tất cả những người đọc sách này, dù chỉ một lần quay đầu nhìn cố hương.
Để thấy dù thiên biến vạn hoá kỳ tài đến đâu, ở trên đỉnh cao của vinh quang hay bị vùi dập chốn bùn đen tối ám, con người đích thực muốn được sống cuộc đời cao cả của mình, chính là lúc biết quay về ngôi nhà tâm thức. Ở đó, dù trong giông bão hay trong một buổi chiều tà yên ả, ngồi bên cạnh một con người – nhân loại, hít một hơi thở mùi quê hương để đến với bến bờ của yêu thương.
Đường về núi cũ chùa xưa chính là tập sách như con thuyền đưa bạn cập bến, trở về, và quay lại nơi ta đã đến bắt đầu từ hơi thở đầu tiên.
Ngân Hà (TGTT)
Nói thêm về tập Đức Phật trên cõi phù du
(*) Giọt mù sương cố quận
Bước chân về dặm xa/Xa vời bóng Thích Ca/Con đi từ ngõ hẹp/Con đi từ nhớ mong/Một con đường đi vòng/Đến bên chân rừng núi/Con ngồi bên bờ suối/Kính tặng một bài thơ
Bài thơ do thi sĩ Bùi Giáng trao cho Thích Phước An khi ông còn ở Vạn Hạnh, Sài Gòn vào đầu thập niên 1970 sau khi hỏi han về thân phận của ông đi tu từ lúc nào, quê nhà ở đâu.
Trong Lời nói đầu của cuốn Đức Phật trên cõi phù du (NXB Hồng Đức – 2012), tác giả Thích Phước An viết: “Tôi không ngờ rằng, cuộc đời của một chú tiểu như tôi mà thơ mộng đến vậy với cái nhìn của một nhà thơ đang được hâm mộ nhất thời bấy giờ. Đặc biệt là của giới trẻ. Thì ra tôi tự nói cho chính tôi nghe, mình là một giọt sương mong manh đã đến đây từ một cố quận xa xôi nào đó và hiện đang lưu lạc giữa trần gian bụi bặm này”.
Cũng trong tập sách này, ông còn có “bài viết về hai ngôi chùa nơi rặng núi quê nhà của tôi, nghĩa là những nơi mà tôi đã bắt đầu cho cuộc hành trình đi tìm lại “Cố quận” xa xôi mà tôi đã quên mất đường trở về, theo cách nói của Bùi Giáng”.
Chuyên mục:Lotus Media, Trên kệ sách
Trả lời