N.G.T: Lục Bát Điên & Thơ Rời (Mở Miệng, Nhà xuất bản Giấy Vụn)

Nhà xuất bản Giấy Vụn
Chủ trương: Mở Miệng
Liên lạc: nxbgiayvun@yahoo.com
LỤC BÁT ĐIÊN & THƠ RỜI
Thơ của Kiệt Tấn
Giấy Vụn xuất bản lần thứ nhất tại Huê Kỳ, 2017
Bìa và trình bày: KuZi
Phụ bản: Kiệt Tấn
ISBN: 978-1544023342
© 2017, Giấy Vụn và Kiệt Tấn

 

Tập THƠ KIỆT TẤN được hình thành bởi hai phần: Lục bát điênThơ rời.

Lục bát điên là một chuỗi dài 200 khúc, tất cả là 2874 câu lục bát, được viết từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2008 tại Bagnolet, ngoại ô Paris.

Theo như Lời mở thì Kiệt Tấn cho biết: Lục bát điên là một nỗ lực nhằm đưa lục bát trở về với đời thường, nơi nó xuất phát. Đồng thời cũng là một nỗ lực khai phóng [… ]. Nhưng trước hết và trên hết, Lục bát điên nhằm thỏa mãn một sự thèm muốn: thèm làm thơ. Bất cưỡng như thèm đàn bà!”

“Kiệt Tấn thèm đàn bà”? Điều đó ai cũng biết. Phải nói là chàng ghiền đàn bà, và ghiền kinh niên. Nhưng “Kiệt Tấn mà lại thèm làm thơ”? Độc giả có thể ngạc nhiên và lấy làm thắc mắc. Bởi lẽ, Kiệt Tấn được mọi người biết đến như là một người viết truyện ngắn lôi cuốn, hấp dẫn, nhứt là truyện tình nóng sốt với những pha làm tình sôi nổi.

Nhưng theo bài phỏng vấn “Kiệt Tấn trong phút nói thật” thì mầm non khởi sự cầm bút từ thuở mới 13, 14 tuổi gì đó là để… “mần thơ”! Vừa mới chập chững mà đã “rằng nghe nổi tiếng cầm đồ”!

Thơ học trò lúc còn la cà ở trung học tỉnh lẻ Vĩnh Long, và bắt đầu biết si tình… lai rai. Thơ có vần có điệu đình huỳnh, đối nhau chan chát. Rất chỉnh! Làm thơ nhiều tập dày cộm. Nhưng may mắn thay! Sau đó bị mọt mối lén gặm nhấm tan tành xí quách hết! Và cả bè lũ mối bị bội thực tới mức gục ngã nằm chết thẳng cẳng vì ngộ độc ngay tại chiến trường văn nghệ! Mới biết là thơ của mầm non quả thiệt là độc… (đáo)! “Ở xa tưởng là độc giả, tới gần mới biết là độc thiệt!”

Cho tới lúc lên Sài Gòn học thì chịu ảnh hưởng của các nhà thơ tiên phuông thời đó, Kiệt Tấn bèn chuyển sang làm thơ… tự ro! Làm cũng bộn, thơ thời buổi chiến tranh phừng phừng lửa sắt. Đến năm 1966 thì tuyển lọc một số bài và đưa cho nhóm bạn bè Sáng Tạo xuất bản tập thơ đầu tay “Điệp khúc tình yêu và trái phá”! Nội có cái tựa thoáng nghe qua cũng đã lâm ly bi đát như là “thảm kịch Đông Dương!” – bắt đầu từ 1945, kéo dài mút mùa lệ thủy cho tới 1975 thì tạm ngừng tại Việt Nam: 30 năm tơi bời hoa lá (vì thuốc khai quang!). Và bom đạn trút xuống quê hương còn nhiều hơn cả số lượng bom ném xuống ồ ạt trên khắp các lục địa trong cuộc Đệ nhị thế chiến vừa qua. Trời hỡi, chịu đời sao thấu!

Ấy vậy mà nhờ võ công tuyệt kỹ, nội lực thâm hậu, và nhứt là nhờ chó dắt nên với trọn cả 30 năm tuổi trẻ phây phây của mình, Kiệt Tấn đã vượt qua được hết lửa đạn và may mắn còn sống sót! Trong tập Điệp khúc tình yêu và trái phá, đặc biệt có bài thơ dài “Dòng sông và con thuyền 20 tuổi” được giới văn chương cũng như độc giả thưởng thức và khen tặng là đặc sắc. Bài thơ dài đó được in lại trong tập thơ này. Cạnh bên, bài thơ “Biết bao giờ” cũng được nhiều người yêu thích, và Nguyễn Ngọc Bích đã chuyển sang Anh ngữ dưới tựa đề “When O When”, in lại trong tập Thơ tuyển “A Thousand Years of Vietnamese Poetry” (Alfred. A. Kropf, New York, 1975) nhằm giới thiệu thơ Việt Nam với độc giả nước ngoài. Bài thơ “Biết bao giờ” cũng được in lại trong tập Thơ Kiệt Tấn mà bạn đang cầm trên tay.

Trong truyện mình, ít khi thấy Kiệt Tấn nhắc nhở tới chiến tranh: Kiệt Tấn đã chọn đưa chiến tranh vào thơ, bởi lẽ theo Kiệt Tấn thì “thơ là hình thức thích hợp để diễn tả những trạng huống và những xúc động khốc liệt nhứt của kiếp người”. Và công trình thơ đáng kể nhứt về cuộc chiến tranh 30 năm vừa qua tại quê hương ta đã được Kiệt Tấn gởi gấm trong tập trường thi 3.100 câu song thất lục bát “Việt Nam thương khúc”. Trường thi này được nhà An Tiêm xuất bản lần thứ nhất tại Paris năm 1999. Xin ghi điểm son vàng cho anh Thanh Tuệ: Anh vẫn tiếp tục chủ trương nhà xuất bản An Tiêm trong hoàn cảnh eo hẹp tại xứ người. Anh Thanh Tuệ mất đột ngột vì bạo bệnh năm 2004 tại Santa Anna, Cali, Mỹ. Sao những người có thiện chí thường lại ra đi quá sớm sủa? Mệnh Trời? Khi nghĩ lại, nếu không có một người hiền lành và kiên nhẫn như anh Thanh Tuệ thì các tác phẩm của Kiệt Tấn sẽ không bao giờ có cơ hội ra mắt độc giả trong nước. Xin thành khẩn nghiêng mình trước nắm tro tàn vô thường của anh Thanh Tuệ.

Trong tập trường thi Việt Nam thương khúc, Kiệt Tấn cho trình diễn lại đời sống vô cùng lận đận và ngang trái của một số người, nam nữ, có thiệt ngoài đời. Những nhân vật này bị cuốn hút bất cưỡng vào guồng máy chiến tranh tàn khốc và dai dẳng, kéo dài lê thê 30 năm ngụt trời xương máu bom đạn lửa mìn. Để rồi kết thúc ngốc nghếch trong độc tài, ảo tưởng và tù tội. Thêm cuộc vượt biên nguy ngập, chết choc, thê thảm, vĩ đại nhứt trong lịch sử Việt Nam của hàng triệu người đói khát, chìm sâu mất tích, hoặc trôi dạt tứ tán trên Thái Bình Dương minh mông, không thấy đâu bờ bến.

Vào thời điểm thuận tiện, trường thi Việt Nam thương khúc sẽ được in lại trong nước để độc giả quê nhà cùng chia sẻ.

Phần thứ hai của tập Thơ Kiệt Tấn dành cho Thơ rời. Phần này quy tụ một số lớn những bài thơ tự do trích lại từ tập thơ đầu tay của tác giả, Điệp khúc tình yêu trái phá. Một ít bài viết lai rai kể từ sau 1975 trong thời gian tha phương – ngoài 200 khúc thơ Lục bát điên. Một ít bài khác được viết tại Sài Gòn trước 1975 và đăng rải rác trên các tạp chí Nghệ thuật, Văn, Việt chiến, Vấn đề… Tưởng đã thất lạc trong trận đốt sách triệt để diễn ra ngay sau tháng Tư 1975.

May mắn thay! Tại Mỹ, còn sống sót một nhân vật tị nạn độc đáo, hết sức nặng tình và vô cùng hăng hái trong công cuộc tìm kiếm để in lại các tác phẩm và sáng tác xuất hiện tại Miền Nam trong giai đoạn chiến tranh (1960 – 1975). Nhân vật đó là Trần Hoài Thư – cùng một thế hệ với Kiệt Tấn, nhưng chưa có dịp gặp gỡ nhau. Với nhà xuất bản Thư ấn quán, Trần Hoài Thư chủ trương “Tủ sách Di sản văn học Miền Nam”. Một di sản vô cùng quý báu, ngăn cản cả một nền văn học thời chiến tự do và đa dạng tại Miền Nam khỏi bị vùi dập trong quên lãng vì trận đốt sách tàn độc như dưới thời bạo chúa Tần Thủy Hoàng! Hy vọng một ngày nào đó di sản này sẽ được phục hồi và chính thức in lại trong nước, cùng lúc với các tác phẩm đã xuất hiện trong thời kỳ đó tại Miền Nam tự do. Xin ngả nón chào Người! Trần Hoài Thư cũng đã nhiệt tình in lại tập Điệp khúc tình yêu trái phá của Kiệt Tấn năm 2008 tại Mỹ, và sưu tập được rất nhiều bài thơ thất lạc của đa số các tác giả Miền Nam sáng tác trước 1975. Trong số đó có một ít bài thơ hiếm hoi của Kiệt Tấn.

Độc giả tinh ý sẽ để tâm đến bài “Khi những người làm thơ im tiếng”, trong đó Kiệt Tấn đã linh tính điềm không lành nếu một ngày bất hạnh nào đó, sẽ không còn một ai nữa làm thơ. Và ngày đó đã đến! Một hiện tượng phổ quát: trên thế giới hiện nay, hầu như khắp nơi chẳng còn mấy ai làm thơ. Làm tiền đắc dụng hơn trăm ngàn lần là cái chắc! Từ xưa đến nay vẫn biết lòng tham luôn luôn là động lực chính yếu thúc đẩy con người làm việc hăng say lên để tích trữ (tràn ngập kho), để làm tiền (thiệt nhiều tiền), để làm giàu (giàu tột độ). Nhưng đến thế kỷ 21 này thì lòng tham đã lên tới tuyệt đỉnh: nền tư bản tài chánh với đồng tiền giấy xanh của nó ngự trị khắp toàn cầu. Đến mức nó có nguy cơ bóp chết trái đất trong đó có con người, và muôn loài khác cũng bị vạ lây. Đó là một sự tự sát tập thể và có ý thức của giống người. Bởi lẽ cái bọn cầm đầu thế giới thuộc nhóm G20 vốn thừa biết hiểm họa đó, và cũng đã có rất nhiều người can cường lên tiếng cảnh cáo liên tục. Nhưng cái đám nhân loại khốn khổ này vẫn giả điếc và gầm đầu nhắm mắt tranh nhau đua chạy về phía vực thẳm tự sát. Để làm gì? Để làm tiền! Còn phải hỏi! Và cái đám nhân loại khốn khổ này tự động diệt khẩu những người làm thơ: “Câm miệng lại! Đừng có vớ vẩn! Hãy xê ra cho người ta làm tiền!”.

Làm thơ à? Bộ chạm dây rồi hả cha nội? Có thèm làm thơ thì hãy theo chưn Chú Cuội trở về cung trăng mà làm! Ấy vậy mà!… Mặc tình cho ai có bẻ bút Nàng Thơ thì cứ bẻ, riêng dân Việt Nam ngoan cố ta vẫn cứ một mực hăng hái hồ hởi “vạch da cày vịnh bốn câu ba vần” như nàng Kiều lãng mạn của cụ Tiên Điền! Người xưa xứ ta há đã chẳng từng phán rằng: “Mỗi công dân Việt Nam là một nhà thơ” đó ư? Ấy vậy, tuy làm thơ rất rất nhiều, nhưng khi in xong là chỉ có nước đem ra mà biếu bạn bè “đọc chơi giải muộn”! Thì cũng y chang như là trong chiến trường tình ái vậy thôi: “Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu/ Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết”! “Sorry, man!”. Và đó cũng là số phận của tập thơ này. Mới biết “văn chương hạ giới rẻ như bèo!”, như cụ Tú Xương nhà ta đã từng than thở vào những lúc “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi!” Lại còn bị vợ nhà mắng nhiếc là “đồ vô tích sự!” Tolstoi, đại văn hào Nga, cũng đã từng “nếm thử thương đau” theo cái kiểu này ngất ngư!

Xin ông Trời ngó lại mà coi! Chẳng lẽ “Thượng đế đã chết”! Như triết gia điên nặng râu quặp của Đức (không phải Hitler) Nietzsche đã dùng triết lý búa thần của mình mà đập đầu Thượng đế trong một lúc chạm dây nặng, hăng tiết vịt, quân dân ta thừa thắng xông lên cướp chánh quyền. Tuy nhiên, hai chục năm sau, Thượng đế đã tung chưởng ra trả đũa, và phán một câu xanh dờn: “Nietzsche đã chết!” Gì chớ mệnh đề thứ hai này kiểm chứng được, và quả là điều hiển nhiên, khó tin nhưng có thiệt: Nietzche chết vì lên cơn điên vọt tới đỉnh cao (trí tuệ), trong một nhà thương điên kín cổng cao tường. Mới biết, trong nền triết học Tây phương, rất nhiều triết gia sống thường trực trong hoang tưởng, vật lộn đổ mồ hôi hột với những ý niệm do mình bịa đặt ra, rồi tư duy tóe khói, bị trí tuệ nó hành cho “tẩu hỏa nhập ma”, trở thành điên loạn đến mức tự hủy mình – để tự phế hết võ công? Từ 2.500 năm trước, Phật đã cảnh giác cái nguy hiểm chết người của VỌNG NIỆM. Con người hiện nay chỉ mới lên tới được trình độ khôn vặt mà cứ tưởng bở là mình thông minh xuất chúng, thì có tự hại cho tới chết nhăn răng cũng đâu có ức hiếp gì nữa mà kêu ca? “Chết trong vinh quang” le lói mà!Thôi thôi! Đã lạc đề rồi. Và đã đi lạc sang “Đường mòn Hồ Chí Minh” chi chít mìn bẫy: con đường triết lý dẫy đầy những nhà thương điên cao cấp!

Trở lại với thơ Kiệt Tấn. Tập thơ đầu tay Điệp khúc tình yêu và trái phá ra mắt vào năm 1966, giai đoạn chiến tranh đang leo thang vùn vụt với sự tham chiến của quân lực Mỹ, tung ra chiến trường đủ loại binh chủng, thiết giáp nặng ký, phi cơ phản lực (có người lái), và đạn bom đủ cỡ. Ở Miền Nam, mọi người chỉ bị ám ảnh có mỗi một đe dọa: chiến tranhmạng sống của mình. Thì ai hơi sức đâu mà ghé mắt vào vườn thơ… (với thẩn) – ngoại trừ những người cầm bút và những tay “mần thơ” ghiền nặng? Trong bài nhận định “Kiệt Tấn”, Nguyễn Đình Toàn đã viết:

Trước 1975, Kiệt Tấn mới chỉ có một tập thơ được xuất bản, đó là tập Điệp khúc tình yêu và trái phá. Đó là thơi gian cuộc chiến ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn khốc liệt. Nên có thể nói, không chỉ riêng gì những điệp khúc tình yêu bị những tiếng trái phá lấn át. Cả tập thơ của Kiệt Tấn cũng gần như không gây nổi một sự chú ý nào. Người ta có quá nhiều việc phải lo lắng, không còn khoảnh khắc nào dành cho thơ. Và Kiệt Tấn đã phải chịu một sự thiệt thòi, oan uổng với tư cách là một tác giả: một tác giả không được đọc” (Văn, số đặc biệt Kiệt Tấn, 117 & 118 tháng 9 và 10, 2006/ Mỹ).

Tuy nhiên, vào cuối bài nhận định của mình, Nguyễn Đình Toàn cũng đã không quên mời gọi mọi người cùng thưởng thức bài thơ dài của Kiệt Tấn, trích trong Điệp khúc tình yêu và trái phá: “Dòng sông và con thuyền 20 tuổi”. Như một điều không thể bỏ qua.

Mặc dù tập thơ đầu tay của mình vào thời điểm xuất hiện (1966) đã không được đọc vì chiến cuộc đảo điên, nhưng chính nhờ sự “tu luyện” ngòi bút của mình trong bí kiếp “thi đạo” từ thuở 13 tuổi, từ thơ vần sang thơ tự do, mà Kiệt Tấn đã hấp thụ dần dần và nhập tâm ngôn ngữ thơ phóng khoáng, đầy hình ảnh, màu sắc và âm thanh, vượt lên khỏi khuôn khổ ngôn ngữ bị trói buộc bởi quy ước của văn xuôi. Bởi lẽ đó mà khi viết truyện với văn xuôi gò bó, ngòi bút Kiệt Tấn đôi khi đã vô tình bay lạc sang khu vườn đầy hoa bướm lãng mạn, rực rỡ, dị kỳ, đưa độc giả vào vùng mịt mờ sương khói kỳ ảo: khu vườn thi tính. Truyện của Kiệt Tấn là không gian rộn rã lấp lánh những câu ca, câu hò, những vần thơ đột ngột cất lên mà nghe ra vẫn vô cùng hồn nhiên, như một suối thác tuôn tràn tự do và xuôi chảy liên tục một dòng miên man, xa tắp… Lối hành văn độc đáo này hiếm thấy trong văn chương Việt Nam – có thể nói là chưa từng có. Bởi lẽ những người cầm bút đều tránh né sự pha trộn thể loại. Nếu không chế ngự được và đánh mất vẻ hồn nhiên, nó sẽ trở thành gượng ép, ngớ ngẩn và… “quê một cục”! Vì vậy mà: “Thôi, bỏ đi Tám!”.

Chính nhờ sự nhận xét tinh tế của mình mà Nguyễn Hưng Quốc, qua bài phê bình “Kiệt Tấn, nụ cười tre trúc”, đã phát hiện ra tinh chất thơ trong bút pháp của Kiệt Tấn, khiến cho chàng chới với trong cảm giác dị kỳ của “nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên”.

Một hiện tượng có vẻ nghịch lý là, bên cạnh chất mộc mạc ấy, Kiệt Tấn lại rất giàu chất thơ. Văn chương Kiệt Tấn vừa có cái sần sùi của cuộc sống, lại vừa có cái lung linh của mộng ảo. Sự kết hợp ấy làm cho văn chương Kiệt Tấn có một khí hậu riêng, rất mực lạ lùng. Như ở trần – mà như chơi vơi trong sương khói”.

May quá! Ông phê bình chỉ mới có “ở trần”. STOP. Thôi như vậy cũng đủ mát rồi đấy nhé! Nguyễn Hưng Quốc bèn rùng mình (hắt hơi ba cái?) đi tìm giải đáp:

Khởi sự cầm bút, Kiệt Tấn là một nhà thơ. Tác phẩm đầu tay của ông là một tập thơ: “Điệp khúc tình yêu và trái phá” (1966). Sau gần 20 năm im lặng, cầm bút trở lại, Kiệt Tấn đổi tay: từ thơ ông chuyển qua văn. Thì cũng không lạ. Chuyện khá bình thường ở Việt Nam: một nhà thơ thỉnh thoảng viết văn, và một nhà văn đôi lúc táy máy thử nghiệm ngòi bút của mình trong cái cõi “bằng bằng trắc trắc bằng bằng”. Điều độc đáo và thú vị của Kiệt Tấn là, từ thơ chuyển qua văn, ông đã giữ lại, trong văn, cái cách nhìn và cách cảm dạt dào chất thơ của một nhà thơ (… ) Nhiều câu văn của Kiệt Tấn nghe như thơ, thơ Hàn Mặc Tử: “Ánh trăng trần truồng” (tr. 181); thơ của những người theo thuyết Tương giao giữa màu sắc, hương vị và âm thanh (Correspondances): “Hương chanh chín muồi” (tr. 170); “Ánh trăng bùi ngọt” (tr. 92)… Giọng văn của Kiệt Tấn như vậy là một thứ hợp chất giữa khẩu ngữ và thi tính”.

(Chuyện bên lề: Có lần, một em nhỏ đã gõ nhầm thi tính thành thú tính! Em nhỏ định bàn về “chuyện áp rún” của Kiệt Tấn với em Nguyên và em Hường ở động Bà Đại chăng?)

Nhưng chỉ có Nguyễn Hưng Quốc là cảm nhận được chất thơ trong văn xuôi của Kiệt Tấn thôi sao? Đâu có! Còn một người nữ rất bén nhạy cũng đã “đánh hơi” được hương vị thơ trong truyện Kiệt Tấn: Thụy Khuê, trong bài nhận định “Kiệt Tấn, từ Nụ cười tre trúc đến Thương nàng bấy nhiêu”:

Truyện Người em xóm học đưa sang một Kiệt Tấn khác. Đứng trước vẻ đẹp của người đàn bà, Kiệt Tấn trở thành thi sĩ. Văn ông không hề gợi dục. Khi viết dường như có chất thơ đâu đó lãng đãng bước vào. Nhục cảm của thi nhân bỗng nhiên trong sạch lắm:

Tôi ghì nàng trong tay, cơn dục tình lại dấy lên trong mạch máu. Căn gác tối lù mù, chúng tôi để nguyên cửa sổ mở. Da thịt Diane ăn nắng hâm hấp nóng và thơm tho mùi biển, như rong, mặn mòi. Muối đọng trên mắt, trên môi, trên tai, trên cổ, trên đầu vú, trên bụng, trên tóc, trên gò tình. Diane cũng thì thầm những cảm giác thơm mặn tương tự trên da thịt tôi. Mặt trời và nước biển tăng độ nồng say cho cường dục. Chúng tôi làm tình trong bóng hoàng hôn chập choạng (… )

Hương nắng còn đọng trên da lụa, tay khua tưởng đánh thức mặt trời, giục lên sóng biển và điệu tây ban cầm sẽ phả ra từ khung cửa sổ khuất kín của nàng. Dấu cỏ mất còn đó. Dấu bầm trên vú trái còn đó. Lời thề yêu em suốt đời còn đó. Nựng nịu gò tình. Hôn lên ẩm ướt. Yêu… Yêu… ”.

Nguyễn Hưng Quốc và Thụy Khuê đều nhận ra chân dung nhà thơ thấp thoáng đâu đó trong truyện Kiệt Tấn. Chối cãi được chăng? Bởi lẽ đó, khi Kiệt Tấn cầm bút viết truyện tình, đừng có tưởng bở là chàng mô tả những pha “mần tình” sôi nổi, chết giấc và hết sức phàm tục. Đâu phải vậy! Chàng đang “mần thơ” trên tóc, trên cổ, trên môi, trên vú, trên bụng, trên gò tình của các em nhỏ đấy. Bảo đảm trong sạch, thơm phức và ngon lành như nước cam vắt từ những trái cam bio ăn cắp trong vườn Thượng uyển của ông vua vô địch lãng mạn Đường Minh Hoàng, chỉ dành riêng cho đệ nhất mỹ nhân Dương Quý Phi. Ắt hẳn các em nhỏ phải vô cùng bồi hồi xúc động vì tấm lòng thành khẩn thiết tha của thi nhân, và rút khăn mu xoa ra mà lau lệ thổn thức: “Thơ như thế quả thiệt là đầy hương vị (thịt da), và xuất thần bay vút lên tận đỉnh Vu Sơn (mà vầy cuộc mây mưa!)

Thế nhưng vẫn chưa đủ! Nguyễn Hưng Quốc và Thụy Khuê chỉ nhân dịp bình các tập truyện của Kiệt Tấn mà nói phớt qua về chất thơ bàng bạc trong bút pháp của Kiệt Tấn. Còn ngòi bút thực sự đọc rốt ráo, nặng nợ với thơ và thực sự bàn về thơ nguyên chất của Kiệt Tấn lại là một nhân vật hiếm hoi khác: Tiên nữ yêu thơ Phan Thị Trọng Tuyến. Và nàng đã giáng trần! Rồi nhẹ nhàng “Tay hoa một vẫy đủ mười khúc ngâm”. Hóa thành bài thưởng ngoạn vi vút, “Hè về đọc thơ Kiệt Tấn” được dùng làm lời Bạt cho tập thơ này. Nàng tiên nữ ơi! Hè về sao nàng lại không chịu nằm dài người ra nghỉ ngơi và tắm biển, để mà rì lắc, mà thư giãn như con cù lần đeo tòn teng cả ngày trên tít ngọn cây cao, không chịu nhúch nhích – sợ hao điện? Mùa hè nhiệt đới mà nàng lại lặn lội đi tìm thơ (thẩn) để mà đọc, hơn nữa lại là thơ (gàn) của cụ Kiệt Tấn thì chỉ có nước “toát mồ hôi” dầm dề như cổ nhân Tú Xương (sườn bì chả) ngày xưa đã chạy ăn từng bữa! Mới biết cụ thi nhân Kiệt Tấn kiếp trước đã khéo tu, tích trữ (đầu cơ) được nhiều đức hạnh cao dày, nên kiếp này mới được ánh sáng phúc âm nó chiếu dọi huy hoàng, rực rỡ, lộng lẫy hoành (bánh) tráng như thế í!

Phan Thị Trọng Tuyến đã bỏ nhiều công sức ra để đọc kỹ và điểm hai tập thơ của Kiệt Tấn: Điệp khúc tình yêu và trái pháViệt Nam thương khúc. Nói chung là tiên cô có rất rất nhiều cảm tình với thi nhân. Tuy nhiên đó là “bí mật văn chương”, không thể tiết lộ. Bài viết của Phan Thị Trọng Tuyến rất đáng được đọc từ tốn để khám phá thêm những sắc diện đặc thù trong thơ Kiệt Tấn. Nói như cụ Tiên Điền: “Ở trong còn lắm điều hay” ! Xin mời.

Riêng Phan Thị Trọng Tuyến, xin đa tạ tấm thạnh tình của tiên nữ vì trót đã yêu và lụy vì tình thơ Kiệt Tấn mà giáng trần và ban phép lạ. Xin cầu chúc nàng may mắn: “Gút lất, Đác Linh”!

N.G.T
Sài Gòn, tháng Chín 2014.



Chuyên mục:Trên kệ sách

Thẻ:, , ,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: