Lý Đợi: Một Ngòi Bút Bất Kham Của Chế Ðộ Kiểm Duyệt

Nhà xuất bản Giấy Vụn
Chủ trương: Mở Miệng
Liên lạc: nxbgiayvun@yahoo.com
Công viên cứu hộ loài người
Tiểu thuyết của Y Ban
Giấy Vụn xuất bản lần thứ nhứt tại Huê Kỳ, 2017
Bìa & Trình bày: Kuzi
ISBN 978-1537087894
© 2017, Giấy Vụn & Y Ban.

 

So với thế hệ cùng thời tại Việt Nam, Y Ban là cây bút có nhiều cơ hội để thăng tiến trong văn chương dòng chính – dòng chảy mà nếu các tác giả tỏ ra ngoan ngoãn, sẽ được chế độ lăng xê và tuyên truyền. Nhưng, trong cuộc song hành đó, nhiều lần Y Ban tỏ ra là cây bút bất kham, theo nghĩa những ý tưởng, câu chữ đưa ra “khó lọt lỗ tai” và “lọt lưới” của hệ thống kiểm duyệt.

Như tiểu thuyết Công viên cứu hộ loài người này là ví dụ. Nó bỏ qua tính gởi gắm, ẩn dụ hoa mĩ, để viết thẳng, nói rõ… những suy nghĩ riêng, đôi chỗ phải trơ như một đoạn trần thuật của thể loại phóng sự.

Phần đầu tiểu thuyết bắt đầu bằng tội ác thường thấy gần đây ở vài nước độc tài, toàn trị – bắt cóc lấy nội tạng để buôn bán. Phần sau là những nhận định như là cách khám phá về sự độc ác của con người trong xã hội đang vong hóa tột độ.

Tội ác trong tiểu thuyết của Y Ban không bị sự trừng phạt tìm kiếm, đôi khi còn cố tình né tránh, nên nó nhởn nhơ đến kệch cỡm. Sự kệch cỡm được thời thế tuyên truyền trở thành uy quyền, phạm tội như để mua vui. Rồi đôi khi tội ác ấy thấy buồn tình, tự nó “gọi điện thoại, gởi email” cho sự trừng phạt để xin được giáp mặt, nhưng sự trừng phạt thì tìm cách né tránh, hoặc “gặp nhau làm ngơ”.

Nhân vật trong tiểu thuyết này một nửa là con người, một nửa là con vật. Những con vật đang trong cố gắng trở thành con người tử tế, nên chúng có sự trong sáng như một đứa trẻ. Và ngược lại, những con người thì không cần cố gắng, cũng dễ dàng thành những con vật đang khát máu, nơi mà sự cắn xé không phải vì sinh tồn, vì miếng ăn.

Khi khởi sự viết tiểu thuyết này, Y Ban có ý đồ viết dưới dạng trinh thám, vì bối cảnh rượt đuổi đường rừng, có vẻ phù hợp. Thế nhưng, khi câu chuyện xoay chuyển sang tình thế cần có công viên cứu hộ loài người, thì kết cấu đã thay đổi, nhân vật cũng phải đổi tên để tăng sự phi lý, sự hoài nghi.

So với các tiểu thuyết phá cách trước đây, lối viết lần này của Y Ban gần với kết cấu truyền thống hơn, có chương có hồi, có mở có kết. Nhưng vì thế, tính phi lý càng nhiều hơn, bởi đáng lẽ cái gì có cấu tứ thì bài bản, nghiêm túc, ở đây thì ngược lại.

Qua Công viên cứu hộ loài người, giới văn chương thêm một lần nữa chứng kiến cuộc đào tẩu và tìm kiếm tự do cho tư tưởng, cho ngòi bút. Vì thế, Y Ban đang trở thành một ngòi bút bất kham của chế độ kiểm duyệt.

Lý Đợi

 

 



Chuyên mục:Trên kệ sách

Thẻ:, , ,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: