Tự Do Trong Lưu Ðày, Ðạt Lai Lạt Ma Tự Truyện: Cộng Nghiệp và Từ Bi Tâm

TỰ DO TRONG LƯU ĐẦY
TENZIN GYATSO –  The 14th Dalai Lama
ĐẠT LAI LẠT MA TỰ TRUYỆN
Chân Huyền dịchChân Văn nhuận sắc

 

Sau này tôi mới biết các cuộc biểu tình Ở Lhasa vào tháng 9, tháng 10, năm 1987, xảy ra ngay sau khi chính phủ Bắc kinh bác bỏ Kế Hoạch Hòa Bình Năm Điểm của tôi. Hàng ngàn người dân Lhasa xuống đường đòi độc lập. Lập tức chính quyền Trung quốc đàn áp tàn bạo. Cảnh sát võ trang xông vào giải tán dân biểu tình, bắn súng không ngần ngại và giết chết 19 người. Nhiều người khác bị thương. Lúc đầu chính quyền Trung quốc phủ nhận tin bắn súng. Sáu tháng sau họ thú nhận công an có bắn chỉ thiên trên đầu đám đông để thị uy mà thôi. Nhưng họ đoán, có các viên đạn vô tình thay vì rớt xuống đất một cách vô hại thì lại rớt vào đám đông. (Nghe chuyện này, tôi tự hỏi phải chăng người Hoa có một thứ khí giới mới : Các đầu đạn tìm máu Tây tạng, như hỏa tiễn tầm nhiệt).

Tin tức về các cuộc biểu tình và sự đàn áp dã man đẫm máu lan truyền khắp thế giới, từ năm 1959 đến bây giờ tin tức Tây tạng lại trở thành tin hàng đầu. Nhưng phải về sau tôi mới biết đầy đủ chi tiết các vụ xảy ra. Tôi cảm ơn các du khách Tây phương tình cờ có mặt tại chỗ đã cung cấp thêm tin tức.  Bốn chục người trong số các du khách đó sau đã qui tụ lại soạn một bản phúc trình về các sự bạo hành họ đã chứng kiến. Tôi đọc nên được biết cả hai lần biểu tình xảy ra giống nhau. Đầu tiên là một số tăng ni tụ họp trước tu viện Jokhang, hô khẩu hiệu “Bo rangzen” nghĩa là “Tây tạng phải độc lập ? Sau đó, hàng trăm, rồi hàng ngàn thường dân tới theo họ, hô các khẩu hiệu đòi tự do. Rồi bất chợt, một tiểu đoàn công an xuất hiện. Không cần báo trước, họ bắt ngay 60 tăng sĩ và thường dân, dẫn vào đồn công an ngay trước tu viện.

Trước khi vào tới đồn, họ đã bị công an đánh đập dã man. Thế rồi dân chúng đòi công an phải thả các người bị bắt. Thình lình lại xuất hiện hàng chục công an, mang máy thâu hình video, bắt đầu quay phim đám đông. Sợ bị công an nhận diện sau này, đám đông bắt đầu ném đá vào đám người đang thâu hình. Một số dân chúng hoảng hốt, bắt đầu lật đổ xe cảnh sát và đốt, thế là lực lượng công an võ trang khai hỏa. Nhưng phần lớn dân chúng vẫn hết sức giừ trật tự, và khi có công an vứt súng bỏ chạy, họ nhặt súng thu lại và đập xuống đường cho gẫy đi.

Trong cuộc biểu tình ngày 1 tháng 10 năm 1987, đáng tiếc là đồn cảnh sát đã bị đốt cháy, vì dân biều tình cố giải thoát các đồng bào bị bắt một cách tuyệt vọng, đã đốt cánh cửa đồn để xông vào. Trước đó, công an cứ chạy ra chạy vào để tóm bắt từng người dân biểu tình, kéo vào trong đồn đánh đập tàn bạo. Đến khi đám đông giải tán thì ít nhất cũng có 12 người Tây tạng nằm chết, trong đó có nhiều trẻ em. Đêm hôm đó, công an đi lùng tận nhà bắt nhiều người. Sau cùng, hơn 2000 người bị bắt. Họ bị đánh đập và tra tấn, và một bản tường trình cho biết có 40 vụ hành quyết. Trước khi viết tiếp, tôi muốn ngưng ở đây để bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với các người ngoại quốc đã quên mình giúp đỡ các đồng loại khổ đau, dù họ không có bổn phận phải làm như vậy.

Những phản ứng bộc phát tỏ tình nhân loại tự nhiên như vậy cho ta niềm hy vọng vào tương lai của loài người. Nhiều vị đó, nam cũng như nữ, nhiều lần suýt mất mạng vì cố gắng cứu các người Tây tạng bị thương nặng. Họ cũng làm chứng và chụp cả hình ảnh các hành động dã man của công an Trung quốc.

Mặc dù chính quyền Trung hoa lập tức trục xuất tất cả nhà báo và du khách ngoại quốc, cả thế giới biết tin tức về các hành động tàn bạo của họ. Do đó các chính phủ Tây phương lên tiếng yêu cầu người Trung hoa phải tôn trọng quyền làm người ở Tây tạng và trả tự do cho các tù nhân chính trị. Để trả lời, chính phủ Bắc kinh nói các vụ xáo trộn trên có tính cách nội bộ và bác bỏ tất cả các lời chỉ trích.

Vì Tây tạng bị đóng kín trở lại, phải nhiều tháng sau đó tôi mới được nghe tin thêm. Nhưng giờ đây tôi đã biết sau vụ biểu tình trên, người Hoa bắt đầu một chương trình “học tập cải tạo” đại quy mô. Họ còn cố tổ chức các cuộc phản biểu tình của họ vào cuối tháng 10, hứa hẹn ai đi biểu tình sẽ được phát một tuần lương. Nhưng sau họ phải bãi bỏ kế hoạch đó, vì không ai tới dự cả! Và để tin tức khỏi lọt ra ngoài thêm, họ cho quân đội kiểm soát chặt chẽ biên giới, và chính phủ Bắc kinh đã ép buộc được vương quốc Nepal, một nước độc lập, phải bắt giải giao cho họ 26 người Tây tạng lọt lưới trốn thoát. Cũng trong thời gian đó, tôi được nghe một nguồn tin từ chính người Trung hoa (phát khởi từ lòng Từ Bi và sự phẫn nộ, cũng như các du khách), cho tôi biết chắc chắn có lệnh bắn thẳng vào người biểu tình.

Đầu năm 1988, chính quyền Trng quốc tại Lhasa ra lệnh các tu viện phải tổ chức lễ Monlam như thường lệ (Hội lễ này được tái lập năm 1986 sau 20 năm bị cấm).

Nhưng các tăng sĩ thấy không nên tổ chức hội lễ trong lúc bao người còn bị cầm tù, nên cưỡng lại lệnh trên. Chính phủ trung ương Bắc kinh ra lệnh cứ phải tổ chức lễ lạc để thế giới bên ngoài thấy tại Tây tạng mọi chuyện đã bình thường. Thế là các tăng sĩ bị cưỡng bách phải làm lễ. Nhưng người Hoa vẫn lo thế nào cũng có lộn xộn. Bản tin ngày 28 tháng 2 của đài BBC loan báo:”Hàng ngàn công an Trung quốc đã được chuyển vào trong thủ đô Lhasa – đầu đường nào cũng có rào cản. Ban đêm, từng đoàn xe võ trang đi tuần ngoài phố, loa phóng thanh loan truyền dân chúng chớ ra đường. Một lời đe dọa trắng trợn đã nói:”nếu mấy người không tuân lệnh sẽ bị bắn bỏ”. Thế rồi một tuần lễ trước hội Monlam, bản tin Reuters từ Bắc kinh gửi đi cho biết có 50 xe nhà binh và hàng ngàn công an Trung quốc võ trang chiến đấu chống biểu tình đã tập diễn ngay trước tu viện Jokhang.

Hội lễ bắt đầu trong không khí căng thẳng. Lễ khai hội có cả một đạo quân tham dự, cứ mỗi tăng sĩ lại có mười công an. Ngoài ra còn nhiều công an chìm mặc thường phục lẫn vào đám đông, một số cầm máy thâu video. Hành động man trá hơn nữa là có công an chìm còn cạo đầu giả làm sư, có người thì đeo tóc dài giả để ngụy trang làm dân miền quê ngoài Lhasa về dự lễ.

Lúc đầu hội lễ diễn ra trong trật tự, nhưng ngày 5 tháng 3, một vài tăng sĩ bắt đầu hô lớn đòi tự do cho một vị hóa thân tên là Yulu Dawa Tsering, một người biểu tình bị bắt từ tháng 10 năm trước mà không được xét xử. Sau đó, vào giờ tụng niệm sau cùng của hội lễ, đám đông tụ lại, và khi bức tượng Phật Di Lặc bắt đầu được rước quanh tòa Barkhor, thì họ hô khẩu hiệu đòi đuổi người Trung quốc. Họ còn ném đá vào đám công an đang diễn hành gần đó, với một thái độ thách thức. Thế là công an xông vào đám biểu tình, lúc đầu đánh đập bằng dùi cui và gậy có điện. Rồi lính bắn súng, nhưng lần này họ bắn một cách chọn lọc, từng người một, bắn gục một số dân biểu tình. Sau đó họ bắn đuổi theo dân bỏ chạy, hàng trăm người nứa bị thương. Tới trưa, công an đến tấn công vào lâu đài Jokhang, hạ sát hàng chục tăng sĩ nứa. Một tăng sĩ bị họ đánh tàn nhẫn, rồi moi cả hai mắt ông ta trước khi ném ông từ trên nóc nhà xuống đất. Ngôi đền linh thiêng nhất của đất nước tôi đã biến thành bãi sát sinh!

Tất cả khu vực người Tây tạng tại Lhasa nổi dậy, và đêm hôm đó có hai chục cửa tiệm của người Hoa bị đốt cháy, các chủ tiệm đó trước kia đã tỏ ra kỳ thị người Tây tạng. Trong đêm đó, công an lại tấn công nhiều lần, bắt giam hàng trăm đàn ông, đàn bà và trẻ em. Vì hồi đó chỉ có một số ít người Tây phương có mặt tại Lhasa, không có ai là nhà báo, nên tin tức bị bưng bít, nhiều tuần lễ sau tôi mới biết một số chi tiết. Lúc đó mới biết các vụ xáo trộn mới này còn rộng lớn và trầm trọng hơn cả vụ biểu tình mùa thu năm trước; vì thấy chính quyền tại Lhasa ra lệnh giới nghiêm suốt hai tuần, họ bắt giam 2500 người và dân chúng thủ đô bị đán áp một cách tàn nhẫn.

Một lần nữa, tôi không ngạc nhiên về các hành động tuyệt vọng người Tây Tạng đã bày tỏ, nhưng tôi vẫn quá kinh hoàng về phản ứng tàn bạo của người Ttrung Hoa. Dư luận thế giới cũng vô cùng phẫn nộ và trong vòng sáu tháng, đây là lần thứ hai báo chí quốc tế lại loan tin về các xáo động ở Tây tạng, dù tin tức lọt ra ngoài rất ít. Còn về phần chính quyền Trung quốc, họ vẫn nói đây là chuyện nội bộ. Họ kết án các cuộc biểu tình là hành động phá rối của “một thiểu số ly khai phản động” và gọi tôi là tên tội phạm nguy hiểm. Họ nói Đạt Lai Lạt Ma đã cố ý khích động nổi loạn và gửi cán bộ vào xúi dục dân trong nước. Có thể đoán trước được phản ứng của họ, chỉ đáng lo ngại là họ công khai kết án người ngoại quốc nhúng tay vào gây ra hai cuộc xáo động.

Bản tường trình đầu tiên tôi nhận được về các cuộc biểu tình nhân dịp lễ Monlam là do Lord  Ennals, một chính khách Anh quốc. Ông tới Lhasa một tháng sau ngày lễ. Ông dẫn đầu một phái đoàn được chính phủ Trung quốc cho phép vào Tây tạng điều tra về vấn đề nhân quyền. Lord Ennals cũng như các nhân viên phái đoàn kinh ngạc về tình trạng vi phạm trắng trợn quyền làm người của dân Tây tạng vẫn tiếp tục xảy ra. Nhân viên phái đoàn cũng thu lượm được nhiều chứng cớ hiển nhiên về sự đánh đập và tra tấn tù nhân sau các cuộc biểu tình, họ nghe bao nhân chứng kể lại đầy đủ chi tiết. Bản tường trình của phái đoàn, do International Alert (Báo động Quốc tê) ấn hành, nói đến một “cuộc khúng hoảng cần phải đối phó tích cực và gấp rút “. Trong thời gian đó tôi đang ở xứ Anh, tôi cảm kích về sự quan tâm nồng hậu của các cơ sở truyền thông đối với nỗi thống khổ của dân tộc Tây tạng. Tôi cũng vui mừng được mời đến nói chuyện tại nghị viện Âu Châu vào cuối năm 1988.

Cùng lúc đó nhiều lãnh tụ Tây phương kêu gọi Trung quốc hãy bắt đầu thương thảo với tôi về tương lai Tây tạng. Nghĩ rằng lời mời trên tạo thêm cơ hội cho tôi lập lại Kế Hoạch Hòa Bình Năm Điểm, nhất là khai triển điểm thứ năm, tôi nhận lời. Trong bài nói chuyện tại Nghị Viện âu Châu tại Strasbourg ngày 15-6-1988, tôi nhắc đến ý kiến tỏ ý rằng trong hoàn cảnh đặc biệt nào đó, chúng tôi chấp nhận Tây tạng liên kết với CHND Trung hoa. Các phần vụ ngoại giao và việc quốc phòng có hạn chế sẽ do Bắc kinh đảm trách cho đến khi hội nghị hòa bình của cả vùng được triệu tập, lúc đó toàn thể Tây tạng sẽ trở thành Vùng Hòa Bình. Tôi cũng nói rõ ràng là chính phủ lưu vong Tây tạng sẵn sàng thương thuyết với chính quyền Trung quốc khi nào họ sẵn sàng. Tôi cũng nhấn mạnh đây chỉ là một đề nghị còn các quyết định sau này phải do nhân dân Tây tạng chứ không phải do tôi mà thôi.

Một lần nữa, phản ứng của Bắc kinh là từ chối. Bài nói chuyện của tôi bị lên án và Nghị viện âu Châu bị chỉ trích nặng nề vì đã cho tôi thuyết trình. Nhưng trong mùa hè năm 1988 lại có dấu hiệu khích lệ khi người Trung hoa tỏ ý muốn bàn chuyện tương lai Tây tạng với Đạt Lai Lạt Ma. Lần thứ nhất, họ chấp nhận nói chuyện, không phải chl về địa vị Đạt Lai Lạt Ma, mà cả về vấn đề Tây tạng. Họ để tôi quyết định thể thức tiến hành. Tôi chỉ định ngay một phái đoàn thương thuyết và đề nghị hai bên gặp nhau tại Geneve vào tháng giêng năm 1989. Lý do chọn địa điểm đó là vì tôi muốn có thể đích thân tham dự cuộc hội đàm khi nào cần tôi có mặt.

Đáng tiếc là ngay khi họ chấp nhận hội đàm trên nguyên tắc, người Trung hoa lại đưa ngay ra các điều kiện phủ định. Trước hết họ muốn nói chuyện ngay tại Bắc kinh, rồi sau họ yêu cầu trong phái đoàn thương thuyết không được có người ngoại quốc, tiếp đến họ nói không thể chấp thuận người nào trong chính phủ lưu vong Tây tạng vì họ không công nhận chính phủ đó, rồi họ lại không bằng lòng nói với bất cứ ai đã từng kêu gọi nền độc lập cho Tây tạng. Sau cùng họ bảo chỉ thương thuyết với tôi mà thôi. Nghe thật đáng thất vọng. Vừa mới nói rõ ràng có ý hội đàm, người Hoa lại làm cho việc thương thuyết không thể nào khởi sự được và dù tôi không có gì e ngại không nói chuyện với họ, nhưng tối thiểu cũng phải có cuộc thảo luận sơ bộ với các đại biểu của tôi trước đã chứ. Thành thử, dù sau họ bằng lòng địa điểm hội đàm Geneve, tới tháng giêng năm 1989 cũng chẳng có gì thành tựu được.

Ngày 28-1-1989, có tin đức Ban Thiền Lạt Ma đã tạ thế trong lúc rời Bắc kinh về thăm Tây tạng (việc đi thăm này ít khi xảy ra). Ngài mới có 53 tuổi tôi nghe tin rất buồn. Tôi thấy Tây tạng lại mất một chiến sĩ tự do đích thật. Phải thú nhặn là có nhiều người Tây tạng coi ngài là người có vẻ đáng nghi. Quả thật, hồi đầu thập niên 1950, khi ngài còn trẻ, tôi cũng có ý nghi ngờ ngài theo Trung hoa vì quyền lợi riêng. Nhưng lòng ái quốc của ngài là có thực, tôi tin tưởng như vậy. Và mặc dù ngài bị người Trung hoa lợi dụng như một bù nhìn sau khi họ thả ngài ra khỏi tù, ngài vẫn tiếp tục chống đối họ cho đến lúc qua đời. Ngay trước khi tạ thế, ngài đã đọc một bài diễn văn Tân Hoa Xã có tường thuật, chỉ trích nặng nề về nhiều “sai lầm” nghiêm trọng mà người Hoa đã phạm ở Tây tạng. Đó là hành động can đảm sau cùng của ngài. Hai ngày sau, ngài ra trước công chúng lần chót tại tu viện Tashinhunpo, làm lễ lập vị các ngôi bảo tháp chứa di hài các vị tiền thân của ngài, thế rồi ngài bị đứng tim và viên tịch.

Nhiều người cảm thấy sự kiện đức Ban Thiền Lạt Ma qua đời trong chính tu viện gốc của ngài rất có ý nghĩa, như thể đó là do ý định của một vị chân tu. Dù không được gặp lại Ban Thiền Lạt Ma trước khi ngài viên tịch, nhưng tôi đã nói chuyện điện thoại được ba lần. Hai lần, tôi gọi thằng đến văn phòng ngài tại Bắc kinh, vì ngài được cho chức Dân biểu quốc hội, và một lần khi ngài đang ở ngoại quốc. Tất nhiên cuộc điện đàm với Bắc kinh bị theo dõi. Tôi biết điều đó vì sau lần điện đàm thứ hai, tất cả bản chép lại cuộc nói chuyện của chúng tôi được sửa chữa và đăng tải lên báo chí trong nước. Tuy nhiên, lần ngài sang Úc, có lúc ngài đã trốn được khỏi công an bảo vệ, vào đúng một thời điểm định sẵn, và ngài nói được chuyện qua điện thoại với tôi, lúc đó tôi đang ở bên Tây đức. Chúng tôi không có thời giờ nói nhiều nhưng cũng đủ để tôi tin tương rằng đức Ban Thiền Lạt Ma trong thâm tâm vẫn trung thành với tôn giáo, với dân tộc và quê hương. Cho nên tôi không quan tâm mấy đến các bá cáo nói xấu ngài từ Lhasa gửi đi, chl trích ngài làm ăn buôn bán lớn. Có cả tin ngài đã có vợ.

Sau khi ngài qua đời, hội Phật giáo Trung quốc mời tôi về dự lễ an táng ngài ở Bắc kinh. Đây là một lời mời về thăm Trung quốc một cách chính thức. Trong lòng tôi muốn đi lắm nhưng lại ngần ngại, vì nếu tôi về đó thì thế nào cũng phải có thảo luận về vấn đề Tây tạng. Nếu cuộc hội đàm  tại Geneve đã diễn ra rồi thì dịp này tôi về thật tiện. Còn trong hoàn cảnh hiện tại thì tôi về thật không đúng lúc, tôi phải lấy làm tiếc mà từ chối. Trong khi đó, thái độ ngoan cố của người Trung quốc dẫn tới các hệ quả không tránh khỏi.

Ngày 5-3-1989 bắt đầu ba ngày biểu tình Ở Lhasa. Đây là một vụ biểu lộ lòng bất bình mạnh mẽ nhất kể từ tháng 3 năm 1959. Nhiều chục ngàn người xuống đường. Công an đổi chiến thuật, suốt ngày thứ nhất họ đứng bên lề, chỉ quay phim rồi chiếu lên vô tuyến truyền hình đêm hôm đó. Sáng ngày hôm sau, họ mới phản ứng, đánh đập dân bằng gậy và bắn súng bừa vào đám đông. Có nhân chứng thấy họ bắn súng máy vào nhà dân Tây tạng, giết cả gia đình người ta.  Đáng tiếc là dân Tây tạng phản ứng lại vụ trên, không những tấn công trả đũa công an, mà đôi lúc cả các thường dân Trung hoa vô tội. Nghe tin tôi rất buồn. Dân Tây tạng mà dùng bạo lực thật là chuyện vô nghĩa lý. Nếu họ muốn, một ngàn triệu dân Hoa đánh sáu triệu dân Tây tạng, họ có thể xóa sạch dòng giống Tây tạng trên mặt đất này. Cần phải hiểu rõ phía gọi là địch thủ của mình mới được.

Tập tha thứ, bao dung, còn ích lợi hơn là lượm một hòn đá ném vào người mà mình giận dử. Khi việc khiêu khích càng cực đoan lại càng cần tha thứ. Vì khi mối thù nghịch càng cao, thì lại càng có cơ hội làm việc lành cho mình và cho người khác. Nhưng sự thực các lời khuyên trên của tôi đối với nhiều người có vẻ không thực tế. Đòi hỏi họ như vậy là đòi hỏi quá nhiều. Tôi không thể trông mong các người dân Tây tạng hàng ngày sống với bao khổ cực, mà lại có thể yêu thương người Trung hoa được. Cho nên dù tôi không bao giờ ủng hộ bạo lực, nhưng tôi phải nhận rằng có lúc không tránh được bạo lực. Thật ra, tôi kính trọng và khâm phục lòng can đảm của dân tôi. Nhiều người đi biểu tình là phụ nứ, trẻ em và người già. Ngày thứ nhất đã có hàng trăm đàn ông bị bắt, vì thế hai ngày sau phần lớn gia đình họ đi biều tình phản đối mạnh mẽ. Nhiều người trong số đó nay đã chết. Và bao nhiêu người khác nay vẫn còn bị cầm tù, ngày ngày bị hành hạ tra tấn.

Nhờ một số người ngoại quốc can đảm, nhiều người chính họ bị phiền nhiều, các tin tức về vụ bạo hành mới được truyền ra ngoài nhanh chóng. cũng như trước, khắp các nơi lên tiếng ủng hộ nhân dân Tây tạng: Hoa kỳ, Pháp và Nghị Viện âu Châu lên án mạnh mẽ việc đàn áp của người Trung quốc, đã làm ít nhất 250 thường dân Tây tạng bị chết, không kể vô số người bị thương. Nhiều chính phủ khác tỏ ý “quan ngại sâu xa”, và sau đó lệnh thiết quân luật ra ngày 8-3 đã bị cả thế giới phản đối.

Chuyện thiết quân luật trên thủ đô Lhasa nghe thật kinh sợ, vì trên thực tế, thành phố đó đã được đặt dưới quyền quân đội Trung quốc kể từ ngày 26-10-1951, khi Quân Đội nhân dân của họ tiến vào chiếm đóng. Vậy thiết quân luật chỉ có thể là người Hoa muốn biến thủ đô thành một lò sát sinh, “một cánh đồng tàn sát” trên Hy Mã Lạp Sơn. Cho nên hai ngày sau, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Nhân dân Tây tạng Vùng dậy, tôi gửi lời kêu gọi ông Đặng Tiểu Bình, yêu cầu ông đích thân can thiệp để chấm dứt tình trạng thiết quân luật và ngưng việc đàn áp dân Tây tạng vô tội. Ông ta không trả lời.

Chỉ vài tuần sau vụ biểu tình phản đối ở Lhasa là đến vụ nổi dậy tại Bắc kinh. Tôi theo dõi tin tức về biến cố đó, vừa kinh sợ vừa ngạc nhiên, hết sức lo ngại khi một số sinh viên bắt đầu tuyệt thực. Trông đám sinh viên thật là thông minh, trong sáng, thành khẩn, họ có cả một cuộc đời trước mặt. Đối diện với họ là cả một chính quyền ngoan cố, tàn nhẫn và vô tình. Tôi cũng không khỏi khâm phục giới lãnh đạo Trung cộng, mấy ông già ngu ngốc, ngắc ngoải, cố bám lấy ý kiến của mình. Dù đã có chứng cớ hiển nhiên là hệ thống xã hội của họ đang tan vỡ, và Cộng Sản đang tàn lụi khắp thế giới và cả triệu người biểu tình phản đối trước Thiên an môn, họ vẫn cứ quyết tâm tin tưởng.

Tôi tất nhiên cảm thấy bàng hoàng khi quân đội được mang tới đàn áp cuộc biểu tình. Nhưng về mặt chính trị, tôi nghĩ đây chỉ là sự thất bại tạm thời của cao trào dân chủ. Khi nhà cầm quyền dùng tới võ lực, họ chỉ tạo cho người dân Trung quốc bình thường có thêm thiện cảm với các sinh viên. Dùng biện pháp đó, họ làm cho chế độ Cộng sản tại Trung hoa sẽ bị sụp đồ sớm hơn một nửa hay hai phần ba. Họ cũng cho cả thế giới thấy phương thức họ quen dùng: từ nay không còn ai nghi ngờ về các vụ vi phạm nhân quyền ở Tây tạng nứa.

Cá nhân tôi, tôi lấy làm tiếc cho ông Đặng Tiểu Bình. Tên tuổi ông bây giờ bị thương tổn khó lòng cứu vãn. Nếu không xảy ra vụ thảm sát ở Thiên an môn, thì ông sẽ đi vào lịch sử như một nhà lãnh đạo vĩ đại của nước ông. Tôi cũng thương cho các nhà lãnh đạo khác của Trung hoa, vì thiếu hiểu biết đã hủy hoại uy tín quốc gia mà cả một thập niên qua Trung quốc đã cố hết sức tạo ra. Hình như họ thất bại trong việc tuyên truyền cho dân tộc Trung quốc, nhưng họ đã thành công quá mức trong việc cô động cho “thanh thế” họ.

Trong khi cả thế giới xảy ra các diễn biến, thì lệnh thiết quân luật vẫn duy trì tại Lhasa suốt năm 1989. Tôi càng ý thức rõ rệt về thảm cảnh đó khi tôi đang du hành ở Mỹ vào mùa Thu, tôi nhận tin được giải Nobel hòa bình. Dù đối với cá nhân tôi, tin này không có gì đáng kể, tôi biết đây là việc rất quan trọng cho dân tộc Tây tạng, vì chính họ mới là những người “chiếm giải”. Điều duy nhất khiến tôi hài lòng là khi thấy cả thế giới công nhận giá trị của lòng Từ Bi, tha thứ và thương yêu. Hơn nữa, trong cùng thời gian đó, tôi thấy nhiều dân tộc trên thế giới đã tự khám phá ra là có thể thay đổi vận mạng họ trong hòa bình. Khi xưa, ý tưởng về một cuộc cách mạng bất bạo động có vẻ lý tưởng quá, ngày nay tôi vui mừng thấy có chứng cớ ngược lại.

 Chủ tịch Mao Trạch Đông có lần nói “súng đẻ ra quyền bính.” Ông ta nói đúng có một phần: quyền hành do súng tạo ra chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Sau cùng thì lòng yêu chuộng sự thật, công lý, tự do và dân chủ sẽ chiến thắng. Dù chính phủ nào có làm gì chăng nữa, tinh thần nhân loại vẫn luôn luôn thắng. Tôi có kinh nghiệm trực tiếp về điều trên khi tôi thăm Bá linh vào cuối năm 1989, ngày ông Egon Kranz của Cộng sản Đông đức bị lật đổ. Nhờ các người cầm quyền tại Đông đức, tôi được phép đến bên bức tường Bá linh. Trong khi tôi đứng đó, dưới mắt quân lính Cộng sản vẫn còn trên vọng gác, thì một bà già im lặng trao cho tôi cây nến đỏ. Tôi cảm động thắp nến và nâng lên. Ngọn lửa nhỏ bé bập bùng nhảy múa, có lúc muốn tắt, nhưng sau lại tiếp tục cháy sáng, và trong lúc đám đông sán đến gần, chạm vào bàn tay tôi, tôi cầu nguyện ánh sáng của Từ Bi và Tỉnh Thức sẽ lan tràn khắp thế giới xóa tan bóng tối cúa sợ hãi và áp bức. Đó là một giây phút tôi không bao giờ quên.

Tôi cũng cảm thấy như vậy vài tuần sau, khi tôi viếng Tiệp khắc, theo lời mời của tổng \thống Havel, ông vừa ra khỏi cảnh tù tội vì chống chính phủ, bây giờ trở thành tổng thống của nước ông. Vừa đến nơi, tôi được một đám đông đón tiếp rất cảm động. Nhiều người đã rớt nước mắt, khoa tay chào mừng và làm dấu hiệu chiến thắng chứ V. Tôi thấy ngay lập tức là sau bao nhiêu năm dưới chế độ độc tài, những người nam và nữ này đang tràn đầy sức sống trong cảnh tự do họ vừa đoạt lại được. Tôi rất hân hạnh được mời tới Tiệp khắc, không những vì lần đầu tiên một vị nguyên thủ quốc gia đã mời tôi, mà vì ông ta là một người suốt đời tận tụy bảo vệ chân lý. Tôi thấy vị tân thổng thống này rất dịu dàng, khiêm tốn, thành khẩn và có óc hài hước. Trong bữa tiệc khoản đãi tối hôm đó, ông ngồi uống bia, tay cầm điếu thuốc lá, ông nói với tôi rằng ông rất thích vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ sáu. Ngài nổi tiếng là sống như người đời.

Câu nói của ông làm tôi nghĩ đến một ngày Tiệp khắc sẽ làm thêm một cuộc cách mạng thứ hai : cách mạng bớt hút thuốc lúc ăn cơm. Nhưng điều tôi khâm phục nhất nơi tổng thống Havel là ông không kiều cách chút nào cả. ông có vẻ không thay đổi gì sau khi nhận chức vụ mới. Và cách nhìn cũng như cách nói năng cúa ông cho thấy một tính mẫn cảm lớn lao.

Một nhân vật nữa tôi gặp vào đầu năm 1990 mà tôi rất khâm phục là Baba Amte, người đã lập nên một làng mới ở miền Nam Ấn độ. Trên khu đất trước kia bỏ hoang, bây giờ ông giúp dựng nên một ngôi làng có cây cối bao quanh, có vườn hoa hồng và vườn rau, và có cả một bệnh viện, một nhà dưỡng lão, trường học và xưởng thợ. Riêng điều đó đã là một thành tựu đáng kể, nhưng điều đáng kính phục hơn nữa là cả cộng đồng đó hoàn toàn do các người tàn tật xây dựng nên. Đi thăm quanh làng, tôi không thấy dấu hiệu gì để thấy là người tàng tật làm ra cả. Tại một ngôi nhà tôi đi vào, thấy một người đang sừa cái bánh xe đạp với hai bàn tay đã bị cụt mất một phần vì bịnh cùi, anh ta cầm một cái búa và một cái đục và anh ta đập búa một cách mạnh mẽ khiến tôi có cảm tưởng anh đang cố trổ tài. Nhưng sự tự tin tràn trề của anh khiến tôi nghĩ rằng khi có lòng nhiệt tâm và biết tổ chức đứng đắn, thì cả những người bị thiệt thòi cơ bản nhất cũng có thể tạo được phẩm giá cho mình và được công nhận là một phần từ hữu dụng cho xã hội.

Baba Amte là một con người kiệt xuất. Sau một quãng đời hoạt động rất dài, bị đau đớn thể xác ghê gớm, ông gần như bị liệt, và vì xương sống bị đau, ông chỉ có thể nằm hay đứng thẳng. Thế mà ông vẫn đầy nghị lực khiến tôi thấy chắc mình không đủ sức làm hết các việc của ông dù mình khỏe mạnh. Trong lúc tôi ngồi bên giường cúa ông, cầm tay ông, ông nằm nói chuyện với tôi, tôi không khôi cảm thấy đây là một con người tràn đầy lòng từ bi. Tôi nói với ông rằng, lòng từ bi của tôi chỉ thể hiện ra bằng lời nói, còn lòng từ bi của ông rực sáng trong tất cả các việc ông làm. Đến lượt ông, Baba Amte kể nguyên do nào đã thúc đẩy ông quyết định dành cả đời mình để giúp mọi người. Đó là một ngày ông trông thấy một người cùi trên mặt, chỗ trước kia là hai con mắt, bây giờ chỉ đầy giòi bọ, có thế thôi.

Các tấm gương về tình nhân loại trên đây khiến tôi càng tin rằng một ngày dân tộc tôi sẽ thoát khỏi cảnh khổ cực do CHND Trung quốc gây ra, vl có đến hơn một tỷ người Tàu, và trong lúc có thể có nhiều ngàn người Tàu tham dự vào các hành động tàn ác, thì mỗi giây phút tôi tin rằng cũng có bao nhiêu triệu người Tàu khác đang làm điều thiện. Nói vậy nhưng tôi cũng không quên được tình trạng hiện nay tại Tây tạng, Ở đó sự bất mãn và đàn áp không phải chỉ thu hẹp trong thủ đô Lhasa. Trong thời gian từ tháng 9/1987 đến tháng 5/1990 đã có hơn 80 cuộc biểu tình, nhiều cuộc biểu tình rất đông và không phải lần nào cũng đổ máu. Nhưng hậu quả là đồng bào tôi lại bị khủng bố thêm. Ngay tại thủ đô Lhasa, số người Hoa bây giờ đông hơn dân Tây tạng, đã có người thấy xe tăng trấn ngoài phố, và các bản phúc trình gần đây của cơ quan ân xá Quốc tế (Amnesty International) và cơ quan Quan sát Á Châu (Asia Watch) nhận định rõ ràng là việc đàn áp vẫn tiếp tục Ờ Tây tạng. Chính quyền Trung cộng vẫn tiếp tục bắt bớ không cần giải thích, đánh đập và tra tấn, cầm tù hay hành quyết không cần xét xử, đó là đặc tính của họ. Bên cạnh các câu chuyện trên, phải kể thêm các lời tường thuật của nhiều người Tây tạng sau khi bị bắt và hành hạ vì đi biểu tình, rồi trốn thoát qua Ấn độ. Một người, mà chúng tôi phải tạm dấu tên để tránh cho gia đình anh khỏi bị trả thù, thuật lại cho các nhà điều tra về Nhân Quyền biết: anh đã bị còng tay, để trần truồng trong phòng . giam rất nhiều ngày, trong thời gian đó, bị đánh đập và chửi rủa. Lâu lâu, một người lính gác say rượu lại vô đánh đập anh. Một đêm, họ đập đầu anh vào tường liên hồi cho đến khi anh bề cả mũi dù vẫn tỉnh táo, anh cũng nói bị lính gác dùng làm bia thịt để tập võ, bọn lính sặc mùi rượu. Giứa các lần hỏi cung, họ bắt anh thú tội đã đi biểu tình. Có khi họ bỏ anh nằm trên sàn phòng giam lạnh cóng nhịn đói nhiều ngày. Ngày thứ năm sau khi bị tù, anh bị đánh thức dậy lúc mờ sáng, mang ra một ngôi nhà khác để hỏi cung. Lúc đầu hai người gác ấn anh nằm xuống đất, còn người thứ ba quỳ gối lên đầu anh, rồi hai tay nắm lấy đầu anh, dập thái dương bên trái xuống đất trong mười phút. Người ty nạn này kể lại cảnh anh ta bị tra tấn theo lối “máy bay treo”: “Họ lôi tôi đứng dậy để trói hai tay tôi. Giây thừng hai đầu, ở giửa sợi giây là một cái khuyên tròn kim loại. Cái khuyên này đặt nằm phía sau gáy. Sau đó họ kéo hai đầu giây ra trước vai, rồi quấn quanh hai cánh tay từ vai xuống, thắt chặt các ngón tay lại. Sau đó họ kéo hai đầu sợi giây trơ vào giứa, thòng qua cái khuyên kim loại sau gáy, kéo giật hai cánh tay ra phía sau hai bả vai. Giứ chặt giây thừng, một người lính ấn mạnh vào sống lưng anh làm ngực bị đau nhói. Sau đó họ treo giây thừng lên một cái móc trên trần nhà rồi kéo giây thật mạnh. Tôi bị kéo lên cao, ngón chân chl chạm mặt đất. Anh bất tỉnh và không biết mình bất tỉnh bao lâu, khi tỉnh dậy thấy mình nằm trong phòng giam, tay chân bị cùm”. Bốn ngày sau anh ta bị lôi khỏi phòng giam, vẫn trần truồng, tay bị còng nhưng cùm chân đã tháo ra. Nhưng họ không đưa anh tới phòng thẩm vấn nửa mà “một người lính lấy sợi giây trão lớn trói tôi vào một thân cây. Giây trão quấn quanh tôi từ cổ xuống đến đầu gối. Người lính đứng phía sau cây, kéo sợi giây cho chặt. Mấy người lính Hoa khác đang ăn cơm trưa kế bên. Một tên đứng dậy, ném cả canh rau đầy ớt cay vào mặt tôi. Ớt làm cháy cả mắt tôi, đến nay vẫn còn bị sót. Hôi lâu họ cởi trói, đưa tôi trở lại phòng giam, tôi bước không nổi, vừa đi vừa té rụi, mỗi lần ngã chúi xuống lại bị đánh.”

 Các người tù khác kể chuyện họ bị cảnh sát dùng gậy có điện để tra tấn, loại gậy họ vẫn dùng để phá biểu tình. Một ông bị họ thọc cây gậy vào mồm chảy máu, và một ni cô kể với các nhân viên điều tra rằng cô bị họ dùng dụng cụ tra tấn đó đâm vào hậu môn và cửa mình. Thoạt nghe các chuyện đó dễ kết luận cả dân tộc Trung hoa như vậy, nhưng tôi biết vơ đũa cả nắm là sai lầm. Nhưng các hành động hạ cấp trên không thể quên lãng cho được. Cho nên chính tôi, sống lưu đầy nơi ngoại quốc phần lớn cuộc đời, và mặc dù rất quan tâm đến các chuyện xảy ra ở Trung quốc trong bấy nhiêu năm, với các kinh nghiệm của một quan sát viên về Trung hoa, tôi cũng phải thú nhận là tôi hiểu họ chưa đủ. Những năm đầu thập niên 1950, tôi thăm nước Tàu, tôi đã thấy rất nhiều người hy sinh tất cả để giúp cải cách xã hội. Nhiều người còn mang thương tích vì cuộc tranh đấu và phần lớn họ là những người có lý tưởng, họ thành thực muốn mang lại lợi ích thực sự cho tất cả mọi người trong cả xứ rộng lớn của họ. Để hoàn tất công việc này, họ dựng lên một hệ thống đảng trị. Với hệ thống đó họ có thể biết rõ từng chi tiết về mỗi người trong bọn họ, ngay cả đến chuyện mỗi ngày ăn cơm, đi ngủ mấy giờ.  Sự say mê lý tưởng của họ đến mức họ có thể làm bất cứ cái gì để thực hiện lý tưởng đó. Và họ thấy trong lãnh tụ của họ, Mao Trạch Đông, một người có viễn quan và trí tưởng tượng lớn lao, cũng là một người biết giá trị của sự phê bình xây dựn g và khuyến khích việc phê bình. Nhưng chẳng bao lâu, chính quyền đó trở nên tê liệt vì tranh chấp nội bộ. Tôi chứng kiến tận mắt cảnh này. Thế rồi họ bắt đầu tin vào chuyện tưởng tượng thay cho sự thật, và khi nào cần là họ dối trá lừa lọc để cho họ tốt đẹp huy hoàng hơn.

Hồi năm 1956 gặp Chu ân Lai, tôi nói về nỗi lo ngại của tôi, ông ta trả lời là không phải lo, mọi chuyện sẽ tốt đẹp Trong thực tế, mọi chuyện càng ngày càng tệ hơn. Năm 1957, khi tôi từ Trung hoa trở về Tây tạng, tôi thấy người Hoa hành hạ dân tôi công khai, mà trong lúc đó họ vẫn cam kết với tôi là họ không can thiệp. Họ nói dối một cách trắng trợn, bao giờ. cũng vậy. Tệ hơn nứa là thế giới bên ngoài đa số lại tin vào những điều dối trá của họ. Như hồi thập niên 1970, một số chính trị gia Tây phương được đi thăm Tây tạng, khi trở về nói mọi chuyện ở đó tốt đẹp.

 Sự thật là kể từ cuộc xâm lăng của Trung quốc, hơn một triệu người xứ tôi đã chết vì chính sách của họ gây ra. Trong quyết nghị về Tây tạng năm 1965, Liên hiệp quốc đã nói rõ ràng là việc quân Trung quốc chiếm đóng quê hương tôi đã gây ra đầy dẫy “những vụ tàn sát, hãm hiếp, tù đầy vô cớ; tra tấn tàn bạo, đối đãi một cách vô nhân đạo và hạ phẩm giá người Tây tạng trên một qui mô rộng lớn “. Tôi quả thật không sao giải thích nổi chuyện này: tại sao các lý tưởng cao quý của bao người, nam và nữ, đã bị biến thành những hành động dã man, vô nghĩa. Tôi cũng không hiểu nổi cái gì thúc đẩy người lãnh đạo Trung quốc khiến họ ra lệnh tiêu hủy cả chủng tộc Tây tạng.

Hình như nước Trung Hoa, cả quốc gia đó, đã mất niềm tin và vì thế nhân dân Trung hoa phải chịu những khổ cực vô chừng trong suốt bốn mươi mốt năm qua – tất cả nhân danh chủ nghĩa Cộng sản. Mà sự theo đuổi chủ nghĩa Cộng sản đã là một cuộc thí nghiệm lớn bậc nhất trong lịch sử nhân loại và tôi không chối bỏ rằng thoạt đầu tôi rất khâm phục ý thức hệ đó. Vấn đề nằm ở chỗ, tôi đã khám phá ra ngay, là mặc dù chủ nghĩa Cộng sản rêu rao phục vụ “nhân dân” – để cho nhân dân có “khách sạn nhân dân “, “bịnh viện nhân dân”, ” quân đội nhân dân ” vân vân – chữ ” nhân dân ” Ở đây không có nghĩa là tất cả mọi người, mà chỉ là những người nào đồng ý với một thiểu số tự nhận là có “quan điểm nhân dân”.

Về sự quá đà của chủ nghĩa Cộng sản, Tây phương cũng chịu một phần trách nhiệm. Khi phương Tây đối xử với các chính quyền Cộng sản đầu tiên với thái độ thù địch, thì điều đó đã gây ra thái độ đề phòng mà các chính quyền này dùng để tự vệ.Và thái độ nghi ngờ đó tạo ra khổ đau, vì nó trái với một đặc tính của loài người – là ai cũng muốn tin người. Điều này khiến tôi nhớ lần tôi đi coi căn phòng của Lê Nin trong điện Kremlin năm 1982 khi tôi thăm Moscow. Một người công an thường phục mặt lạnh lùng đứng canh tôi từng bước, trông anh ta có vẻ như sẵn sàng rút súng bắn bất cứ lúc nào, trong khi đó cô hướng dẫn viên thì giải thích như cái máy về lịch sử Cách mạng Nhưng nếu tôi có một khuynh hướng chính trị nào đó thì chắc tôi sẽ nghiêng về chủ nghĩa Mác-xít một nửa. Tôi không chê trách gì chế độ tư bản khi nó được thể hiện một cách nhân đạo, nhưng tín ngưỡng của tôi khiến cho tôi gần với chủ nghĩa Xã hội và Quốc tế hơn; các tư tưởng đó gần với Phật giáo hơn. Một điểm tôi thích trong tư tưởng Mác-xít là nó khẳng định con người trách nhiệm lấy vận mạng cúa mình. Đó cũng là tư tưởng Phật giáo. Ngược lại với ý hướng trên, tôi xác nhận sự kiện là ở các nước theo đường lối tư bản trong một khung cảnh của chế độ dân chủ thì có tự do rất nhiều, so với các nước đuổi lý tưởng theo Cộng sản.

Vậy sau cùng, tôi ủng hộ một chính phủ nhân đạo, một chính phủ có mục đích phục vụ tất cả cộng đồng: trẻ em, người già, người tàn tật cũng như các người có sản xuất trực tiếp trong xã hội. Dù đã nói tôi có một phần thích Mác-xít, nhưng nếu thật sự đi bầu, tôi sẽ bầu cho đảng “Bảo vệ sinh môi”.

Một diễn trình tích cực nhất gần đây trên thế giới là càng ngày người ta càng ý thức về sự quan trọng của thiên nhiên. Đây không phải là chuyện thiêng liêng, thần thánh gì cả. Chăm sóc trái đất cũng như chăm sóc nhà mình ở. Vì con người từ thiên nhiên mà ra, chống lại thiên nhiên thì quả là ìâm. Vì vậy tôi nghĩ bảo vệ thiên nhiên không phải là một đề tài có tính chất tôn giáo hay đạo đức, luân lý. Các món đó là xa xỉ, vì không có chúng, mình vẫn sống được. Nhưng mình không thể sống được nếu tiếp tục chống lại thiên nhiên. Chúng ta phải chấp nhận điều đó. Làm thiên nhiên mất quân bình thì loài người sẽ khổ. Hơn thế nữa, sống hôm nay chúng ta còn phải nghĩ đến các thế hệ ngày mai. Quyền sống trong một khung cảnh trong sạch cũng là một thứ quyền làm người như các quyền khác. Vậy chúng ta có trách nhiệm đối với người khác là đảm bảo thế giới mà chúng ta để lại phải lành mạnh bằng, nếu không phải lành mạnh hơn khi chúng ta tới đó. Đề nghị này không khó khăn như thoạt nghĩ. Vì mỗi cá nhân hành động thì kết quả có giới hạn. Toàn cầu đáp ứng thì thành quả sẽ không có giới hạn nữa. Mỗi chúng ta sức đến đâu làm đến đó, dù nhỏ bé. Như bổn phận ra khỏi phòng thì phải tắt đèn, các kết quả chắng đáng kể gì, nhưng không phải vì thế mà ta không nên làm.

Vì lẽ đó, tôi là một tăng sĩ Phật giáo, tôi thấy niềm tin vào Nghiệp Báo (Karma) rất hữu ích trong đời sống hàng ngày của chúng. ta. Khi chúng ta tin có liên hệ giữa Nhân và Quả, chúng ta sẽ tỉnh thức hơn về những hậu quả mà các hành động của ta sẽ tạo ra nơi mình và người khác. Nghĩ thế, tôi thấy thế giới vẫn có nhiều điều tốt lành mặc dù  cử hành lễ đó lại, cũng là theo tiền lệ thôi.

Vì tôi là tăng sĩ Phật Giáo, tôi mong giúp tất cả gia đình nhân loại, đúng ra, tất cả các chúng sinh bớt khổ đau. Tôi tin rằng khổ đau này do vô minh dốt nát mà ra. Con người làm khổ người khác khi đi tìm thỏa mãn và vui sướng cho riêng mình. Nhưng hạnh phúc đích thực là niềm An Lạc nội tâm và tự tại mà ra. Mà niềm an lạc tự tại phải đạt lấy qua sự việc nuôi dưỡng óc vị tha, lòng từ bi, và diệt trừ sân hận, vị kỷ, tham lam. Nhiều người thấy nói như vậy thì cho là ngây thơ quá. Nhưng tôi muốn nhắc họ rằng, dù chúng ta gốc ở nơi nào trên thế giới, chúng ta cơ bản vẫn là một giống người.

Tất cả chúng ta đều tìm an lạc và tránh khổ đau. Chúng ta có cùng những nhu cầu và mối quan tâm. Hơn thế nữa giống người chúng ta ai cũng muốn có tự do và quyền tự mình quyết định vận mệnh của cá nhân mình. Đó là tính người. Các biến đổi lớn lao đang diễn ra trên thế giới, từ Đông âu đến Phi Châu, đều cho thấy điều đó một cách rõ ràng. Đồng thời các vấn đề của chúng ta hiện nay – xung đột võ trang, phá hoại thiên nhiên, đói v.v.., đều do loài người gây ra. Các vấn đề đó có thể giải quyết với nỗ lực của con người, với sự thông cảm và phát triển tình huynh-đệ và tỷ-muội. Để tạo nên các nỗ lực đó, chúng ta cần nuôi dưỡng một tinh thần trách nhiệm phổ cập đối với nhau và đối với trái đất mà chúng ta chia xẻ. Tinh thần đó dựa trên tình thương và sự tỉnh thức. Giờ, phải nói thêm là dù tôi thấy đạo Phật của tôi rất hữu ích để tạo nên tình thương và lòng Từ Bi, tôi cũng tin rằng, các đức tính đó ai cũng tự mình phát khởi lấy được, dù họ có tôn giáo hay không.

Tôi cũng tin rằng tất cả các tôn giáo đều theo đuổi một mục đích : nuôi dưỡng từ tâm và tạo nên an lạc cho tất cả loài người. Dù phương tiện có khác nhau, cứu cánh chỉ là một. Trong khi khoa học càng ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống chúng ta, tôn giáo và sinh hoạt tâm linh có một vai trò quan trọng hơn để nhắc nhở chúng ta về tình nhân loại. Tôn giáo và khoa học không mâu thuẫn nhau. Mỗi bên giúp chúng ta hiểu rõ bên kia hơn. Cả khoa học lẫn Phật Pháp đều dạy chúng ta về tính nhất quán của vạn pháp. Tôi chấm dứt cuốn sách này bằng lời cảm tạ riêng gởi đến các người bạn của Táy tạng. Sự quan tâm và hỗ trợ của quí vị đối với lời kêu gọi của dân Tây tạng đã làm chúng tôi rất xúc động, và vẫn tiếp tục cho chúng tôi thêm can đảm để tranh đấu cho Tự Do và Công Lý, không phải tranh đấu bằng vũ lực nhưng bằng khí giới của sự thật và quyết tâm. Tôi biết nhân dân tây tạng cùng tôi muốn cảm ơn quí vị và mong quí vị đừng quên Tây tạng vào giờ phút trọng yếu trong lịch sử chúng tôi như bây giờ.

Chính chúng tôi, chúng tôi cũng muốn đóng góp vào sự phát triển của một thế giới tươi đẹp, hòa bình và nhân đạo hơn. Một nước Tây tạng tự do trong tương lai sẽ cố giúp tất cả những người nghèo đói, bảo vệ thiên nhiên và cổ động hòa bình. Tôi tin tưởng rằng khả năng hòa hợp sức mạnh thiên nhiên với thái độ thực tế và thực dụng sẽ khiến chúng tôi có thể đóng góp một cách đặc biệt dù nhỏ nhoi. Sau cùng tôi muốn chia xẻ với quí vị độc giả một bài kệ ngắn đã từng giúp tôi thêm phấn khời và quyết tâm:

Khi còn thế giới
Khi còn chúng sinh
Tôi nguyện đời mình
Giúp người bớt khổ.

 

(Trích trọn chương Năm, TỰ DO TRONG LƯU ÐÀY)



Chuyên mục:Trên kệ sách

Thẻ:, , ,

2 replies

  1. Bạn ơi!

    Sách hay quá! Bạn có thể post them các chương không ạ! Xin cảm ơn rất nhiều!!

    Thích

Trackbacks

  1. 84 – Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ 14 – The 14th Dalai Lama – Song ngữ – Evdharma

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.