Trà Vigia: Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi

Trà Vigia (Ảnh: Facebook)

Vào năm học mới mọi người đều xôn xao với cách đánh vần theo công nghệ của ông Hồ Ngọc Đại được bộ giáo dục thông qua, nổi cộm hơn là cải cách tiếng Việt của ông Bùi Hiền vẫn còn nhiều tranh cãi. Tôi thì không xem TV hay lên mạng nên chẳng biết ất giáp gì, chỉ nghe bọn trẻ kháo rằng vợ chồng ông Hiền ôm cạk nhau sung sướng vì bỗng dưng nổi tiếng khắp nước non. Nổi tiếng thì ai lại không thích với những scandal từ ca sĩ đến thi sĩ, nhưng nổi tiếng khiến nhiều người lao đao lận đận thì tưởng cũng nên xem lại ngọn nguồn. Cải cách là cần thiết nếu cái cũ trở nên lạc hậu lỗi thời, cải cách để tiến bộ chứ không phải giật lùi vì những động cơ mưu cầu không lành mạnh! Nước ta đã từng cải cách ruộng đất, cải cách diệt trừ văn hóa đồi trụy với nhiều hệ lụy nhãn tiền như một bài ca không thể nào quên. Tôi thì sao cũng được bởi không đi bầu cũng có người được cử, nếu có cải cách thật sự thì tôi đành phải gác bút treo hình. Tôi quen đánh Vni nhỡ có ai chuyển qua Telex thì rối tung lên không định hướng nổi, có lẽ tuổi già chỉ bám vào thói quen và tập quán nên không thích nghi được. Điệp khúc hy sinh đời bố củng cố đời con hình như đến chu kỳ lập lại, thời thế thế thời không thể nào mà lường trước được! Thời xưa thì: Thà đốt cháy cả dãy Trường Sơn còn hơn để mất nước, nay thì đến giai đoạn thà mất nước còn hơn mất đảng bởi đảng còn thì nước mới còn. Thời còn chiến tranh Mỹ rải Dioxin dày đặc đến thế mà Trường Sơn chẳng hề hấn gì, nay hòa bình lập lại chỉ mấy năm mà quan tặc cùng với lâm tặc đã đánh nhanh diệt gọn cả núi rừng. Phạm Quỳnh nói tiếng Việt còn thì nước Việt còn, không biết để chỉ tiếng Việt nào và nước Việt nào? Xưa kia vì không có chữ nên ta học chữ Hán sau đó chuyển qua Nôm, chữ Nôm phức tạp rườm rà quá cho nên không thể phổ cập đại trà. Mấy ông Tây thương tình Latin hóa tiếng Việt để người dân ai cũng biết đọc biết viết, dễ dàng học tập và làm theo chủ trương chính sách của đảng. Từ đó ta mới có chữ viết đến hôm nay…

Người Việt mình vốn vô ơn nên chẳng ai nhớ đến công lao của mấy ông Tây cả, Tây hóa không bằng Tàu hóa vì ta với Tàu dù gì cũng núi liền núi sông liền sông tình nghĩa mặn nồng! Giữ gìn bản sắc dân tộc Việt trong đình chùa chỉ có lơ ngơ mấy câu đối chữ Hán, ảnh chụp ghi là Hồn Việt cũng chỉ thấy loe ngoe vài thư pháp Hán nên không biết phải hiểu như thế nào? Cho nên phải rất cảm thông sâu sắc với danh nhân văn hóa Bùi Hiền, chỉ ngặt chữ Việt viết theo ông có vẻ sexy quá vì đâu đâu cũng cạk dài cu to nồn nạ. Bạo lực và kích dục học đường không biết sẽ phát huy đến đâu theo xu hướng mới, trong khi cả nước còn phải đối phó với bao thiên tai địch họa… Chợt nhớ lại câu ca dao năm nào: Trong cơn lửa khói cơm sôi, lợn kêu con khóc chồng đòi tòm tem! Trước hết phải lo cho bữa ăn trước mắt, cơm sôi thì phải lo chắt nước rồi bắc xuống bếp than giảm nhiệt cho khỏi khét thì cơm mới ngon. Sau đó phải cho lợn ăn vì đó là tài sản tích cóp lâu dài phòng cho giỗ tang cưới hỏi sau này, con khóc thì phải cho nó bú thì mới yên thân không bị quấy rối và cũng vì tất cả cho em của chúng ta. Đằng này thì chồng đòi tòm tem là OK ngay thì coi như mọi thứ vứt hết, cái gì cũng phải có trình tự của nó với những việc cần làm ngay. Cải cách chữ trong thời điểm này cũng chẳng khác gì chuyện tòm tem cả, bởi ta cho rằng chuyện tòm tem mới là quốc sách mang tính hậu hiện đại như nhiều người rêu rao. Trong khi nước ta nợ nước ngoài ngập đầu không biết con cháu đời nào mới trả hết, cán bộ đảng viên thì thoái hóa biến chất coi tham nhũng là phao cứu sinh để phấn đấu tồn tại. Môi trường bị tàn phá và ô nhiễm trầm trọng nên thiên tai địch họa diễn ra như cơm bữa, đạo đức suy đồi dẫn đến bao hệ quả thương tâm nhất là nạn ấu dâm và bắt cóc trẻ em. Tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng khi con người coi quyền lực và vật chất là cái đích phải hướng đến, bạo lực và lừa đảo là phương thức duy nhất để con người hành xử với nhau. Đảng lừa dân vì ý đảng là lòng dân, cán bộ lừa đảng vì ý cán là lòng đảng và mọi hậu quả đều đổ lên đầu dân nghèo! Không lừa mị được thì dùng bạo lực để trấn áp, cán bộ bây giờ không còn muốn hạ cánh an toàn ở trong nước mà muốn xoải cánh ra nước ngoài. Vào đảng để lãnh đạo, lãnh đạo để tham nhũng vơ vét của dân rồi từ đó tìm cơ hội sang định cư ở nước ngoài rồi quay ra nói xấu đảng. Nếu trung thành với đảng với chủ nghĩa xã hội thì đáng ra họ phải hạ cánh ở Trung Cộng hay Bắc Triều Tiên hoặc chí ít cũng viva Cuba, đằng nay cứ tìm đi Bắc Mỹ Tây Âu và châu Úc?! Tôi thì luôn tin dưới sự sự lãnh đạo tài tình của đảng đầy tính tiên tri thì Việt Nam sớm muộn gì cũng sẽ đứng đầu thế giới, quốc sách tòm tem sẽ là đầu tàu đột phá trên lộ trình phát triển bền vững. Nếu Tàu có đường lưỡi bò quét về phương nam thì ta có đường lưỡi trâu thổi ngược lên bắc, Tàu sẽ tự nguyện sáp nhập vào ta để cùng nhau tiến bộ làm chủ thế giới. Từ nấc thang đó trước hết sẽ giải phóng mặt trăng và các hành tinh trong thái dương hệ, tiếp nối sẽ giải phóng người ngoài hành tinh để tiến lên thiên đường cộng sản đại đồng!

Cải cách chữ Việt của ông Bùi Hiền nghe đâu có liên quan đến cải cách chữ Chăm từ mươi năm trước, có lẽ ông Hiền đã lấy ý tưởng hoặc trực tiếp thụ giáo một vĩ nhân Chăm nào đó ẩn danh. Sự kiện đó gây ra cuộc tranh luận bát nháo từ nhiều phía dư luận Chăm mà đến nay vẫn chưa có hồi kết, Chăm bảo cãi vả cho vui nhưng nay đã im re vì ai cũng đã mỏi miệng cả rồi! Đơn giản là Chăm hôm nay nói thế nào thì cứ viết chữ như thế nấy, họ quên rằng chúng ta hiện thời đang nói tiếng Chăm ngọng nên phát âm sai bởi lai đơn âm hóa của tiếng Việt. Một sai lầm căn bản không khác gì tự đồng hóa ngôn ngữ mình, bởi chữ viết là một quá trình hình thành và hoàn chỉnh qua nhiều giai đoạn mang tính lịch sử. Thôi thì lịch sử hôm nay với những sản phẩm con người hôm nay sẽ quyết định cho số phận chữ Chăm hôm nay, mỗi một người Chăm cần tỉnh táo và sáng suốt để ý thức việc học chữ Chăm của mình. Sai lầm thứ hai là không thể đánh vần chữ Chăm theo cách đánh vần chữ Việt, nó sẽ xơ hóa biểu cảm âm nhạc và sự tiếp thu tự nhiên hướng đến một từ gốc theo bản năng gốc. Ngôn ngữ là sự tương tác những ký hiệu để hình thành một chữ mang đầy đủ ý nghĩa, cho nên cần tối giản và mang tính biểu trưng hơn là là phân định rạch ròi để không nhầm lẫn chữ này với chữ khác. Chăm nói Haluh Ilimo là bởi thế, học chữ thì phải thấu đáo ngọn nguồn thì mới hiểu chữ. Cùng một chữ nhưng ở mỗi vị trí khác nhau trong câu thì phải đọc khác cũng như mang nghĩa khác. Đó là những từ bất quy tắc mà ngôn ngữ nào cũng có chứ chẳng phải riêng gì tiếng Chăm, sự phân định là không cần thiết nếu không muốn nói là làm cho chữ Chăm mất sinh khí và tính biến hóa vốn có. Tập cho trẻ dễ dàng nhận chữ để rồi dễ dàng quên và chán chữ thì không phải là phương pháp giáo dục tốt và có khoa học, chữ phải đánh đố trẻ để tăng phần động não và giúp trẻ linh hoạt hơn trong khâu tiếp thu và tiếp nhận.

Dường như chúng ta không lưu tâm lắm đến tâm lý sư phạm mà chỉ chú tâm cho trẻ nắm bắt thật nhanh, làm quen với cái dễ để rồi ngại khó với những văn bản Chăm ở cấp độ cao hơn và đó là điều lợi bất cập hại cần nên cảnh báo! Không trách giới trẻ hôm nay ai cũng đọc thông viết thạo vở sạch chữ đẹp, nhưng tiếp cận sâu vào Ariya Chăm thì không hiểu gì cả để từ đó xa rời thông điệp của cha ông. Chúng ta không ngạc nhiên khi hôm nay xuất hiện quá nhiều nhà thơ nhà báo và nhà nghiên cứu văn hóa Chăm như một trào lưu thời thượng, từ điển Chăm thì mỗi nhà mỗi kiểu ngữ nghĩa phiên âm không biết đâu mà lần! Tôi có hỏi vài bạn trẻ thì nghe trả lời êm ru bà rù, mấy người đi trước tự xưng tự phong như thế thì tụi nó cũng học đòi như thế vì ai cũng trình độ same same nhau, họ quảng cáo tiếp thị như thế nào thì tụi nhỏ cũng bắt chước thế ấy cho vui. Họ tìm dự án kiếm tiền kiếm danh theo hậu kinh tế thì tụi nhóc cũng tìm buồn tìm vui theo hậu hiện đại, ngày nay ai cũng học chữ để bỏ vào nồi xào xáo rồi hít hà ta đây làm văn hóa dân tộc. Ngày xưa ai học chữ Chăm phải có thiên tư, người có tâm thuật thì học cao biết rộng nhưng chưa thấu đáo bởi chỉ người có ngộ tính cao mới có thể lĩnh hội và sai khiến con chữ theo ý mình. Hệ quả của việc dạy chữ Chăm là như thế, còn cách mạng văn hóa của ông Hiền không biết rồi sẽ ra sao?

Tôi yêu tiếng nước tôi bởi tiếng tôi còn là bản thân tôi còn biết mình là ai, ngôn ngữ không chỉ biểu đạt trong tiếng nói và chữ viết mà còn bao trùm nhiều lĩnh vực khác liên quan. Một hôm có bạn trẻ mở face cho tôi xem mấy hình ảnh về phụ nữ Chăm đang hiên ngang diễn tấu nhạc cụ Chăm, lúc đầu tôi hơi sửng sốt choáng váng đầu óc không tin nổi vào mắt mình vốn đã lờ mờ! Một cô thì ôm trống Baranưng vỗ bành bạch lí nhí lời ca gì đó không nghe rõ, một cô thì dạng háng đánh phành phạch trống Ginơng ru rú bài dân ca lạc điệu dưới ánh đèn sân khấu phù hoa ma quái. Tôi hơi rờn rợn pha chút tởm lợm tủi buồn cho âm nhạc Chăm, ngày trước xem mấy võ sĩ Chăm tung trống Baranưng múa may đá giò lái còn hơn Tề Thiên Đại Thánh đại náo thiên cung đã thấy kinh hồn tang đởm. Mẫu hệ Chăm để bảo vệ phong tục tập quán Chăm nay đến nỗi này cũng đành cúi đầu mà lạy, hèn chi thần linh ô uế đi tị nạn bỏ con cháu vất vưởng nơi này. Dù gì họ cũng chỉ là nạn nhân để hiến tế, chồng con cha mẹ họ đi đâu hết rồi sao không một lời can ngăn trăn trở! Tích cực và dốt nát là tiền đề của phá hoại, trí thức các ngài đang ở đâu?



Chuyên mục:Bài hay trên net., Ngôn Ngữ

Thẻ:

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: