TÓM TẮT: Từ một bộ phận đất đai nằm ngoài lãnh thổ vương quốc Lâm Ấp (Lin Yi) lúc ban đầu, Pandaranga vượt lên trở thành trung tâm thời Hoàn Vương (Houan Wang) cường thịnh của các vị quốc chủ miền Nam. Những biến động lớn thăng trầm qua các triều đại Champa trong gần suốt chiều dài lịch sử mang đậm dấu ấn của xứ sở thường được mệnh danh là ngang bướng và kiêu hãnh này, để rồi sau cùng Panduranga phải đứng ra đóng vai trò trụ cột vương quốc, gánh lấy sinh mệnh giống nòi đang đến hồi suy vi phân rã. Như sự hiện thân quy luật thiên di vĩ đại của vũ trụ, xứ Pandaranga cùng vương quốc Champa từ cuối thế kỉ XVII trở đi chỉ còn là tiếng vọng xa xôi của quá khứ huy hoàng
Panduranga thời lập quốc Lâm Ấp
Thời sơ sử của tộc Chàm được các thư tịch Trung Hoa mô tả rằng nằm ngoài “… biên giới cuối cùng của những xứ đã thần thuộc vào Trung Quốc trên danh nghĩa, một vùng nguy hiểm và không thể vào được mà dân cư… thì còn rất dã man, chỉ biết câu cá và săn bắn, không biết trồng trọt. Họ không chịu thần phục và thường luôn luôn nổi dậy, tràn vào các đô thị có quan lại Trung Quốc, triệt hạ cướp bóc, tàn sát, khi viện binh tới nơi thì họ rút lui, trốn vào rừng sâu”[1]. Vùng này chính là huyện Tượng Lâm (Siang Lin), nơi mùa xuân năm 100 với số lượng 2.000 người, lần đầu tiên tộc Khu Liên (K’iu Lien) dũng mãnh nổi dậy chống lại các quan cai trị ngoại quốc. Gán cho người Khu Liên còn trong tình trạng dã man, phủ nhận tinh thần tự vệ chính đáng của họ, triều đình Trung Hoa âm mưu dùng danh nghĩa khai hóa để tiếp tục nối dài xuống phía Nam sự nô dịch đối với các dân tộc liền kề, bởi tại thời điểm đang nói này, người Khu Liên đã được quy tụ trong một thiết chế nhà nước sơ khai là Hồ Tôn quốc[2].
Tuy nhiên, năm 192 con trai viên công tào huyện Tượng Lâm là Khu Liên (tên người, khác với tên tộc Khu Liên) nổi lên giết huyện lệnh, tự xưng làm vua, sáp nhập Tượng Lâm vào Hồ Tôn, lập thành Lâm Ấp (Lin Yi)[3], không ngừng mở rộng lãnh thổ lên hướng Bắc lẫn cả về phía Nam. Khoảng năm 480, thái tử vương quốc Phù Nam là Phạm Đăng Căn Thuần (Fan T’ang-ken-tch’ouen) lợi dụng sự xáo trộn của hoàng gia Lâm Ấp đã chiếm đoạt ngôi vị, sáp nhập luôn lãnh địa được phong cấp của mình từ miền Đông sông Đồng Nai đến Phật Linh Sơn, bao gồm hai xứ Panduranga và Kauthara. Sự kiện đặc biệt này đã mang về cho Lâm Ấp quốc một bộ phận lãnh thổ cực kì quan trọng, bởi sự thịnh vượng của cải, sùng kính đức tin cùng quyền lực tối cao của cả vương quốc từng được ngự trị và tỏa ánh hào quang tại đây. Đó là thời đại Hoàn Vương (Houan Wang) huy hoàng trong lịch sử đế chế Champa, tuy chỉ kéo dài khoảng một thế kỉ nhưng in đậm dấu ấn chinh phục của các vị quốc chủ miền Nam. Chính hành động hào phóng bất ngờ của Phạm Đăng Căn Thuần đã khởi đầu truyền thống bất phục của xứ Panduranga, như chính sự phẫn uất của vị vua già Phù Nam Jayavarman khi ông tố cáo đến tận thiên triều về người con trai phản nghịch vô thừa nhận, rằng “Hắn không tỏ vẻ kính trọng thần hạ, hắn không bao giờ làm một việc phải và vi phạm những nguyên tắc về luật pháp. Tội ác của hắn chống lại người chủ cũ đến trời cũng không chịu nổi… nước Lâm Ấp và Phù Nam cùng chung một ranh giới và chính hắn là tay thủ hạ của thần mà lại dám làm phản, thì đối với bệ hạ ở quá xa, hắn nào có kính trọng gì?…”[4]. Điều trớ trêu nực cười là hoàng đế Trung Hoa với thiên chức hòa giải của mình lại đứng ra bênh vực kẻ bị nguyền rủa táo tợn kia, phong Phạm Đăng Căn Thuần tước vị “Đô đốc lục hải chư quân sự An Nam tướng quân, Lâm Ấp vương”[5], cái mà Jayavarman rất khát khao thèm muốn nhưng phải đợi đến triều đình thiên tử tiếp sau là Lương Võ đế mới chính thức ban cho vào khoảng năm 503, gọi là “An Nam tướng quân, Phù Nam vương”[6].
Cuộc chinh phạt năm 605 xuất phát từ lòng tham của hoàng đế Trung Hoa Tùy Dương Kiên (Souei Yang Kien) khiến nhà vua Phạm Phàn Chí (Fan Fan Tche) phải bôn tẩu tận phương Nam xa xôi. Nhờ vào sự ủng hộ tích cực của giới quý tộc và dân chúng Panduranga, Phạm Phàn Chí đã phục hồi phần lớn lực lượng để tái thiết vương quốc đồng thời thiết lập quan hệ bang giao thân thiện với nhà nước Chân Lạp đang tiến quân vây bức những thành lũy cuối cùng của Phù Nam ở phía Đông, giữ yên một mặt lãnh thổ Lâm Ấp. Nhà vua cũng thực hiện mối liên kết chặt chẽ giữa người Chàm với các tộc người hùng mạnh Che Mạ, Stiêng dọc lưu vực sông Đồng Nai trong vai trò vùng đệm tuyến biên giới Tây Nam.
Panduranga thời toàn thịnh Hoàn Vương – Champa
Người sáng lập thời đại Hoàn Vương (758-859) với truyền thống bắt đầu việc đặt thụy hiệu và chuyển đô thành từ Sinhapura phía Bắc vào Virapura miền Nam là Prithivindravarman, mà nguồn gốc “Có lẽ ông thuộc về đại gia đình các tiểu vương ở Panduranga, thuộc thị tộc Cau và tiếp tục trú ngụ ở phương Nam. Ông hưởng toàn cõi Champa và quyền lực của ông đi từ Hoành Sơn đến tận biên giới Khmer”[7]. Đây cũng chính là thời kì các hậu duệ của vị tiên vương mở đất Phạm Đăng Căn Thuần thực thi mạnh mẽ bá quyền Panduranga. Họ dường như đã đoạn tuyệt hẳn với truyền thống Phù Nam mà hiện thời đã trở thành những mảnh rời xa lạ trong đế chế mới Chân Lạp, để hòa nhập trọn vẹn vào thực thể dân tộc Nagara Campa, “… một nước đa dân tộc trong đó mọi nhóm dân tộc đều có các quyền bình đẳng”[8]. Hai cuộc tấn công cướp phá quy mô của người Java vào thánh đường Po Nagar Nha Trang năm 774 và vùng phụ cận kinh thành Virapura năm 787 đều bị nhanh chóng đẩy lùi chứng minh tinh thần dũng mãnh của quân đội Hoàn Vương mà nòng cốt là tinh binh Panduranga.
Sự dịch chuyển trung tâm quyền lực vương quốc ra Indrapura ở phía Bắc từ sau năm 875 lúc đầu vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp với các đại lãnh chúa miền Nam, khi mà nhà vua Indravarman II lỗi lạc đã duy trì một nền hòa bình hàng chục năm dài cho xứ sở, mệnh danh “người nhổ mốc biên giới”[9] với ý nghĩa chiến tranh đã bị chế ngự cả hai đầu chiến tuyến. Tuy vậy, chiến tranh cuối cùng vẫn không tránh khỏi bởi tham vọng bành trướng từ phía nhà vua Chân Lạp Yacovarman, song phần thắng đã thuộc về những người chiến đấu vì tự do và chính nghĩa trong một trận chiến quyết định tại miền Đông Dvipa Campa, có lẽ thuộc một nơi nào đó gần kề kinh thành Virapura chếch về hướng Tây Nam.
Không từ bỏ mưu đồ phục thù lẫn thôn tính đất cũ Phù Nam bao gồm nội vùng Panduranga và xứ Kauthara với ngôi thánh đường Po Nagar Nha Trang nổi tiếng, trong hai năm 945-946 Chân Lạp dưới triều Rajendravarman mở cuộc tấn công mới, chiếm đóng và cướp phá dã man. Vị quốc vương hiền triết lỗi lạc Indravarman III đã đẩy lùi kẻ xâm lược “đầy lòng tham lam và những tật xấu khác”[10], gây tổn thất nặng nề cho quân thù bằng cuộc phản công từ phía Bắc phối hợp chặt chẽ với lực lượng tại chỗ của các lãnh chúa địa phương.
Cuộc chinh phạt của hoàng đế Lê Hoàn năm 982 đến tận kinh thành Indrapura khiến nhà vua Indravarman IV phải đi lánh nạn và chết trên đất Panran. Người Việt tên là Lưu Kế Tông đoạt ngôi đã áp đặt chính sách cai trị khắc nghiệt, làm cho thần dân Champa oán ghét lưu lạc khắp nơi, kể cả nước ngoài. Trong lúc đó, đông đảo những người Chàm yêu nước khác tại miền Nam “… tụ họp xung quanh một người tự xưng là người bản quốc, kéo người đó về Vijaya…”[11] làm vua, chính là Harivarman II, người sáng lập vương triều Vijaya dài ngót 5 thế kỉ.
Đến năm 1044, một lãnh chúa xuất thân dòng dõi chiến binh miền Bắc lên ngôi vua Champa, gọi là Jaya Paramecvaravarman I, đã không được các thành thị miền Nam công nhận và nổi dậy chống đối kịch liệt. Paramecvaravarman I nhiều lần đem quân đội trấn áp không thành công, sau cùng đã cử người cháu là Yuvaraja Mahasenapati mang toàn bộ các tướng lĩnh đi đánh. “Tất cả quân đội của Panran đều chiến đấu…”[12], khiến thắng lợi giành được của triều đình phải trả giá khá đắt. Nhà vua ra lệnh trừng phạt thành thị Panduranga bằng cách bắt một nửa cư dân cùng trâu, bò, voi, nô lệ… phân phát cho các đền đài, tu viện, cư xá trên toàn bộ vương quốc, đồng thời cho dựng Linga thờ phụng và tượng đài chiến thắng tại đây vào năm 1050.
Thất bại trong cuộc tranh chấp tại miền biên thùy phía Bắc, vua Rudravarman III, tên Việt gọi là Chế Củ đã bị bắt ép phải cắt nhượng 3 châu quan trọng mà Đại Việt sau đó đổi thành Địa Lý, Ma Linh và Bố Chánh. Đó cũng là lúc nội chiến tràn lan khốc liệt trên vương quốc Champa với “… hơn 10 lãnh chúa tuyên bố độc lập và xưng làm vua, rồi đánh lẫn nhau để giành quyền bá chủ”[13], trong đó nổi lên tại miền Nam thế lực của lãnh chúa Panran. Quyền lực của Panran càng được tăng cường nhờ vào vị thế ổn định của Panduranga cách xa khu vực giao tranh liên miên phía Bắc, thu hút về đây đông đảo các cư dân chạy loạn. Chính vị lãnh chúa này đã giúp tiểu vương Than, người có nguồn gốc mẹ thuộc thị tộc Cau kiệt xuất giành ngôi báu Champa, tức quốc vương Harivarman IV vào năm 1074 và mở cuộc viễn chinh toàn thắng sang tận kinh đô Cambhupura của Chân Lạp. Sau 16 năm thực thi quyền tự trị và tạo nên sự cường thịnh cho Panduranga, Paran đã bị Paramabodhisatva, em trai của Harivarman IV và là kẻ đoạt ngôi đánh bại, sáp nhập trở lại vương quốc.
Nhà vua Suryavarman II nổi tiếng hiếu chiến của Chân Lạp bị thất bại trong một chiến dịch chống Đại Việt, quay sang trút mọi ý đồ chinh phục lên Champa vào năm 1145, bởi vương quốc này từ chối liên minh quân sự với ông. Kinh thành Vijaya bị quân đội Chân Lạp chiếm đóng nhưng xứ Panduranga vẫn giữ được quyền tự chủ. Tại đây, các lãnh chúa Panduranga đã đưa lên ngôi nhà vua mới là Jaya Harivarman I, tổ chức phản công thắng lợi hai chiến dịch quân sự ồ ạt do đối phương đốc thúc tại đồng bằng Rajapura và thủ phủ Virapura, sau đó dũng mãnh tiến về Vijaya, chấm dứt ách xâm lược năm 1149. Tuy nhiên, vì những mâu thuẫn không được nói rõ, có thể Harivarman I phủ quyết quyền tự trị của Panduranga như đã hứa vào lúc còn lưu vong, nhà vua mới ở Vijaya phải tiến hành một cuộc viễn chinh quy mô mất đến hơn 5 năm (1155-1560) để khuất phục sự chống đối quyết liệt tại xứ sở miền Nam này.
Một đại quan của triều đình Harivarman I chiếm ngôi năm 1167, người được mô tả rằng “… rất sung sức, dũng cảm và hiên ngang, tinh thông mọi môn vũ nghệ, đánh bại quân thù tại chiến trường… chuyên về các môn nghiên cứu (cactras), tri thức văn phạm, chiêm tinh học… biết tất cả các giáo lí triết học, tri thức, đạo Mahayana…”[14], xưng là Jaya Indravarman IV, dựa vào thực lực quân đội thiện chiến nhà nghề và tinh thần hăng hái chinh phục của miền Panduranga, bất ngờ tấn công Chân Lạp bằng đường bộ sau khi đã dàn hòa với Đại Việt phía Bắc năm 1170. “Jaya Indravarman, nhà vua Chàm, kiêu hãnh như Ravana, đã chở binh lính trên những quân xa, đến đánh xứ Kambu giống như ở trên trời”[15], song thế trận bất phân thắng bại kéo dài, do đó Indravarman IV chuyển sang kế hoạch đột kích đối phương bằng hạm đội, tiến chiếm kinh thành Angkor, gây thiệt hại nặng nề cho triều đình Chân Lạp, đến nỗi “Hình như đất nước chỉ gượng dậy được một cách khó khăn từ một thảm họa như vậy, sau khi đã trải qua 20 năm nội tình rối ren”[16]. Đồng thời sự kiện này đã làm nảy sinh mối hận thù lớn giữa hai vương quốc mà chiến tranh khốc liệt tiếp tục xảy ra chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.
Nhà vua mới Jayavarman VII ở Chân Lạp đã chọn vị hoàng tử trẻ tuổi Champa tên là Vidyanandana làm người thực thi hành động phục thù. Vidyanandana chỉ huy quân đội người Khmer đánh chiếm Vijaya, lập một ông hoàng Chân Lạp lên làm vua ở đây, còn bản thân thì “… tách lập ra một vương quốc ở phía Nam vùng Panduranga, với tên là Suryavarmadeva”[17]. Tuy nhiên, được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của giới quý tộc miền Nam, ngay sau đó Suryavarmadeva đã chiếm giữ luôn miền Vijaya, tái thống nhất vương quốc. Suryavarmadeva lại trở thành đối thủ của Jayavarman VII, phải chống trả liên tiếp các cuộc trừng phạt từ phía Chân Lạp, cuối cùng bị thất bại. Champa biến thành một tỉnh của đế chế người Khmer từ năm 1203. Đến năm 1226, tình thế mới trên vùng biên giới tiếp giáp với Xiêm La buộc Jayavarman VII phải thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của mình ở phía ngược lại. Một vị hoàng tử Chàm khác được nuôi nấng trong triều đình Chân Lạp về nước, lên ngôi lấy vương hiệu Jaya Paramecvaravarman II, kết thúc thời kì lệ thuộc kéo dài hơn 20 năm và cả cuộc chiến tranh trăm năm (1113-1220) xảy ra giữa hai vương quốc. Phần lớn thời gian ở ngôi, Paramecvaravarman II dồn sức củng cố uy quyền, “… làm cho các tỉnh quy phục”[18]. Năm 1230, hoàng tử Abhimanyudeva tên là Cathei, lãnh chúa ở Panduranga đã nhận mệnh lệnh làm Senapati để tăng cường uy tín của nhà vua tại Panran. Dù vậy, phong trào đòi trao trả quyền tự trị vẫn bùng lên mãnh liệt xứ này, khiến Paramecvaravarman II phải sai em trai là hoàng thân Harideva mang quân đội vào trấn áp năm 1249.
Cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông Nguyên trong những năm 1283-1285 với chiến thuật tạm thời bỏ trống toàn bộ kinh thành Vijaya, rút lui lên châu Thượng Nguyên dọc dài theo dãy Wou Wen (Trường Sơn) của quốc vương Indravarman V chắc chắn đã duy trì được nguồn tiếp vận thường xuyên nhờ vào các xứ miền Nam, trong đó có Panduranga thịnh vượng với những đồng bằng rộng lớn và thương cảng sầm uất, bởi “Panduranga là cảng chính trên bờ biển Champa từ giữa thế kỉ X trở về sau”[19]. Bản lĩnh Panduranga còn được nhà vua kế vị Java Simhavarman III, tức thái tử anh hùng Harijit thẳng thừng cự tuyệt yêu cầu cho hạm đội Mông Nguyên dừng chân tại các hải cảng Champa trong cuộc chinh phạt Java cùng các tiểu quốc ở Sumatra năm 1292, mà cảng Panduranga là lí tưởng nhất nhờ vị trí tiếp cận ở chặng cuối cùng của tuyến hải hành dọc biển Champa kề sát với mục tiêu nói trên. Song, cũng chính Simhavarman III đã chất lên miền Pandaranga một gánh nặng mới về áp lực lãnh thổ: hai châu Ô, Rí phía cực Bắc chuyển giao cho Đại Việt sau cuộc hôn nhân hoàng tộc giữa ông, gọi là quốc vương Chế Mân với công chúa triều Trần là Huyền Trân từ năm 1306. Những cuộc nổi dậy chống đối chủ trương triều đình đổi đất mưu lấy quyền lợi chính trị một cách bất lực và đòi li khai khỏi vương quốc của thủ lĩnh cùng dân chúng Panduranga càng trở nên liên tục.
Năm 1313, lợi dụng sự suy yếu của Champa trong chính sách nhượng bộ đối với Đại Việt ở mặt Bắc, Xiêm La đang lúc bành trướng trên đất Chân Lạp âm mưu tràn sang chiếm đóng miền biên thùy phía Nam và phía Tây. Với danh nghĩa bảo hộ Champa, hoàng đế Trần Anh Tông sai viên kinh lược sứ Nghệ An là Đỗ Thiên Hư mang quân phối hợp đẩy lùi. Sau vương triều lừng lẫy Chế Bồng Nga (1360-1390), Champa tiếp tục bị lấn hết đất miền Amaravati, nhưng nhờ áp lực hậu thuẫn của quân đội Trung Hoa đang lúc mở cuộc chinh phạt Đại Việt, vua Jaya Sinhavarman V (1400-1441) không những thu hồi đất đai vùng này mà còn mang quân sang đánh Chân Lạp, sáp nhập thêm khu vực hạ lưu sông Đồng Nai vươn ra giáp biển, nơi mà sứ đoàn Trung Hoa Châu Đạt Quan dừng chân năm 1296, ghi chú trên bản đồ là thị trấn Chân Bồ hoặc tỉnh Chân Bồ (Tchen-p’ou), “… biên giới xứ Chân Lạp”[20]. Bi kí Biên Hòa có niên đại 1421 do vị thái tử Nauk Glaun Vijaya dựng lên để vinh danh chiến thắng Chân Lạp thuộc triều đại Sinhavarman V đánh dấu miền đất đai chinh phục cuối cùng của vương quốc Champa qua ngót 15 thế kỉ.
Panduranga thời Champa phân rã
Biến cố năm 1471 thực sự là một tai họa khủng khiếp đối với Champa. Sau hai cuộc chinh phạt ngay trong thời điểm này, hoàng đế Lê Thánh Tông đã đẩy lùi biên giới phía Bắc của Champa vào tại Phật Linh sơn[21], địa danh mà bản đồ Hồng Đức năm 1490 ghi chú là núi Thạch Bi[22]. Toàn bộ lãnh thổ vương quốc Champa chỉ còn lại bộ phận đất đai do vị tiên vương gốc gác Phù Nam Phạm Đăng Căn Thuần sáp nhập từ khoảng cuối thế kỉ V. Không thể để mất miền đất phát tích thiêng liêng liền kề, triều đình mới tại Panduranga tổ chức phản công chiếm lại Aryaru, nơi vị hoàng đế Đại Việt vừa dựng lên một vương triều phiên thuộc gọi là Hoa Anh[23], từ dãy Đại Lĩnh đến đỉnh Cù Mông với vị trí Thành Hồ, cố đô đầu tiên thời lập quốc và là cứ điểm quân sự xung yếu bảo vệ mặt Nam cùng một phần châu thượng nguyên phía Tây còn lại. Trong lúc đó, lợi dụng tình thế ngặt nghèo của vương quốc láng giềng, nhà vua Chân Lạp dùng lực lượng Tây Ban Nha đang tìm cách can thiệp vào mạng lưới hàng hải Đông Nam Á, đánh lấy khu vực Đông sông Đồng Nai, nơi có thị trấn Chân Bồ với mũi đất doi ra được các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha gọi bằng tên Thánh Jacques. Viên sĩ quan Don Luis Dasmarinas tường trình rằng “… ông được phép đàng hoàng của vua Cao Miên cho đi sang vương quốc Chiêm Thành ở bên láng giềng, để nhân danh vua Cao Miên chiếm lấy xứ ấy. Tại đây ông đánh đuổi một người tiếm ngôi bị các nước coi là thù địch, người này từ pháo đài của mình đặt trên bờ bể, tung người đi cướp tất cả những người hàng hải, bắt họ làm tù binh…”[24]. Vùng đất vừa mới chinh phục của Champa đã bị hoàn trả cho Chân Lạp bởi áp lực quân sự hơn hẳn của đội quân viễn chinh can thiệp Tây phương.
Một tình thế bức bách khác cũng đang dồn ép Champa ở mặt Bắc từ nửa sau thế kỉ XVI, khi Nguyễn Hoàng chủ trương li khai triều đình trung ương nhà Hậu Lê bị khống chế bởi quyền uy chúa Trịnh. Hai lần đại bại trước những đòn phản kích được tính toán và chuẩn bị kĩ lưỡng của quân Nguyễn năm 1611 và 1653 đã cô lập hoàn toàn miền Pandaranga nhỏ hẹp nhưng phải gồng mình đứng ra gánh vác sinh mệnh một nhà nước – quốc gia. Sự tăng cường liên minh các bộ tộc cao nguyên và miền đệm cực Nam giáp giới với Chân Lạp vẫn không đủ tạo ra sức mạnh vượt trội để Panduranga chống đỡ hiệu quả một đối thủ mạnh lên quá cỡ và được nuôi dưỡng bằng chí hướng Nam tiến say sưa. Trên danh nghĩa bảo hộ Panduranga, việc tiếp tục xâm lấn đất đai miền biên thùy của triều đình Nặc Ông Chân năm 1658 ngay lập tức đã bị viên phó tướng dinh Trấn Biên – Phú Yên là Tôn Thất Yến đánh bại, mở đầu chế độ phiên thần đối với Thủy Chân Lạp.
Có vẻ như bên cạnh việc công nhận quyền tự trị xứ Panduranga, phần đất đai cuối cùng của vương quốc Champa, chúa Nguyễn cũng đã trực tiếp chia sẻ quyền lực tại đây, bởi trước khi thành lập phủ Bình Thuận năm 1693, trên đường chinh phạt Chân Lạp vào cuối năm 1689, triều đình Phú Xuân cho phép thống binh Nguyễn Hữu Hào “… kén thêm quân ở Phú Yên, Thái Khang và Phan Rí…”[25]. Như vậy, hành động “… vua nước Chiêm Thành là Bà Tranh làm phản” và “Nguyễn Hữu Kính đánh bại Chiêm Thành, Bà Tranh bỏ thành chạy”[26] không phải là cuộc đối đầu với tính cách giữa hai vương quốc để rồi bị chinh phục và sáp nhập đất đai theo những logic sự kiện thông thường mà đã trở thành một phong trào nổi dậy đòi độc lập với quy mô toàn xứ do lãnh tụ cũng chính là nhà vua hư vị Po Thot (Bà Tranh) phát động. Đây là cao trào duy nhất mang tính chất dân tộc thực sự, bởi cuộc bạo động do Aban cầm đầu kế đó (1693-1694) hay do Dương Bao Lai và Diệp Mã Lăng kích động vào nửa thế kỉ sau (1746) chỉ là chiêu bài lợi dụng của giới thương gia Trung Hoa nhằm tranh chấp quyền lợi buôn bán với chính quyền chúa Nguyễn. Cảnh giác bằng cách áp dụng những biện pháp kiên quyết hơn, chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập phủ Bình Thuận và thiết lập chế độ quân quản để giám sát chặt chẽ Thuận Thành trấn mà lúc này đang đóng ở Phan Rí và về sau chuyển dời ra Phan Rang[27]. Po Saktirai Da Putih (Kế Bà Tử) được phong làm phiên vương đầu tiên trong năm 1694.
Từ đây cho đến khi thiết chế trấn Thuận Thành bãi bỏ (1832), lịch sử của dân tộc Chàm cùng các sắc tộc địa phương trong Nagara Campa trải qua bước chuyển mình đầy trăn trở để chuẩn bị tâm thế nhập cuộc vào dòng chảy xiết của vương quốc Đại Nam.
Nguyễn Lục Gia
(trích tuyển tập Tagalau, 21)
______________________________________________________________________
[1] G. Maspéro, Le royaume de Champa, (Paris: Van Oest, 1928), 45-46, 49, 78, 96-97, 11-112, 125, 137, 143, 162, 168, 241.
[2] Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại Việt sử kí toàn thư, Tập I, (Hà Nội: Khoa học xã hội, 1998), 133.
[3] G. Maspéro, Le royaume de Champa, (Paris: Van Oest, 1928), 45-46, 49, 78, 96-97, 11-112, 125, 137, 143, 162, 168, 241.
[4] Lê Hương, Sử liệu Phù Nam, (Sài Gòn: Nguyên Nhiêu, 1974), 75, 85.
[5] G. Maspéro, Le royaume de Champa, (Paris: Van Oest, 1928), 45-46, 49, 78, 96-97, 11-112, 125, 137, 143, 162, 168, 241.
[6] Lê Hương, Sử liệu Phù Nam, (Sài Gòn: Nguyên Nhiêu, 1974), 75, 85.
[7] G. Maspéro, Le royaume de Champa, (Paris: Van Oest, 1928), 45-46, 49, 78, 96-97, 11-112, 125, 137, 143, 162, 168, 241.
[8] Bernard Gay, “Une nouvelle sur la composition ethnique du Campa”; trong Actes du Séminaire sur le Campa organisé à l’Université de Copenhague, le 23 mai 1987, travaux du centre d’Histore et Civilisations de la Péninsule Indochinoise, (Paris: 1988), 55.
[9] G. Maspéro, Le royaume de Champa, (Paris: Van Oest, 1928), 45-46, 49, 78, 96-97, 11-112, 125, 137, 143, 162, 168, 241.
[10] Bergaigne, Inscr. du Champa, 260.
[11] G. Maspéro, Le royaume de Champa, (Paris: Van Oest, 1928), 45-46, 49, 78, 96-97, 11-112, 125, 137, 143, 162, 168, 241.
[12] G. Maspéro, Le royaume de Champa, (Paris: Van Oest, 1928), 45-46, 49, 78, 96-97, 11-112, 125, 137, 143, 162, 168, 241.
[13] G. Maspéro, Le royaume de Champa, (Paris: Van Oest, 1928), 45-46, 49, 78, 96-97, 11-112, 125, 137, 143, 162, 168, 241.
[14] G. Maspéro, Le royaume de Champa, (Paris: Van Oest, 1928), 45-46, 49, 78, 96-97, 11-112, 125, 137, 143, 162, 168, 241.
[15] G. Coedès, Nouvelle données chronologiques et généalogiques sur la dynastie de Mahidharapura, BEFEO, XXIX, 324.
[16] G. Coedès, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, (Hà Nội: Thế giới, 2008), 294, 306.
[17] G. Coedès, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, (Hà Nội: Thế giới, 2008), 294, 306.
[18] G. Maspéro, Le royaume de Champa, (Paris: Van Oest, 1928), 45-46, 49, 78, 96-97, 11-112, 125, 137, 143, 162, 168, 241.
[19] Đại học Quốc gia Hà Nội, Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (1995-2000), (Hà Nội: Chính trị Quốc gia, 2000), 133.
[20] Châu Đạt Quan, Chân Lạp phong thổ kí, (HCM: Văn nghệ, 2007), 22.
[21] Hồ Bạch Thảo (dịch và chú thích), Minh thực lục: Quan hệ Trung Quốc – Việt Nam thế kỉ XIV – XVII, Tập 3, (Hà Nội: Hà Nội, 2010), 93.
[22] Nguyễn Đình Đầu, “Phải chăng bản đồ Alexandre de Rhodes 1650 vẽ theo bản đồ Hồng Đức 1490”, Xưa và Nay, số 33/1996, 34-35.
[23] Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại Việt sử kí toàn thư, Tập II, (Hà Nội: Khoa học xã hội, 1998), 450.
[24] G. Maspéro, Le royaume de Champa, (Paris: Van Oest, 1928), 45-46, 49, 78, 96-97, 11-112, 125, 137, 143, 162, 168, 241.
[25] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, Tập I, (Hà Nội: Sử học, 1962), 141, 147.
[26] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, Tập I, (Hà Nội: Sử học, 1962), 141, 147.
[27] Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, (Hà Nội: Văn học, 2001), 302.
Chuyên mục:Tác giả - Tác phẩm, Tác giả, tác phẩm, Trên kệ sách
Trả lời