Không phong trào nghệ thuật nào phát sinh từ hư vô. Hoặc nó “tiếp nhận và sáng tạo”, để từ nền đất cũ làm ra những cái mới hơn; hoặc nó phản kháng, chống lại cái đang có để làm khác đi. Mạnh bạo như Nhân văn – Giai phẩm ở miền Bắc hay nhóm Sáng tạo ở Sài Gòn khi tuyên bố đòi “chôn Thơ Mới” cũng là một phản ứng lại lối thơ của phong trào Thơ Mới, không hơn.
Phong trào cách tân thơ Việt nói riêng và văn học nói chung từ thời Đổi mới cũng không là ngoại lệ.
Bởi dù thế nào đi nữa, muốn đánh giá nghiêm túc một sự kiện, một tác giả hay một dòng văn học, cần phải có cái nhìn toàn cảnh. Hơn 40 năm sau khi đất nước thống nhất, nền văn học hiện đại Việt Nam đã nhận được đặc ân kia chưa. Câu trả lời nghiêm túc nhất: – chưa. Trong lúc, chỉ khi nào nhà phê bình có cái nhìn toàn cảnh tiến trình phát triển văn học Việt: trước và sau 75, Bắc và Nam, trong nước và hải ngoại, chính thống và phi chính thống… họ mới hi vọng có được sự đánh giá công bằng.
Về Thơ
Tồn tại trong một thời gian ngắn (1954-1975), thơ Miền Nam đã mở ra nhiều trào lưu sôi động và vô cùng lí thú. Thơ tự do với sự thống ngự của tên tuổi Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên. Lục bát huyền ảo, Phạm Thiên Thư đã lừng lững. Hậu hiện đại sơ kì, Phạm Công Thiện với Bùi Giáng được xem như người khởi động. Làm thơ bất kể ngôn từ thông tục, thông tục đến thô tục đã có Nguyễn Đức Sơn hay Nguyễn Tôn Nhan. Thơ Thiền, thơ siêu thực, thơ hiện sinh, thơ điên, ca từ nhạc sến, nhạc vàng, vọng cổ…, không thiếu bất kì thứ gì. Quan trọng không kém là các bộ phận công chúng văn học khác nhau chấp nhận chúng là những sáng tạo nghệ thuật.
Cho dù các phong trào kia sớm bị dở dang do thời cuộc, nhưng chúng để lại không ít dấu vết trên sáng tác của những người đi sau đó, đậm nổi nhất là ở thời Đổi mới. Không kể ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thơ phía Nam, ngay ở miền Bắc và miền Trung, ta có thể ghi nhận sự tiếp nhận từ các phong trào thơ này: Ngắt nhịp lục bát ở Nguyễn Trọng Tạo, thi ảnh siêu thực ở Mai Văn Phấn hay Văn Cầm Hải, tinh thần nữ quyền ở Dư Thị Hoàn, Phan Huyền Thư, cảm thức hiện sinh ở Nguyễn Bình Phương, Cát Du, ngôn từ thông tục ở nhiều tác giả khác.
1. Lục bát, lâu nay ta quen xem nó thuần Việt. Nhưng không. Nó là kho trời chung của các dân tộc Đông Nam Á. Cơ cấu ngôn ngữ dị biệt khiến lục bát mỗi nơi phát triển mỗi khác, ở đó khía cạnh đơn âm/ đa âm tiết có vai trò lớn tạo sự khác biệt. Ngay từ cuối thế kỉ XVI – đầu thế kỉ XVII được ghi nhận là thời điểm ra đời của sử thi Akayet Dewa Mưno, lục bát Chăm được gọi là ariya đã rất chuẩn mực. Trước đó nữa, trong panwơc pađit ca dao Chăm, lục bát là thể thơ được độc quyền sử dụng.
Không kể các tác phẩm cổ điển sáng tác theo thể lục bát như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên…, lục bát hiện đại Việt Nam phát triển theo bốn dòng chính. Dòng lục bát dân gian, mà lục bát Nguyễn Bính là rất tiêu biểu. Nhịp thơ nhịp nhàng, ngôn ngữ dung dị dễ hiểu, hình ảnh thơ quen thuộc với đời sống thôn quê Việt Nam. Rất gần với ca dao. Dòng lục bát trí tuệ, có thể xem Lửa thiêng của Huy Cận thời Thơ Mới là thành tựu mở đầu. Mới mẻ ở đề tài và ý tưởng, ngôn từ chắt lọc đẫm chất trí tuệ bên cạnh là độ nén của ý thơ tạo nên thứ thi pháp rất hiện đại.
Dòng lục bát huyền ảo nảy nở và phát triển mạnh ở miền Nam thời sáng tác [và ảnh hưởng] Phật giáo thịnh hành: Huy Tưởng, Tuệ Mai và nhất là Phạm Thiên Thư với Động hoa vàng (1973) và Trại hoa đỉnh đồi (1975). Ngôn ngữ thơ mơ mơ hồ hồ bên cạnh hình ảnh mông lung, ý tưởng rời rạc, tạo một cảm giác miên man, mong manh, huyền ảo. Bài thơ đôi lúc chuyển nhịp khá bất ngờ qua lối ngắt nhịp xuống dòng lạ lẫm.
núi nghiêng
suối vẳng tơ đàn
nhìn ngoài thạch động
mưa vàng lưa thưa
nghiêng bình
trà nhớ hương xưa
từ
vàng hoa nọ
bây giờ vàng hoa
từ chim
thủa núi xa xưa
về đây
rớt lại hạt mơ cuối rừng
từ em
khép nép hài xanh
về qua
dục nở hồn anh đóa sầu[1]
Lối ngắt nhịp sau này được Nguyễn Trọng Tạo tiếp nhận thành thục mà tài hoa không kém. “Chia” (1989):
chia cho em một đời tôi
một cay đắng
một niềm vui
một buồn
tôi còn cái xác không hồn
cái chai không rượu tôi còn vỏ chai
chia cho em một đời say
một cây si
với
một cây bồ đề
tôi còn đâu nữa đam mê
trời chang chang nắng tôi về héo khô
chia cho em một đời Thơ
một lênh đênh
một dại khờ
một tôi
chỉ còn cỏ mọc bên trời
một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm…
Cả lục bát của Bùi Giáng nữa.
Chưa vội nói đến nỗi dọc ngang đặc hiệu Bùi Giáng ở giai đoạn sau, ngay thời Mưa nguồn[2], lục bát Bùi Giáng đã có những bước đi rất khác lạ. Với lối mở/ đóng một bài thơ, nhịp điệu, nhất là các hạn từ… của ông, đến nỗi không ai ảnh hưởng ông mà không bị bắt quả tang. Bài “Vẽ núi” của Trần Ngọc Tuấn là một…
Bạn về núi sống với rừng
Bỏ quên phố thị tưng bừng ngựa xe
Lãng du tình suối hồn khe
Đi lâu lắc, có buồn nghe tiếng người
Bạn đi gởi lại tiếng cười
Tôi ngồi vẽ núi lạnh mười ngón tay.
Ngay cụm từ đầu tiên: Bạn về… ta thấy đó là lối khởi đầu bài thơ thường thấy của Bùi Giáng, duy Bùi Giáng có. Từ Em về… xuất hiện đều đặn trong cả chục bài ở tập Mưa nguồn: “Sầu ca sĩ”, “Em về”, “Tiếng vọng”, “Ruộng Bình Dương”, “Bữa nay”, “Mai sau em về”… ; nó còn có mặt ở khúc giữa trong các bài: “Thiếu phụ trở về”, “Hẹn ước”…; hoặc chữ cuối cùng của bài: “Phương Tây”; hay sau dòng đầu và trước dòng cuối của bài: “Thưa em Sài Gòn”. Lạ! Rồi: “Anh về”, “Xin về”… và: “Người đi”, “Anh đi”, “Ta đi”, “Em đi”… nữa. Chỉ thế thôi đâu, các: núi, rừng, phố thị, ngựa xe, suối, khe… có mặt dày đặc trong thơ Bùi Giáng. Và nhất là:
– Bỏ quên phố thị trên bờ Tiền Giang
– Người đi bỏ lại giữa người
– Ta đi còn gửi đôi dòng
– Vào trong nắng rộng tìm nghe chân người
Sau đó khi Bùi Giáng khai mào Dòng lục bát hậu hiện đại – mà ở đó có khi bài thơ chỉ là một chuỗi liên hệ âm, thanh, vần, phép nói lái trong ngôn ngữ nối tiếp hoặc chồng chéo lên nhau, lồng vào nhau như thể một ma trận chữ vô nghĩa; rồi cả chuỗi hình ảnh, ý nghĩ dẫm đạp lên nhau, xô đẩy, nhảy cóc rối tù mù – nhà thơ này vẫn để lại dấu ấn đậm ở thế hệ trẻ đương đại. Nguyễn Thế Hoàng Linh là một.
2. Dấu ấn khác không thể không nói đến, đó là cảm thức siêu thực với thủ pháp và ngôn từ siêu thực trong thơ miền Nam ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào “cách tân” thơ đương đại.
Yếu tố siêu thực đã từng xuất hiện ở thời Thơ Mới với Hàn Mặc Tử, Bích Khê dù hãy còn khá mờ nhạt. Qua thập niên 60 của thế kỉ XX, các nhà thơ miền Nam đã đẩy siêu thực lên một cấp độ mới. Con người vùng thoát khỏi sự kiềm hãm của lí trí, thám hiểm vào miền sâu của vô thức và tiềm thức ở đó cuộc sống con người không chỉ thuần hiện thực, mà còn ám đầy mộng ảo, tưởng tượng; không thuần thức mà còn có mơ và ngủ; không thuần tổ chức nề nếp đầy khoa học mà còn có cả nỗi phi lí của bất chấp với cả khối hành vi bất ngờ không thể kiểm soát. Vân vân.
Do đó, thơ cũng phải khác. Không lạ, khi những hình ảnh lạ lẫm không liên quan bất ngờ được đặt cạnh nhau, lồng ghép vào nhau; những câu thơ dường rất lạc điệu được cho nằm cạnh nhau; những ý tưởng lạ lùng như thể chỉ hiện hữu trong mộng tưởng phi thực được sắp đặt bên suy nghĩ rất đời thường.
Từ Thanh Tâm Tuyền:
Ở cuối đêm
em rũ tóc nói những lời mê sảng
những ám hiệu
của mặt biển đen không tình yêu tuyệt vọng
anh xé tóc em cùng những cánh lá chết
mùa thu
gây thương tích nơi cườm tay
anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc
(Thanh Tâm Tuyền, “Đêm”, Tôi không còn cô độc, 1956)
Đến Joseph Huỳnh Văn:
Tử biệt hương thời gian
đóa hồng bạch để tang quá vãn
Long tà dương
an táng ngực vàng
Hoàng hoa rượu
vang trời sầu
nghiêng sóng
Mờ bóng khuya xõa tóc luyện kim
Ngàn sao im
run rẩy thạch cầm
thuở gươm thiêng đi tìm máu đá
(“Thạch cầm. Thuật sĩ”, tập san Văn chương)
Khoảng cách xa lạ giữa ý tứ, ngôn từ, thi ảnh của thơ đòi hỏi ở độc giả sự tưởng tượng và liên tưởng. Nhưng khi một trong những nỗi ấy bị đứt quãng, thơ trở nên tối nghĩa và khó hiểu. Tối nghĩa và khó hiểu ấy đã được các nhà thơ đương đại tiếp nhận, khi họ muốn thoát khỏi đầm lầy của nhàm chán và bế tắc của hành trình thơ Việt đương đại, để làm mới thơ. Từ Mai Văn Phấn sang Khiêm Lê Trung[3] cho đến Văn Cầm Hải:
anh và em bức tường phiên âm
viên gạch đẻ hoang
mê man nhật thực
mặt âm ty mềm mại muôn màu giới tính
anh và tôi không gian
hiện thực nhạy cảm
lật mặt thế giới
chiếc la bàn hoang hoải…
(Văn Cầm Hải, “Pink Floyd – Sự hồn nhiên tường đá”)
Cả Vi Thùy Linh đầu thế kỉ XXI, hay Đỗ Thượng Thế của Trích tôi[4] của thập niên sau đó.
3. Cảm thức hiện sinh cùng với cảm thức ấy là các hạn từ của chủ nghĩa hiện sinh đã từng xuất hiện đậm đặc trong thơ miền Nam cũng để lại không ít dấu ấn trong thơ cách tân hôm nay.
Từ Thanh Tâm Tuyền đến Cung Trầm Tưởng, từ Tô Thùy Yên cho đến Nguyên Sa. Từ “kẻ xa lạ”, “cô đơn” và “đời thừa” cho đến “tha nhân”, “dấn thân” và “cái chết”. Con người gặp nhau và rời nhau giữa đời như hai chiếc xe buýt giữa phố đường đối mặt nhau, vượt qua nhau trong nỗi “xô chạm vô tình”:
Mỗi ngày chúng ta đứng bên nhau không quen nhau
Thân mật ngó lên mái tóc rối nền trời khuya
Ngó vào mắt hoang xa dòng sông không bờ
Sau một ngày làm việc em mơ về khói ấm khuôn mặt riêng
Tôi nghĩ về cuộc đời thầm thầm hàng ngày
Trên những thành ô tô buýt người ta xô chạm vô tình
Tôi bám chặt cửa xe xin một chân đứng.
…
Chuyến xe buýt chạy trong buổi chiều. Trời mưa, mưa ngoài châu thành
Không tìm thấy bến không đỗ lại
Vai áo đã ướt đầy
Tóc em rét mướt
Một ngày mới bắt đầu với tờ báo phát hành sớm gói trên tay
Xe còn chạy mưa hoài dòng sông hoang mắt bỏ cố níu lấy cửa x
Nhưng chúng ta không kiếm được một lời nào mà nói.
(Thanh Tâm Tuyền, “Một chỗ trên ô tô buýt”, trong Liên, đêm mặt trời tìm thấy)
Con người xa lạ với tha nhân, đã đành. Hắn còn xa lạ với chính mình:
Soi gương lạ mặt bao giờ
Nửa đêm lãng đãng tôi mờ bóng tôi
Ở đây vụng dại với người
Nghiến răng nhai mãi nửa lời vô duyên.
(Hoàng Trúc Ly, “Ở Sài Gòn”, Trong cơn yêu dấu, Sài Gòn, 1963)
Đó không là một cách làm dáng trí thức, như một số nhận định đầy thành kiến, mà là những cá thể “biểu tượng của một tâm trạng đích thực và biện chứng của con người, của thế hệ”[5]. “Buồn”, “cô đơn”, “trống trải”, “bồn chồn”, “khoảng trống”, “hờ hững”, “không nguồn cội”, “người lạ”, “kẻ ngoài cuộc” hay “khoảng mù lòa” vô định… như là những mảnh cảm thức hiện sinh được tái hiện trong thơ Cát Du, ở đầu thế kỉ XXI. Nếu “bản chất tình yêu trong thơ Nguyên Sa là một “sự rạn vỡ”, và tình yêu chỉ như “một tình cờ”[6], thì ở Cát Du tình yêu như nỗi “lạ hoắc” ngày qua ngày:
Em ngắm anh mỗi ngày
Mà sao bỗng lạ?
Những tế bào yêu của ngày hôm qua đã chết
Cuốn đi nụ hôn nồng của em
Đôi môi mới của ngày hôm nay lạnh lùng, thờ ơ quá thể
… Trong mắt anh lạ lẫm
Em của ngày qua đâu rồi?
Đâu rồi anh?
Anh của ngày qua đâu rồi?
(“Lạ hoắc”, Nàng, NXB Hội Nhà văn, 2010)
Xa lạ, và nhất là – cô đơn. Như Trần Lê Sơn Ý cô đơn:
cô đơn từ nhát dao cắt lìa nhau mẹ
cô đơn trước cuộc đời quá rộng và xám
cô đơn trong màu trắng lạnh nhà bảo sanh
…
cô đơn trước ngôn ngữ
trước sự diễn đạt
tiếng khóc
uớc gì mẹ có thể hiểu.
chỉ là hiểu thôi
mẹ biết
không ai cô đơn thay cho ai được
(Trần Lê Sơn Ý, “Thơ cho Bột”, 2009)
Và lửng lơ, và mơ hồ, và bất định và ám ảnh về cái chết và sự sợ hãi:
Nằm thẳng đơ trong một chiếc chiếu hẹp
Như con cá cứng đờ
Tôi bắt gặp trên một tảng đá giữa biển
Tôi cũng cứng đờ giữa những tiếng cãi nhau
Chiều thứ 5
Nhập nhoạng như cuối tuần
Chán nản như đầu tuần
Lửng lơ và mơ hồ như khoảng không của người loạn thị
Giật mình trước cả những hạt phấn của cây bồ công anh yếu ớt
Bay đi
Tôi, con thỏ bị tharn
Chết giấc
Sự sợ hãi sờ sờ trên gương mặt rúm ró
Ám ảnh về một chuyến ra đi
(Trần Lê Sơn Ý, “Ám ảnh ra đi”, Cơn ngạt thở tình cờ, 2007)
Cảm thức hiện sinh được thể hiện đậm đặc qua hành trình thơ Nguyễn Bình Phương đầy tràn nỗi ưu tư khắc khoải siêu hình.
Anh từng nghĩ mình là gì nhỉ
Người đàn ông da vàng
Trên con tàu này chuyến đi dài dằng dặc
Những bến bờ âu lo
Kiên nhẫn chờ ta chờ ta đâu đó
(“Hành trình”, Xa xăm gõ cửa – tuyển thơ, NXB Văn học, 2015)
Anh khoảng mù lòa giữa nước và phù sa
(“Tuổi bốn lăm ngồi cạnh sông”, Sđd)
Anh tới đầy trống trải
Đúng như một con người
Chạy bạt tử trên gò hoang thoai thoải
Và reo vang
Đúng như một con người
Anh thành đốm nắng không nguồn cội
… Trống trải
Chiếc áo sơ mi khoác hờ lên bóng đêm
Là anh đấy
(“Nói với em từ trống trải”, Sđd)
Cả nhân vật “Buồn” trong thế giới bấp bênh, trống trải giữa “khoảng mù lòa” ấy cũng mang đậm cảm thức hiện sinh.
Buồn chiếu vào ta những ráng mỡ gà
Cái bắt tay lỏng lẻo với nụ cười ai ái
Buồn không mang comlê không đợi chờ ai
Mắt là hổ phách
Đẹp dữ tợn.
Buồn cất tiếng màu bạch kim
Trong những đêm thành phố mất điện
Phố Hàng Buồm thiếu biển để ra khơi
Buồn phóng xe áo phông trắng ngang trời
Đeo kính khác nhìn sang cuộc đời khác
Buồn nghĩ miên man nhưng chẳng bao giờ lạc
Một cái tên lanh lảnh giữa trưa hè
Buồn có đôi tai thật tinh
Bước chân thật nhẹ
Ngón thon gầy mát mượt như tơ
Nấp trong bóng sách đổ trên ngực hững hờ
Buồn tắt công tắc điện
Ra đi…
(“Buồn”, Xa xăm gõ cửa, Sđd)
Người tình không tên, hay tên chỉ là một tính từ hay danh-tính từ đột ngột đến, đột ngột đi trong cõi người ta giữa thế giới “không căn cớ, lí do” (chữ của Sartre) ấy, ta và cả người ấy là vật thừa, hay kẻ xa lạ (chữ của Camus). Xa xăm đã gõ cửa. Tiếng gọi từ xa xăm gọi vào xa xăm. Xa, rất xa khỏi cõi người. Ta nghe “cô đơn”, “trống trải”, “bồn chồn”, và “xao xuyến”.
“Xao xuyến để mặc chúng ta trôi nổi bập bềnh, vì nó mang vật hiện thể trong toàn thể lướt xa đi. Cả chúng ta, những con người đang hiện thể, cũng cùng lướt xa đi giữa vật hiện thể”[7]. Lướt xa đi giữa vật hiện thể, và giữa thế giới “người ta”. Giữa thế giới xồ bồ này, con người đánh mất nhau, và đánh mất chính mình.
Tôi buồn khóc như buồn nôn
Ngoài phố
Nắng thủy tinh
Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
(Thanh Tâm Tuyền, “Phục sinh”, Tôi không còn cô độc, Sđd)
Thế nên, hắn phải “dự phóng”, quyết liệt lên đường đi tìm lại mình, tìm lại bản lai diện mục mình. Với bất cứ giá nào: “Bóp cổ tôi chết gục/ để tôi được phục sinh”. Chỉ khi ấy, hắn mới tìm thấy mình như là cá thể độc lập, để tự do chọn lựa.
Đó chính là ba dấu vết khá đậm của thơ miền Nam tạo ảnh hưởng lên hành trình thơ Việt hôm nay. Trực tiếp hay gián tiếp, hoặc có thể chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên – như trường hợp Nguyễn Bình Phương chẳng hạn. Một ghi nhận ban đầu chỉ như là một gợi ý.
Hành trình thơ là hành trình tiếp nhận và thâu thái. Cái mới không đến từ hư vô, mà từ dấu chân của người đi trước để lại. Qua ý tưởng, qua kĩ thuật, và nhất là qua ngôn ngữ. Nhà thơ sáng tạo không sợ tiếp nhận và thâu thái kia, mà là tìm cách nói mới, ngôn từ mới để xây dựng ngôn ngữ thơ độc đáo riêng mình trong ngôn ngữ chung của dân tộc.
Thơ là vậy…
Về văn xuôi
Viết về chiến tranh, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh có điểm nào gần với Phan Nhật Nam? Nguyễn Nhật Ánh tiếp nhận được gì từ Duyên Anh là tác giả của nhiều truyện dành cho độc giả tuổi mới lớn?
Các khuynh hướng văn xuôi phản ứng lại lối viết truyền thống, từ “phản ứng trong suy tưởng: Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu…; phản ứng trong nếp sống: Nguyễn Thị Hoàng, Chu Tử, Nguyễn Đình Toàn, Trần Thị NgH, Lệ Hằng…; phản ứng trong bút pháp: Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Đông Ngạc…” (Võ Phiến) để lại dấu ấn gì trong các sáng tác hôm nay?
Tác giả nào thu thái được cách viết của Bà Tùng Long, hay của Chu Tử?
Tiểu thuyết feuilletons của Bình Nguyên Lộc, An Khê và Lê Xuyên có ảnh hưởng gì đến lối viết Status trên Facebook thời hậu hiện đại?
Về phê bình
Nếu miền Bắc Xã hội chủ nghĩa tự khuôn định trong phê bình Maxist thì ở miền Nam, ở mức độ nhất định, hầu như tất cả trào lưu phê bình mới trên thế giới đều được tiếp nhận và vận dụng. Từ phê bình hiện tượng luận đến phê bình tâm phân học, từ phê bình cấu trúc đến phê bình mới…
Dấu ấn nó để lại hôm nay không phải là ít.
Trần Ngọc Thêm nợ Kim Định những gì? Có bài viết nghiêm túc nào về khía cạnh này chưa? Đỗ Lai Thúy đã tạm ứng văn và ý của Đặng Tiến, Lê Huy Oanh và Nguyễn Văn Trung ra sao? Đâu là các thống kê và phân tích cụ thể? Nhận ảnh hưởng giọng điệu và ý tưởng Phạm Công Thiện, Nguyễn Hoàng Đức đã làm gì với nó? Anh có đạt đến [và vượt qua] cái tài hoa trong sử dụng tiếng Việt cùng sự cuốn hút mãnh liệt nơi giọng điệu như tiền bối không?
Chỉ khi nào trả lời thấu đáo các câu hỏi [trong vô số câu hỏi] như trên, ta mới hi vọng nhận diện toàn cảnh văn học Việt Nam trong giai đoạn khốc liệt nhất của lịch sử đất nước, từ đó trả lại sự công bằng cho mọi đóng góp dù nhỏ nhất vào sự phát triển văn học và ngôn ngữ dân tộc.
Sài Gòn, 10-7-2016
______________________________________________________________________________________
[1] Phạm Thiên Thư, Động hoa vàng, Tiếng thơ xuất bản, Sài Gòn, 1971.
[2] Bùi Giáng, Mưa nguồn, NXB Hội Nhà văn, H., 1993 – sách tái bản.
[3] Phần 1, Vách nước, NXB Hải Phòng, 2003. Xem thêm: Inrasara, “Mai Văn Phấn, Ra đi sau tiếng kẹt cửa”, Tienve.org, 2003.
[4] Đỗ Thượng Thế, Trích tôi, NXB Hội Nhà văn, H., 2009.
[5] Đó là “những diễn biến của tâm trạng, những mâu thuẫn, những thảm kịch, tổng hợp thành cái thế giới thoạt nhìn tưởng như phức biệt hỗn loạn của ý thức và tâm linh con người thế hệ hôm nay, (…) cái thế giới đa dạng, phong phú của nghệ thuật hôm nay. Trong bài “Nỗi buồn trong thơ hôm nay” Thanh Tâm Tuyền đã gợi lên, bằng ít nhiều hình ảnh, thế giới đó như một “tinh cầu xa lạ” với người đọc. Sự thực, tất cả những mâu thuẫn, những thảm kịch đó chỉ là biểu tượng của một tâm trạng đích thực và biện chứng của con người, của thế hệ. Điểm khác biệt: tâm trạng đó không còn giản đơn, bình dị, như trước nữa.” (Tạp chí Sáng Tạo, bộ mới, số 6, ra tháng 12-1960 và 1-1961)
[6] Cao Thế Dung, Thi ca và thi nhân, NXB Quần chúng, Sài Gòn, 1965, tr. 95; Trần Hoài Anh dẫn lại trong Văn học nhìn từ văn hóa, NXB Thanh niên, 2012, tr. 123.
[7] Martin Heidegger, What is Metaphisics? In: Basic Writings, Translation of Frank A.Capuzzi, Harper San Francisco, USA, 1977.
Chuyên mục:Lotus Media, Tác giả - Tác phẩm, Tác giả, tác phẩm, Trên kệ sách
Trả lời