Jashaklikei: Các Hiện Tượng Giả, Phản và Xâm Thực Trong Nền Văn Hóa Chăm Hiện Nay


Tháp Po Kloang Garai

 

“… Biloak li-u iku bimong
Nyrung gep tapong lac ilimo…”.
(một gáo dừa dưới chân tháp
Cũng hùa nhau nâng lên thành văn hóa)
Trích Ariya Poah Catuai.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của nhân loại và sự va chạm của các nền văn hóa, nền văn hóa Chăm cũng không ngừng hội nhập, ngày càng nhận được sự quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu và bảo tồn của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là của các tổ chức mang tầm quốc tế như Unesco. Thế nhưng bên cạnh những biểu hiện tích cực, quá trình bảo tồn, phát huy và truyền tải văn hóa Chăm vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, mà dù ít dù nhiều cũng làm xuất hiện những hiện tượng tiêu cực, dẫn đến sự lai căng và biến dạng của những giá trị văn hóa truyền thống.

Thật khó để có thể định danh những hiện tượng tiêu cực trong văn hóa nói chung và văn hóa Chăm nói riêng. Nhìn vào hiện trạng văn hóa Chăm đương đại, chúng tôi có thể phân định ra làm ba nhóm hiện tượng tiêu biểu là giả văn hóa, phản văn hóa xâm thực văn hóa. Thoạt nhìn, ta nghĩ các hiện tượng này không có nhiều khác biệt, nó chỉ là những hình thức, biểu hiện của suy thoái, lai căng và biến chất của văn hóa.

Thế nhưng, trong thực tế, những sự suy thoái, lai căng và biến chất về văn hóa chỉ là những sự thay đổi, biến đổi của chính chủ thể văn hóa, trước tác động của các nhân tố ngoại lai như sự pha tạp và mai một của ngôn ngữ truyền thống, sự phai nhạt của âm nhạc – nghệ thuật dân gian, sự biến mất của trang phục và các tập quán truyền thống của một dân tộc… Trong khi các hiện tượng giả văn hóa, phản văn hóa xâm thực văn hóa lại là hậu quả của du lịch, của các hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa không có tính khoa học, không dựa trên tiêu chuẩn của chính chủ thể văn hóa, gắn ghép các giá trị ngoại lai, dị biệt vào sinh hoạt văn hóa của dân tộc khác… Vậy, trong nền văn hóa Chăm những hiện tượng giả văn hóa, phản văn hóa xâm thực văn hóa được biểu hiện cụ thể như thế nào?

Trước hết, ta thử định nghĩa giả văn hóa là gì? Giả văn hóa là một hình thức của sự tái hiện và phục dựng một giá trị văn hóa, nhưng trong quá trình đó, những người phục dựng lại làm lệch lạc, biến dạng các giá trị văn hóa. Đó là hệ quả của việc nhìn nhận một giá trị văn hóa và một nền văn hóa một cách hời hợt, không tìm hiểu và nghiên cứu tường tận nền văn hóa ấy. Định nghĩa về phản văn hóa cũng gần tương tự vậy, nên khó để phân biệt hai hiện tượng này một cách rạch ròi, nhưng hiện tượng giả văn hóa chính là một hình thức của phản văn hóa, vì một giá trị văn hóa bị làm giả không đúng cách, thiếu khoa học sẽ tất yếu đưa đến sự phản văn hóa.

Cụ thể, gần đây nhà nước có đầu tư xây dựng một tháp Chàm, mô phỏng theo mô hình tháp Po Kloang Garai (Ninh Thuận) tại Làng Văn hóa và du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội, đây là một động thái tiến bộ của ngành quản lí văn hóa, thông qua đó sẽ quảng bá hình ảnh của văn hóa Champa và Chăm đến những người dân phía Bắc, không có điệu kiện tham quan, tìm hiểu về kiến trúc và văn hóa Chăm ở miền Trung. Vấn đề đã không đáng nói nếu các nhà quản lí văn hóa chỉ sử dụng không gian này như là một nơi tham quan và tìm hiểu đơn thuần, thay vào đó, họ lại biến không gian này thành nơi tổ chức, tái hiện các hoạt động văn hóa – văn nghệ, nhất là các lễ hộitruyền thống của người Chăm, kể cả những lễ hội không bao giờ diễn ra ở đền, tháp Chăm như lễ Rija Nagar, Rija Proang

Lễ hội của người Chăm luôn gắn liền với tín ngưỡng, tôn giáo, thông qua những lễ hội này, người Chăm muốn gửi lễ và dâng cúng để tạ ơn, mong nhận được sự phù hộ của thần linh và tổ tiên. Mỗi lễ hội phải gắn liền với một chủ thể nhất định của lễ hội đó là các tín đồ dâng lễ, và các tu sĩ chịu trách nhiệm liên lạc với các đấng vô hình, đồng thời không gian tổ chức lễ hội cũng phải được ấn định nghiêm ngặt, chặt chẽ, không tùy tiện. Người Chăm theo tín ngưỡng đa thần, thần linh của họ có thể xuất thân từ bản địa hay du nhập từ Ấn giáo hay Hồi giáo, tương ứng với mỗi nhóm thần linh lại có một nơi thờ tự, cách thức thực hành lễ nghi, và lễ hội tổ chức khác nhau, ví dụ đền, tháp là để thờ các thần linh bản địa chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo, thánh đường là nơi thờ tự các vị thần xuất thân từ Hồi giáo nhất là Po Awlaoh (Allah – Thượng đế); Lễ hội Kate là lễ dâng chủ yếu cho các thần linh cũ (các thần linh bản địa chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo); trong khi các lễ Rija chủ yếu giành cho các vị thần mới (có nguồn gốc Hồi giáo)…

Chính vì không nắm được những quy luật cơ bản nhưng rất quan trọng này, những người dàn dựng các chương trình tái hiện các lễ hội Chăm tại không gian tháp Chăm ở Hà Nội đã vô tình làm sai lệch các giá trị căn bản và cốt lõi của lễ hội Chăm. Cụ thể, gần đây tại không gian này người ta đã cho tổ chức lễ Rija Proang và Rija Nagar, một lễ hội để dâng cúng chủ yếu cho các thần linh xuất thân Hồi giáo và chỉ diễn ra trong những nhà lễ (kajang) được dựng tạm, chứ không bao giờ được tổ chức trên đền, tháp (nơi vốn chỉ thờ các vị thần xuất thân từ Ấn giáo). Thêm vào đó, cũng trong một buổi lễ như vậy, người tổ chức còn dàn dựng một tiết mục múa của một cặp nam, nữ, trên tay cầm một con thuyền giả, nhưng nam thì để mình trần, nữ thì mặt áo dài để vai trần. Đây là những trang phục hở hang, lõa thể hoàn toàn không phù hợp với một lễ hội Chăm, và càng không phù hợp với một không gian linh thiêng như đền, tháp Chăm, dù chỉ là tháp giả.

Đây là gì? Nếu như không phải là một hình thức biểu hiện của hiện tượng giả văn hóa. Bất kì một lễ tục nào của người Chăm cũng nhằm đến những mục đích linh thiêng nhất, nó thể hiện lòng thành của người Chăm với thần linh hay tổ tiên, lòng thành này được biểu hiện qua từng nghi thức, nghi thức đúng thì mới thể hiện được lòng thành. Những hiện tượng tái hiện nghi thức, lễ tục, sân khấu hóa quá đà một lễ tục đều phải rất cẩn trọng, bất cứ một sai lệch về chi tiết đều có thể làm biến dạng hoàn toàn một nghi lễ, thậm chí có tình bóp méo, làm sai lệch một di sản văn hóa. Sự tái hiện một lễ tục như vậy là không phù hợp với ý nghĩa, bản chất lễ tục, tạo nên nhận thức sai lầm về văn hóa tộc người của người đang xem, quan sát trực tiếp hay trên các phương tiện truyền thông.

Hiện tượng phản văn hóa cũng xuất hiện rất phổ biến ngày nay trong sinh hoạt văn hóa Chăm. Chỉ cần lên các di tích tham quan như tháp Po Kloang Garai chúng ta sẽ thấy xuất hiện phổ biến các hiện tượng những du khách mặc áo quần hở hang vào bên trong tháp hành lễ. Ngay trong dịp Katé chúng tôi cũng chứng kiến cảnh những nữ du khách, mặc quần ngắn, áo dây đứng ngay trước tháp chính để chụp hình trong khi các vị tu sĩ đang làm lễ mở cửa tháp. Thánh thất, thánh địa là những nơi tôn nghiêm, ở nơi ấy không cho phép người hành lễ mặc những trang phục hở hang, khiêu gợi làm vẫn đục không gian linh thiên, tôn nghiêm cũng giống như việc người ta không thể bận áo tắm để dự tang lễ, hay bận áo ngủ để đi lễ nhà thờ… Nhưng trong thực tế, những hiện tượng như vậy lại diễn ra phổ biến trong các điểm văn hóa tâm linh Chăm mà không có một chế tài, thậm chí là một lời nhắc nhở.

Cũng như vậy, điệu múa Apsara (điệu múa thiên thần) được tái hiện và lưu diễn khắp mọi nơi từ mấy chục năm nay thường vẫn bị phê phán cũng là một hình thái của sự phản văn hóa. Cho đến nay, chưa ai có thể xác nhận rằng đây có phải là điệu múa của cung đình Champa trước đây không? Thế nhưng việc tái hiện các Apsara trên sân khấu với những trang phục hở hang, chỉ che hai mảnh che thân, để lộ những phần bắp thịt, nhiều khi lõa thể lại làm biến dạng loại hình múa này. Trong khi Apsara là vũ điệu của thiên thần, thì chúng ta lại biến nó thành điệu múa tầm thường, đại chúng, người xem sẽ có cảm giác xem Apsara Chăm không khác gì hình ảnh các vũ nữ ở vũ trường, hay quán ba, đánh mất đi tính linh thiên, làm biến dạng một giá trị văn hóa. Trong khi đó, nếu nhìn các điệu múa Apsara ở các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á, ta sẽ thấy hình ảnh các Apsara được tái hiện rất kín đáo, và toát lên được những hình ảnh thiên thần thật sự chứ không phải là những vũ nữ mua vui.

Trong khi đó, xâm thực văn hóa lại là một hiện tượng phổ biến xuất hiện trong bối cảnh tiếp xúc và giao lưu giữa các nền văn hóa với nhau, đó là những hệ quả tiêu cực của cái mà Samuel P. Huntington gọi là “sự va chạm giữa các nền văn minh”. Trong bối cảnh hội nhập hôm nay, các giá trị văn hóa, rất có thể bị lai tạp bởi các yếu tố ngoại lai, những hiện tượng văn hóa ngoại tộc sẽ du nhập, ảnh hưởng vào một nền văn hóa khác làm cho những giá trị cũ bị biến tướng, thậm chí thoái hóa và biến mất để thay thế cho cái hiện tượng bên ngoài tác động vào. Đấy là xâm thực văn hóa!

Hiện nay, văn hóa Chăm cũng đang xuất hiện rất nhiều hiện tượng xâm thực văn hóa mà đa phần là do những ảnh hưởng từ văn hóa của người Việt. Đáng chú ý trong số này là hiện tượng sử dụng nhang trong các địa điểm tâm linh Chăm, nếu chúng ta để ý quan sát ở khắp các tháp Chăm từ Po Ina Nagar (Nha Trang), Po Kloang Garai (Ninh Thuận), Po Sah Ina (Bình Thuận), Yang Proang (Tây Nguyên)… đều thấy nhang được sử dụng trong việc cúng bái, nhang xuất hiện tràn làn khắp khuông viên các tháp. Trong văn hóa Chăm không hề có việc sử dụng nhang để cúng bái thần linh hay tổ tiên, thay vào đó họ sử dụng trầm hương và nến trong tất cả các nghi lễ tâm linh của mình, ngay cả các lễ tục trên các tháp Chăm cũng không ngoại lệ. Vì vậy, sử xuất hiện nhang và các lư hương (để thấp nhang) trên các tháp Chăm chỉ là do người Việt sử dụng để phục vụ cho nhu cầu tâm linh của các khách du lịch người Việt. Cũng như người Chăm, các du khách Việt hay người nước ngoài đến đây ngoài ý nghĩa du lịch đơn thuần, còn để phục vụ nhu cầu tâm linh, nhiều người đến đây để cầu cúng thần linh Chăm. Nhưng ít ai để ý rằng, nghi thức là biểu hiện cao nhất của lòng thành trong các hoạt động tâm linh, nghi thức đúng thì lòng thành mới được chứng, việc sử dụng nhang để cấu cúng thần linh là một hành động sai nghi thức, hành động này không những không đáp ứng được nhu cầu tâm linh, vô tình làm lệch lạc “ngôn ngữ” tín ngưỡng Chăm, mà còn tạo nên một nhìn nhận sai lệch về các nghi thức hành lễ trong đời sống tín ngưỡng của người Chăm.

Gần đây, người Chăm cũng xôn xao về hiện tượng một bức tượng địa tạng được đặt trong nghĩa trang của người Chăm ở Chất Thường, hay có một thời gian người ta còn đem biểu tượng chữ Thập để vào Kalan chính thờ Po Kloang Garai trên Tháp. Địa tạng hay biểu tượng chữ Thập là những sản phẩm của văn hóa Phật giáo, chỉ được sử dụng ở các cơ sở tâm linh của đạo Phật, những động thái trên chính là biểu hiện xâm thực, vì người ta đã cố đem những hình tượng Phật giáo gắn ghép vào văn hóa Chăm vốn chẳng có nhiều liên quan với đạo Phật. Người Chăm cổ có một thời kì theo Phật giáo, nhưng ngày nay dấu ấn đạo này rất mờ nhạt, thay vào đó, người Chăm ở Chất Thường lại theo tín ngưỡng bản địa có ảnh hưởng Ấn Độ giáo chứ không hề liên hệ gì đến Phật giáo nữa. Cũng như vậy, tháp Chăm là không gian thờ cúng các vị thần theo tín ngưỡng bản địa và có một số yếu tố Ấn giáo, hoàn toàn không có dáng dấp Phật giáo. Vậy thì việc dựng tượng địa tạng trong nghĩa trang Chăm và đặt hình tượng chữ Thập ở tháp Chăm đã hoàn toàn làm biến dạng văn hóa Chăm theo ý nghĩa tiêu cực của sự xâm thực văn hóa.

Đáng chú ý, sự xâm thực văn hóa trở nên phổ biến với nhiều cách thức biểu hiện tại tháp Bà Po Ina Nagar, không chỉ có việc sử dụng nhang trong thờ cúng. Trước hết, khi đến tháp Bà, chúng ta sẽ thấy ban quản lí di tích sẽ cho những du khách, nhất là nữ, những bộ áo giành cho các Phật tử khi đi vào chùa, để vào tháp cúng viếng thần Po Ina Nagar. Thỉnh thoảng chúng ta còn bắt gặp hình ảnh các Phật tử ngồi tụng kinh và gỏ mõ, như thường thấy tại các chùa Phật giáo, bên trong những tháp thờ ta sẽ thấy các liễn đối, các hoành phi bằng chữ Hán gắn loang lỗ trên các bề mặt gạch ở lối ra vào gian điện thờ chính, một điều tưởng chỉ có tại các đình, miếu của người Việt. Ngoài ra, hằng năm trên tháp Bà người dân địa phương còn tổ chức lễ hội trên tháp, trong lễ này, người ta không thấy dáng dấp của tăng lữ Bàlamôn, mà chỉ thấy các Phật tử thay nhau thay y trang cho thần, một nghi thức chỉ giành cho giới tu sĩ. Người ta cũng không thấy hình ảnh những người Chăm dâng lễ cho thần, mà thay đó là người Việt lúc nhúc, chen chúc nhau mặc áo dài, khăn đóng sặc sỡ sắc màu. Bên cạnh đó, ta còn thấy xuất hiện các điệu múa, những nghi thức diễn xướng (như múa Bóng, hát Cải lương…) không hề có liên hệ gì với văn hóa nghệ thuật của người Chăm.

Sự suy tàn của bất kì một nền văn hóa nào cũng đều bắt đầu từ sự thoái hóa của các giá trị cấu thành nên nền văn hóa ấy! Văn hóa Chăm là tổng hòa các giá trị vật chất và tinh thần từ kiến trúc, nghệ thuật, văn học… đến các giá trị tâm linh. Bất kì một sự tái hiện văn hóa, sân khấu hóa lễ hội hay sự thực hành văn hóa không đúng, tùy tiện, không tôn trọng tư duy của chủ thể văn hóa, gắn ghép các giá trị ngoại lai vào nền văn hóa Chăm đều chính là con đường dẫn đến sự mai một, lai căng và tàn lụi của nền văn hóa này!

Bài viết này chỉ như là một tiếng nói, trong vô vàng tiếng nói, để nhắn gửi, cảnh tỉnh – về các hiện tượng giả, phảnxâm thực trong nền văn hóa Chăm – đến các cấp chính quyền, các nhà quản lí văn hóa và chính những chủ nhân của nền văn hóa ấy, mà nhiều người trong số này đang thờ ơ, đồng lõa với các hiện tượng tiêu cực, ngày càng phổ biên trong nền văn hóa Chăm.

Panrang, 3/2016



Chuyên mục:Trên kệ sách

Thẻ:,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: