Tiếng nói
Tác phẩm của Linda Lê
Nguyễn Đăng Thường dịch
Từ nguyên bản tiếng Pháp Voix
Copyright © 1998 by Linda Lê.
Nhà xuất bản Christian Bourgois, 1998.
Thiết kế bìa: Trần Kiến Quốc
Bản quyền bản dịch tiếng Việt © 2017, Nguyễn
Đăng Thường.
Bản quyền bản in 2017 © 2017, Domino Books.
ISBN: 978-1530660094
Công ty TNHH Domino Books
Email: domino.dominobooks@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/dominobooksstore/
Linda Lê là một nhà văn không những đầy sáng tạo mà còn là một nhà văn can đảm nhìn lại ngôn ngữ và quê hương như một sự bất toàn của chính mình.
* Ảnh nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (internet)
Tháng Ba, 2001, bạn tôi, Nguyễn Đăng Thường từ Luân Đôn gửi cho cuốn Voix của Linda Lê(1). Tôi nghĩ, cuốn Voix mỏng dính, chữ 12, thưa và chỉ dày có 70 trang thôi để đó. Sẽ đọc khi đầu óc thư thả. Tôi vẫn thường nghĩ vậy khi nhận được một cuốn sách mới. Thế nhưng, ngay buổi tối hôm đó, Linda Lê đã gây trong tôi một ấn tượng kỳ lạ, cô dẫn tôi đi lòng vòng trong một mê lộ chữ nghĩa kinh hoàng điên loạn…
Linda Lê không phải là một người kể chuyện. Đi tìm một cốt truyện có thắt mở trong sách của cô là làm một việc vô ích. Tôi nghĩ cô là tác giả đòi hỏi người đọc “động” nhiều hơn là chỉ nhìn xuống những trang chữ. Cuốn sách mỏng, nhưng bề dày của nó thật đáng nể.
Thật ra, tôi “biết” Linda Lê từ năm 1999, khi nhà văn Nguyễn Tuấn Anh trong một bài viết dưới tựa đề “Linda Lê: Thư Chết”(2) cung cấp cho tôi khá chi tiết lý thú về nhà văn nữ này. Bức ảnh đi kèm bài viết cho thấy Linda Lê có mái tóc dài, trán cao, đôi mắt to, môi gợi cảm, nhưng toàn thể khuôn mặt toát ra một sự lạnh lẽo hoài nghi. Cái nhìn của cô khiến người ta phải lùi ra xa hơn là bước lại gần.
Sau khi gửi cuốn Voix ít lâu, Nguyễn Đăng Thường gửi tiếp cho tôi bản dịch với lời ghi viết tay:
Bản nháp chưa nhuận sắc.
Còn thiếu vài đoạn.
Bản dịch của Thường làm tôi phấn khởi.
Tôi quen anh từ những ngày ở Sài Gòn trước năm 1975. Ngoài tình bạn, tôi rất phục tính tình điềm đạm và nhất là khả năng sinh ngữ của anh. Bản dịch của anh, mặc dù chỉ mới là bản nháp, nhưng tôi hiểu anh đã dịch không chỉ bằng sự thông thạo Pháp ngữ của anh mà còn bằng cả tấm lòng văn chương của anh nữa.
Chúng tôi bàn với nhau sẽ in bản dịch của Nguyễn Đăng Thường dưới tên nhà xuất bản Văn. Nguyễn Đăng Thường phân công anh sẽ lo việc liên lạc với nhà xuất bản Christian Bourgois, hoàn tất bản dịch, sẽ trình bày bìa và liên lạc nhờ Đinh Linh viết tựa. Phần bạt là tôi trách nhiệm.
Người dịch và trình bày bìa đã xong. Người viết tựa đã xong. Nhà xuất bản Christian Bourgois cũng đã cho phép. Chỉ còn người viết lời bạt là vẫn dậm chân tại chỗ. Tại sao? Có nhiều lý do, nhưng dù tôi có đưa ra lý do gì đi nữa thì cũng chỉ là điều… không thể tha thứ được. Tôi biết như vậy.
Thật ra cuốn sách có một số phận long đong. Nó ngủ vùi trong máy tôi 4 năm qua hai lần thay máy vì bị virus phá nát. Tôi tưởng toàn bộ những cuốn Văn lưu trữ đã mất. Và mất theo đó sẽ là những bài viết của các tác giả gửi cho Văn, trong đó có một truyện dài dang dở của tôi, cuốn “Lửa” sau cùng trong bộ ba Người Đi Trên Mây, viết đã hơn một nửa. Và cả cuốn Tiếng Nói, bản dịch của Nguyễn Đăng Thường.
Tôi cầu cứu Thượng Văn, người chủ trương tạp chí Nhân Văn trên mạng. Anh là người rất giỏi về internet. Nhờ anh, sau cùng bản dịch của Linda Lê tìm lại được Tiếng Nói. Nhưng, cuốn Lửa – Người Đi Trên Mây(3) – đã hoàn toàn bị “hoả thiêu”, cùng với nhiều số Văn và một số bài viết khác.
Đầu năm 2005, tôi sắp xếp lại công việc. Tôi bắt đầu layout cuốn sách của Linda Lê theo đúng yêu cầu của Nguyễn Đăng Thường là bản chữ của Tiếng Nói từng trang phải theo đúng như bản chính của cuốn gốc Voix.
Tôi tìm đọc lại bài phỏng vấn Linda Lê của Catherine Argand,3 và mới đây, đầu năm 2005, tôi được đọc thêm bài “Littérature déplacée”, chương chót trong cuốn Tu écriras sur le bonheur của Linda Lê.(4)
Trả lời phỏng vấn của Catherine Argand, Linda Lê nói: “Tất cả những truyện trước của tôi(5) đều là những tác phẩm của nguyền rủa, của tức giận. Trong mỗi cuốn, tôi kêu ca, tôi dựng lên một bản buộc tội thế gian. Với Voix và cơn khủng hoảng mà tôi đã trải qua, sự nóng giận đã tắt ngấm, nhường chỗ cho sự bình thản, nó đã cho phép tôi đi tìm một văn phong khác. Có thể tôi sẽ viết những tác phẩm sáng láng hơn tuy vẫn nghiêng xuống những hố thẳm mà tôi luôn luôn thám hiểm nhưng, có thể, với nhiều sắc thái hơn, dịu dàng hơn trong nỗi buồn.”
Câu trả lời của cô soi sáng một phần tác phẩm cô, nhưng điều làm tôi giật mình chính là sự so sánh của Linda Lê: “Viết trong một ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ của mình, chẳng khác gì làm tình với một thây ma.” (Écrire dans une langue qui n’est pas la sienne, c’est faire l’amour avec un cadavre.)
“Ai cũng biết Linda Lê không phải là người Việt Nam duy nhất và chắc chắn cũng không phải là người sau cùng viết văn trực tiếp bằng thứ tiếng không phải tiếng mẹ đẻ của mình. Bởi vì trước cô đã có Phạm Duy Khiêm, Cung Giũ Nguyên, Nguyễn Hữu Châu(6)… và, gần nữa, có thể kể Kim Lefèvre với Métisse Blanche… Riêng ở Mỹ số người trẻ sáng tác trực tiếp bằng tiếng Anh không những đông đảo hơn mà còn được thế giới văn chương Anh tiếp nhận như những nhà văn trong dòng chính.(7) Thế nhưng tôi không biết đã có ai trong số những tác giả trên so sánh một nhà văn viết bằng thứ ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của mình như Linda Lê?”
Linda Lê là một nhà văn không những đầy sáng tạo mà còn là một nhà văn can đảm nhìn lại ngôn ngữ và quê hương như một sự bất toàn của chính mình.
NGUYỄN XUÂN HOÀNG
* Marina Tsvetaeva (1892-1941): Nữ thi hào Nga. Sinh tại Moscou. Cha là giáo sư dạy lịch sử nghệ thuật tại Đại học Moscou. Mẹ là nhạc sĩ. Trong thời Cách Mạng, Marina Tsvetaeva đứng về phía Bạch Quân và năm 1922 bà bỏ quê hương sang Berlin, Praha, rồi Paris. Trong thập niên 30, bà sống tại Meudon, Clamart, rồi Vanves, những tỉnh nhỏ hay ngoại ô gần Paris. Đó là thập kỷ của sự túng bấn và của các bài văn xuôi: Le diable, Ma mère et la musique, La maison du vieux Pimène (Quỷ, Mẹ tôi và âm nhạc, Ngôi nhà của lão Pimène). Cuộc sống tha hương càng ngày càng thêm khó chịu. Marina Tsvetaeva “đã đặt để cuộc đời dưới dấu ấn của tự do, nghĩa là của cắt đứt” (Linda Lê). Cắt đứt với quê hương, với cộng đồng người Nga di tản, với giới văn nghệ sĩ đương thời. Nhà văn Boris Pasternak khuyên bà hãy trở về Liên Xô. Lúc về tới quê quán, chồng bà bị bắt và bị bắn. Con trai bà tử trận. Thơ bà bị cấm. Năm 1941, Marina Tsvetaeva treo cổ tại tỉnh lẻ Yelabouga (Elabuga).
** Ersnt Weiss (1882-1940): Nhà văn tiểu thuyết người Đức. Sinh tại Brno, Tiệp-khắc. Nguyên là y sĩ, đã bắt gặp thiên chức văn chương khi ông viết tường trình về cuộc khám nghiệm tử thi một cô gái điếm ở Praha. Tiểu thuyết, truyện ngắn, luận văn của ông được các nhà văn Kafka, Thomas Mann ngưỡng mộ. Ersnt Weiss sống tại Paris từ năm 1938, trong một khách sạn trên đường Vaugirard. Lúc đó ông đã bị quên lãng, bệnh hoạn, túng thiếu, kiệt sức; ông thường hay đi thơ thẩn trong vườn Luxembourg để “tính nhẩm, liệt kệ những thảm họa và tỉnh mộng của đời ông” (Linda Lê). Ngày 14 tháng Sáu năm 1941, khi quân Đức tiến vào Paris, ông uống thuốc an thần rồi cắt mạch máu nơi cườm tay. Ông mất trong đêm 15 tháng Sáu, và sáu hôm sau bị chôn vùi trong một ngôi mộ tập thể như “một người di tản Do-thái sinh năm 1882 tại Brno”. Tác phẩm: L’aristocrate, L’épreuve du feu, Georg Letham, médecin et meurtrier, Le séducteur, Le témoin oculaire (Nhà quý tộc, Sự thử thách của lửa, Georg Letham, y sĩ và sát nhân, Kẻ quyến rủ, Chứng nhân mục kích).
____________________________________________________________________________
- Nhà xuất bản Christian Bourgois ấn hành năm 1998.
- Tạp chí Văn số 30, tháng Sáu, 1999.
- Tạp chí Lire tháng Tư, 1999. Bản dịch của Mai Ninh.
- Nxb PUF, Paris, 1999. Chương “Littérature déplacée”, được Đào Trung Đạo dịch là “Văn Chương Vô Xứ”. Tạp chí Văn Xuân Ất Dậu, 2005.
- “Calomnies, gợi chuyện đi tìm người cha, Les Trois Parques nói về ông bố mà ta muốn từ bỏ, Voix là sự tìm kiếm người cha thần thoại đã ám ảnh những đứa con gái của ông ta với một thứ gì rất loạn luân. Trong Lettre Morte, ông đã hoá đôi thành người cha và ông chú điên, thành ông bố bị thất thế và một người tình chiến thắng.” Linda Lê trả lời Catherine Argand, bản dịch của Mai Ninh.
- Nguyễn Hữu Châu, Les reflets de nos jours, Julliard 1955, là những suy gẫm về một cuộc tình đã tan vỡ. “Je sens ta voix couler de toi à moi, comme au creux d’une source. Elle descend jusque dans mon âme, sans bruit.” (Anh nghe tiếng nói của em chảy từ em sang anh như trong lòng suối. Nó rơi xuống tận hồn anh không một tiếng động)
- Ngoài một Nguyễn Quí Đức, với Where the Ashes Are, và sau đó là một loạt cây bút khác: Lan Cao (Monkey Bridge), Đinh Linh (Diorama, Drunkard Boxing…), Monique Truong (The Book of Salt), Lê Thị Diễm Thúy (The Gangster We Are All Looking For), Mộng Lan, (Song of the Cicadas), Andrew X. Pham (Catfish and Mandala), Andrew Lam (Forever Tigers, Drinking Tiger Soup…), Kiên Nguyễn (The Unwanted, Tapesteries, The Colonial),…
Chuyên mục:Tác giả - Tác phẩm, Tác giả, tác phẩm, Trên kệ sách
Trả lời