Vốn dĩ câu chuyện đã nên được kết thúc, tuy nhiên tôi thấy có một chút cần thiết khi nhắc đến yếu tố “Vong” trong câu chuyện giải nghiệp, chuyện nhập vong, áp vong. Có người đặt câu hỏi tại sao không cơ quan nào lên tiếng về việc “vong” thực sự có tồn tại hay không. Tôi chắc chắn một câu không có bất cứ cơ quan nhà nước, nghiên cứu nào khẳng định nó tồn tại hay không, kể cả Giáo hội cũng không làm việc đó.
Trong thời điểm mà khoa học là chân lý – tất cả mọi điều đều phải thực chứng được thì những thứ không có khả năng xác quyết người ta sẽ không ai dám mạnh miệng đóng sống quan điểm. Điều quan trọng hơn là chúng ta nhìn thế nào về quan hệ giữa người sống và người chết – Quan hệ giữa việc sử dụng “Vong” như một phương thức kết nối với một thế giới khác để giải quyết các vấn đề thực tế tồn tại trong xã hội…
*
Áp vong – nhập hồn – là những thực hành về người đã khuất hơn thần thánh. Áp vong là một từ mới nhưng hoạt động của nó thì không mới. Có trường hợp được gọi là bị ma áp (bị động) hoặc thánh nhập (chủ động). Người nhập hồn không phải người chuyên nghiệp (thành viên trong gia đình) không đi qua việc học cách nhập hồn.
Trong quá khứ, người Việt thường tổ chức nghi lễ 49 ngày, trong đó có nghi thức tiếp linh và triệu linh. Tôi từng tham gia rất nhiều các cuộc cúng lễ đó với vai trò là một khách thể – sư kiêm thầy cúng – trong nghi thức này người cầm cành phan là người không có chuyên môn trong việc nhập đồng, người cúng ngồi với mục đích mong được nhập hồn để có thể truyền đạt một thông tin nào đó cho gia đình có người đã khuất. Có nhiều hiện tượng đặc thù khi cầm cành phan nhưng không ai có khả năng kiểm soát được mức độ chuẩn xác của việc truyền đạt thông tin đó đến đâu. Đương nhiên trong việc đó có rất nhiều câu chuyện hư hư thực thực…
Một hiện tượng khá tương tự việc áp vong đó là hầu đồng.
Lý thuyết trong nghiên cứu việc hồn nhập vào cơ thể khá đa dạng từ Hồn ngồi trên đầu (không gọi là nhập hồn). Thực hiện sự có mặt của thần linh – sự có mặt trực tiếp của thần linh. Những người tham gia vào nghi lễ (được chứng kiến trực tiếp hành động, phản ứng của thần linh thông qua hành động của thanh đồng). Việc tồn tại của thần linh là thực hay ảo không thể nắm bắt được và đó phụ thuộc vào việc có tin vào sự tồn tại hay không.
Lên đồng là Sự hiện thân của thần linh và Hành động tham gia vào việc tạo môi trường hợp với niềm tin – thần thánh hiện thân. Hình thức Giáng bút – Giáng cơ cũng tương tự. Người ta học để có thể tiếp cận với thần linh qua hệ thống nghi lễ. Khi kinh nghiệm thanh đồng càng ít thì vai trò của hầu dâng càng quan trọng hơn. Nghi lễ giúp người ta gắn “Tha thể” (agency) vào cơ thể của thanh đồng. Lên đồng mang tính nghi lễ mạnh – biết trước tất cả mọi việc xẩy ra.
Khi có sự thất bại của cấu trúc (phức hơp) nghi lễ – có sự sửa chữa ngay từ hầu dâng.
*
Áp vong: Phương pháp áp vong khá khác biệt với phương thức hầu đồng ở chỗ tính nghi lễ thấp, thủ tục ban đầu khá đơn giản, lễ vật không cầu kỳ, không có phục trang đặc biệt. Những người tham gia không ai biết ai sẽ là người bị nhập hồn, không biết trước linh hồn được nhập là vong nào. Quá trình áp vong như thế nào tôi sẽ không liệt ra ở đây chỉ nhắc tới việc cuối cùng là giao tiếp với vong – từ cả hai phía âm và dương.
Trong buổi áp vong có cấu trúc nghi lễ đơn giản, tương tác lẫn nhau có vai trò quan trọng – thay vì dựa chủ yếu vào thanh đồng, buổi áp vong còn dựa vào những người tham dự. Những người biết nịnh vong. Một số trung tâm như số 1 Đông Tác, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người – UIA, Ba Vàng cũng có thể coi là một trung tâm, một số trung tâm khác không tiện nêu tên ở đây (đều được thành lập vào những năm 90 – cơ bản là sau đổi mới mới bắt đầu xuất hiện)
*
Nghi lễ có lợi ích thế nào?
Nhìn từ thực tế Ba Vàng hay nhiều trung tâm gọi vong nhập hồn ở Việt Nam để thấy nhu cầu này là thực sự có thật. Mục đích đó là gì? Đáp ứng nhu cầu an ninh tinh thần – Giải quyết vấn đề của gia đình và là không gian cho gia đình giải quyết nhiều vấn đề (chỉ cần có sự tồn tại của người chết là gia đình thì có thể giải quyết được). Ba Vàng không chỉ gọi vong mà còn gọi vong trên cả 36 kiếp – thần thông siêu tuyệt kim cổ chưa có thể nghĩ bàn!
Câu hỏi đặt ra là Tại sao áp vong phát triển mạnh mẽ vào thời điểm này (không phải trước, không phải sau). Có thể giả định một số yếu tố về cấu trúc biểu tượng về người âm (gia tiên, người âm) trong tâm thái của người Việt là rất mạnh.
Nhiều người chết oan, nhiều cô hồn… Khái niệm chết oan ở đây có thể hiểu đơn giản là bất cứ cái chết nào bất thường – không phải chết già. Kể cả trong thời bình rồi người Việt chết cũng nhiều không kém gì trong chiến tranh. Nhu cầu kiến tạo lại mối quan hệ giữa người sống và người chết bản thân xuất phát từ cấu trúc tâm linh của người Việt trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Sẽ không có câu trả lời cho việc có thật hay không – Quan tâm tới việc LÀ CÓ THẬT hay KHÔNG CÓ THẬT đều không có khả năng minh định. Chỉ có thể nhìn trong mối quan hệ đó để giải quyết vấn đề gì trong người sống mà thôi.
*
Nếu tách rời nghi lễ – Tôn giáo chỉ là một cái xác không hồn, nó trở thành một môn triết học. Và tôi chắc hẳn những ai đã từng học những giờ triết rồi có thể sẽ thấy thảm hoạ thế nào với những lý thuyết chỉ nghe không đã có thể ru bạn chìm vào giấc ngủ thiên thu không siêu độ.
Phật giáo hay bất cứ tôn giáo nào cũng phải đối diện với những biến đổi của xã hội, những công kích hay phỉ báng có lẽ sẽ không là phỉ báng nếu đó là bài học để thức tỉnh những người ăn cơm thập phương tín thí để tu dưỡng bản thân.
Tôi không tin sự thay đổi sẽ đến trong ngày một ngày hai, nhưng tôi tin Phật giáo sẽ sớm có những chuyển biến mang tính tích cực hơn là tiêu cực.
Tôi tin.
Chuyên mục:Bài hay trên net., Nhân vật - Sự kiện, Nhân vật, Sự kiện
Trả lời