By Xia, Ming/Hồ Như Ý dịch: Ngọn lửa tự do màu máu đỏ ở tuyết vực

Tibetan exile Jampa Yeshi runs as he is engulfed in flames after he set himself on fire during a protest in New Delhi on March 26, 2012. A Tibetan exile set himself on fire on Monday during a rally in New Delhi to protest against an upcoming visit to India by Chinese President Hu Jintao, police said. Credit: STR

Ngọn lửa tự do màu máu đỏ ở tuyết vực 2012.02.04)

Trong thời gian 3 năm từ tháng 2 năm 2009 đến ngày 4 tháng 2 năm 2012, trong phạm vi Trung Quốc đã xảy ra hơn 20 sự kiện người Tạng tự thiêu. Trong 5 tuần lễ đầu tiên của năm 2012, đã tập trung 7 vụ tự thiêu. Bọn họ đều là những tăng nhân, tăng ni hoặc cựu tăng nhân của dòng Phật giáo Tây Tạng. Ba người tự thiêu gần đây ở huyện Sắc Đạt thuộc Chậu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên nghe nói cũng có người chăn nuôi gia súc. Trong ký ức của chúng ta, có lẽ còn không tìm thấy được một ví dụ nào có thể so sánh được, có một quốc gia nào hoặc bất cứ một giáo phái nào trong quãng thời gian ngắn như vậy lại xảy ra những sự kiện tự thiêu dày đặc như vậy. Hơn nữa, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy, những yêu cầu, đòi hỏi đằng sau các sự kiện tự thiêu đã được chính phủ Trung Quốc trả lời, giải quyết một cách vừa ý và kịp thời. Cũng không có bất kỳ lý do nào để tin rằng, căn nguyên để bọn họ lựa chọn kết thúc sinh mệnh đã được loại bỏ. Bởi vậy, đứng trước một sự kiện lớn liên can tới mạng người như vậy, chúng ta cần phải khẩn cấp chăm chú nó, hơn nữa nỗ lực tìm kiếm biện pháp giải quyết. Nhưng điều không may là, khi các quốc gia chủ yếu ở Phương Tây đều đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự kiện tự thiêu ở Tây Tạng đã không nhận được sự quan tâm đúng mức. Sự lạnh nhạt và quên lãng này cho phép chính phủ Trung Quốc hoàn toàn tránh né khỏi sự giám sát của dư luận quốc tế, từ đó lạnh nhạt, bỏ qua những yêu cầu, đòi hỏi của những tự thiêu, những người tử vong cũng như các hoạt động mà họ đại diện lên tiếng cho cộng đồng của mình, dẫn tới những bi kịch tiếp tục xảy ra.

Năm 1998, Chủ tịch Nội các Chính quyền Trung ương Tây Tạng đương nhiệm là tiến sĩ Lobsang Sangay đã từng nói với người viết rằng: Khu vực người Tạng chúng tôi không có dầu mỏ, ngay cả không khí đều rất loãng, chúng tôi chỉ có Lạt Ma. Do đó, thế giới Phương Tây rất thờ ơ đối với chúng tôi. Ngày hôm nay, từng người nối tiếp từng người nam nữ tăng nhân đang tự đốt cháy bản thân trên cao nguyên tuyết vực, có lẽ bọn họ đã khiến chúng ta bị sốc. Đứng ở tầng thứ căn bản của nhân tính, loại chấn động này tạo ra sự chăm chú vượt xa so với sự chú ý của con người dành cho dầu mỏ, bởi vì, dầu mỏ đốt cháy dẫn động cho ô tô, cho nền kinh tế của chúng ta; mà sự đốt cháy sinh mệnh, đặc biệt là sự bùng cháy của những tăng ni “sống tĩnh lặng đẹp đẽ như chiếc lá mùa thu, chết bùng cháy sáng lạn như hoa nở mùa hè”, thứ được nung đốt đương nhiên là lương tâm của chúng ta, thứ được thúc đẩy đương nhiên là sự tiến bộ của xã hội loài người. Vì vậy, tôi muốn thảo luận và làm sáng tỏ một số vấn đề sau: Bối cảnh quốc tế, quốc nội của sự kiện người Tạng tự thiêu là gì? Những yêu cầu và thông tin mà người Tạng tự thiêu muốn truyền đạt là gì? Nguyên nhân phức tạp nào tạo nên những vụ tự thiêu liên tục của người Tạng, đặc biệt là tầng lớp tăng ni? Trong Phật giáo và Phật giáo Tây Tạng, bạo lực, tự sát và tự thiêu có quan hệ như thế nào với truyền bá Phật pháp? Cuối cùng, điều then chốt để giải quyết vấn đề tự thiêu nằm ở đâu?

Nguy cơ đối với Tây Tạng và người Tạng

Trên cao nguyên tuyết vực Tây Tạng, máu tươi của người Tạng đang bùng cháy! Sinh mạng của người Tạng đang đấu tranh! Đây là bởi vì, Tây Tạng, người dân được sinh ra và nuôi dưỡng bởi mảnh đất này, cũng như văn hóa, tôn giáo, đặc tính dân tộc và phương thức sinh sống mà họ vốn dựa vào đang đứng trước nguy cơ bị hủy diệt và xóa sổ.

Địa lý, khí hậu và môi trường canh tác, chăn nuôi đặc biệt, khắc nghiệt của cao nguyên Tây Tạng đã tạo ra phương thức sinh sống đặc biệt cho người Tạng. Với lối sống độc đáo, đặc biệt là lòng mộ đạo đối với Phật giáo, người Tạng đã trở thành những người giữ gìn tốt nhất cho nóc nhà của thế giới. Nhưng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, khi đại đa số các quốc gia và dân tộc khác trên thế giới đang có được thời cơ lịch sử mới để phát triển, thì những người Tạng đã sớm quy y Phật giáo, từ bỏ võ công lại đang phải đối mặt với chính đảng hủy diệt Phật giáo cùng cỗ máy bạo lực quân sự được vũ trang bởi thuyết vô thần lớn nhất thế giới. Theo như mô tả trong hồi ký của Đạt Lai Lạt Ma tôn giả, khi tiếp kiến Đạt Lai Lạt Ma vào năm 1955, Mao Trạch Đông đã nói: “Tôn giáo là thuốc độc. Đầu tiên tăng ni thủ giới không kết hôn, nó làm giảm nhân khẩu. Thứ hai, nó coi thường sự tiến bộ vật chất.” Nghiên cứu của nhà nghiên cứu độc lập Lý Giang Lâm đã cho thấy, từ những năm đầu thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960, quân đội cộng sản đã liên tục tiến hành những “cuộc chiến tranh bí mật” đối với khu vực người Tạng (Khu tự trị Tây Tạng và Tứ Xuyên, Thanh Hải cũng như các khu vực có người Tạng sinh sống). Sau đó, tướng lĩnh lãnh đạo cái gọi là “dẹp loạn” liền biến thành lãnh đạo hành chính địa phương, vào thời điểm đầu khi xây dựng chính quyền ở Tây Tạng liền thực thi mô hình gồm hai biển hiệu “quân khu” và “Ủy ban công tác”, nhưng sử dụng chung một bộ máy nhân viên. Trong lịch sử 60 năm qua chính phủ Trung Quốc đã thực thi kiểm soát Tây Tạng bằng mô hình “chính phủ quân sự”. Chính quyền chủ động che giấu hoặc làm nhạt đi những kiếp nạn mà khu vực Tây Tạng phải chịu đựng trong “Đại Cách Mạng Văn Hóa”. Trái ngược hoàn toàn với lịch sử được mô tả bởi phía chính quyền, trong cuốn sách “Kiếp Nạn”, Tsering Dorje và con gái của ông là Tsering Woeser đã dùng hình ảnh và văn tự nhằm tái hiện lại hạo kiếp mà người dân và văn hóa Tây Tạng đã gặp phải trong “Đại Cách Mạng Văn Hóa”. Woeser đã viết: “Năm 1950, Mao Trạch Đông phái quân đội tiến vào Tây Tạng, từ đó quân đội trở thành lực lượng duy nhất kiểm soát Tây Tạng. Ngay cả trong thời kỳ “10 năm hạo kiếp” được Đảng Cộng sản tổng kết, quân đội vẫn là lực lượng nắm giữ toàn bộ Tây Tạng.” Cho đến tận ngày nay, “quản chế quân sự” đối với Tây Tạng “chưa bao giờ được thả lỏng”. Trong 5 năm vừa qua, “quân quản” càng nhận được sự củng cố và tăng cường mạnh mẽ hơn, thậm chí là thâm nhập sâu rộng vào các thôn làng Tây Tạng, trực tiếp kiểm soát các chùa miếu và bắt bớ tăng sĩ.

Năm 1979 sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thực thi chiến lược “Cải cách mở cửa”, vào tháng 3 năm tiếp theo thì Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức “Tọa đàm công tác Tây Tạng lần thứ nhất”. Tới tháng 5, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang cùng với Bí thư Ban bí thư, Phó thủ tướng Vạn Lý dẫn đầu tổ công tác Trung ương đến khảo sát và chỉ đạo công tác một số địa phương ở Tây Tạng. Cùng với việc bình xét, tái thẩm tra một lượng lớn các “vụ án oan sai, án giả”, điều chỉnh chính sách cực tả, Trung ương đã tăng cường hỗ trợ tài chính và đầu tư kinh tế đối với Tây Tạng, xây dựng lại các chùa miếu tôn giáo và khôi phục hoạt động tôn giáo, bắt đầu tiếp xúc với đại diện của Đạt Lai Lạt Ma Tôn giả đang lưu vong ở nước ngoài và cho phép một bộ phận người Tạng lưu vong được quay về quê hương thăm thân nhân, Tây Tạng trong những năm đầu thập niên 1980 đã bước vào giai đoạn phát triển tương đối bình ổn. Giữa thời gian này, trong quá trình tìm kiếm kỹ thuật và nguồn vốn nhằm hỗ trợ cho công cuộc phát triển kinh tế, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một số loại nhượng bộ đối với xã hội quốc tế, bởi vậy, tiến bộ đi lên là xu thế chủ đạo. Tình hình ở khu vực Tây Tạng cũng đã phản ánh được xu thế tổng thể về cải cách ở Trung Quốc. Nhưng mà vào những năm cuối thập niên 1980, đặc biệt là từ năm 1987 đến 1989, tự do hóa chính trị ở Trung Quốc đã bộ lộ ra những hạn chế, nó xung đột với những kỳ vọng ngày càng tăng của người dân Trung Quốc (bao gồm cả người Tạng), đặc biệt là trong lĩnh vực tự do và dân quyền. Các khu vực từ vùng duyên hải nội địa (ví dụ phong trào sinh viên ở Hợp Phì, Bắc Kinh và Thượng Hải) cho đến cao nguyên tuyết vực đều xuất hiện biểu tình hòa bình. Tranh đấu quyền lực bên trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng kịch liệt, phe cải cách (hoặc còn gọi là phe tự do) dần dần thất thế trước phe cứng rắng (hoặc là phe bảo thủ). Chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng cứng rắn và bảo thủ. Dưới phương châm chung là tăng cường kiểm soát, trấn áp thành phần bất đồng chính kiến, Bắc Kinh tương đối nhẫn nại và kiềm chế một chút so với người Hán; nhưng dưới sự ảnh hưởng của tâm thái “Phi ngã tộc loại, kỳ tâm tất dị[1]“, cũng như sự suy đoán đối với “thế lực thù địch nước ngoài”, cùng chủ nghĩa dân tộc đại Hán đã làm cho các lãnh đạo cao tầng ở Bắc Kinh rát dễ dàng đem vấn đề dân tộc thiểu số nâng tầm lên thành tầng thứ của “chủ quyền và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ”, “an ninh quốc gia”, liền sử dụng quân đội, cảnh sát vũ trang nhằm bạo lực trấn áp. Bởi vậy, trong những năm thập niên 1980 khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, nổ súng trấn áp biểu tình mít tinh hòa bình, tạo thành các sự kiện đổ máu đã xảy ra đầu tiên ở Tây Tạng vào năm 1987 và 1989. Quyết sách giới nghiêm quân sự ở Lhasa vào tháng 3 năm 1989 (kéo dài 14 tháng) được trực tiếp quyết định thực thi bởi Bí thư đảng ủy Khu tự trị Tây Tạng khi đó là Hồ Cẩm Đào. Về sau tại “Hội nghị công tác Tây Tạng” lần thứ 3 tổ chức vào năm 1994, công tác đối với Tây Tạng tiếp tục nhấn mạnh trấn áp và kiểm soát. Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1996 đã ra thông cáo, nghiêm cấm việc treo các bức chân dung của Đạt Lai Lạt Ma. Cho đến năm 2008 một lần nữa xuất hiện biểu tình kháng nghị trên quy mô lớn ở Tây Tạng. Trong quãng thời gian kéo dài 25 năm này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đều áp dụng bạo lực quân sự và trấn áp rộng khắp nhằm xử lý những sự kiện biểu tình kháng nghị xuất hiện ở khu vực người Tạng. Nhưng hiệu quả của trấn áp quân sự càng ngày càng đi xuống, chi phí quản lý và thống trị khu người Tạng càng ngày càng cao, sự bất mãn và phản kháng của người Tạng đang không ngừng được sản sinh. Trong 5 năm vừa qua, hoạt động phản kháng ở khu vực người Tạng chưa bao giờ ngưng nghỉ, thậm chí là rất nhanh lan đến khu vực giáp giới của người Tạng và người Hán, các thành phố nội địa (như Thành Đô và Tây An). Hơn nữa, cuộc khủng hoảng đang không ngừng leo thang. Nhìn từ góc độ của chính phủ Trung Quốc, nó đã rơi vào một vòng luẩn quẩn “dùng bạo lực duy trì ổn định, càng đè nén càng loạn”.

Cần thiết phải chỉ ra rằng, nguồn căn của những thảm họa, tai nạn mà người Tạng phải đối mặt được tập trung biểu hiện bởi “sự xảo trá” nổi danh của hệ thống quản trị “kĩ thuật quan liêu trị quốc”. Trong đó đặc biệt kể đến nhân vật điển hình như người về sau được điều về Bắc Kinh, đề bạt lên chức Tổng bí thư Đảng Hồ Cẩm Đào, cũng như nhân vật từ vị trí Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên sau thăng chức lên Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị, chủ quản công tác chính pháp Chu Vĩnh Khang. Bản tin về việc Hồ Cẩm Đào đầu đội mũ sát đứng trên đường phố ở Lhasa tự mình ra trận hơn nữa tham dự đàn áp 1989 đã sớm được lưu truyền rộng rãi ở Phương Tây. Sự kiểm soát cứng nhắc và tàn bạo của ông ta đối với các sự vụ tôn giáo, văn hóa là điều không cần phải mô tả nhiều. Nhưng Chu Vĩnh Khang thì cần phải nhắc một chút. Nhà văn Mạt Lị đã viết: “Trong việc bức hại người Tây Tạng ở khu vực người Tạng sinh sống ở Tứ Xuyên, Chu Vĩnh Khang cũng là có số má “được người đời truyền tụng”. Mùa hè năm 2001, hàng ngàn tăng ni người Tạng và người Hoa ở Học viện Phật học Larung Gar huyện Sắc Đạt tỉnh Tứ Xuyên bị trấn áp, chỗ ở của họ bị dỡ bỏ, trước khi bị trục xuất, chính quyền yêu cầu các Lạt Ma ký tên vào tuyên bố chỉ trích Đạt Lai Lạt Ma. Những Lạt Ma và ni cô mặc lấy những chiếc áo cà sa rách rưới bị ép buộc phải lang bạt khắp nơi, tạo nên một trong những “thành tích chính trị quản trị khu vực người Tạng” của Chu Vĩnh Khang. Cô tiếp tục viết: Tháng 3 năm 2000, Chu Vĩnh Khang khi đó mới lên nhậm chức được 2 tháng, trong cuộc gặp với các đại biểu nông dân thuộc Đại hội đại biểu Nhân dân tỉnh Tứ Xuyên, đã nói “ông ta đã khảo sát khu vực dân tộc Tạng Garze tỉnh Tứ Xuyên, không hiểu được tại sao người Tạng ở Tứ Xuyên lại không để ý tới kiếp này mà chỉ lo kiếp trước. Ông ta phản đối người Tạng quyên góp cho chùa miếu”, ông ta còn nói “Phương Tây cũng có tôn giáo tín ngưỡng, nhưng bọn họ làm gì có chuyện đem tiền quyền tặng cho nhà thờ?”

Nhìn từ góc độ nào đó, sự thỏa mãn ở bình diện tinh thần rất quan trọng đối với người Tạng, đem chia tách giữa người Tạng với tam bảo của Phật giáo (Phật, pháp, đền chùa), cũng chính là tiêu diệt người Tạng ở tầng diện ý nghĩa văn hóa và bản chất sinh mệnh. Nếu như người Hán với tư duy “dĩ thực vi thiên[2]“, “tín phụng cật giáo[3]” có thể dùng lý trí suy nghĩ lại, giả sử có một ngày, đột nhiên một hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn[4] (đa phần là tín đồ Muslim) một lần nữa quay trở lại làm chủ Trung Nguyên, kẻ thống trị mới sẽ tước đoạt để cho thị lợn biến mất khỏi cuộc sống của người Hán, bản sắc văn hóa của người Hán sẽ đi về đâu? Chúng ta cần phải nhìn nhận rõ, giá trị ở phương diện tinh thần được cung cấp bởi “tam bảo” là không thể nào thay thế được bằng những mĩ vị món ngon bất kỳ. Hiển nhiên, đối với người Tạng mà nói, để cho họ quên đi cuộc sống quá khứ kiếp trước, chỉ nhìn vào kiếp này, điều này chắc chắn sẽ tước đọat đi nguồn gốc căn bản của họ, hiện đại hóa dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn hoàn toàn của thuyết vô thần và chủ nghĩa duy vật sẽ trở thành “khối u của Tây Tạng”. Nếu như người Tạng không có quyền tự trị và quyền tự quyết để kiểm soát và giải quyết vận mệnh của dân tộc mình, thì Tây Tạng sẽ tiếp tục thiếu hụt đi tính nội sinh, thiếu đi động lực phát triển hữu cơ, sẽ rất khó để tránh thoát khỏi vận mệnh bị “thiên táng”. (Đọc sách “Thiên Táng” của Vương Lực Hùng) Biểu hiện của Hồ Cẩm Đào và Chu Vĩnh Khang đã cho thấy sự vô tri tuyệt đối của họ đối với tôn giáo và tín ngưỡng tinh thần, bởi vậy muốn tìm được lối thoát cho khủng hoảng Tây Tạng, hiển nhiên là không có hy vọng nào cả. Ngược lại nếu như dùng cỗ máy bạo lực quân sự nhằm thúc đẩy và thi hành “công cuộc hiện đại hóa” như vậy, nó sẽ không chỉ dẫn tới các vấn đề như không có tự do tôn giáo, nhân quyền không được tôn trọng, mà còn là kèm theo khủng hoảng đối với tổng thể Tây Tạng và toàn thể người Tạng.

Người Tạng lưu vong và sự lãnh đạo của Đạt Lai Lạt Ma

Sự ra đi của Đạt Lai Lạt Ma khỏi Tây Tạng vào năm 1959 là thất bại đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi cố gắng thực thi “một quốc gia hai chế độ”, cũng là căn nguyên quan trọng đã sản sinh ra vấn đề Tây Tạng về sau này. Nguyên nhân gây ra kết quả này là, Đạt Lai Lạt Ma không chỉ là đem theo những người thân của mình, mà còn mang theo toàn bộ lãnh tụ cao tăng của bốn đại giáo phái cùng với Bon giáo chạy trốn, mang đi linh hồn của Tây Tạng. Bởi vậy, người Tạng ở hai bên chân núi Himalaya đã trải qua cuộc sống phân chia giữa “linh” và “thổ”: Chạy trốn khỏi quê hương, người Tạng tạm cư ở trên đất Phật đã có được một quê hương tự do về tinh thần, nhưng lại mất đi tổ quốc cố thổ; những người Tạng ở lại giữ gìn mảnh đất quê nhà thì về tinh thần rất khó có tự do. Vương Lực Hùng đã quan sát thấy được: “Khi Bắc Kinh đem nhân quyền đánh đồng với “quyền sinh tồn”, đem “phát triển kinh tế” xem là chính sách dân tộc, mặc dù các chỉ tiêu kinh tế và chỉ tiêu cuộc sống sinh tồn đã có được tiến bộ đáng kể, nhưng họ lại phải đối mặt với càng nhiều bất mãn hơn. Vật chất không phải là tâm hồn, vật chất cũng không nhất định mua được tâm hồn.” Đối với người Tạng mà nói, quê hương trong trái tim nằm ở bên ngoài Tây Tạng, “Đạt Lai Lạt Ma giống như cha mẹ, thậm chí cao hơn cha mẹ.” Điều này cũng giải thích tại sao người Tạng ở trong khu vực Tây Tạng lại tự thiêu, người Tạng ở nước ngoài cũng tự thiêu (ví dụ ở New Delhi và Nepal), bởi vì người Tạng ở hai bên chân núi Himalaya khát vọng được quay về mảnh đất Tạng đã gần 60 năm rồi.

Không chỉ có lãnh tụ tinh thần tối cao của Phật giáo Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma tôn giả phải lưu vong ở hải ngoại, mà ngay cả người được Đảng Cộng sản Trung Quốc bồi dưỡng mười mấy năm là Đại Bảo Pháp Vương Karmapa đời thứ 17 Ogyen Trinley Dorje cũng chạy trốn khỏi Tây Tạng vào dịp giao thừa giữa hai thiên niên kỷ, lưu trú tại Dharamsala. Có thể nói, ngày nay khu vực Tây Tạng dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngoại trừ một diện tích lớn đất đai cùng với 6 triệu người Tạng, thì “sức mạnh mềm” thật sự của dân tộc Tạng đang nằm ở hải ngoại. Đầu tiên, Đạt Lai Lạt Ma là tấm danh thiếp cùng nhãn hiệu của văn hóa Tây Tạng. Trên trường quốc tế, tỉ lệ nhận biết Đạt Lai Lạt Ma có lẽ là không phân cao thấp khi so với tổng thống của cường quốc số 1 thế giới Obama. Mà mức độ được chào đón của ông ở Phương Tây thậm chí vượt qua cả Giáo Hoàng của họ. Vương Lực Hùng viết: “Bởi vì Đạt Lai Lạt Ma gần như là tượng trưng độc nhất vô nhị của những người Tạng lưu vong, do vậy ở một mức độ nào đó, quá trình quốc tế hóa vấn đề Tây Tạng, trên thực tế là quá trình quốc tế hóa của Đạt Lai Lạt Ma.” (đọc “Thiên Táng” trang 465)

Tiếp đó, đi cùng với việc Phật pháp bị hủy hoại cùng ô nhiễm trên quy mô lớn ở vùng đất của người Hán, người Tạng lưu vong cùng các tăng đoàn của họ được phân tán khắp nơi trên thế giới đã trở thành những người bảo vệ truyền thừa Phật giáo Nalanda và giữ gìn sự thuần khiết của nó. Các trung tâm nghiên cứu Phật giáo, trung tâm biên dịch, chú giải, thảo luận về kinh sách đã được xây dựng ở Dharamsala nơi đặt chính phủ Tây Tạng lưu vong cũng như ở Nam Ấm Độ, đồng thời các trung tâm quảng bá Phật giáo cũng đã được thành lập khắp nơi trên thế giới. Sự trở lại của chủ nghĩa hậu hiện đại và chủ nghĩa thần bí ở Phương Tây đã hòa nhập, dung hòa cùng với quá trình toàn cầu hóa của Phật giáo. Đảng Cộng sản Trung Quốc buộc Đạt Lai Lạt Ma tôn giả phải bỏ đi lưu vong, nhưng lại không bao giờ ngờ được rằng Phật giáo thông qua Đạt Lai Lạt Ma đã có được ảnh hưởng rộng rãi, sâu sắc đến các phương diện của cuộc sống hàng ngày trong xã hội Phương Tây đến như vậy, đây cũng là điều may mắn trong bất hạnh. Tương lai cũng sẽ chứng minh, khi mà những khu vực người Hán sinh sống một lần nữa quay về với chính giáo, thoát khỏi những trụy lạc về đạo đức, loại bỏ những trào lưu Phật môn dung tục như hiện nay, Phật giáo Tây Tạng – nơi còn chưa bị ô nhiễm và vẫn đang không ngừng thăng hoa ở quê hương đức Phật sẽ trở thành suối nguồn phục hồi đạo đức của Trung Hoa.

Thứ ba, chính sách thế tục hóa cùng dân chủ hóa chính phủ được thúc đẩy bởi cộng đồng người Tạng lưu vong đã thu nhận được những thành tựu rõ rệt. Bản thân Đạt Lai Lạt Ma tôn giả đã từng tham gia Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc ở Bắc Kinh với vai trò là Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, được mệnh danh là “cán bộ lãnh đạo nhà nước trẻ tuổi nhất”. Khi đến thăm Ấn Độ, thủ tướng nước này là Jawaharlal Nehru đã đi cùng Đạt Lai Lạt Ma tham quan quốc hội Ấn Độ. So sánh sự khác nhau giữa quốc hội hai nước, đã khiến cho Đạt Lai Lạt Ma nhận thấy được sự ưu việt của thể chế dân chủ. Sau khi bắt đầu cuộc đời lưu vong vào năm 1959, Đạt Lai Lạt Ma liền đề xuất thành lập “Chính phủ dân chủ kết hợp chính quyền và tôn giáo” hơn nữa cùng năm này thành lập “Quốc hội Nhân dân Tây Tạng”, nghị viên được chọn ra bởi bầu cử . Trong “Dự thảo Hiến pháp” (dự thảo thảo luận) được chính phủ Tây Tạng lưu vong công bố vào năm 1961, có một điều khoản được đưa ra, “Căn cứ và điều lệ của Hiến pháp và Quốc hội”, nếu như cần thiết thì có thể “bãi miễn Đạt Lai Lạt Ma”. Mặc dù điều luật này vào thời điểm đó gặp phải sự chống đối của cả giới tăng lữ và thường dân nên không được tiếp nhận, nhưng có thể thấy được, vào thời điểm ban đầu khi xây dựng chính quyền lưu vong, Đạt Lai Lạt Ma đã có ý thức muốn thúc đẩy “dân chủ hóa” và “thế tục hóa”. Từ sau năm 2001, Thủ hiến Nội các (Cát Luân) cũng được bầu trực tiếp bởi người Tạng lưu vong. Đạt Lai Lạt Ma dần rút khỏi những can thiệp đối với quốc hội và chính phủ, nằm ở tình trạng bán nghỉ hưu. Năm 2011 thì tuyên bố hoàn toàn rút lui khỏi các sự vụ chính trị.

Thứ tư, nội các mới của chính phủ đã hoàn toàn phản ánh được đặc trưng toàn cầu hóa, trẻ hóa, đa nguyên hóa và thế tục hóa. Người đã được bầu vào vị trí Thủ hiến nội các trong cuộc bầu cử năm 2011 Lobsang Sangay ở vào thời điểm nhậm chức mới chỉ 45 tuổi. Ông đã tiếp nhận một nền giáo dục tinh anh về luật pháp tại Đại học         University of Delhi và Harvard University với học vị tiến sĩ luật học. Độ tuổi trung bình của 6 thành viên nội các chỉ từ 45-50 tuổi, người trẻ nhất là Bộ trưởng Bộ y tế mới chỉ 38 tuổi. Trong đó có hai bộ trưởng là nữ giới (Bộ trưởng Ngoại giao và Báo chí 46 tuổi, Bộ trưởng Nội chính 48 tuổi), có hai vị trở về từ Bắc Mỹ, toàn bộ đều là những người thế tục tiếp nhận nền giáo dục ưu tú của Ấn Độ và Mỹ. Với nội các và quốc hội như vậy, các thành viên của chính phủ hành chính về cơ bản đều là thế hệ người Tạng thứ hai được sinh ra ở hải ngoại, đồng thời cũng phản ánh được tinh thần cống hiến vì nghĩa vụ đối với dân tộc của mình cho cộng đồng người Tạng lưu vong.

Thứ năm, sự trợ giúp mang tính toàn cầu hóa của các tổ chức dân sự quốc tế đối với người Tạng đã được hình thành, hơn nữa đã có sự cống hiến to lớn đối với sự nghiệp của người Tạng. Đặc biệt là trong những năm gần đây, sự tín nhiệm của Đạt Lai Lạt Ma đối với chính phủ Trung Quốc ngày càng xuống thấp, nhưng ở xung quanh tôn giả đã thu hút và hội tụ ngày càng nhiều người Hoa ở cả bên trong và ngoài Trung Quốc. Ví dụ vào dịp cuối năm 2011 đầu năm 2012, Đạt Lai Lạt Ma tổ chức Pháp hội quán đỉnh Kalachakra tại thánh địa Bodh Gaya của Phật giáo đã thu hút một lượng lớn hàng nghìn tín đồ là người Hán ở Trung Quốc Đại Lục. Lòng tin của ông đối với tín đồ người Hoa ngày càng cao, bởi vì có rất nhiều người trong số họ đã ý thức được rằng, tiến trình phục hưng đạo đức dân tộc Trung Hoa và dân chủ hóa đều có thể có sự tương tác lẫn nhau một cách tốt đẹp với tiến trình tự mình giải cứu tự do của người Tạng.

Căn nguyên của hành động tự sát và tự thiêu trong giới tăng nhân

Có thể nói, chính sách tàn bạo chuyên chế đi ngược lại thế giới văn minh trong 25 năm qua của chính phủ Trung Quốc đối với Tây Tạng đã hình thành sự trái ngược rất rõ ràng đối với quá trình thế tục hóa và dân chủ hóa trong cộng đồng người Tạng lưu vong, đem sự liên hệ giữa linh hồn và thể xác của quần thể người Tạng, quê hương tinh thần cùng tổ quốc cố thổ, thượng sư( Guru) và tín đồ xé rách ra, tạo thành một cuộc diệt chủng trên thực tế nhưng được che phủ tốt hơn. Dưới bối cảnh như vậy, sự dày vò (về tình thân hoặc về tinh thần) đã trở thành trạng thái thường nhật trong cuộc sống của mỗi một người Tạng. Trong triết lý Phật giáo, việc Phật tổ sáng lập ra Phật giáo đầu tiên là nhằm vào “tứ khổ[5]” gồm: “sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ”, đối với tăng chúng mà nói, nó là thiện pháp có thể trừ đi mọi khổ đau. Trong “Pháp Cú Kinh” có viết: “Tất cả chúng sinh sợ hãi tử vong”, “tất cả chúng sinh trân trọng sinh mạng, lấy mình làm gương, đem tâm mình suy người, mình không sát sinh đừng bảo người giết.” Do vậy, tôn chỉ căn bản của Phật giáo là giới sát, trong Phật giáo Tiểu Thừa chỉ rõ phản đối tự sát. Vậy tại sao những đệ tử tăng ni xuất gia ở khu vực người Tạng, lại liên tục trở thành chủ thể của những sự kiện tự thiêu? Lý do gì đã khiến cho những tăng lữ vốn quy y Phật pháp hơn nữa cứu độ chúng sinh thoát khỏi khổ sở (trong đó bao gồm tử khổ) lại đem cái chết biến thành một loại thủ đoạn? Nếu như cái chết trở thành một thủ đoạn, vậy thì giá trị cao hơn mà nó phục vụ là gì? Nhân tố nào khiến cho những giá trị cao hơn này bị đe doa, tăng lữ cần phải dùng tới cái chết để bảo vệ nó?

Chúng ta phân tích một chút di chúc ngày 8 tháng 1 năm 2012 của Sobha Rinpoche (trong Hán ngữ có nghĩa là “Phật sống”) tại thị trấn huyện Darlag (Đạt Nhật) châu tự trị dân tộc Tạng Gogol (Quả Lạc) tỉnh Thanh Hải. Sobha Rinpoche khi đó mới chỉ 42 tuổi trên thân mặc một áo cà sa màu vàng, châm lửa đốt dầu đã rưới lên người tự thiêu. Trước khi hy sinh, anh đã để lại di chúc được ghi âm, anh nói:

Sự hy sinh của tôi không phải nhằm để chứng minh tôi có bao nhiêu vĩ đại, tôi thành tâm thành ý sám hối những samaya đã phạm phải cùng tất cả mọi tội nghiệp, đặc biệt là Thệ Ngôn Giới của Kim Cương Thừa – không cho phép ngược đãi và hy sinh tự bản thân minh, tôi chân thành sám hồi về điều này.

Hơn nữa tôi đã ước, hy vọng rằng tất cả chúng sinh trên khắp cõi đời, cả những tiểu chúng sinh bé nhỏ như con rận, tới lúc lâm chung sẽ không còn sợ hãi, không chịu đau khổ, ra đi với vô lượng quang Phật khắp mình, nhận được quả vị viên mãn chính đẳng chính giác. Bởi vậy tôi nguyện cung phẩm tuổi thọ và thân thể bản thân mình. Cũng là để tất cả cao tăng đại đức được Đạt Lai Lạt Ma tôn giả Tenzin Gyatso dẫn đầu có thể trụ thế lâu dài, bởi vậy đem sinh mệnh, thân thể của tôi hóa thành Mạn Đà La hiến dâng lên cho họ.

Tôi làm ra hành vi này, tuyệt không hề có tâm thái tự tư tự lợi tìm kiếm danh tiếng, cung kính, ái mộ, mà là với sự thanh tịnh, thành kính giống như Phật Đà năm đó hy sinh thân mình làm thức ăn cho hổ, những đồng bào người Tạng hy sinh khác cũng giống như tôi, từ bỏ sinh mạng nhằm tìm kiếm chân lý và tự do.

Ồ! Những đạo hữu Kim Cương cùng tín đồ các nơi, mọi người cần đoàn kết nhất trí, đồng tâm hiệp lực, vì tương lai tự do của người Tạng chúng ta, vì để cho vùng Tạng thật sự trở thành quê nhà của chúng ta, vì ánh sáng hy vọng này, mọi người cần đoàn kết nhất trí, cùng phấn đấu chung vì mục tiêu này. Đây cũng là tâm nguyện của tất cả những người anh hùng đã hiến dâng sinh mệnh quý giá của mình, bởi vậy tất cả mọi hành vi không có lợi ích đều cần phải được từ bỏ, ví dụ như những cuộc tranh đấu giành đồng cỏ trên núi.

Cuối cùng, hỡi những bạn hữu đồng đạo trong và ngoài nước, mọi người xin hãy đừng đau buồn, xin hãy cầu nguyện cho những kiến thức tốt đẹp, ngay cả khi Bồ đề hỏi chúng ta giải thoát hay chưa. Những người già và bách tính thường dân nhờ cậy ở tôi để gửi lời ước nguyện, bất luận là vui sướng và đau khổ, tốt và xấu, vui và buồn, chúng ta đều cần dựa vào tam bảo của thượng sư, ngoài tam bảo thì không còn gì để dựa vào cả, xin mọi người hãy đừng quên, Tashi delek!

Từ những phần được trích ra từ di chúc trên, chúng ta có thể thấy được một số tầng ý nghĩa sau: Thứ nhất, Sobha Rinpoche đã chăm chú làm theo những chuẩn bị trước khi chết theo điều được miêu tả trong “Trung Uẩn Cứu Độ Pháp” nhằm tránh viện sản sinh tham niệm, cáu giận và sợ hãi, làm cho trái tim không bấn loạn; đồng thời quán tưởng thượng sư, cầu nguyện với thượng sư. Thứ hai, Sobha Rinpoche đã thẳng thắn thừa nhận rằng những ngược đãi và hy sinh đối với bản thân là một sự phá giới, bởi vậy đã đưa ra sám hối. Thứ ba, Sobha Rinpoche gửi thiện niệm đến với thượng sư Đạt Lai Lạt Ma tôn giả cùng tất cả chúng sinh, đặc biệt là những đồng bào người Tạng, cầu chúc cho thượng sư trường thọ, cầu chúc cho chúng sinh có được hòa bình và tự do. Thứ tư, Sobha Rinpoche đã cầu nguyện cho “những anh hùng đã cống hiến mạng sống quý giá của mình” trước anh ấy, bởi vì căn cứ theo “Trung Uẩn Cứu Độ Pháp”, trong vòng 49 ngày, những cầu nguyện tốt lành có thể giúp cho người chết thuận lợi chuyển sang kiếp sau. Thứ năm, Sobha Rinpoche đã chỉ rõ rằng “tam bảo” (Phật, thượng sư; pháp, giáo nghĩa; tăng, tăng chúng và chùa miếu) là “chỗ dựa” của người Tạng, ngoài ra không còn cách nào khác. Thứ sáu, Sobha Rinpoche nói rõ rằng hành động tự thiêu của anh là “từ bỏ thân mình vì nghĩa tìm kiếm chân lý và tự do”, ngoài ra anh không còn động cơ nào khác. Đại nghĩa ở đây là duy trì bảo vệ sự thuần khiết và vĩnh hằng của Phật pháp, mà tự do của người Tạng ở tuyết vực là tiền đề để có thể bảo vệ được Phật pháp. Thứ bảy, Sobha Rinpoche đã trích dẫn ví dụ về việc Phật Đà từ bỏ thân mình để cứu lấy con hổ, qua đó muốn chứng minh lòng từ bi căn bản, nghiệm chứng thực tiễn và bảo vệ Phật pháp thì việc từ bỏ nhục thân là điều có thể. Thứ tám, “nơi này không có âm thanh mà còn thắng có âm thanh”, trong di chúc không có một câu nhắc đến chính phủ Trung Quốc, sự xâm chiếm của quân đội đối với chùa miếu, sự trấn áp tăng nhân vân vân.

China, Gansu, Amdo, Xiahe, Monastery of Labrang (Labuleng Si), Losar (New Year festival), Chinese riot police displayed to prevent any form of protest

Từ di chúc trên chúng ta có thể thấy rằng những nhà sư có hành động tự thiêu hiểu được rằng bản thân họ đã phá giới, nhưng họ vẫn nhảy vào nước sôi lửa bỏng. Đối với người Tạng mà nói, sự lựa chọn của họ đã không còn được tiến hành giữa tốt và xấu, mà chỉ có thể là sự lựa chọn giữa xấu và xấu hơn mà thôi. Vậy thì, đối với Sobha Rinpoche cùng với những tăng lữ khác lựa chọn hy sinh mà nói, hành động tự thiêu “lựa chọn xấu” của họ như vậy là nhằm tránh một “lựa chọn xấu hơn” nào? cái trước là sự ngược đãi bản thân đối với cá nhân các nhà sư, cái sau thì là sự hủy diệt đối với tương lai của người Tạng trên tuyêt vực cũng như hủy hoại đối với “tam bảo”.

Vậy thì, lí do gì để nói rằng “tam bảo” ở cao nguyên tuyết vực đang bị hủy diệt? Tóm lại là có ba điểm sau: Thứ nhất, ý thức hệ với thuyết vô thần và thuyết duy vật đang được thúc đẩy rộng rãi ở Trung Quốc đang phá hủy một cách có hệ thống những hệ giá trị tín ngưỡng ở Trung Quốc và Tây Tạng. Sự đàn áp bạo lực mạnh mẽ của Giang Trạch Dân đối với Pháp Luân Công, sự trấn áp và phiền nhiễu đối với các giáo hội gia đình, phương thức xử lý “xã hội đen hóa” đối với cái gọi là “tà giáo”, hành động lạm sát đối với người Tạng và người Uyghur tất cả đều là những minh chứng hết sức rõ ràng. Vào Tết Nguyên Đán năm 2012, đảng ủy Tây Tạng đã triển khai phong trào đưa “một triệu bức tượng lãnh tụ”(Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào) vào thôn làng, chùa chiền, thực thi nội dung hội nghị “chín hạng mục cần có” đối với chùa chiền (đó là: có tượng của bốn vị lãnh tụ, có quốc kỳ, có đường sá, có nước, có điện, có phát thanh truyền hình, có chiếu phim điện ảnh, có phòng đọc sách, có Nhân Dân Nhật Báo và Tây Tạng Nhật Báo), đồng thời với đó là tăng cường công tác nghiêm cấm sự xuất hiện của tranh ảnh về Đạt Lai Lạt Ma, đây chính là sự sỉ nhục và tấn công vào tín ngưỡng cấp cao nhất về phương diện ý thức hệ đối với người Tạng.

Thứ hai, chính phủ Trung Quốc nhúng tay đối với chuyển thế linh đồng, dùng phương thức gian trá nhằm định đoạt ai là linh đồng, ép buộc tăng lữ và chúng tín đồ từ bỏ và sỉ nhục thượng sư, cũng là hủy diệt giáo nghĩa căn bản của Phật giáo Tây Tạng, phá hoại sự độc lập và thuần khiết của nó. Ban Thiền Lạt Ma đời trước vốn là chủ trì của tu viện Trát Thập Luân Bố (Tashi Lhunpo Monastery) ở thành phố Shigatse, Tây Tạng, Jadrel Jampa Trinlé Rinpoche – người từng phụ trách Ủy ban tìm kiếm chuyển thế linh đồng Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 11 đã bị chính phủ Trung Quốc kết án tù 6 năm vì tội tiết lộ bí mật, về sau chết bởi nguyên nhân phi tự nhiên (những người xung quanh ông nói rằng chết do bị đầu độc). Cựu chủ trì của tu viện Tháp Nhĩ (Kumbum Monastery) tỉnh Thanh Hải, cựu Phó chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc Arjia Rinpoche (Lobsang Tubten Jigme Gyatso) sau khi bỏ trốn khỏi Trung Quốc Đại Lục đã tiết lộ, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gian lận trong nghi thức bầu chọn lãnh tụ tôn giáo Tây Tạng là chuyển thế linh đồng Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 11, họ đã nhét bông vải vào trong chiếc thẻ bằng ngà voi có viết tên các ứng cử viên, để cho thẻ viết tên của ứng cử viên cao hơn so với xung quanh một đoạn, từ đó thuận lợi thông qua phương án lựa chọn người được sắp xếp sẵn. Chính phủ Trung Quốc cũng đem chuyển thế linh đồng Ban Thiền Lạt Ma đời thú 11 là Gedhun Choekyi Nyima – người vốn được Đạt Lai Lạt Ma xác nhận, giam cầm lại, cho đến tận hiện tại vẫn không rõ sống chết, trở thành tù nhân chính trị nhỏ tuổi nhất thế giới. Hiện tại chính phủ Trung Quốc lại chuẩn bị dư luận nhằm đối phó với chuyển thế linh đồng Đạt Lai Lạt Ma trong tương lai.

Thứ ba, giống như đoạn kết mà Joseph R. Levenson đã viết trong cuốn sách “Nho giáo Trung Quốc và số phận hiện đại của nó”, khi bàn đến mối quan hệ giữa chính quyền cộng sản và tôn giáo truyền thống, thì về mặt ngoài, vẫn còn giữ lại một số đền chùa và thánh vật, nhưng công năng mà bọn họ đóng vai trò lại là công năng mà tôn giáo không nên có. Ông viết: “Những đồ vật tôn giáo và nhân vật tôn giáo được giữ lại đều là dùng để trưng bày tham quan. Hình tượng “thần tượng không được phép chạm vào” đã được phát triển lan sang tới mức độ “người nhận cúng bái không được phép thờ cúng”. “Thần tượng không được phép chạm vào” có vẻ như là sự tiếp nối kéo dài của những thần tượng bị phá hoại trong cách mạng, mà không phải là thế lực phản động của nó.” Nói cách khác, mặc dù chúng ta nhìn thấy được chính phủ Trung Quốc đã khôi phục và xây dựng lại một bộ phận đền chùa, nhưng bởi vì chính phủ đã phái ra hàng nghìn tổ công tác vào sống trong các đền chùa, sử dụng học tập chính trị và tuyên truyền nhằm thay thế cho những nghiên cứu và hướng dẫn về Phật pháp, hơn nữa tùy tiện trục xuất các tăng lữ không chịu phối hợp, huy động tín đồ và quần chúng phê phán, hủy hoại thượng sư của chính mình (ví dụ, ngoại trừ Đạt Lai Lạt Ma, còn có Đại Bảo Pháp Vương đời thứ 17 Ogyen Trinley Dorje, cựu chủ trì tu viện Tháp Nhĩ là Arjia Rinpoche Phật sống vân vân), về thực chất là không để cho tăng chúng kính bái thượng sư của họ, không để cho các thượng sư gia trì đối với tín đồ của họ. Nếu như những tăng lữ xuất gia không thể hoằng dương Phật pháp, phổ độ chúng sinh, nếu như tín đồ khong cách nào quy y thượng sư, nhận được chỉ dạy từ thượng sư, vậy thì Phật giáo Tây Tạng không cách nào phát triển lên được. Nếu như các tăng đoàn muốn làm bất cứ việc gì không có sự cho phép của chính phủ, chỉnh phủ điều động quân đội tới bao vây, tiến chiếm tu viện. Sự hủy diệt về thể xác đã trở thành sự thật được biết tới rộng rãi, nhưng đối với những tăng nhân tu sĩ tự thiêu, thì sự thống khổ về tâm linh vượt xa so với thống khổ về thể xác, bởi vậy, hành vi tự tàn phá bản thân như tự thiêu mới có thể được người Tạng tiếp nhận một cách bình thản.

Phân tích giá trị của sự kiện tự thiêu

Nếu như chúng ta hiểu được hành vi tự thiêu từ những trần thuật ở trên, chúng ta có thể thấy việc tự thiêu biểu hiện bốn cấp độ: Thứ nhất, tự thiêu là một hình thức phản kháng cao nhất, không gây hại cho người khác. Đối tượng mà nó phản kháng chính là sự thấi bại về thống trị trong gần 60 năm qua cũng như sự tăng cường trấn áp bạo lực gần đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành đối với Tây Tạng. Thứ hai, tăng lữ tự thiêu là một loại tử vì đạo. Nó dùng sự nhen nhóm ngọn lửa đối với thân thể nhằm tôn vinh sự vĩ đại của Phật pháp cùng tôn nghiêm để bảo vệ nó. Thứ ba, nhìn từ góc độ cá nhân, các nhà sư trong hành động tự thiêu xả thân vì nghĩa đã thoát ly khỏi những khổ nạn của cuộc đời hiện tại, nhận được sự viên mãn. Thứ tư, nhìn từ việc tăng lữ tự thiêu chúng ta có thể thấy, trong sự giày vò kép của xác thịt và linh hồn, chỉ có những anh hùng nhận được sự đốn ngộ viên mãn thì mới có thể siêu thoát khỏi sự thống khổ của xác thịt, đồng thời sau khi trải qua sự dày vò về tinh thần mới có thể thăng hoa niết bàn, để cho năng lượng sinh mệnh bùng cháy, từ đó giải phóng ra những đốm lửa bất diệt. Đối với hàng nghìn hàng vạn người Tạng mà nói, ánh sáng của họ sẽ soi chiếu cho cả cao nguyên tuyết vực.

Ở đây có liên quan đến một vấn đề về luân lý: tự thiêu có phải là bạo lực mang tính phá hoại? Nhìn từ góc độ đạo đức của chủ nghĩa cá nhân mà nói, tự do cá nhân bao gồm tự do về cách đối xử với thân thể của bản thân (ví dụ sự riêng tư, cái chết êm ái và tự sát vân vân). Nhưng tự do của cá nhân lại cần được giới hạn bởi trách nhiệm và nghĩa vụ. Tự sát của một cá nhân có thể hình thành nên ảnh hưởng bất lợi đối với người thân hoặc trẻ em. Nhưng đối với người xuất gia mà nói, trách nhiệm gia đình gần như không tồn tại. Nhưng lại có học giả từ giáo nghĩa Phật giáo giải thích rằng trong một số tình huống nhất định thì tự sát là được phép, đặc biệt là những tăng lữ nhận được khai ngộ. Ví dụ, các học giả đang thảo luận, niết bàn của Phật Đà có phải hay không là một hình thức tự sát, Phật Đà xả thân cứu hổ có phải hay không là một loại tự sát, vân vân. Trong “Tương Ứng Kinh Bộ” bằng tiếng Pali (tiếng Nam Phạn) (còn được gọi là Samyutta Nikàya) đã nhắc tới việc “tự sát của tăng nhân Channa là không có gì đáng chỉ trích”. Nhà triết gia Ấn Độ S.Radhakrishnan[6] trong cuốn “Tôn giáo Phương Đông và tư tưởng Phương Tây – Eastern Religions and Western Thought” đã viết: “Phật Đà khiển trách việc tự sát, nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ: ồ, Xá Lợi Phật, bất cứ người nào từ bỏ thân xác của mình, đổi sang một cái khác, tôi đều cho rằng cần phải bị trách tội. Nhưng tự sát giống như Channa thì không nên bị trách tội. Nếu như hy sinh thân xác xuất phát từ tín niệm nội tại mạnh mẽ, việc duy trì nó đã không còn mang lại bất cứ lợi ích, hoặc là không thể tạo ra lợi ích công cộng càn lớn hơn cho xã hội, vậy thì điều đó có thể khen ngợi.” Tất nhiên, có học giả kiên trì ý kiến khác, cho rằng Phật Đà không hề đang “tiếp nhận”, càng không hề cổ động “tự sát”, mà chỉ là loại trừ đi một số cách hiểu ác ý về tự sát hoặc những chỉ trích đối với bản thân người tự sát. Nhưng lại có học giả chỉ rõ, “Diệu Pháp Liên Hoa kinh” (tên khác là Pháp Hoa Kinh) trong ‘Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự’ có mô tả “tự đốt cháy thân mình” nhằm “dùng thân dâng Phật” cũng như sau này có “đốt cánh tay cung dưỡng”, hơn nữa cho rằng đây là “tối tôn tối thượng trong các việc bố thí”:

Tác thị cúng dường dĩ, tùng tam muội khởi, nhi tự niệm ngôn: “Ngã tuy dĩ thần lực cúng dường ư Phật, bất như dĩ thân cúng dường.” Tức phục chư hương, chiên đàn, huân lục, đâu lâu bà, tất lực già, trầm thủy, giao hương, hựu ẩm chiêm bốc chư hoa hương du, mãn thiên nhị bách tuế dĩ, dương du đồ thân, ư nhật nguyệt tịnh minh đức Phật tiền, dĩ Thiên Bảo y nhi tự triền thân, quán chư hương du, dĩ thần thông lực nguyện nhi tự nhiên thân, quang minh biến chiếu bát thập ức hằng hà sa thế giới. Kỳ trung chư Phật đồng thời tán ngôn: “Thiện tai, thiện tai! Thiện nam tử! Thị chân tinh tấn, thị danh chân pháp cúng dường Như Lai. Nhược dĩ hoa, hương, anh lạc, thiêu hương, mạt hương, đồ hương, thiên tăng, phiên cái cập hải thử ngạn chiên đàn chi hương, như thị đẳng chủng chủng chư vật cúng dường, sở bất năng cập, giả sử quốc thành, thê tử bố thí, diệc sở bất cập. Thiện nam tử! thị danh đệ nhất chi thí, ư chư thí trung tối tôn tối thượng, dĩ pháp cúng dường Như Lai cố.” Tác thị ngữ dĩ nhiên các mặc nhiên. Kỳ thân hỏa nhiên thiên nhị bách tuế, quá thị dĩ hậu, kỳ thân nãi tận. Nhất thiết chúng sinh hỷ kiến Bồ Tát, tác như thị pháp cúng dường dĩ, mệnh chung chi hậu, phục sinh nhất nguyệt tịnh minh đức Phật quốc trung, ư tịnh đức vương gia, kết gia phu tọa, hốt nhiên hóa sinh. Tức vi kỳ phụ nhi thuyết kệ ngôn[7]:

   Đại vương nay nên biết, con tu tới nơi kia
Tức thời được tất cả, hiện chư thân tam muội,
Siêng tu đại tinh tiến, xá bỏ thân yêu quý
Cống dưỡng cho Thế Tôn, vi cầu vô thượng trí.

“Tú Vương Hoa! Nhược hữu phát tâm dục A-nậu-đa-la tam-miễu-tam Bồ-đề giả, năng nhiên thủ chỉ, nãi chí túc nhất chỉ, cung dưỡng Phật tháp, thắng dĩ quốc thành thê tử, cập tam thiên đại thiên quốc thổ sơn lâm hà trì, chư trân bảo vật, nhi cung dưỡng giả.[8]

Bởi vì “Pháp Hoa Kinh” được lưu truyền rộng rãi trong Phật giáo Bắc tông, bởi vậy, chúng ta chỉ nhìn thấy hành vi tự thiêu của tăng nhân trong các quốc gia Phật giáo Đại Thừa. Ngoại trừ khu vực người Tạng, trong thời gian diễn ra “Đại Cách Mạng Văn Hóa” thì pháp sư Lương Khanh ở Pháp Môn Tự thành phố Tây An vì bảo vệ những bảo vật của Phật môn, đã tự thiêu dùng cái chết để ngăn cản những “tiểu tướng cách mạng” đập phá cướp bóc. Năm 1963, phật tử ở Nam Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh cũng đã xảy ra sự kiện pháp sư Thích Quảng Đức tự thiêu. Bởi vậy, tự sát tự thiêu không phải là hoàn toàn không tương thích với Phật giáo, đối với những hành động phản kháng tử vì đạo, hy sinh thân mình bảo vệ chính nghĩa, đặc biệt là cúng dưỡng Phật pháp, thì hoàn toàn không hề tồn tại những điểm xấu xa về đạo nghĩa. Những người tử vong cũng không phải vì thế mà bị bôi bẩn danh tiếng.

Một vấn đề khác liên quan đến tự thiêu, đó là liệu các đệ tử Phật môn có thể hay không không hề bị cuốn vào vòng bạo lực. Trong cuốn sách “Lạt Ma giết người: 40 năm chống bạo tàn ở Tây Tạng” của Lâm Chiếu Chân đã mô tả chi tiết câu chuyện lịch sử về rất nhiều Lạt Ma vốn không sát sinh nhưng vì để cứu Tây Tạng, đã cởi xuống áo cà sa, trở thành chiến sĩ. Trong cuốn sách “Phật giáo, bạo lực và chủ nghĩa dân tộc: Phật giáo Trung Quốc trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật” của tác giả Học Ngu, đã ghi lại lịch sử hào hùng về những tăng sĩ ở khu vực người Hán đã cầm lấy vũ khí, gia nhập vào đội quân anh dũng chống Nhật Bản. Bởi vậy, bạo lực nhìn theo nghĩa rộng, tự thiêu theo nghĩa hẹp đều được, xuất phát từ tâm phát chính nguyện của người hành động, muốn tạo ra phúc chỉ cho xã hội, hoặc nhằm bảo vệ tam bảo, hoặc cúng dưỡng cho Phật đà, tất cả đều được tiếp nhân, thậm chí trở thành nghĩa cử anh hùng. Giống như những gì mà người bạn của tôi là Thần Ngạn (cũng là một tiến sĩ Phật học chuyên nghiên cứu về Phật giáo ở Hoa Kỳ) đã viết trong cuốn sách “Lời nói của người tự sát”:

   “Anh hùng mạt lộ
Là vì những chí lớn còn dang
Tông đồ tử vì đạo
Là vì lời kêu gọi thần thánh…
Người ôm lấy sinh mệnh hào hùng
Người ôm lấy cái chết bi tráng
Dũng khí không giống nhau,
Vui mừng không giống nhau.”

Bộ máy tuyên truyền chính thức của chính phủ Trung Quốc hoàn toàn phớt lờ sự bức hại bạo lực mang tính hệ thống của quốc gia, quân đội cảnh sát vũ trang giết hại những tăng sĩ hòa bình trong các tu viện, chính phủ không có thành ý trả lời và giải quyết những đòi hỏi về văn hóa và tôn giáo của người dân Tây Tạng, chính điều đó tạo nên sự phản kháng của dân tộc Tạng, ngược lại đem căn nguyên của vấn đề đổ hết lên đầu của những nạn nhân đã tử vong, những nạn nhân vị hại khác lẫn Đạt Lai Lạt Ma tôn giả và chính phủ trung ương Tây Tạng ở Ấn Độ. Nghiên cứu của giáo sư Robert Barnett về chương trình nghiên cứu Tây Tạng hiện đại Đại học Columbia đã cho thấy, trong 5 năm trở lại dây kể từ trước khi bùng phát phong trào phản kháng thì chi tiêu dành cho bảo vệ ổn định xã hội ở Châu tự trị dân tộc Tạng Garze và Châu tự trị dân tộc Tạng – Khương Ngawa đã tăng trưởng mạnh mẽ. Trên thực tế, sự gia tăng nhanh chóng về chi phí duy trì ổn định xã hội đã phản ánh việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đem bạo lực trấn áp xem là chính sách cơ bản nhằm giải quyết vấn đề Tây Tạng. Sự xuất hiện của cuộc biểu tình phản kháng quy mô lớn cùng vai trò chủ thể của thanh niên trong phong trào phản kháng đã cho thấy sự thất bại của chính sách cây gậy. Nhưng ngày nay khi mà chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc không những thắt chặt về kinh tế, tăng cường trấn áp về chính trị, hơn nữa sử dụng sự áp bức kép bởi chủ nghĩa chuyên chế cộng sản và chủ nghĩa dân tộc nhằm đối đãi với người Tạng, sự phối hợp phản kháng chung của người Tạng ở bên trong và bên ngoài Trung Quốc sẽ chỉ thêm mạnh mẽ. Như Đạt Lai Lạt Ma đã nhiều lần lên tiếng công khai, ông đã không còn giữ thái độ tin tưởng đối với lãnh đạo Đảng Cộng sản cùng lãnh đạo chính phủ Trung Quốc. Có thể khẳng định rằng, chính sách duy trì ổn định và kiểm soát đối với người Tạng được tạo ra bởi Hồ Cẩm Đào và Chu Vĩnh Khang sẽ rất khó có sự thay đổi ngay cả khi nhiệm kỳ của họ kết thúc tại Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hiện tại cũng rất khó để dự đoán, rằng bộ sậu lãnh đạo mới tiếp nhận quyền lực tại Đại hội 18 có hay không viễn kiến chính trị, sức quyết đoán và trí tuệ, nhằm tìm kiếm sự hợp tác cùng với Đạt Lai Lạt Ma, giải quyết những đòi hỏi của người Tạng, hóa giải mối quan hệ căng thẳng giữa người Hán và người Tạng. Tôi e rằng, cả người Hán và người Tạng đều sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn hơn, đó chính là chỉ khi họ cùng tham dự vào phong trào dân chủ hóa giành tự do trước Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì dân tộc Tạng Hán mới có thể nhận được tự do thực sự, từ đó xây dựng hợp tác hòa bình giữa hai dân tộc cũng như mối quan hệ tương hỗ tốt đẹp. Bởi vậy, khả năng chấm dứt hành động tự thiêu trong một thời gian ngắn sẽ chỉ tồn tại khi dân tộc Tạng Hán cùng nhau đồng tâm hiệp lực, phát động lực lượng dư luận quốc tế, vận dụng các phương thức gây áp lực khác nhau lên chính phủ Trung Quốc. Nhìn từ góc độ lâu dài, hai dân tộc Tạng Hán cần ủng hộ sự nghiệp đấu tranh giành tự do của nhau, chấm dứt sự thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mang lại “tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do thoát khỏi sự sợ hãi và tự do thoát khỏi đói nghèo” cho mọi người dân Trung Quốc sinh sống trên lãnh thổ nước này.

Đối mặt với sự hy sinh không có điểm kết thúc của người Tạng, điều mà hiện tại chúng ta có thể làm là thực hành phương pháp mà Sogyal Rinpoche đã nhắc đến trong cuốn sách “The Tibetan Book of Living and Dying”, thông qua cầu nguyện nhằm đưa tới sự quan ái của chúng ta đối với những người đã chết, đặc biệt là những người chết bởi bạo lực và tai nạn:

“Những người đã có cái chết kinh khủng hay đột ngột rất cần được giúp đỡ. Những nạn nhân của ám sát, tự sát, tai nạn, chiến tranh, thường rất dễ rơi vào sợ hãi đau đớn, hoặc ở mãi trong kinh nghiệm khủng khiếp về cái chết của họ, do đó không thể tiến đến giai đoạn tái sanh. Khi bạn làm pháp Chuyển di cho họ, hãy làm với mức độ mãnh liệt tha thiết hơn bao giờ cả.Hãy tưởng tượng những tia sáng chói lọi tuôn phát từ chư Phật và Bồ-tát, trút xuống tất cả ân sủng từ bi của các ngài. Tưởng tượng ánh sáng ấy tuôn xối trên người chết, tịnh hóa họ hoàn toàn, giải thoát họ khỏi nỗi đau đớn rối loạn của cái chết, đem lại cho họ an bình sâu xa lâu dài. Rồi tưởng tượng, với tất cả tâm hồn bạn, đồng thời người chết đang tan thành ánh sáng và tâm thức họ bây giờ đã được chữa lành, thoát mọi khổ đau và bay lên hòa nhập với tâm giác ngộ của chư Phật.” (Tây Tạng sinh tử thư, trang 397, Trịnh Chấn Hoàng dịch)Om Mani Padme Hum!

6.4 Bàn luận với trí thức Trung Quốc về hành động tự thiêu của người Tạng (2012.12.13)

Bắt đầu từ tháng 2 năm 2009 đến ngày 4 tháng 12 năm 2012, đã có 92 người Tạng bên trong Trung Quốc tự thiêu, bên ngoài Trung Quốc (Ấn Độ và Nepal) còn có 5 sự kiện tự thiêu, tổng số người chết là 77 người. Đầu năm 2012, khi tôi viết bài “Ngọn lửa tự do tuyết vực máu đỏ” (đưa vào trong cuốn sách “Cà sa chìm trong lửa”), bên trong lãnh thổ Trung Quốc đã xảy ra 20 vụ tự thiêu (cho đến ngày 4 tháng 2 năm 2012), nhưng chỉ trong 10 tháng ngắn ngủi, số vụ tự thiêu tăng thêm 72 vụ. Trong lịch sử văn minh nhân loại, đây là một sự kiện làm cho người ta cảm thấy chấn kinh.

Người Tạng với tư cách thành viên của một quốc gia đa dân tộc lại tiếp nhận những thảm hoạ như vậy, người Hán vốn chiếm tới 92% dân số phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tìm hiểu chân tướng sự việc, lắng nghe những yêu cầu của người Tạng, nỗ lực đưa ra đáp ứng và cải tiến, ngay lập tức xóa bỏ những căn nguyên gây ra khổ nạn sống không bằng chết của người Tạng, từ đó ngăn chặn sự tái diễn của các sự kiện tự thiêu.

Nhưng cho đến nay, phản ứng của chính phủ Trung Quốc vẫn còn dừng lại ở tư duy duy trì ổn định xã hội với sự tồn tại của “thuyết âm mưu”: Đầu tiên cáo buộc thế lực nước ngoài (cái gọi là “Tập đoàn Đạt Lai” và “thế lực chống phá Trung Quốc”) đã “tổ chức”, “thao túng”, “xúi giục” người Tạng tự thiêu. Tiếp đó, sử dụng cảnh sát vũ trang và quân đội trên quy mô lớn, xua đuổi, đánh dẹp những cuộc tụ tập của người dân, bao vây tấn công các tu viện và bắt bớ tăng nhân, phạt tù thật nặng những “đồng phạm có hành động giúp đỡ” (trên thực tế là người thân của những người tự thiêu hoặc các tu sĩ trong tu viện). Cuối cùng, ở địa phương sử dụng một số tiền lớn nhằm treo thưởng cho việc báo cáo về những “bàn tay đen tối đứng sau” các vụ tự thiêu (ví dụ Cục Công an Châu tự trị dân tộc Tạng Cam Nam tỉnh Cam Túc đã ra giá 200 nghìn Nhân Dân Tệ). Chính phủ Trung Quốc không những đem trách nhiệm của bản thân tẩy sạch sẽ, còn đem những “tội danh” mới tăng cường chụp lên đầu những nạn nhân người Tạng cùng với người nhà của họ.

Đối mặt với những thảm họa của người Tạng cùng hành vi bất nhân bất nghĩa của chính phủ Trung Quốc, biểu hiện tập thể của người Hán hoàn toàn không hề thể hiện ra được những đức tính truyền thống tốt đẹp “nhân, nghĩa, lễ, trí”.

Sự im lặng khó có thể chấp nhận được của giới trí thức Trung Quốc

Ngày 13tháng 12 năm 2012 phóng viên Andrew Jacobs của tờ The New York Times từ Bắc Kinh đã đăng bài viết với tiêu đề “Sự im lặng tập thể của các trí thức Trung Quốc đối với việc người Tạng tự thiêu”. Nếu như ý thức được địa vị của The New York Times đối với dư luận quốc tế, vậy thì những phần tử trí thức với chức nghiệp sáng tạo, truyền bá trí tuệ và tư tưởng không thể không khỏi cùng nhau suy ngẫm lại về việc người Hán thiếu đi sự đồng cảm, lòng từ bi về mặt đạo đức đối với sự đau khổ của người Tạng. Nhà nghiên cứu lịch sử Tây Tạng nổi tiếng sống ở Canada Tsering Shakya trong cuốn The Struggle for Tibet, trang 91 đã viết: “Nếu như muốn những phần tử trí thức Trung Quốc, bất kể bọn họ là quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân vật đấu tranh dân chủ thuộc phe tự do hay các nhà văn bất đồng chính kiến, để cho bọn họ dùng phương thức khách quan và lý tính nhằm suy nghĩ về vấn đề Tây Tạng, nó có vẻ giống với việc yêu cầu một con kiến nâng hẳn một con voi lên vậy. Điều này là vượt quá năng lực và cảnh giới hiểu biết của họ. Ngộ tính của họ đã bị thiên kiến về chủng tộc làm ngu dốt đi, sức tưởng tượng của họ bị che đậy bởi những tín niệm và định kiến của chủ nghĩa thực dân.”

Tất nhiên, đầu tiên chúng ta cần phải hiểu rõ rằng, tên gọi khái quát “trí thức Trung Quốc” không hề phủ nhận những học giả Trung Quốc cá biệt đang có những nỗ lực và sự lên tiếng nhằm thay đổi tình cảnh của người dân Tây Tạng. Thứ hai, tình cảnh của giới trí thức Trung Quốc cũng rất khó khăn, có lẽ cũng ở tình cảnh tương đồng cùng với người Tạng. Như một độc giả ở Thâm Quyến tên là Lâm Băng Khiêm sau khi đọc xong bài của Andrew Jacobs, đã viết thư gửi đến tòa soạn The New York Times: Nếu trí thức là chỉ “những giáo sư ở các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu của chính quyền, những người hành nghề truyền thông nhà nước vân vân”, “bọn họ bởi vì được tuyển bạt và kiểm soát bởi chế độ của chính quyền, không tồn tại tính độc lập hợp lý. Bản thân bọn họ chính là một phần tạo nên chính chính quyền, tức là một phần của thủ phạm đầu sỏ gây ra hành động tự thiêu của người Tạng. Sự im lặng của họ chính là một phần của chính sách phong tỏa tin tức, là một điều tất yếu.” Nếu là chỉ những trí thức tự do, “Ở Trung Quốc Đại Lục nếu có thể đột phá khỏi sự ngăn chặn của công trình Kim Thuẫn[9] và cất tiếng nói ở trên Twitter thì bản thân người đó cùng người nhà vẫn còn nằm dưới sự đe dọa của chính phủ Bắc Kinh, tùy thời đều có thể chỉ vì phát ngôn trên Twitter mà bị bí mật bắt giữ thậm chí là bị xét xử.” Bởi vậy, bản thân là một trí thức được sống trong thế giới tự do, chúng ta cần phải ý thức được rằng, các phần tử trí thức Trung Quốc và người dân Tây Tạng thực ra đều là vật hy sinh của chính trị chuyên chế, họ đều phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sâu sắc về đồng thuận bản sắc và giá trị cá nhân. Đối với người Tạng, nó liên quan đến câu hỏi rằng liệu người Tạng có hay không “Tam Bảo” của Phật giáo (Phật Đà, Phật pháp và tăng đoàn), người Tạng có còn là người Tạng hay không. Đối với trí thức Trung Quốc, nếu như không có được tư duy độc lập, cùng ý thức theo đuổi sứ mệnh chính đáng thì họ có còn xứng với danh phận là phần tử trí thức nữa hay không. Cũng chính bởi vì tính liên thông này, cho nên trí thức Trung Quốc cần phải quan tâm và ủng hộ những đòi hỏi của người Tạng.

Thảm họa đối với người Tạng chính là diễn tập báo trước thảm họa của người Hán

Nhìn lại lịch sử của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, chúng ta có thể thấy, những thảm họa mà người Tạng phải gánh chịu thường sẽ trở thành cuộc diễn tập của những thảm họa mà người Hán phải gánh chịu ngay sau đó. “Bức thư 7 vạn chữ” của Ban Thiền Lạt Ma vào năm 1962 không những mô tả chi tiết chính sách “tả khuynh” và bóp cổ về văn hóa, tôn giáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại khu vực Tây Tạng, nó cũng cho thấy trước hạo kiếp “Đại Cách Mạng Văn Hóa” trên quy mô toàn Trung Quốc. Tháng 3 năm 1989 Hồ Cẩm Đào ra lệnh nổ súng giết người và thực thi chế độ “giới nghiêm” ở Lhasa trong hơn 1 năm, đây là hành động thăm dò phản ứng của người Hán và dư luận quốc tế, trở thành phương án dự bị cho “giới nghiêm” ở Bắc Kinh và cuộc thảm sát đẫm máu “Lục Tứ” ở quảng trường Thiên An Môn cùng năm. Hiện tại, Cartel trấn áp, duy trì ổn định của Đảng Cộng sản Trung Quốc (bao gồm quân đội, cảnh sát vũ trang, công an, an ninh quốc gia và hệ thống chính pháp) lại một lần nữa diễn tập mài dao luyện quân ở Tây Tạng, chúng ta không thể ngây thơ mà cho rằng, người Hán sẽ không có cảnh tự thiêu (những bi kịch tự thiêu ở nội địa được tạo ra bởi “cưỡng chế di dời”), cắt đứt mạng internet (mạng xã hội Weibo cũng từng bị dừng hoạt động trong thời gian ngắn), cùng với trấn áp bằng vũ lực tàn bạo (Sán Vĩ, Thạch Thủ, Ô Khảm và Thập Phương đều có thể xem như ví dụ điển hình). Đồng thời, nếu chúng ta phân tích kĩ kinh nghiệm lịch sử về sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội Liên Xô, liền sẽ nhìn thấy được mâu thuẫn dân tộc và khủng hoảng sắc tộc đã trở thành cơ chế động lực quan trọng phá hủy hệ thống chuyên chế toàn trị. Với tinh thần hy sinh và nhiệt tình tôn giáo của người Tạng, hệ thống tổ chức của các tu viện, danh vọng của người dân Tạng dành cho lãnh tụ tinh thần Đạt Lai Lạt Ma với vai trò là hóa thân của Quan Âm Bồ Tát trong và bên ngoài Tây Tạng mà nói, hy vọng về một Trung Quốc dân chủ có lẽ được gửi gắm vào trong phong trào đấu tranh đòi tự do của người Tạng.

Nhưng đối với cuộc đấu tranh của người Tạng, vẫn tồn tại sự ngộ nhận và thờ ơ một cách phổ biến trong cộng đồng các học giả người Hán. Ở đây, chúng ta có thể đem thành phần trí thức người Hán chia thành ba loại: Thứ nhất, các học giả phò đảng phò chính quyền, trong đó bao gồm một số nhà nghiên cứu Tây Tạng, bọn họ chửi bới, dèm pha đối với người Tạng hoặc cộng đồng người Tạng lưu vong ở hải ngoại được lãnh đạo bởi Đạt Lai Lạt Ma. Ví dụ như trang mạng “Tin tức Tây Tạng Trung Quốc” của chính quyền vào mùa xuân năm nay đã cho đăng bài viết không đề tên tác giả “Bảy câu hỏi cho Đạt Lai Lạt Ma”, dán lên người Đạt Lai Lạt Ma một loạt nhãn mác mang tính sỉ nhục: “chủ nông nô phong kiến lớn nhất Tây Tạng cũ”, “kẻ phản quốc”, “không phải là có bệnh, chính là có lòng dạ ma quy”. Bài viết này còn nói: “Ngôn luận của Đạt Lai Lạt Ma không khỏi làm cho người ta nhớ lại sự điên cuồng của Đức quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đằng sau “Con đường trung dung”, “cao độ tự trị” của Đạt Lai Lạt Ma trần trụi là sự xua đuổi chủng tộc, rất giống với phong trào “thanh lọc” người Do Thái của Hitler năm xưa.” Bài viết tiếp tục: “Những việc làm và lời nói của Đạt Lai Lạt Ma ở xã hội Tây Tạng cũ, ngay cả Hitler cũng tự cảm thấy không bằng.” Trong bài viết đại diện cho lập trường của chính quyền này, người Tạng tự thiêu đã biến thành “sự kích động có chủ ý” cùng “ác nghiệp được tạo ra bởi những lời kêu gọi sát sinh” của Đạt Lai Lạt Ma.

Chúng ta đều biết, năm 1950 Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố “giải phóng” Tây Tạng, vào cuối năm đó, Đạt Lai Lạt Ma khi đó mới chỉ 16 tuổi tự mình nắm giữ chức vụ chính quyền. Năm 1951 kí kết “Hiệp ước 17 điều”, năm 1959 lưu vong sang Ấn Độ khi mới 24 tuổi. Không biết là Đạt Lai Lạt Ma có năng lực và những hành động nào đối với một Tây Tạng vốn đã nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc để có thể khiến cho “ngay cả Adolf Hitler cũng phải tự thẹn không bằng”. Ngay cả khi không đề cập đến việc “Con đường trung dung” của Đạt Lai Lạt Ma với chủ trương rõ ràng “nằm trong bộ khung Hiến pháp của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa” nhằm tìm kiếm “quyền tự trị thật sự” cho Tây Tạng, thì đường lối phi bạo lực cũng là chính sách nhất quán mà Đạt Lai Lạt Ma và chính phủ lưu vong Tây Tạng. Bản chất của cuộc đấu tranh đòi tự do cho Tây Tạng chín là cuộc xung đột giữa một dân tộc sùng đạo cùng với một chính quyền Đảng Cộng sản theo thuyết vô thần, nó rất tương tự với cuộc đấu tranh của người Uyghur ở Tân Cương, của Pháp Luân Công và các giáo hội gia đình ở khu vực của người Hán mà không phải là cuộc xung đột giữa người Tạng và người Hán. Vậy nhưng bộ máy tuyên truyền và bạo lực trấn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc lại muốn đem tính chất của nó biến thành cuộc xung đột sắc tộc, giống như nhà văn nghiên cứu về Tây Tạng Vương Lực Hùng đã nói, đặc biệt là từ sau năm 2008, “cỗ máy quan liêu chống ly khai” Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đem mối quan hệ Hán Tạng biến thành “đối chọi dân tộc”, tạo ra “những lời dự đoán về số phận của chính mình”.

Những trí thức người Hán đồng tình nhưng lại bẻ cong sự thật về người Tạng

Điều bất hạnh là, có rất nhiều học giả người Hán hoàn toàn tiếp thu một thụ động không phản biện đối với những tuyên truyền và phiến diện của chính quyền. Ví dụ, có học giả người Hoa ở hải ngoại tiếp nhận những phán đoán không đúng với sự thật như “chế độ nô lệ vạn ác”, “chủ nô” vân vân, đem việc Mao Trạch Đông đưa quân xâm lược Tây Tạng đánh đồng với việc “Abraham Lincoln giải phóng nô lệ da đen”, đưa Mao và Lincoln đứng bên cạnh nhau. Lại lấy ví dụ, có rất nhiều học giả người Hán luôn là sử dụng sự phát triển về kinh tế ở Tây Tạng nhằm thay thế và né tránh những thảo luận đối với tự do tôn giáo và quyền lợi văn hóa, hoàn toàn không nhìn đến cốt lõi của vấn đề Tây Tạng là tôn giáo tín ngưỡng và nhân quyền, từ đó liên quan đến vấn đề sinh tồn của dân tộc Tạng. Còn có, rất nhiều học giả người Hán hoàn toàn bỏ qua những thành tựu dân chủ trong cộng đồng người Tạng lưu vong cũng như sự thực khi mà họ đã thực hiện được việc tách rời giữa tôn giáo và chính quyền (có thể tham khảo trong 2 cuốn sách “Dân chủ khi lưu vong” và “Chuyển đổi dân chủ khi lưu vong” của tác giả người Đài Loan là Tô Gia Hoành, người được bồi dưỡng từ Học viện Quan hệ quốc tế Đại học Phục Đán), nhồi nhét vào đầu người Hán những lời dối trá như “Đạt Lai Lạt Ma muốn khôi phục chế độ nông nô”, “các giáo chức tôn giáo có đặc quyền tuyệt đối”. Trong trường đại học mà tôi giảng dạy cũng có giáo sư dựa vào nguồn tin trong nhà được cung cấp bởi “cán bộ chi viện Tây Tạng”, đưa ra những luận chứng mang tính áp đặt, độc đoán về vấn đề Tây Tạng, hoàn toàn bất chấp sự thật rằng chính những “cán bộ đảng và chính quyền”, “nhân viên doanh nghiệp nhà nước” hoặc “quan binh bộ đội” chi viện cho Tây Tạng chính là những yếu tố cốt lõi xây dựng nên chủ nghĩa chuyên chế thực dân ở Tây Tạng từ đó đưa tới những góc nhìn phiến diện.

Sở dĩ những tuyên truyền dối trá và xúc phạm của chính quyền vẫn có thị trường, là bởi vì tuyệt đại đa số học giả thuộc về loại thứ hai mà tôi muốn nói: Những học giả vừa không có bối cảnh dựa vào chính quyền, cũng không có ý định làm tổn thương tới lợi ích của người Tạng, nhưng họ hết sức thờ ơ với vấn đề Tây Tạng. Điều này vô hình chung đã đưa tới sự thuận tiện, vô ý trở thành vật chứa cũng như truyền bá dối trá. Rất nhiều người không hiểu được chân lý của Phật giáo, rất dễ dàng dùng thuyết vô thần coi tôn giáo tín ngưỡng xem là vô tri và lạc hậu. Có rất nhiều người không biết được Đạt Lai Lạt Ma là người thế nào, ông có những chủ trương và lời nói như thế nào, cũng như địa vị của ông trong tâm thức của người dân Tây Tạng và dư luận quốc tế ra sao, nhưng lại tùy tiện sỉ nhục thành ý và danh dự của ông. Rất nhiều người không hề đi sâu nghiên cứu những đòi hỏi, yêu cầu của người Tạng tự thiêu, không nghe thấy nhìn thấy được rằng những nạn nhân đó khi đốt cháy lên sinh mệnh của mình vẫn không quên đi lòng từ bi, tránh xa tham niệm, ngược lại các học giả này lại xem những người tự thiêu là “phần tử cực đoan điên cuồng”, thậm chí là “phần tử khủng bố”.

Chắc chắn rằng, hành động tự thiêu của người Tạng không phải là một lựa chọn tốt. Nhưng mà, người Tạng ngày hôm nay không hề có được sự xa xỉ, chỉ có thể lựa chọn giữa “tốt” và “xấu”. Những khó khăn và khổ nạn của người Tạng nằm ở chỗ, trong số những “tập lựa chọn” của họ, chỉ có sự lựa chọn giữa “xấu” và “càng xấu hơn”. Sự lựa chọn càng xấu hơn so với tự thiêu chính là người Tây Tạng mất đi tam bao Phật Giáo: Phật Đà, Phật pháp và tăng đoàn. Sự nhục mạ và xúc phạm của chính quyền Trung ương đối với lãnh tụ tinh thần của người Tạng Đạt Lai Lạt Ma, cấm các tu viện treo hình của Đạt Lai Lạt Ma, đem những tu sĩ kiên tâm thờ phụng Đạt Lai Lạt Ma là thượng sư đuổi ra khỏi tu viện, xây dựng tổ chức đảng “Ủy ban quản lý tu viện” trực tiếp kiểm soát tu viện cùng với việc phái ra các “tổ công tác” tiến vào sinh sống bên trong các tu viện, đem hàng triệu cái gọi là “ảnh của tứ đại lãnh tụ (Mao, Đặng, Giang, Hồ) cưỡng ép treo lên ở các tu viện, tất cả đều là những nguy cơ, uy hiếp về tôn giáo tín ngưỡng mà người Tây Tạng cần phải đối mặt. Mục đích của các tu sĩ khi tự thiêu là muốn cống hiến thân xác của một người, qua đó bảo vệ tự do tín ngưỡng dân tộc và quyền lợi sinh tồn của người Tạng. Bởi vì không hiểu được tình cảnh khó khăn như vậy, chúng ta nhìn thấy được một số học giả người Hán mặc dù có sự đồng cảm sâu sắc với người Tạng, nhưng vẫn không cách nào thoát ra khỏi sự hiểu lầm về tư tưởng đối với người Tạng. Đây là loại hình phần tử tri thức thứ ba đối với người Hán.

Ví dụ, giáo sư Diêu Tân Dũng ở Đại học Kỵ Nam đã công bố nhiều nghiên cứu về vấn đề dân tộc ở Trung Quốc. Gần đây tôi đã đọc hai bài viết của ông: “Chính phủ Trung Quốc và Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 thật sự không có cách nào ngăn chặn người Tạng tự thiêu ư?” và “Cuộc tranh cãi giữa đốt cháy thân thể và chính trị thân thể: Những suy ngẫm và quan sát về hiện tượng một bộ phận người Tạng tiếp tục tự thiêu”, cảm thấy rằng có sự cần thiết khi đối thoại giao lưu với các trí thức người Hán. Giáo sư Diêu đã nhận thức được một cách rất rõ ràng rằng “Đảng Cộng sản Trung Quốc không có được uy tín nhằm ngăn cản người Tạng ngừng tự thiêu ngay lập tức,” cũng không đồng ý việc chính phủ “một mực kiểm soát gắt gao” và “nâng cấp mức độ tấn công đối với Đạt Lai Lạt Ma”, thậm chí cho rằng những viện pháp này “tiến thêm một bước kích thích thêm cảm xúc của người Tạng, ảnh hưởng khách quan dẫn đến việc tiếp tục tự thiêu”. Nhưng mà một loạt quan điểm tiếp sau đây của giáo sư Diêu cần được thảo luận: Thứ nhất, ông cố gắng đứng ở “độ cao của giá trị sinh mạng rồi từ đó nghĩ biện pháp ngăn chặn tự thiêu”. Thứ hai, ông cho rằng, tự thiêu là một hành vi cực đoan, rời xa giới luật không sát sinh của Phật giáo, vượt qua giới hạn phản kháng phi bạo lực, ngưng tụ “thù hận dân tộc”. Thứ ba, ông ta cho rằng, “tuyệt diệt văn hóa” và tuyệt diệt “chủng tộc” không hề tồn tại ở Tây Tạng, người Tạng “là một người bình thường không bị tước đoạt quyền sống, quyền lợi tôn giáo tín ngưỡng vẫn là được tồn tại ở ngưỡng thấp nhất”, “văn hóa truyền thống của dân tộc Tạng, đồi núi sông suối ở khu vực Tạng không gặp phải nguy hiểm mang tính hủy diệt tức thì.” Thứ tư, Đạt Lai Lạt Ma cứng răn “đặc biệt né tránh” trách nhiệm của bản thân, ông cần bày tỏ rõ thái độ, thậm chí không tiếc việc tuyệt thực để có thể ngăn cản người Tạng tự thiêu.

Ý nghĩa trọn vẹn của sinh mệnh

Đầu tiên, nếu như chúng ta muốn trải nghiệm và cảm nhận được nguy cơ tuyệt diệt văn hóa của người Tạng, thì chúng ta không thể đem người Tạng xem như là “người bình thường” theo định nghĩa của người Hán được. Người Tạng là một dân tộc có niềm tin tôn giáo nóng bỏng, đây là khác biệt lớn nhất đối với chủ thể người Hán. Bởi vậy mà ý nghĩa của sinh mệnh được lĩnh ngộ giữa bọn họ là có sự khác biệt, đây cũng là ranh giới khác biệt giữa một bên là những người theo thuyết vô thần của chủ nghĩa duy vật cùng với những người có tinh thần tín ngưỡng của chủ nghĩa duy tâm. Vì thế, trong kinh điển quan trọng của Phật giáo Đại Thừa là “Pháp Hoa Kinh”, ở phần “Dược Vương Bồ Tát Bản Sự Phẩm”, có sự mô tả về “tự đốt bản thân” nhằm “hiến dâng lên Phật” và “đốt cánh tay dâng Phật”. Tuy nhiên trong văn hóa Trung Quốc ngày nay người ta rất khó hiểu được nội hàm của “sinh tử nhất thể” trong Phật giáo, cũng khó để hiểu được hành động “xả thân vì nghĩa” của những bậc sĩ đại phu. Bộ phận chủ thể trí thức Trung Quốc đã sớm quên mất những câu thơ của Sándor Petöfi:

   ”Sinh mệnh thật đáng giá
Tình yêu quý biết bao
Nếu đòi đổi tự do
Cả hai cũng đành trao!”

Và từ lâu họ cũng đã trở nên xa lạ với tinh thần “Hãy cho tôi tự do, hoặc cho tôi cái chết”, thậm chí họ không cách nào hiểu được lý tưởng của người cộng sản Hạ Minh Hàn “Chặt đầu cũng chẳng sợ, vì chủ nghĩa tôi tin theo là chân lý”. Biên kịch và đạo diễn bộ phim điện ảnh “Nam Kinh! Nam Kinh!” hiển nhiên là cũng nhìn thấy điều này, bởi vậy bọn họ tạo ra một anh hùng bi kịch, binh sĩ Nhật Bản Kadokawa Masao là người đã từng được lớn lên dưới sự giáo dục của Giáo hội. Trong bộ phim, hi anh ta giúp đỡ nhân vật Giang Thục Vân thoát khỏi bể khổ của cuộc đời càng nhanh càng tốt, lại nghe được Đường tiên sinh ở thời khắc cuối cùng của cuộc đời cố gắng nói cho anh ta, “Vợ tôi lại có thai rồi”. Chúng ta không khó để hiểu được, nhân vật Kadokawa đã nói: “Sống sót khó hơn rất nhiều so với cái chết.” Anh ta để cho hai người Trung Quốc còn sống sót chạy trốn, sau đó nổ súng tự sát. Đối với cái chết của ân nhân đã giúp họ tái sinh, hai người Trung Quốc không có bất kỳ phản ứng hoặc suy tư nào cả, chỉ là chìm đắm trong sự ngất ngây sau khi sống sót. Đây có thể là sự khác biệt giữa “trí tuệ sinh tồn” của người Trung Quốc và tinh thần “võ sĩ đạo” của người Nhật Bản.

Dưới quan điểm của Phật giáo, sinh mệnh cuối cùng cũng sẽ có một ngày tách rời khỏi nhục thể, mà ý thức và tinh thần thì sẽ là vĩnh sinh. Bản thân là một phần tử trí thức, nếu như không cách nào từ cao độ mang tính siêu việt và thông qua đó nhận thức được bản chất của tinh thần truy cầu tiến hóa sinh mệnh nhân loại, chúng ta liên không cách nào lĩnh ngộ được tinh thần “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại của” René Descartes, càng là không cách nào lĩnh ngộ được tinh thần “Tôi phản kháng, vậy là chúng ta tồn tại!” mà Albert Camus (Albert Camus, The Rebel trang 22) đã đề xuất. Từ độ cao này, thế gian nhìn thấy người Tạng tự thiêu, chịu đựng lấy những giày vò và thống khổ nặng nề nhất về tinh thần có lẽ không ai vượt qua được Đạt Lai Lạt Ma, bởi vì không có bất kỳ ai yêu thương những tín đồ hơn ông, cũng không có bất kỳ ai có thể trả giá nhiều hơn ông đối với nhân dân và tôn giáo của mình. Bởi vậy, bản thân là trí thức người Hán, chúng ta không có tư cách để “làm đẹp” hoặc “bôi xấu” đối với hành vi tự thiêu, càng không có quyền lực đi chỉ trích hay chỉ đạo Đạt Lai Lạt Ma. Đối mặt với hành động tự thiêu không ngừng, tập thể chúng ta cần làm là có dũng khí để phát hiện, thực hành và bảo vệ chính kiến.

Hiện tại cuộc khủng hoảng lớn nhất mà giới trí thức Trung Quốc phải đối mặt là không có ý thức, xung động và dũng cảm để truy cầu “chân, thiện, mỹ, thánh”. Chúng ta biết, ngay cả nghệ sĩ bậc thầy về Cello là Mã Hữu Hữu bởi vì chuyện này mà tại buổi tiệc đón khách ở Nhà Trắng năm 1997, đưa ra lời nhắc nhở với người ngồi cùng là Giang Trạch Dân rằng chính sách quan hệ giữa Trung Quốc và Đạt Lai Lạt Ma cần được cải thiện, kết quả là ông cũng được đưa lên “danh sách đen”, trong mấy năm không được phép biểu diễn ở Trung Quốc. Bởi vậy, vấn đề Tây Tạng là một bãi mìn trong học thuật. Muốn duy trì được lý tính và khách quan giữa chính phủ Trung Quốc và Đạt Lai Lạt Ma là điều không hề dễ dàng. Sau khi tiếp nhận đánh đổi, tôi có duyên được hội kiến nhiều lần với Đạt Lai Lạt Ma (Một lần là tại nơi ở của ngài tại Dharamsala), hơn nữa nhiều lần được nghe những buổi giảng kinh do ngài tổ chức, cũng đứng ra tổ chức hai buổi tọa đàm tại trường đại học nơi tôi công tác. Thông qua nhiều lần tiếp xúc ở khoảng cách gần, tôi có thể nói cho các độc giả, Đạt Lai Lạt Ma là một ông lão hài hước có lòng từ bi, có trí tuệ, có tâm hồn trẻ thơ. Bằng cách đọc những tác phẩm mà ông viết (có tới hàng trăm loại), tôi ý thức được rằng, Đạt Lai Lạt Ma là chìa khóa mở ra cánh cửa tâm linh của dân tộc Tạng. Những nỗ lực ngăn cách mối liên hệ tinh thần giữa Đạt Lai Lạt Ma và người Tạng, chửi bới và sỉ nhục lãnh tụ tinh thần của người Tạng là không thể giải quyết được vấn đề người Tạng tự thiêu. Do vậy, nếu như chính phủ Trung Quốc thật sự muốn giải quyết vấn đề người Tạng tự thiêu, thì sẽ phải bắt đầu từ việc tôn trọng lãnh tụ tinh thần và thượng sư của người Tạng là Đạt Lai Lạt Ma.

(Trích một phần chương 6, ÐẾ QUỐC MẶT TRỜI ÐỎ, NXB Cổ Loa sắp xuất bản, 2019)

[1]非我族類、其心必異- Phi ngã tộc loại, kỳ tâm tất dị: Nếu không cùng dân tộc, đồng loại với ta, lòng dạ của họ ắt sẽ khác đi.

[2]以食為天: Xem thức ăn là chúa trời, thực phẩm là nhu cầu đầu tiên và quan trọng nhất.

[3]信奉吃教: Tin thờ ăn uống

[4] Genghis Khan – Thành Cát Tư Hãn (1162-1227): Là một Khả hãn Mông Cổ và là người sáng lập ra Đế quốc Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc độc lập ở vùng đông bắc châu Á năm 1206. Ông là một nhà quân sự lỗi lạc và quan trọng của lịch sử thế giới. Cháu nội của ông Hốt Tất Liệt đã thiết lập ra triều đại Nhà Nguyên của Trung Quốc. Năm 1266, Hốt Tất Liệt đã truy tôn Thành Cát Tư Hãn với miếu hiệu là Thái Tổ. Các cuộc chinh phạt của Thành Cát Tư Hãn trên khắp khu vực Á-Âu để bành trướng lãnh thổ đã đem lại sự thống nhất và phát triển giao lưu buôn bán, đồng thời ông cũng thi hành chính sách tự do tôn giáo, cho phép tín đồ mọi tôn giáo được tự do hành đạo. Tuy nhiên, Thành Cát Tư Hãn cũng nổi tiếng bởi sự tàn bạo với những người phản kháng.

[5] Tứ khổ: Sinh khổ (生苦), lão khổ (老苦), bệnh khổ (病苦), tử khổ (死苦) gọi là tứ khổ (四苦). Có bốn loại khổ của nhân gian: Sinh khổ (từ hoài thai đến xuất sinh). Lão khổ (suy tàn biến thành lão). Bệnh khổ (tứ đại tăng tổn thành bệnh, khi bệnh thì khổ). Tử khổ (khi ngũ uẩn hỏng lìa, hoặc thọ mệnh hết). Sinh tử luân hồi trong mê giới nối nhau vô cùng, vô tận và đối lập với Niết bàn.

[6] Sarvepalli Radhakrishnan(5 tháng 9 năm 1888 – 17 tháng 4 năm 1975): Là chính khách và nhà triết học người Ấn Độ, ông giữ chức Phó Tổng thống Ấn Độ đầu tiên (1952–1962) và Tổng thống Ấn Độ thứ 2 từ năm 1962 đến năm 1967.

[7] Pháp Hoa Kinh, quyển 6, tạm dịch: Khi đã làm cúng dường xong, ngài từ chánh định dậy và tự nghĩ thầm:’Tuy ta đã dùng thần lực để cúng dường Phật nhưng chẳng bằng dùng thân để cúng dường.’Nghĩ thế xong, ngài liền uống các loại hương, như là: hương đàn, hương huân lục, hương bạch mao, hương mục túc, hương trầm thủy, và hương giao.Lại uống dầu hoa ngọc lan và các thứ hương hoa khác suốt 1.200 năm. Sau đó, ngài thoa dầu thơm lên mình và ở trước Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức, rồi lấy y báu cõi trời quấn vào thân và đổ các dầu thơm lên thân ngài. Do thần thông nguyện lực, ngài tự đốt thân mình. Ánh sáng chiếu khắp đến 80 ức Hằng Hà sa thế giới.Trong đó chư Phật đồng một lúc ngợi khen rằng:’Lành thay, lành thay, thiện nam tử! Đây mới đúng thật là tinh tấn. Đây gọi là Pháp Chân Thật Cúng Dường Như Lai. Nếu dùng hương hoa, xâu chuỗi anh lạc, hương đốt, hương bột, hương xoa, lọng che và tràng phan cõi trời, cùng hương đàn hải ngạn, muôn vật cúng dường như thế cũng chẳng thể sánh bằng. Giả sử có người lấy quốc gia, thành trì, và vợ con để làm bố thí thì cũng chẳng sao sánh kịp.Thiện nam tử! Đây gọi là Bố Thí Đệ Nhất. Trong các việc bố thí, sự bố thí này là tối tôn tối thượng. Đó là vì dùng Pháp để cúng dường cho chư Như Lai.’Khi nói lời ấy xong, chư Phật đều lặng yên.Thân của vị Bồ-tát này cháy đến 1.200 năm. Sau thời gian đó, thân của ngài mới hoàn toàn cháy hết.

Khi Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ-tát đã làm việc cúng dường Pháp như thế xong, sau khi mạng chung, ngài lại sanh trong quốc độ của Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức.Ngài ngồi xếp bằng với tư thế hoa sen, hốt nhiên hóa sanh vào dòng tộc của vua Tịnh Đức, rồi liền nói bài kệ này đến phụ vương rằng:

[8] Này Tú Vương Hoa! Nếu có người phát tâm muốn đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, họ có thể đốt một ngón tay hoặc một ngón chân để cúng dường tháp Phật, thì sẽ vượt hơn người lấy quốc gia thành trì, vợ con hoặc núi rừng sông hồ cùng các vật trân bảo trong Tam Thiên Đại Thiên Quốc Độ để cúng dường.

[9] Kim Thuẫn công trình 金盾工程: Đây là thế hệ đầu tiên của chương trình tường lửa kiểm duyệt, ngăn chặn tự do thông tin trên internet ở Trung Quốc thế hệ đầu tiên, được điều hành bởi Bộ Công an của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Dự án khởi công năm 1998 và đưa vào hoạt động tháng 11 năm 2003.

 



Chuyên mục:Lotus Media, Tác giả - Tác phẩm, Tác giả, tác phẩm, Trên kệ sách

Thẻ:, ,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: