Nguyễn Ðắc Kiên: Là do chúng ta chưa trưởng thành vậy

CHÍNH LUẬN 2019, tác giả Nguyễn Ðắc Kiên.
Lotus Media xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ, 2019
Bìa và trình bày: Uyên Nguyên

 

Nhà thơ
Sinh năm 1983, tại Bắc Ninh.
Đã xuất bản:
– Những số không, thơ, 2013 (2017, eBook trên smashwords).
– Khúc ca trên núi, thơ, 2017, eBook (trên smashwords)
– Một mùa rực rỡ, thơ, 2018, eBook (trên smashwords)
– Từ điển Triết học Habermas – Andrew Edgar, sách dịch, 2018, NXB Khoa học Xã hội
– Lữ khách trần gian, thơ, 2019, eBook (trên smashwords)
– Một con đường cải tổ, tiểu luận, 2013 (2019, eBook trên smashwords)
– Chính luận – 2019, văn xuôi, 2019, eBook (trên smashwords) và Lulu (Paperback)

 

Hong Kong. Ngày 12 tháng 6 năm 2019. Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong đã phải quyết định hoãn buổi thảo luận về dự luật dẫn độ, vốn dự kiến bắt đầu lúc 11 giờ.

Chỉ một vài nghị sĩ xuất hiện tại phòng họp ngay trước giờ cuộc tranh luận khi đám đông biểu tình hàng nghìn người đã vây kín tòa nhà.

Trước đó, ngày thứ hai, 11 tháng 6, 5.000 cảnh sát Hong Kong, tức 1/6 quân số toàn lực lượng đã được huy động để đối phó với đám đông biểu tình phản đối luật dự luật dẫn độ. Con số người biểu tình có lúc được ước tính lên tới 1 triệu người, tương đương 1/7 dân số Hong Kong.

Dự luật dẫn độ nếu được thông qua sẽ cho phép dẫn độ nghi phạm sang các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa ký hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, bao gồm Trung Quốc, để xét xử.

Người biểu tình Hong Kong không tin tưởng vào sự công minh của hệ thống luật pháp Trung Quốc đại lục. Họ cho rằng, luật dẫn độ nếu được thông qua có thể bị lợi dụng cho các mưu đồ chính trị và làm xói mòn các quyền tự do căn bản của người dân Hong Kong.

Người biểu tình đã tạm thắng khi chính quyền đã phải tạm hoãn buổi tranh luận về dự luật. Nhưng chắc chắn họ đủ tỉnh táo để biết rằng, đây có thể chỉ là kế hoãn binh của giới chức Đặc khu.

Hong Kong chính thức được người Anh trao trả lại cho Trung Quốc đại lục năm 1997.

Sau 156 năm nằm dưới sự bảo hộ của người Anh, có lẽ di sản lớn nhất người dân Hong Kong bây giờ còn giữ được đó là sự trưởng thành trong nhận thức về quyền.

Đây không phải là lần đầu tiên kể từ sau năm 1997, hàng trăm nghìn người Hong Kong, trong đó đa số là những người trẻ, tuổi mười tám đôi mươi, xuống đường cất lên tiếng nói bảo vệ quyền tự do của mình, và chắc chắn cũng không phải là lần cuối cùng.

Điều gì đã thôi thúc những con người ở một khu vực kinh tế – tài chính giàu có và bận rộn bậc nhất thế giới bỏ tất cả công việc mưu sinh để xuống đường biểu tình phản đối một dự luật thoạt nghe có vẻ xa vời và mơ hồ như dự luật dẫn độ?

Điều gì đã hun đúc lên ý chí của những con người bé nhỏ để họ đứng lên đối đầu một thế lực hùng hậu, quy mô gần 1,4 tỷ dân, tưởng như có thể đè bẹp mọi chướng ngại trên con đường nó đi?

Điều gì đã khiến họ không sờn lòng, thối chí mà tặc lưỡi bảo nhau, như ở chính nước chúng ta đây, kiểu “không ích gì đâu”, “hoài công tốn sức cả thôi”, “lo cho nhà mày đi”…?

Hegel nói rằng có thể xem lịch sử thế giới là lịch sử ý thức tự do.

Mượn ý của Hegel, ta có thể nói rằng, có thể xem sự trưởng thành của mỗi quốc gia dân tộc được đo bằng sự trưởng thành của người dân trong nhận thức về quyền.

Thật khó để gọi Hong Kong bây giờ là quốc gia dân tộc theo nghĩa đầy đủ, nhưng những cư dân của nó, hơn 7 triệu người Hong Kong, họ là cộng đồng trưởng thành.

“Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền”/ “All human beings are born free and equal in dignity and rights”. (Điều thứ nhất trong Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người).

Quyền lực nhà nước bắt nguồn từ quyền tự nhiên vốn có từ khi sinh ra của mỗi người dân và tất cả người dân. Vì thế, quyền nhân dân là tối thượng, nhà nước chỉ là đại diện để thực thi quyền lực mà nhân dân giao phó cho, dù nhiều khi nhà nước có tiếm đoạt quyền này thì bản chất quyền nhân dân tối thượng là không thay đổi.

Đó là cơ sở để 1/7 dân số Hong Kong xuống đường đòi hỏi chính quyền phải dừng lại ngay lập tức, bất cứ hành động hay kế hoạch nào có thể làm tổn hại đến quyền tự do chính đáng của họ.

Tất nhiên, không chỉ người dân Hong Kong, tất cả mọi người dân ở bất cứ nơi đâu, bất cứ quốc gia nào trên thế giới này đều đương nhiên có quyền như vậy.

Thế nhưng tại sao vẫn có những nơi như ở đất nước chúng ta đây khi hàng loạt những quyền tự nhiên căn bản bị xâm phạm một cách trắng trợn mà người dân vẫn dửng dưng, thờ ơ, không mảy may động tâm suy nghĩ?

Là do chúng ta chưa trưởng thành vậy.

Làm trẻ con tất nhiên lúc nào cũng thích. Thỉnh thoảng có bị cha mẹ trách mắng đánh đòn, sự buồn vui chắc cũng thoảng qua thôi. Chỉ cần treo vài tấm ảnh lên là yên tâm chẳng cần lo tương lai, số mệnh. Có ông thần ông thánh trong tấm ảnh lo liệu hết cả rồi. Có phải vậy không?

Hãy nhớ: “Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền”.

Bất cứ ai, vì bất cứ lý do gì, nếu dửng dưng chấp nhận bị tước đoạt đi những quyền tự nhiên căn bản nhất của con người, thì người đó không chỉ đã chấp nhận chui đầu vào cái rọ nô lệ, mà đúng ra họ còn đang tự sỉ nhục phẩm giá con người của mình.

(trích trong tuyển tập CHÍNH LUẬN 2019, Lotus Media xuất bản tại Hoa Kỳ, 2019)



Chuyên mục:Lotus Media, Trên kệ sách

Thẻ:

1 reply

  1. Chưa trưởng thành hay chưa bỏ Nô Gian .

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: