Ảnh: REUTERS/Tyrone Siu
8.5 Cách mạng thành bang ở Hong Kong
(2014.12.11)
Ngay từ năm 2011, một học giả trẻ tuổi người Hong Kong đã giới thiệu với tôi cuốn sách “Học thuyết thành bang Hong Kong” của Trần Vân, hơn nữa dự đoán rằng đang có một lực lượng cách mạng bản thổ ngầm chảy mãnh liệt ở Hong Kong. “Phong trào Chiếm lĩnh Trung Hoàn” đang kéo dài hơn 2 tháng của cuối năm 2014 đã chứng minh cho tiên kiến của bạn tôi cũng như Trần Vân.
Thành thị và dân chủ
Sự bùng phát mẫu thuẫn giữa Hong Kong và Bắc Kinh tất nhiên được tạo ra từ nhiều sự kiện cụ thể cũng như đòi hỏi giữa các bên. Nhưng nếu chúng ta có thể nhìn từ góc độ lâu dài của lịch sử, thì cuộc xung đột này hoàn toàn được tạo nên bởi một logic chính trị cổ lão, hơn nữa nó chỉ là một mắt xích nhỏ trong lịch sử cách mạng thành thị hơn 2000 năm qua.
25 năm trước để nhằm hoàn thành học vị nghiên cứu sinh của tôi, tôi đã viết một bài luận văn thạc sĩ ở Đại học Phục Đán: “Cách mạng thành thị và Chế độ dân chủ Phương Tây”. Tôi chú ý tới một quy luật rất thú vị trong lịch sử dân chủ Phương Tây: Mỗi một lần thành thị có sự bùng nổ quy mô lớn, đều sẽ đưa tới đột biến cho thể chế dân chủ. Cách mạng thành bang Hy Lạp cổ đại hơn 2000 năm trước đã tạp ra thể chế dân chủ trực tiếp Athens, về sau phong trào thành bang La Mã thành lập Cộng hòa La Mã. Hơn 1000 năm sau, đại khái vào khoảng thế kỷ 15, sự trỗi dậy của các thành thị thương nghiệp Địa Trung Hải với đại diện là Venice cùng với sự xuất hiện của Liên minh Hanseatic sau đó ở Bắc Âu, đã tuyên bố chấm dứt thời kỳ Trung Cổ và mở đầu thời kỳ Phục Hưng về văn hóa, cải cách tôn giáo và Đại cách mạng. Cách mạng thị dân ở các đô thị thuộc các quốc gia như Hà Lan, Anh Quốc, Hoa Kỳ, Pháp Quốc đã sáng lập nên thể chế dân chủ đại nghị hiện đại. Cuộc mở rộng các đại đô thị công nghiệp hóa ở các quốc gia Phương Tây thế kỷ 19 đã thúc đẩy phông trào đấu tranh đòi quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu, bầu cử thật sự trở thành cốt lõi mang tính trình tự của nền dân chủ.
Trong quá trình toàn cầu hóa ngày nay, các đại đô thị quốc tế đang bù đắp cho những thiếu sót, chắp vá bởi phương thức quản trị của quốc gia dân tộc, hình thành nên một mô hình quản trị dân chủ hóa cho công cuộc toàn cầu hóa. Dùng cách nói của giáo sư nổi tiếng Benjamin R. Barber thuộc trường đại học nơi tôi giảng dạy (CUNY Graduate Center) trong cuốn “If Mayors Ruled the World: Dysfunctional Nations, Rising Cities” (Nếu thị trưởng thống trị thế giới) “Thành thị đưa tới hy vọng thực sự cho quản trị dân chủ ở phạm vi địa phương và toàn cầu.”
Là một đại đô thị quốc tế hàng đầu thế giới, cũng như là nơi dẫn đầu tam giác kinh tế sông Chu Giang, Hong Kong chính là một điểm sáng cho quản trị dân chủ địa phương cũng như quản trị dân chủ Trung Quốc.
Sương mù ô nhiễm của chính trị Bắc Kinh làm cho người ta nghẹt thở
Không phải là cứ thành thị thì nhất định sẽ đem lại sự nuôi dưỡng hy vọng về dân chủ và tương lai. Max Weber đã từng nói, “Không khí thành thị làm cho con người tự do.” Trong lịch sử thì Trung Quốc đã từng kiến tạo nên những đại đô thị huy hoàng tầm cỡ thế giới như Trường An, Lạc Dương từ mấy nghìn năm trước, ngày nay thì Bắc Kinh cũng nằm trong số 10 đại đô thị lớn nhất thế giới. Nhưng mà, bầu không khí của Bắc Kinh không những không cách nào làm cho con người tự do, sương mù ô nhiễm chính trị của nó đủ để làm cho người ta nghẹt thở. Bởi vì Bắc Kinh và Hong Kong là hiện thân của tinh thần đô thị khác nhau, thể hiện các công năng đô thị khác nhau, do vậy xuất hiện xung đột.
Karl Marx, Max Weber, Karl August Wittfogel đều nhận thấy rằng, các thành thị Phương Tây xuất hiện đầu tiên là bởi vì sự tập trung thương mại, trong khi đó các thành thị ở Trung Quốc càng nhiều là nơi hạ lạc của chính trị hoàng quyền, trung tâm kiểm soát hành chính, các trọng trấn quân sự vân vân. Các đô thị Trung Quốc đều thiếu đi một xã hội thương nghiệp năng động cùng với giai cấp trung lưu, xã hội dân sự không cách nào ngóc đầu dậy được. Chiếm giữ địa vị bá quyền là chuyên chế hoàng quyền, tầng tầng tổ chức quan liêu và công thương nghiệp nằm trong tay quan chức nhằm phục vụ cho họ. Không có được sự hình thành lực lượng tư bản độc lập, không cách nào thoát khỏi sự kiểm soát của chuyên chế vương quyền và chính trị quan liêu thì không thể phát triển thành một xã hội dân sự. Do vậy, Barrington Moore Jr. trong cuốn sách “Khởi nguồn xã hội của độc tài và dân chủ /Social Origins of Dictatorship and Democracy” đã nói: “Không có Bourgeoisie, liền sẽ không có dân chủ.”
Đế quốc mặt trời đỏ
Cuộc chia chác cuối cùng của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Hongtaiyang DiGuo
By Xia, Ming – Hồ Ý Nhi dịch
NXB Cổ Loa sắp xuất bản tại Hoa Kỳ, 2019
Trong tất cả các đại đô thị Trung Quốc, nếu như lấy ranh giới từ năm 1949 kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc cướp đoạt chính quyền thành công, thì trước thời điểm này, Thượng Hải là đô thị mang nhiều khí tức của Bourgeoisie nhất Trung Quốc. Bất kể có thích hay không, “Thượng Hải bang” đứng đầu là Giang Trạch Dân vẫn là đem lại cho Trung Quốc những làn gió Tây nhiều hơn một chút so với tất cả các lãnh đạo khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc khác. Sau thời điểm đó, Hong Kong thay thế Thượng Hải, trở thành thành phố thương nghiệp có bầu không khí tự do nhiều nhất trên bản đồ Trung Quốc. Khi lãnh tụ mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc “Tập Đại Đại” (“Great Bad”) rất nóng lòng muốn đưa người Trung Quốc trở lại trong những chiếc hang động ở vùng Tây Bắc, ép họ vào khuôn khổ cuộc hôn nhân “Một quốc gia, hai chế độ” với bữa ăn là chiếc bánh bao mùi đất và uống cà phê Latte mùi Tây Dương, điều này sẽ gây ra sự khó chịu.
Cuộc đọ sức giữa hoàng thành Bắc Kinh và Thượng Hải rất nhanh được định đoạt vào những năm thập niên 1950. Ngay cả tay trùm Hoàng Kim Vinh của Thanh Hồng Bang cuối cùng cũng đều không thể không phục tùng vâng vâng dạ dạ, ra khỏi nhà quét rác, cuối cùng ôm lấy cán chổi và chết một cách cô độc ở khu phố “Thập Lý Dương Tràng” nơi chính ông ta từng hô phong hoán vũ trước đây. Thượng Hải được các học giả hoa Kỳ gọi là “Chìa khóa mở ra Trung Quốc cận đại”, đã trở thành cánh cửa cuối cùng được Đảng Cộng sản đóng lại nhằm xây dựng một xã hội khép kín. Hong Kong trở thành một mảnh đất thuộc địa của Anh Quốc nơi nằm ngoài quyền lực và sự thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trở thành cây cầu nối liên lạc duy nhất giữa một Trung Quốc khép kín và thế giới bên ngoài, do vậy nó cũng sống động và trở nên thịnh vượng.
Nhưng bất luận là Thượng Hải, hay là Hong Kong, mặc dù trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản cận đại đã phát triển với đặc trưng khác với các kinh thành nằm trong nội địa nằm dưới sự kiểm soát của hệ thống chuyên chế quan liêu Châu Á, nó vẫn là chủ yếu phản ánh chủ nghĩa tư bản mại bản, do vậy nó biểu hiện ra sự phụ thuộc kép cao độ đối với chính quyền toàn quyền Phương Đông và tư bản tài chính Phương Tây, tư bản địa phương, ý thức bản địa cùng nền tự trị bản địa đều không có được ưu thế mang tính quyết định ở đây. Giới công thương nghiệp Hong Kong bị tư bản đỏ kiểm soát, bọn họ quen thuộc việc câu kết với quả đầu quyền lực Trung Quốc Đại Lục nhằm nhận được lợi ích thiết thân, tự nhiên sẽ trở thành quần thể không có xương cột sống. Sự yếu kém về nội lực của Hong Kong dẫn tới sự bế tắc trong xung đột giữa Hong Kong và Đại Lục. Dùng lời của hiền triết người Ấn Độ là Sri Ramakrishna Paramahamsa để mô tả, tân giáo chủ của Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình là người miệng hùm gan sứa, trong yếu ngoài mạnh, giống như một con rắn độc màu xanh nhưng đã mất đi độc tính mạnh mẽ, nhưng vẫn cắn chặt lấy Hong Kong, trong khi đó những thị dân Hong Kong thì lại giống như con ếch bò ngoan cố, chết cũng không nghe lời. Kết quả là, cả con rắn xanh lẫn ếch bò đều rơi vào tình cảnh sống dở chết dở.
Lối thoát của Hong Kong nằm ở đâu?
Để Hong Kong thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện tại, có thể có hai cách sau: Một là lực lượng ở bên trong nội địa cũng như bên ngoài Trung Quốc có thể làm ra những sự việc có sức ảnh hưởng thực tế, đánh vào đúng chỗ yếu hại giống như đánh rắn đánh bảy tấc, làm cho Đảng Cộng sản Trung Quốc triệt để từ bỏ việc thôn tính Hong Kong, xóa bỏ ý chí tự do pháp trị của thành phố này; hai là người Hong Kong có thể tiếp tục mở rộng lực lượng chiếm lĩnh Trung Hoàn, đưa phong trào nâng cấp lên mức độ của “Cách mạng thành bang”, đứng lên bảo vệ những quyền tự do còn sót lại, mở rộng càng nhiều quyền tự trị. Trong cuốn sách “Học thuyết thành bang Hong Kong” của mình, Trần Vân đã chỉ ra, Hong Kong cần phải tranh đấu trở thành “nền tự trị lấy phạm vi cốt lõi là thành thị”, thông qua việc nâng cao tinh thần cởi mở bao dung thành thị, chủ nghĩa đa nguyên, sự tham dự của người dân đối với văn hóa chính trị cũng như tăng cường sự giao lưu Đông Tây nhằm bảo vệ lợi ích và văn hóa bản địa Hong Kong. Nhưng có vẻ như Trần Vân đã không ngờ được rằng, khi mà con ếch chưa biến mình trở thành hoàng tử, thì hành động “từ bỏ dân chủ Trung Quốc, bảo vệ thành bang Hong Kong” sẽ chỉ là hành vi bỏ gốc lấy ngọn.
Chủ nghĩa Hong Kong bản địa rõ ràng là có ý nghĩa tích cực trong quá trình vận động người dân tham dự, đấu tranh giành tự do dân chủ cho Hong Kong. Nhưng nếu như bởi vì có được nó, người Hong Kong đem bản thân biến thành con ếch ngồi dưới đáy giếng, theo đuổi thứ triết học “nước giếng không phạm nước sông”, từ đó kỳ vọng rằng nước lũ cuồn cuộn ở sông sẽ không tràn vào giếng, vậy thì họ sẽ chỉ rơi vào kết cục cuối cùng là “nước nóng luộc ếch” mà thôi. Karl August Wittfogel từ hơn nửa thế kỷ trước đã chỉ rõ, việc thực thi toàn diện “Chủ nghĩa chuyên chế thủy lợi Phương Đông” nhất định sẽ đưa tới quyền lực tuyệt đối, toàn diện kiểm soát, toàn diện sợ hãi, phục tùng toàn bộ và hoàn toàn cô độc.
Bắc Kinh đã dàn dựng và đạo diễn loạt bi kịch giết chóc toàn thành Bắc Kinh từ hơn nửa thế kỷ, người dân Trung Quốc giống như những khán giả ngồi trước Tv, thậm chí là trở thành nhân vật được mô tả dưới ngòi bút của Lỗ Tấn, đó là quay lại thời điểm hơn một trăm năm trước trở thành một đám quần chúng như Hoa Lão Thuyên đứng xem cảnh nữ kiệt Thu Cẩn bị chém đầu: “Cái cổ đều duỗi ra thật là dài, nhìn phảng phất giống như nhiều con vịt, bị bàn tay vô hình nắm chặt lấy, xách lên.” Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dùng máu để rửa Thiên An Môn và đường Trường An năm 1989 tuyệt đối không phải là sự kiện duy nhất chưa từng có và sẽ không bao giờ diễn ra lần nữa, nó chỉ là một tập trong một loạt những hành động tàn bạo của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc. Phần mở đầu cho một tập mới đã được trình diễn ở Hong Kong. Người Hong Kong, người Trung Quốc, người Hoa trên toàn thế giới, liệu chúng ta có đủ trí tuệ và dũng cảm để không trở thành những cái cổ dài kê dưới lưỡi đao đồ sát không? Chúng ta có thể “Bảo vệ thành bang Hong Kong, xây dựng Trung Quốc dân chủ” không? Chúng ta liệu có còn tiếp tục lựa chọn ngồi trước CCTV, để bi kịch chuyên chế đã diễn ra hơn 60 năm, chủ nghĩa chuyên chế Phương Đông hơn 2000 năm và chính trị toàn quyền tiếp tục ra mắt tập tiếp theo?
(Trích: Đế quốc mặt trời đỏ – Cuộc chia chác cuối cùng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hongtaiyang DiGuo. By Xia, Ming – Hồ Ý Nhi dịch. NXB Cổ Loa sắp xuất bản tại Hoa Kỳ, 2019)
Chuyên mục:Lotus Media, Tác giả - Tác phẩm, Tác giả, tác phẩm, Trên kệ sách
Trả lời