Lê Giang Trần: Du Tử Lê, Ta Là Thơ Sinh Tiền

Không nói được một lời
Khi nghe anh lìa đời
Thắp hương Hàn Mặc Tử
Qui Nhơn biển chiều hú.

Vé Du-Tử đến ngày
Lê la chơi đã dứt
Giấc hồng trần mộng say
Thiên thu gọi tỉnh thức.

Đã nếm đủ tình yêu
Đi qua cửa thiền tính
Lửa thương cảm nhân sinh
Đã nồng nàn linh diệu.

Du Tử Lê thiền giả
Tâm pháp là trái tim
Tâm hồn là vô Ngã
Tâm thơ là lời kinh.

Nam mô tình yêu em
Nam mô bồ tát em
Bằng hữu hộ pháp tướng
Du tử chào dòng sông.

Đến rồi đỉnh núi cao
Đến rồi bao la biển
Đến rồi vô tận sao
Ta là thơ sinh tiền.

Kính cẩn niệm Địa Tạng
Độ thi nhân lên đàng
Đáp con tàu ánh sáng
Về nơi không thời gian.

Lê Giang Trần
(Đà Lạt, 17/10/2019, kính tiễn thi sĩ Du Tử Lê)

GIỮA ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG
NGHE TIN DU TỬ LÊ VỀ TRỜI

Trên nửa tuyến đường từ Pleiku đi Buôn Mê Thuột, điện thoại reo, số của bạn Sơn Tao Nhân gọi từ Sài Gòn, báo tin anh Du Tử Lê đột ngột qua đời khoảng 8 giờ tối thứ Hai 07 tháng 10, 2019. Từ đó trên suốt đoạn đường đi, tôi nói chuyện với Nguyễn Diệu Thắng về anh Lê, những kỷ niệm thân thương mà trong lòng tôi vẫn còn ghi khắc mãi, và sau đó là một chuỗi dài im lặng, mông mênh buồn bã, có một cái gì tê tái, hụt hẫng, chìm khuất… vô tận. Cả hai chúng tôi chỉ võ đoán có lẽ anh bị đột quỵ bởi nhồi máu cơ tim, là một nguyên nhân thường hay xảy ra khiến người ta đột tử. Buồn tỏa ra trong một nỗi đau nhói tâm can…

Trải qua một đêm Ban Mê Thuột, đêm đó trong lòng cứ chập chờn những ý nghĩ về vô thường, hình ảnh anh Lê cứ thấp thoáng chập chờn rồi tan biến. Tôi vào Facebook thấy chị Tuyền vắn tắt về sự ra đi của anh, im lặng, nhẹ nhàng…. “Ông Ngoại về trời”… Tôi không đủ can đảm để viết một comment, ngoại trừ một giọt lệ rưng rưng trên mắt trong đêm. Ngày mai sáng sớm lên đường đi Qui Nhơn.

Đến Qui Nhơn còn sớm, chỉ khoảng 4 giờ, nên đánh xe đến viện bảo tàng Vua Quang Trung, không vào vì thấy vắng vẻ có lẽ đóng cửa nên vào nơi mấy căn nhà cổ đối diện bên kia một sân cỏ, cả nhóm chụp ảnh lưu niệm, sau đó đi viếng mộ Hàn Mặc Tử. Tôi thắp nén hương trước mộ thi nhân, và Du Tử Lê chập chùng trong không gian đang hòa tấu điệu ru của sóng biển rì rào, không khí ẩm biển oi ả một buổi chiều có tiếng hú nhẹ của một cơn gió đi ngang; một số du khách viếng mộ đã rời đi, một khung cảnh cô độc mộ phần thi nhân thoang thoảng mùi hương tưởng niệm, vài tiếng chim lẻ loi lười biếng… tôi ghi thầm trong lòng 4 câu thơ

Không nói được một lời, trước tin anh lìa đời, thắp hương Hàn Mặc Tử, Qui Nhơn biển chiều hú

Đêm nằm khách sạn trăn trở một cách vô hồn, Hàn Mặc Tử, Du Tử Lê. Tôi mãi đến từng tuổi này mới có dịp đến viếng mộ phần của Hàn Mặc Tử. Tôi suốt một quảng đời lưu vong tại Little Saigon thân cận với thi sĩ Du Tử Lê trong tư cách một người em, người mà chỉ sau 30 phút gặp mặt nói chuyện ở cà phê LUP, anh chỉ nói ngắn gọn, “đi theo anh về nhà,” rồi về đến nhà anh, anh cũng nói ngắn gọn “em ở đây với anh,” thế là anh nuôi một thằng em là thơ, dạy cho nghề layout báo, phát tiền lương, và nuôi tôi khoảng 2 năm trong thời gian tôi đang sống lang thang bụi đời. Những câu thơ của Hàn Mặc Tử sống dậy. Những câu thơ tình yêu của Du Tử Lê trổi dậy… “con dế buồn tự tử giữa đêm sương,” “khi tôi chết hãy mang tôi ra biển,” “như loài chim bói cá / trên cọc nhọn trăm năm,” “vết răng tháng chạp/ vết bầm tháng hai…” và nhiều nữa, những câu thơ Du Tử Lê…

Tôi có một điều kỳ cục là những người thân thương, kính trọng, khi nằm xuống, tôi không viết được một bài nào ra hồn về những linh hồn “về trời” ấy; Phạm Công Thiện, Mai Thảo, Duy Khánh, Hùng Cường, Vô Thường, Cao Đông Khánh, Lê Uyên Phương, Nguyễn Tất Nhiên, Lữ Mộc Sinh… Vì dường như đã “ở” với nhau trọn tấm lòng, còn gì để nói nữa? Hoặc vã, đau buồn quá, không nói được một lời! Bây giờ đến anh Du Tử Lê, cũng làm tôi tan chảy ra, tôi biến mất, những giọt lệ ồ ạt chưa xuất hiện, chúng còn nằm trong đập con ngươi, hay còn đâu trên mây chưa biến thành nước. Rồi một lúc nào đó, có thể ở đám tang, có thể trong một cuộc rượu say nào đó sau đó, bùng vỡ và tôi như một đứa trẻ nít khóc mùi mẫn, có thể lúc ấy có vài bạn thân, có thể lúc ấy chỉ cô độc âm thầm, tôi bơ vơ vô cùng tận; oán trách sao cuộc đời mình cứ mất mãi những người thân thương yêu quý, đời sống mình cứ co lại như con sâu, không phải con sâu thơ mộng làm tổ trong trái vải yêu đương, mà là một thứ sâu tằm nhả tơ, trái tim tuôn chảy dòng máu thơ, Nguyễn Lương Vỵ ví von gọi là “huyết âm”, Trịnh Y Thư cho là “những phế tích của ảo ảnh,” tất cả là những ảnh bào vô thường hiện biến nơi “trạm người quá bước” …

Trước khi làm chuyến du hành về thăm Việt Nam, tôi đã có ra cà phê Hạt Ngò ngồi cà phê với anh, anh chúc đi chơi vui vẻ, khi em về anh sẽ nhờ em làm một sách. Tôi thì cố gắng tạm hoàn chỉnh tập thơ của mình sắp xuất bản, với tựa “Pha thơ vào biển gió” được anh khen cái tựa hay, và im lặng gửi tập bản thảo cho anh xem qua. Rồi lên đường. rồi tin bất ngờ anh về trời trong giấc ngủ an bình, sau một ngày vẫn cà phê sáng thường lệ có một số thân hữu, sau một buổi ăn tối với thân hữu, không một điềm báo trước nào cả, về nhà, tháo giày, thay đồ, lên giường và ngủ giấc nghìn thu, nhẹ nhàng, yên ắng. Vậy là số phận tập thơ sắp chào đời của tôi đã không còn có anh đến dự chia sẻ chung vui. Tôi vĩnh viễn từ đây vắng bặt một người anh đã từng cưu mang một quảng đời mình và không còn thỉnh thoảng ngồi cùng anh cà phê chuyện phiếm.

Tôi không muốn nói dài dòng gì ở bài viết này cả. đây là một sự mất mát lớn của riêng tôi, là một nỗi đau lặng lẽ và tiệm tiến, sẽ gậm nhấm tâm hồn mình, trái tim mình, thêm một miếng trầm cảm, thêm một ngụm rượu sầu đau. Nhớ ngày nào chập chửng làm thơ, anh thương sửa chỉnh cho vài bài, gọi là để em chú ý đừng thừa chữ, vì làm thơ tức cảnh sinh tình ào ạt theo kiểu tôi thì cứ vô tư… Là một kỷ niệm đáng quý mà anh dành cho tôi, điều làm cho tôi hết sức cảm động, đó là một chân tình.

Anh Lê, những gỉ anh đã cho em, đã thương em, tấm lòng đó còn mãi mãi. Khi em lập gia đình lại, anh cảm ơn người phụ nữ ấy đã nhận em, rằng, “anh cảm ơn em đã nhận người em của anh làm chồng, anh thật vui.” Anh đã xem em là một người em ruột thịt. Những ân tình đó, làm sao phai nhòa được? Và hôm nay, anh về trời, em không thể mang sự đau buồn của mình ra kể lể, thôi thì theo sự tự nhiên sắp đặt của nhiệm mầu, người đi trước, kẻ đi sau. Em không kịp về dự tang lễ anh, ghi ra đây vài tâm sự thay cho nén hương tiễn biệt anh về trời.

LÊ GIANG TRẦN
Đà Lạt 14/10/19



Chuyên mục:Tưởng niệm, Tưởng niệm

Thẻ:,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: