Du Tử Lê: Nguyễn Cao Nam Trân, Tiếng Hát Chở Quá Khứ Vào Lấp Lánh, Mai Sau

Nguyễn Cao Nam Trân, 2019 (Ảnh: Uyên Nguyên)

Đó là tháng chín, 2013. Thành phố Garden Grove. Ngôi nhà đường Ward. Ngôi nhà có hàng hiên nhỏ, ôm dọc vách tường gỗ, nhường diện tích lớn còn lại cho sân cỏ.

Đó là lúc những hưng phấn bằng hữu tỏa ngời từ những trang văn xuôi đẹp, còn thơm mùi mực của Lê Lạc Giao trong “Một thời điêu linh”. Chiếc máy ảnh không chút nghỉ ngơi, thường trực gia tăng công xuất trong tay nhà thơ Phan Tấn Hải. Tiếng cười rộn rã của Nguyễn Lương Vỵ, xen kẽ với những hỏi han, nhắc nhở ân cần của chủ nhà và, Lê Lạc Giao…

Đó là lúc những ly rượu chát đỏ, những khay thức ăn có từ thâm tình Saigon cũ đến với họ Lê.

Đó là lúc bóng tối đã tìm tới cùng những tiếng hát nghiệp dư của những tấm lòng Việt luân lạc quê người, lần lượt bước ra, ở lại trong hoài niệm một Việt Nam, bên kia biển đông. Bất biến.

Đó cũng là lúc màu đen của bóng đêm đã gia tăng sắc tố và, những người không thể ở lại lâu hơn, đã ra về.

Giữa lúc bóng đêm chia hàng hiên và, sân cỏ thành những tụ điểm của tâm tình, rì rầm thân ái cũ, bất ngờ, tiếng hát nơi bậu cửa dẫn ra vườn sau, cất lên.

Người con gái đứng xéo góc với ngọn đèn lớn. Ánh sáng cắt nghiêng khuôn mặt trẻ thơ của người con gái mà, phần chìm trong bóng tối, lại là phần lấp lánh nhất của nhan sắc.

Hình ảnh người con gái vừa bất ngờ cất lên tiếng hát, như hồi chuông ngậm buồn quá khứ. Những hồi chuông không chỉ gọi buổi chiều trở lại mà, tiếng hát cô còn như những lượng sóng sững sờ cực mạnh, làm tê cứng những tâm tình thân ái, nơi những bóng hình còn lại:

“Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy
Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh
Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm
Má em mầu ngà tóc thề nhẹ vương

“Nay anh về qua sân nắng
chạnh nhớ câu thề tim tái tê
chẳng biết bây giờ
người em gái duyên ghé về đâu

“Nay anh về nương dâu úa
giọng hát câu hò thôi hết đưa
hình bóng yêu kiều
kề hoa tím biết đâu mà tìm… ”
(“Nắng chiều” Lê Trọng Nguyễn)

… Biết đâu mà tìm” – Câu hỏi nao lòng, bước ra khỏi “Nắng chiều” của tài hoa Lê Trọng Nguyễn, để trở thành câu hỏi của những người còn lại, đêm tháng 9, đường Ward, Garden Grove.

Người con gái không chuyển động. Chỉ đôi mắt cô long lanh những bước chân “về nương dâu úa” (hay trở về cố lý?)

Hình ảnh người con gái vừa bất ngờ cất lên tiếng hát, như hồi chuông ngậm buồn. Những hồi chuông không chỉ gọi buổi chiều trở lại mà, tiếng hát cô còn như những lượng sóng sững sờ cực mạnh, làm tê cứng những tâm tình thân ái, nơi những bóng hình còn lại. Hơn thế, tiếng hát cô còn khiến những còn lại kia bỏ sân cỏ, bỏ hàng hiên, bước lại gần bậu cửa. Trong những lại gần đó, có tôi, khi người con gái, bằng vào tiếng hát như có ma lực của mình, một lần nữa, gọi buổi chiều trở lại:

“Lắng trầm tiếng chiều ngân
Nhạc dặt dìu ái ân
Người ôi! Nhớ mãi cung đàn
Năm tháng phai tàn
Duyên kiếp vẫn còn lỡ làng

“Đã quên hết sầu chưa
Lời này là tiếng xưa
Quỳ dâng dưới nắng phai mờ
Bên gối ơ thờ
Ôi tiếng tơ tình mong chờ

“Chiều êm êm đưa duyên về người
Đàn triền miên nắn tiếng sầu đời
Người hỡi!
Đến bên tôi nghe lời xao xuyến
Như chuyện thần tiên.
Niềm mơ xưa là đó
Cho ta nâng niu lời ca
Chiều mơ không gian
Thở hơi khói Thiên Đàng*
Thuyền trôi bến sông xa đừng chờ
Xin hãy lắng nghe bao lời thơ chiều tà… ”
(Enrico Tosilli “Serenata”. Lời Việt Phạm Duy)

Người con gái vẫn bất động. Ánh sáng cắt nghiêng khuôn mặt trẻ thơ của cô mà, phần chìm trong bóng tối, lại là phần lấp lánh nhất của nhan sắc. Nhan sắc trẻ thơ ấy dường lấp lánh, rực rỡ hơn nữa, khi cô… nhắc nhở:

“Người hỡi!
Đến bên tôi nghe lời xao xuyến
Như chuyện thần tiên.
Niềm mơ xưa là đó
Cho ta nâng niu lời ca
Chiều mơ không gian
Thở hơi khói Thiên Đàng
Thuyền trôi bến sông xa đừng chờ… ”

Người con gái nhắc nhở “Thuyền trôi bến sông xa đừng chờ… ” – Nhưng, chờ đợi lại chính là ngọn lửa bỗng được thắp lên, ngậm ngùi trong góc kín khuất nhất mỗi người.

Và, cuối cùng thì:

Ai lướt đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng
Ôi vừa thoáng nghe em
Mơ ngày bước chân chàng
Từ từ xa đường vắng
Ðêm mùa thu chết
Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng…
(Văn Cao, “Buồn tàn thu”)

Người con gái vẫn bất động. Nhưng trong tiếng hát của cô, kỳ diệu thay, lại có người “… lướt đi ngoài sương gió”. Có “bước chân chàng”, “đêm mùa thu chết” và nhất là có “mùa đang rớt rơi theo lá vàng”…

Tôi biết, không ít ca sĩ đã “đặt cược” tài năng, tên tuổi họ vào chữ “lướt” huyền ảo của đời nhạc Văn Cao. Nhưng kết quả họ nhận được, chẳng may, lại là thất bại! Với tôi, chỉ có một vài tiếng hát đem được chữ “lướt” mê mị trong “Buồn tàn thu” của Văn Cao vào sâu da-thịt-cảm-xúc, là Thái Thanh, Ngọc Hạ… Và, đêm tháng Chín, ở Garden Grove, đường Ward, là người con gái bất động, có nhan sắc trẻ trẻ thơ, bị ánh sáng xéo góc, cắt nghiêng đó.

Một sớm mai đầu năm, mới đây, nơi hành lang nhà hàng Tài Bửu, Nguyễn Lương Vỵ mở tôi nghe “Đêm, nhớ trăng Saigòn” của Phạm Đình Chương, bằng chiếc I-phone của Nguyễn.

Một lần nữa, tôi ngạc nhiên tới sững sờ, khi cũng tiếng hát đó, đã thánh thót với âm vực vượt trên một bát độ, lúc cô ra khỏi ca khúc với chữ “bến nào” của tài hoa âm nhạc họ Phạm… Một thử thách từng gây thất vọng cho tác giả và, người nghe bởi nhiều ca sĩ. Và, một lần nữa, ngoại lệ, với chữ “bến” kia, vẫn là Thái Thanh. Quỳnh Giao. Lê Hồng Quang…

Người con gái có nhan sắc trẻ thơ, bị ánh sáng xéo góc, cắt nghiêng, đêm tháng Chín, đường Ward, Garden Grove, cách đây hai năm đó, là tiếng hát Nguyễn Cao Nam Trân.

Nguyễn Cao Nam Trân, ở một góc riêng của hiện diện mình, có thể chưa quen thuộc lắm, với đám đông. Nhưng, cách gì thì cũng đã là: Tiếng-hát-Nguyễn-Cao-Nam-Trân.

*

Gần đây, tôi mới được biết Nguyễn Cao Nam Trân sinh trưởng trong một đại gia đình gồm những chói lọi âm nhạc. Như giáo sư âm nhạc, bà Nguyễn Thế Phiệt, em ruột của bà ngoại Nam Trân. Như pianist Cao Xuân Ánh Minh. Như danh ca Minh Trang, chị ruột của thân mẫu Nam Trân v.v…

Là hậu duệ, được thừa hưởng những chủng tử âm nhạc lớn, cộng thêm nỗ lực tự đào luyện và học thanh nhạc ở xứ người, bây giờ thì tôi không còn chút ngạc nhiên nào, nơi tiếng hát của người con gái có âm vực vượt trên bát độ – Và khả năng khêu thức những giai điệu vàng son một thời của dòng tân nhạc Việt.

Tôi muốn gọi tiếng hát Nguyễn Cao Nam Trân là tiếng hát chở được quá khứ, nghìn trùng vào lấp lánh, quê người, mai sau.

(Garden Grove, May 2015)

Du Tử Lê
(Trích “Sơ Lược 40 Năm Văn Học Nghệ Thuật Việt, 1975-2015, HT Produtions)

* Có bản chép “Hờ hững cõi Thiên Đàng”



Chuyên mục:Nhân vật - Sự kiện, Tác giả - Tác phẩm, Thân hữu, Thân hữu

Thẻ:,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: