Họa sĩ Ann Phong (Ảnh: Uyên Nguyên)
Cũng như sinh hoạt nhiếp ảnh nghệ thuật, sinh hoạt hội họa của người Việt ở hải ngoại, 40 năm qua, được ghi nhận là rất khởi sắc với nhiều đột phá, mang hãnh diện về cho tập thể Việt quê người – Khi những tác phẩm nghệ thuật đó, được công nhận rộng rãi từ đông qua tây.
Tuy nhiên, nếu có những họa sĩ tự viết bài hoặc, cầy cục nhờ các cơ quan truyền thông, phổ biến, đánh bóng tên tuổi mình thì, cũng có những họa sĩ lặng lẽ cống hiến đam mê sắc màu và, đường nét của mình mà, vẫn được thế giới trân trọng, đón nhận…
Một trong những tài năng đó, theo tôi, là nữ họa sĩ Ann Phong, hiện cư ngụ tại miền nam California.
Trong một bài phỏng vấn cách đây 4 năm, ký giả Thiên An, nhật báo Người Việt đã ghi nhận về họa sĩ Ann Phong như sau:
“… Họa sĩ Ann Phong tốt nghiệp bằng thạc sĩ mỹ thuật tại Đại Học Cal State Fullerton, chuyên về tranh sơn dầu. Bà hiện là giáo sư đang dạy hội họa tại trường đại học Cal Poly Pomona. Từ 1992 đến nay, Ann Phong dự hơn 80 triển lãm, từ gallery đến viện bảo tàng như Laguna Museum, Kytakishu Museum ở Nhật, Queen Art Gallery ở Bangkok Thái Lan, Gang Dong Art Center ở Seoul Nam Hàn. Các tác phẩm được nhiều tư nhân và nơi công cộng sưu tầm, như Cal Poly Pomona, Cal State U Fullerton, UC Riverside Sweeney Gallery, hay Queen Art Gallery ở Thái Lan. Ngoài ra, bà Ann Phong hiện là đồng chủ tịch của VAALA (Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ)…” (Nguồn Wikipedia-Mở)
Cuộc nói chuyện giữa Thiên An và Ann Phong hiện ra nhân dịp họa sĩ Ann Phong được tổ chức LA Artcore mời trưng bày tác phẩm cùng với 2 nữ họa sĩ khác là: Ann Gooding – Mỹ, và Kaoru Mansour- gốc Nhật…
Đề cập tới nghệ thuật tạo hình và cách phối màu độc đáo của Ann Phong, Ông Robert Seitz, Giám định tác phẩm, đại diện phòng triển lãm LA Artcore, đã kết luận rằng:
“… Lối vẽ của Họa Sĩ Ann Phong sâu sắc và có sự ‘khuấy động’ trên bề mặt ‘như sóng vỗ bờ’…” (Nđd)
Trả lời một câu hỏi của Thiên An về chủ đề “Rác” trong tác phẩm của mình, Ann Phong nói:
“… Sống tại miền Nam Cali, tôi có dịp đến gần biển. Nhìn nước, tôi thấy thiên nhiên thân thiện với tôi, thấy được những sinh vật dưới nước, đang sống đồng hành với cuộc sống của tôi. Gần đây tôi thấy nhiều nơi, cả dưới nước và trên mặt đất bị ô nhiễm, càng tân tiến chúng ta càng thải rác nhiều.”
“Khi ngồi trước giá vẽ, tôi tưởng tượng mình như những vật thể dưới nước, đang bị ảnh hưởng của môi trường. Tôi tự thử thách là vật lộn sống còn với rác, với các chất hóa học mà con người thải ra. Khi sáng tác, tôi nhìn chung quanh, lấy những món vật mà ngày trước còn được xem là quý và cần thiết, mà hôm sau đã bị ruồng bỏ thành rác… để vào tranh, như một lời nhắc nhở. Khi màu sắc hình dạng ý nghĩa đã quyện vào nhau, đó là khi tác phẩm đã xong,” Bà nói thêm về những tác phẩm mới nhất…” (Nđd)
Ở góc độ khác, góc độ của một nhà văn, kiêm nghiên cứu hội họa, tác giả Đặng Phú Phong đã phân tích cõi-giới hội họa của Ann Phong, trong một bài viết đăng tải trên nhật báo Việt Báo ở California hồi trung tuần tháng 11 -2011, như sau:
“… Bắt đầu cho sự nghiệp hội họa của mình, Ann Phong lấy chủ đề cuộc chiến Việt Nam dưới cái nhìn của một người dân bình thường để sáng tác. Thời gian sau, Ann Phong bước sang đề tài ‘Sự chuyển mình của một phụ nữ Việt Nam sống bên ngoài đất nước’. Nhưng những chủ đề đó không thực sự là điều Ann Phong kiếm tìm.
“Biển đã giúp Ann Phong vượt thoát, nhưng cũng chính biển cầy sâu vào tâm thức chị. Khi trốn chạy, Ann Phong mong đi qua biển thật nhanh, qua được rồi, nhiều năm sau nước biển vẫn còn ‘thấm trên da thịt’ (chữ của Ann Phong). Biển đã trở thành một khúc quành thiết thân của đời mình, thế nên chị đã quay lại biển. Nhưng lần này Ann Phong không dùng thuyền máy mà dùng cọ vẽ làm cột buồm, kết màu sắc thành thuyền, ung ung ra khơi. Hai chuyến đi có khác về phương cách nhưng có cùng một mục đích thăng hoa; một thăng hoa cho đời sống, một thăng hoa cho nghệ thuật của mình.
“Trong giai đoạn nầy, những nét cọ, nhát dao, phóng tay trên khung bố của Ann Phong là những đợt sóng dữ. Biển không phải là sự trầm mặc, bí ẩn, êm đềm, hiền hòa mà biển ở đây là biển động, hung hãn, cuồng nộ, gào thét, căm thù. Kỹ thuật đắp nổi bằng Acrylic diễn tả mạnh thêm lên sự hung bạo của sóng, như chồm lên, vượt ra khỏi bức tranh, cuốn lấy, nhận chìm người xem. Không khí của tranh hừng hực thù hận. Đó là thời kỳ Ann Phong mỗi khi cầm cọ trước khung bố là chị nhớ lại những giọt nước mắt thống thiết của mấy cô học trò chỉ khoảng 13, 14 tuổi, ôm chầm lấy cô, khi vừa gặp lại trên đảo, kể cho chị nghe chuyện chúng bị hải tặc hãm hiếp. Chị đã vẽ tranh bằng những giọt nước mắt của học trò và của chính mình…”
Phải chăng, vì người nữ họa sĩ gốc Việt được nhiều tổ chức triển lãm quốc tế mời trưng bày tranh, hình thành những tác phẩm nghệ thuật của mình từ “những giọt nước mắt của học trò và của chính mình” – Nên, chủ đề “Biển” đã giữ một vị trí lớn trong quá trình tạo dựng sự nghiệp hội họa của Ann Phong?
Và, đây là lời giải đáp:
“… Vẽ biển đã thành thói quen của Ann Phong. Ở bất kỳ bức tranh nào của chị, người xem đều dễ dàng thấy biển trong đó, dù chủ đề chẳng liên quan gì với biển, dù sắc màu của tranh là sắc màu của đất đá, là sắc màu của mặt trời mặt trăng. Những đường cong nhỏ, khệnh khạng, tung tóe là hình dạng của cơn sóng dữ đập vào trí não của chị. Sự dữ dội của biển nuốt chửng bàn tay của người họa sĩ. Những chiếc thuyền nhỏ chệch choạc, mong manh bên cạnh những đợt sóng khổng lồ, những con người, những bàn tay chới với, những đôi chân trần buông thỏng diễn tả mạnh mẽ sự phá hủy của biển đối với con người. Ann Phong thường dùng gam màu đậm bên cạnh gam màu nhạt như muốn dẫn người xem thấy được sự tranh đấu sinh tử trong đời sống nghiệt ngã mà điển hình nhất là hành trình của những người ‘vượt biển’…” (Đặng Phú Phong. Wikipedia-Mở)
Xa hơn nữa, tôi thấy cũng nên ghi lại ở đây, một ghi nhận khác. Ghi nhận của nhà phê bình hội họa Huỳnh Hữu Ủy (tháng 12 năm 2001) – Khi ông giới thiệu cuộc nói chuyện giữa họa sĩ Khánh Trường (ký Kiều Toàn trên tạp chí Hợp Lưu, đề 10 & 11, 1997) với họa sĩ Ann Phong. Trong lời dẫn nhập, họ Huỳnh viết:
“… Trải qua những năm tháng cùng khốn ở quê nhà, rồi những ngày khủng khiếp giữa biển cả mênh mông, hung bạo, và sau cùng nhập vào một cuộc sống hoàn toàn xa lạ; Ann Phong thường bày giải kinh nghiệm riêng tư của mình qua các sáng tác nghệ thuật. Có thể nói rằng kinh nghiệm của Ann Phong cũng chính là kinh nghiệm rất đặc biệt của một cộng đồng, khổ đau mà bi tráng, cùng với chiều sâu của một nền văn hóa riêng biệt.
“Năm 1995, đậu cao học về ngành mỹ thuật ở Ðại học Fullerton. Hiện nay dạy hội họa ở các trường Ðại học Fullerton, Ðại học Bách Khoa Pomona, và Học Viện Mỹ Thuật Los Angeles – Orange County. Ann Phong đã thực hiện 10 lần triển lãm cá nhân và tham dự khoảng 40 cuộc triển lãm tập thể ở các phòng tranh và bảo tàng tại California…” (Theo Diễn Đàn Thế Kỷ. Nguồn Wikipedia-Mở)
Với những trích dẫn trên, tôi không thấy cần thiết phải nói gì thêm về tài hoa, trí tuệ của Ann Phong, người đem được sắc màu, đường nét, Việt đến giữa các quảng trường hội họa thế giới – Trừ một điều:
-Tôi hãnh diện được biết một người Việt Nam, mang tên Ann Phong, ở quê người.
(Garden Grove, June 2015)
(Trích “Sơ Lược 40 Năm Văn Học Nghệ Thuật Việt, 1975-2015, HT Produtions)
Chuyên mục:Nghệ thuật, Nhân vật - Sự kiện, Tác giả - Tác phẩm
Trả lời