Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu (Ảnh: Internet)
Trích Tư Tưởng số 1, 15-03-1971
Lời Đức Phật dạy là giản dị, vì chỉ có người sáng suốt mới thốt ra những lời giản dị. Nhưng những lời giản dị ấy lại được ví như tiếng rống con sư tử, làm tà ma ngoại đạo khiếp đảm, làm hung thần ác quỷ run sợ. Như vậy, lời dạy của Ngài hàm chứa cả một sức mạnh phi thường, một khả năng chi phối mãnh liệt. Chúng ta hãy tìm hiểu hiệu năng của lời Phật dạy đối với vấn đề lãnh đạo, nguyên tắc lãnh đạo, nhất là vấn đề lãnh đạo Giáo hội. Vì đây là một vấn đề hết sức quan trọng đã chi phối bao nhiêu hoạt động của tu sĩ cũng như cư sĩ và làm một số người phải thắc mắc phân vân.
Thấy Đức Phật già yếu, Đề bà Đạt đa từ lâu muốn chiếm ngôi vị Giáo chủ, đến thưa với Đức Phật: “Bạch Thế tôn, hãy yên tâm tu thiền nhập định và giao trách nhiệm lãnh đạo Giáo hội Tăng già cho tôi, tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Lời Đức Phật trả lời thật dứt khoát rỏ ràng: “Ta còn không giao trách nhiệm lãnh đạo Giáo hội cho Xá lợi Phật và Mục Kiền Liên, huống nữa là cho ngươi, vừa vô tri, mà nhỏ nhen tâm địa”. (Vinaya, II, tr.188). Chúng ta dễ hiểu vì sao Đức Phật không giao cho Đề bà Đạt đa đứng ra lãnh đạo Giáo hội. Nhưng điều làm chúng ta phân vân thắc mắc là vì sao Đức Phật từ chối với cả hai ngài Xá Lợi Phật, trí tuệ đệ nhất và ngài Mục Kiền Liên, thần thông đệ nhất. Đoạn Kinh sau này, trích trong Kinh Mahà parinibbàna (Những ngày và những lời dạy cuối cùng của Đức Phật tr.47-48), giúp trả lời sự phân vân của chúng ta. Ngài A Nan lo sợ Đức Phật nhập diệt mà không có lời trối trăn cho Giáo hội, Đức Phật trả lời: “Này Ananda, chúng Tỳ kheo còn mong mỏi gì nữa ở nơi ta! Này Annada, ta đã giảng chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài, vì này Ananda, đối với các Pháp, đức Như Lai không bao giờ là vị đạo sư còn nắm tay (mutthy àcarya). Này Ananda, những ai nghĩ rằng: “Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỳ kheo”, hay “Chúng Tỳ kheo chịu sự giáo huấn của ta”, thời này Ananda, người ấy sẽ có lời di giáo cho chúng Tỳ kheo. Này Ananda, Như Lai không có nghĩ rằng: “Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỳ kheo”, hay “Chúng Tỳ kheo chịu sự giáo huấn của ta” thời này Ananda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỳ kheo”. Trong đoạn Kinh này, Đức Phật đã kiêm tốn từ chối vai trò lãnh đạo của mình, và không dám xem chúng Tỳ kheo như chịu sự giáo huấn của mình. Chúng ta chắc chắn đức Phật không bao giờ có những cử chỉ khiêm tốn hảo, những lời nói đưa đẩy, những lời nói để mà nói. Ngài từ chối sự lãnh đạo, vì vay trò của Ngài chỉ là một vị chỉ đường: “Tumhchi Kiccam àtappam”.
“Tathàgato akkhàtaro” Dhammapada, số 276, các ngươi hãy nỗ lực cố gắng, Đức Như Lai chỉ là vị chỉ đường”.
Lời khuyên tiếp của đức Phật cho ngài Ananda nêu rõ đường hướng giáo dục Tăng Ni của đức Phật, nếu chúng ta muốn xem đức Phật là một nhà Giáo dục:
“Vậy nên, Này Ananda hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình; hãy tự mình y tựa chính mình chớ y tựa gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác”. “Này Ananda, những ai, sau khi ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình y tựa chính mình, không y tựa một gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác. Những vị ấy, này Ananda là những vị tối thượng trong làng Tỳ kheo của ta” (trang 49). Và để an lòng ngài A nan, và một lần nữa, nép cá nhân mình để đạo pháp lên trên, đức Phật nhắn nhủ các đệ tử của Ngài những lời dạy, an ủi cuối cùng: “Này Ananda, nếu trong các người có người nghĩ rằng: “Lời nói của bậc đạo sư không còn nữa. Chúng ta không có bậc đạo sư. Này Ananda, chớ có những tư tưởng như vậy. Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo sư của các ngươi” (trang 121).
Như vậy, đức Phật có hai thái độ giáo dục hay giáo hóa rất rõ rệt. Đối với các đệ tử, Ngài không đóng vai trò lãnh đạo, mà chỉ đóng vai trò là người chỉ đường. Các đệ tử phải tự mình nổ lực phải nương tựa chính mình. Cá nhân lãnh đạo tuy không phải không quan trọng; nhưng cá nhân lãnh đạo phải nhường bước cho nguyên tắc lãnh đạo, đường hướng lãnh đạo, và đối với giáo hội, đường hướng nguyên tắc lãnh đạo là chánh pháp.
Hai quan niệm lãnh đạo này hết sức giản dị nhưng hàm chứa sức mạnh phi thường, vô cùng mãnh liệt vì làm đảo lộn những quan niệm lảnh đạo đương thời và mở đường cho những đường hướng tư tưởng thật là cách mạng. Lãnh đạo, giáo hóa hay giáo dục ở nơi đây, không phải từ trên áp lực xuống, không phải từ ngoài vào, mà phải là từ bên trong phát ra; trách nhiệm nhà lãnh đạo, nhà giáo dục là khơi dậy, kích thích, làm cho sống động và phát triển những tiềm năng sẵn có trong mỗi người, và hướng dẫn, hướng thượng những tiềm năng ấy phát triển và nẩy nở hướng đến những mục tiêu tốt đẹp hơn, Giáo hóa, giáo dục, không còn là sử dụng những phương tiện bạo động, chính trị kinh tế, quyền thế, lưu manh để chi phối, áp bức con người đi theo đường hướng của mình.
Giáo hóa, giáo dục con người không phải là đào tạo những con người nô lệ, máy móc, mù quáng, ngoan ngoãn bảo sao nghe vậy mà chính là đào tạo ra những con người cho ra hồn người, những con người biết tự mình suy tư, tự mình phê bình, tự mình lựa chọn, tự mình quyết định và tự mình chịu trách nhiệm những quyết định của mình, lời Phật dạy còn là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai muốn đóng vai trò “lãnh đạo giáo hội”, “chỉ huy giáo hội” nhất là dùng những phương tiện phi chánh pháp để lãnh đạo giáo hội. Lời Phật dạy còn là một tiếng rống của con sư tử chánh pháp cho những ai cậy mình có một chút tài năng, có khoa ăn nói, có tài viết văn, có khiếu lãnh đạo muốn đóng vai “thần tượng”, viết những trang sử Phật giáo, những trang sử Việt Nam, cho người Phật tử, cho người Việt Nam đọc. Có lẽ người Phật tử, người Việt Nam đã và đang bị khổ nhiều vì những nhà “Lãnh đạo tự cho mình là hơn cả đức Phật” này.
Thích Minh Châu
Chuyên mục:Báo Chí Phật Giáo
Trả lời