Thích Phước An: Hiu Hắt Quê Hương Bến Cỏ Hồng (Lời Thưa)

HIU HẮT QUÊ HƯƠNG BẾN CỎ HỒNG
Tác giả: Thích Phước An
Lời giới thiệu: Nguyên Không Nguyễn Tuấn Khanh
Lời bạt: Nguyên Giác Phan Tấn Hải
Bìa và trình bày: Uyên Nguyên
Lotus Media và Bodhi Media
xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ, 2020
ISBN: 978-1-79489-959-9

Những người được trình bày trong tập sách này là những tên tuổi lớn đã tác động mãnh liệt đến văn học, thi ca và tư tưởng Việt Nam từ hậu bán thế kỷ XX đến tận ngày nay. Vì thế cho nên, tôi đã tạm mượn một câu thơ trong thi phẩm Ngày sinh của Rắn của Phạm Công Thiện để đặt tên cho tập sách này là:

Hiu hắt Quê hương bến Cỏ hồng

Tất nhiên, quê hương mà Phạm Công Thiện đã dùng trong câu thơ trên, không chỉ là Quê hương đất nước mà tôi đang sống mà còn là quê hương tâm linh mà tôi đã lên đường tìm kiếm từ thuở còn để chởm nữa.

Những người trẻ tuổi trưởng thành giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, chắc chắn không ai là không ảnh hưởng ít nhiều bởi những tên tuổi này.

Riêng tôi, trong buổi xế chiều của cuộc đời, mỗi khi ngồi hồi tưởng lại những ngày được sống bên cạnh Bùi Giáng, Phạm Công Thiện và Tuệ Sỹ giữa lòng Sài Gòn hoa lệ thì tôi lại ngậm ngùi nhớ đến đoạn văn của văn hào Pháp Saint-Exupery mà Bùi Giáng đã dịch một cách tài hoa trong cõi người ta như thế này:

“Đời vốn như thế. Ban đầu vào cuộc sống, chúng ta giàu, giàu nhiều, giàu nữa. Trong bao nhiêu năm, chúng ta trồng cây tỉa hột, nhưng ngày tháng trôi, năm sầu lại, thời gian phá vỡ mất công trình, cây rừng bị chặt, bạn hữu từng người rơi rụng. Bóng tùng quân nghìn tầm xiêu đổ, cái con người trơ trụi còn nghe rõ trong hoang liêu mối ngậm ngùi xuân xanh xa mất”.

Với Quách Tấn và Võ Hồng lại là một trường hợp khác, không “sấm sét” không “mãnh liệt”, như Bùi Giáng, Phạm Công Thiện và Tuệ Sỹ, nhưng tôi có thể ví họ như rặng núi, dòng sông hay đồng lúa chín vàng nghĩa là lúc nào họ cũng sống êm đềm trong tâm hồn của tôi.

Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, thành phố Nha Trang buồn hiu hắt, nên tôi thường đến thăm Quách Tấn và Võ Hồng. Tôi còn nhớ một lần Quách Tấn tiễn tôi ra tận cổng, nhà ông nhìn ra chợ Đầm, tức là nhìn về hướng tây. Hôm ấy là buổi chiều mùa hạ, ráng đỏ rực ở phía chân trời. Ông nhìn ráng đỏ rồi cao hứng đọc cho tôi nghe một bài thơ trong Mộng Ngân Sơn của ông:

Mộng giáp ngày sen nở
Hẹn về thăm viếng nhau
Chiều chiều ra tựa ngõ
Mây ráng nghẹn bờ lau.

Bây giờ ngồi nhớ lại buổi chiều mùa hạ năm đó, tôi cứ nghĩ bâng quơ trong đầu rằng, nếu Quách Tấn còn sống đến bây giờ thì chắc ông buồn lắm, vì nhiều ngôi nhà cao tầng đã che khuất hết bầu trời Nha Trang mất rồi, đâu còn để ông ra đứng nhìn ráng đỏ vào những buổi chiều mùa hạ nữa?

Không còn hoài nghi gì nữa, đất nước càng phát triển, càng đô thị hóa thì con người lại phải sống nghẹt thở vì bị li cách với thiên nhiên bấy nhiêu.

Vì thế, chẳng phải những thi phẩm như Mộng Ngân Sơn, Đọng Bóng Chiều hay Giọt Trăng của Quách Tấn lúc này cần thiết cho chúng ta như cơn gió nồm thổi đến để xua tan đi cái oi bức của mùa hạ hay sao?

Còn đối với Võ Hồng thì từ khi ba người con của ông lần lượt đi định cư ở nước ngoài, chỉ còn lại một mình ông heo hút trong căn nhà xưa. Trong bài thơ có tên là Di Ngôn, ông đã nói cho các con ông biết cái cảm tưởng của ông như thế nào đối với ngôi nhà mà trước đó ông đã từng sống với các con mình:

Mình cha căn nhà xưa
Trông vừa quen vừa lạ.

Còn đời sống hằng ngày của ông thì sao? Ông không quên cho các con ông biết:

Không còn ngày gian khổ
Chỉ dư ngày tiêu điều.

Đọc bài thơ Di Ngôn khiến tôi lại nhớ đến truyện ngắn Giã Từ Tuổi Thơ có đoạn Võ Hồng viết:

“Trong sự im vắng của đêm nay, màu đỏ và màu vàng của nét chữ bất động như tăng thêm niềm cô đơn. Tội nghiệp thay là những tĩnh vật. Mỗi ngày mỗi hoen úa, mỗi tàn phai, màu sắc mờ đi, mưa gió gặm mòn đi, những hàng chữ không còn sắc sảo, rộn rã như ngày mới trình diện lần đầu”.

Chắc chắn do quá nhiều đêm dài mất ngủ vì tuổi già một mình trong căn nhà xưa đầy ắp những kỷ niệm, nên ông mới cảm nhận được hết nỗi tàn phai không phải chỉ kiếp người thôi, mà còn lắng nghe được cả tiếng thở dài não ruột của những tĩnh vật vô tri vô giác kia nữa.

Sở dĩ tôi đem chuyện cô đơn của Võ Hồng ra nói ở đây, vì tôi nghĩ rằng bất cứ một nghệ sĩ đúng nghĩa nào cũng đều cô đơn. Không hẳn sống một mình mới gọi là cô đơn mà đôi khi ôm ấp một hoài bão, một ước mơ nào đó mà không có ai để chia sẻ, để tâm sự thì cũng rơi vào cô đơn.

Trong truyện ngắn Lá Vẫn Xanh, Võ Hồng kể rằng, một hôm vô tình đọc được một dòng tin ngắn trên một tờ báo, báo viết rằng, có một nhà tiên tri người Ý tiên đoán rằng vào ngày 14 tháng 7 là ngày tận thế. Tác giả thì tính từng ngày, nhưng ông ngạc nhiên, tại sao trước một tai họa khủng khiếp sắp giáng xuống trên đầu của nhân loại như thế mà mọi người vẫn vui chơi nô đùa, ngay cả những đứa con của ông:

“Trưa hôm đó, chàng nhìn lũ con ăn uống ngon lành mà thương hại. Có lẽ nên cho chúng biết rằng, ngày mai là tận thế đi, để chúng tùy nghi sửa soạn lấy”.

Vậy là tất cả những con người sáng tạo đều cô đơn, vì họ đã giành quá nhiều tình thương và ước mơ cho con người và cuộc đời nhưng đau đớn thay con người và cuộc đời không hiểu họ nên họ đành phải ôm nỗi cô độc đó gửi vào trong các sáng tác của mình.

Những bài viết trong tập sách này không hẳn là những bài nghiên cứu về văn học, thi ca hay tư tưởng của họ, mà mục đích của tôi giản dị chỉ là ghi lại những năm tháng mà tuổi trẻ tôi đã may mắn được gần gũi và nhất là được chia sẻ một chút vui buồn trên hành trình đi tìm cái đẹp của họ mà thôi.

Sau cùng, nếu có sai lầm hay khuyết điểm nào thì xin các bậc thức giả và bạn đọc rộng lượng bỏ qua.

Nha Trang mùa Xuân Kỷ Hợi

(2019)

Thích Phước An



Chuyên mục:Lotus Media, Tác giả - Tác phẩm, Văn Chương

Thẻ:

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: