Thượng Tọa Thích Phước An, 20 năm trước, kỷ niệm lần vấn an Hòa thượng Thích Huyền Quang
đang bị lưu đày ở chùa Phước Quang, Quảng Ngãi. (Ảnh tư liệu Phật Việt)
Lời thưa:
Ngày 08 tháng 10, 2003, một tuần lễ sau Ðại Hội Bất Thường tại Tu Viện Nguyên Thiều cung thỉnh thành viên Viện Tăng Thống và Ban Chỉ Ðạo Viện Hóa Ðạo GHPGVNTN, Hòa Thượng Huyền Quang, Hòa Thượng Quảng Ðộ và chư tôn đức lên đường vào Sàigòn nhưng thoạt đầu đã bị các cơ quan an ninh chính quyền ngăn chận, làm khó không cho đi.Song, sau cùng thì họ cũng đành để quý Thầy đi tiếp. Đoàn phải nghỉ đêm ở Viện Phật Học Hải Ðức tại Vạn Giả chờ hôm sau lên đường nhưng khi đến đồn biên phòng Lương Sơn* ngày 09-10-2003, thì bị chận bắt. Họ đưa Hòa Thượng Huyền Quang trở lại quản thúc ở Tu Viện Nguyên Thiều, cách ly HT. Quảng Ðộ khi đưa Thầy về Thanh Minh Thiền Viện; Thượng Tọa Tuệ Sỹ và Thượng Tọa Thanh Huyền bị đưa về Công an quận Gò Vấp, sau đó cả hai nhận bản án quản chế, Thượng Tọa Viên Ðịnh bị đưa về Công an quận Bình Thạnh cũng với một bản án quản chế, như Thượng Tọa Nguyên Lý, Tổng Thủ Quỹ VHÐ.Cùng thời gian này, một trong những thành viên của Giáo Hội vừa được công cử bấy giờ có Thượng Tọa Thích Phước An, tại Phật Học Viện Hải Đức, đã bị chánh quyền Cộng sản áp lực buộc từ chức Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa và không được tham gia các hoạt động của Viện Hóa Ðạo. Do đó mà Thượng Tọa (nay đã là Hòa Thượng) mượn lời hứa hảo của các cấp chính quyền, để có tờ thư tường trình thâm ý, khẳng khái trả lời cho nhà nước cộng sản, nguyên văn:
Tôi được sống với GHPGVNTN từ 10 tuổi, một Giáo Hội đã nuôi dưỡng và giáo dục tôi, bởi vậy, dù từ năm 1981 nghĩa là năm Giáo Hội bị cấm hoạt động chỉ nói miệng mà không có văn bản, thì tôi vẫn âm thầm sống chung thủy với Giáo Hội ấy trong lòng tôi, vì tôi nghĩ đó là thiêng liêng là đạo lý uống nước nhớ nguồn, một điều mà Đảng và nhà nước rất đề cao trên phương diện truyền thông đại chúng từ năm 1986, nghĩa là năm chính thức đổi mới, và mới đây nhất vào ngày 2 tháng 4 nam 2003 cuộc gặp bất ngờ giữa Thủ Tướng Chính Phủ và Hòa Thượng Huyền Quang tại Hà Nội, trong buổi gặp ấy, tôi nghe trên đài truyền hình Thủ tướng có nói với Hòa thượng rằng: Tất cả những sự ngược đãi mà Hòa Thưng đã gánh từ hơn 20 năm qua chỉ là do cấp dưới làm sai. Rồi mới đây nhất, Nghị quyết số 7 của Trung Ương Đảng Về Đại Đòan Kết Dân Tộc có nói rằng Đảng và nhà nước tôn trọng nhiều ý kiến khác nhau miễn là ý kiến đó đưa đến lợi lạc đất nước kể cả hôn 2 triệu Việt Kiều mà thời bao cấp gọi là “bọn phản động ở nước ngoài” cũng đều được Đảng và nhà nước kêu gọi hãy quên dĩ vãng để cùng nhau xây dựng tổ quốc. Phấn khởi nhất là tôi nghe qua thông tin, chính Thứ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Đình Sơn đã đích thân đến San Jose và Paris để gặp những người lãnh đạo Việt Kiều.
Với niềm tin hy vọng đó, hy vọng vào một ngày mai cởi mở hơn, nên khi Hòa thượng Huyền Quang bảo tôi làm việc cho Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất, lúc đầu tôi từ chối, vì sợ nhiều khó khăn cho bản thân tôi tại Nha Trang, nhưng HT nói rằng: Mọi khó khăn rồi sẽ đi qua và chúng ta hoạt động cho PGVN có nghĩa là chúng ta góp phần đóng góp cho dân tộc trong công cuộc đổi mới hiện đại hóa và công nghiệp hóa dân chủ, văn minh và công bằng cho xã hội.
Bởi vậy tôi đã vâng lời Hòa Thượng nhận chức làm về văn hóa mà Hiến chương của GHPGVNTN gọi là Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa. Tôi nhận mà không e ngại gì lắm, bởi nghĩ rằng: Những thế lực thù địch của dân tộc ở nước ngoài mà nhà nước còn chủ trương đối thoại để tìm ra một mẫu số cho đất nước thì GHPGVNTN một Giáo Hội đã có đóng góp trong hai cuộc kháng chiến không lý gì nhà nước không trao đổi và đối thoại.
Bởi vậy, xin nhắc lại hiện tôi là thành viên GHPGVNTN. Tôi rất hãnh diện và nhận lãnh trách nhiệm này.
Người tường trình
Thích Phước An
* Sự biến Lương Sơn: Vào thượng tuần tháng 7, và trung tuần tháng 9 năm 2003 vừa qua, các vị lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) tại Việt Nam đã triệu tập hai phiên họp đặc biệt tại Nguyên Thiều, Bình Định, để đi đến quyết định tổ chức lễ Khai Mạc Đại Hội Bất Thường (ĐHBT) vào ngày 1/10/03. Mặc dù trong suốt thời gian trước ngày ĐH, CSVN đã tìm đủ cách ngăn cản, hăm dọa, ĐHBT vẫn được tiến hành đúng như dự định. Tuy nhiên, đến ngày 6/10, chính quyền CS địa phương đã yêu cầu được làm việc với Hòa Thượng Quảng Độ và Thầy Tuệ Sỹ. Trong buổi làm việc này, chính quyền CS tuyên bố việc tổ chức ĐHBT là “vi phạm pháp luật”, đồng thời thông báo thời hạn tạm trú tại Nguyên Thiều của HT Quảng Độ và Thầy Tuệ Sỹ đã hết hạn. Sáng ngày 8/10/03, cùng với HT Huyền Quang, HT Quảng Độ, và các Thầy Tuệ Sỹ, Thanh Huyền, Viên Định, Nguyên Lý, Minh Hạnh, Đồng Thọ, Nguyên Vương, lên xe rời tu viện, để về Sàigòn, thì bị CS chặn lại không cho đi, với đủ lý do được CS ngụy tạo cực kỳ phi lý, cùng nhiều hành động do CS giật dây, hệt như một lũ cướp rừng. Sau đó, trước sự phẫn nộ của trên 200 tăng ni và hơn 1,000 đồng bào Phật tử, CSVN đành phải giả vờ nhượng bộ để cho xe khởi hành vào lúc 3.30 chiều, để rồi 9.30 sáng hôm sau, tại Lương Sơn, một lực lượng công an CS võ trang roi điện đã chặn bắt các thầy, tự tiện lục soát, tịch thu đồ đạc… Trong những ngày tiếp đó, CSVN điên cuồng gia tăng các biện pháp đàn áp GHPGVNTN như đưa HT Quảng Độ về quản thúc tại Thanh Minh Thiền Viện ở Sàigòn, quản chế HT Thích Huyền Quang tại tu viện Nguyên Thiều, Bình Định, áp đặt lệnh quản chế 2 năm đối với Thầy Tuệ Sỹ, ban hành khẩu lệnh quản chế đối với Thượng Tọa Thích Thái Hòa, bức bách Thượng Tọa Thích Phước An phải từ chức Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hoá GHPGVNTN mà ngài mới được suy cử. Ngoài ra, hàng ngàn công an CS cũng được lệnh tăng cường theo dõi tất cả các tu viện của GHPGVNTN đồng thời thực hiện hàng loạt biện pháp sách nhiễu, o ép, khủng bố các vị lãnh đạo GHPGVNTN.
Trước hành động ngang ngược đàn áp tôn giáo của CSVN, dư luận trong và ngoài nước đều sôi sục, phẫn nộ. Tại VN, Hòa Thượng Thiện Hạnh đã tuyệt thực kể từ 10 giờ sáng Chủ Nhật 19/10; Tại Mỹ, Hòa Thượng Thích Hộ Giác đã ra Thông tư khẩn kêu gọi GHPGVNTN tại các Châu tổ chức tuyệt thực, phản kháng trước các đại sứ, lãnh sự quán của CSVN (xin xem chi tiết trang 31); Tại Châu Âu, Ủy ban Bênh vực Nhà Văn bị cầm tù thuộc Văn Bút Quốc Tế (Writers in Prison Committee/ P.E.N. International) cũng ra văn thư phản đối CSVN quản chế 3 tu sĩ Phật Giáo nổi tiếng. Đặc biệt, Mạng Lưới Tuổi Trẻ VN Lên Đường cũng đồng loạt mở chiến dịch Niềm Tin Thắng Bạo Lực tại nhiều thành phố, quốc gia trên thế giới để phản đối CSVN và hậu thuẫn GHPGVNTN. Trước những diễn biến ngày càng phức tạp và nguy hiểm tại VN, trước những thử thách ngày càng lớn cho GHPGVNTN cũng như cho quyền tự do tôn giáo tại VN, sau đây, SGT trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả, trong 2 số báo, bài tường thuật các diễn biến một cách rõ ràng linh động, đồng thời phân tích các sự kiện chìm nổi một cách sắc bén của Thầy Tuệ Sĩ, qua bài viết nhan đề “Sự Biến Lương Sơn” (VB).
Chuyên mục:Nhân vật - Sự kiện, Nhân vật, Sự kiện
Trả lời