Hoài Khanh: Cho Lòng Thở Than

Có một hoặc nhiều thân phận bèo bọt nào đó, như là Cánh Đồng Bất Tận của Nguyễn Ngọc Tư tân thời, hoặc hơn thế nữa đã từng thấy ở “cái ao của chị Năm” trong chuyện Hoài Khanh xa xưa, mà khi đọc, dù muốn hay không, thời gian sẽ kéo ta quay lại một trời oan nghiệt điêu linh lịch sử. Chỉ khi thật quay lại, là chính mình, tất thấy ý nghĩa của một tờ báo như Giữ Thơm Quê Mẹ và những bài văn, thơ của những gương mặt văn nhân lẫy lừng miền Nam từng góp bút chung trên diễn đàn thời văn buổi ấy. Trong một bài viết về báo chí Phật Giáo trước năm 1975, đăng trong mục Văn Học Nghệ Thuật hàng tuần của nhật báo Người Việt, tác giả Viên Linh có từng đề cập đến tờ báo này, giới thiệu khá đặc biệt số đầu ra mắt. Duy chỉ có một điểm mà chúng tôi được biết, Giữ Thơm Quê Mẹ không chỉ đình bản sau 6 số, mà trên thực tế báo đã phát hành đến số thứ 12. Chúng tôi xin được giới thiệu một bài viết tiêu biểu ở số báo ra mắt này của nhà thơ Hoài Khanh, được các em GĐPT vừa giúp đánh máy lại; cũng như phổ biến một lần nữa bài báo của nhà báo Viên Linh nói trên. – UN

 

Cái ao nước đó, cánh đồng đó, khuya hôm nay bỗng sáng chói trong linh hồn chị Năm một cách xót xa tê dại. Đó là một trong muôn vàn cái ao, cánh đồng Việt-nam hay rộng hơn của Á-châu đau khổ đang phản chiếu lại cùng tận những gì là khốn khổ, thê lương của mỗi linh hồn đau khổ, bơ vơ, trong đó, khuya hôm nay có một chị Năm đang lắng nghe, đang lắng nghe.

Đã lâu rồi chị Năm không biết khóc nữa. Nhưng khuya hôm nay những dòng lệ thi nhau lăn xuống đôi má nhăn nheo của chị như những giọt sương nào lăn xuống những cọng cỏ đã khô. Chị nằm đó một cách bất động- đang lắng nghe tiếng côn trùng nỉ non bốn phía, thỉnh thoảng căn nhà tăm tối bỗng vụt lóe lên những tia chớp ngời sáng rồi tắt lịm, như tiếng một con dế đang hăng hái gáy rân bỗng tắt lịm.

Chị hình dung đến một con rắn mổ vào đầu con dế như chị đã thấy trưa hôm kia con ve đang cất tiếng hát bài ca mùa hè bất tận của nó thì một con cắc-kè lừ-lừ, lạnh lùng mổ vào đầu con ve nghe một cái “cụp” khô khan và rồi khoảng không gian như đọng cứng lại với cái oi bức của trưa hè vắng lặng mêng mông, dàn trải ra trong linh hồn chị một nỗi xót thương cùng cực.

Chị không hiểu sự đời sao lại như thế! Con ve và con cắc-ké. Con rắn và con dế. Và cánh đồng quê làng mỗi đêm đen tối, thỉnh thoảng đằng cuối chân trời vụt lên những tia chớp cũng một cách thế lạnh lùng, tàn bạo như hình ảnh con ve và con cắt ké. Làm sao biết chị nghĩ gì với những hình ảnh mà có kẻ cho là thơ mộng đó. Ấy là những ngày Việt-nam hắt hiu tự bao đời với vô vàn sự sống và sự chết. Ấy lànhững đêm Việt-nam với vô vàn mộng mị và khổ đau. Một chị Năm quê mùa chất phác có suy nghĩ gì đâu. Chẳng qua những hình ảnh đó ngẫu nhiên đến với chị, và đến trong một kỷ-niệm khó phai mờ.

Cũng khuya nay chị lắng nghe trong xương máu mình rung động lên nhịp điệu dậy lừng của thời con gái. Và thời con gái đã trôi qua đem đến cho chị một vết thương theo với tháng ngày dai dẳng của một đời lạnh lẽo khôn nguôi. Người ta chắc phải sinh ra để sống với một vết thương. Bởi vì người ta không ai lại chẳng thương mình.

Như thế, hẳn là chị Năm có đủ duyên cớ để thương mình gấp bội hơn ai.

Thời con gái, tình yêu đã đến với chị Năm một cách đằm thắm, dung-dị. Có gì đâu, một sớm kia, sự tình cờ dun rủi đã khiến chị gặp anh Năm. Lúc đó, anh Năm là một chàng trai chăn trâu mướn cho một điền chủ trong làng. Bữa nọ anh lơ đễnh thế nào mà để trâu vào ăn và đạp phá vườn của ông Hai Lý. Ông Hai Lý giận lắm quát tháoom-sòm khi cột hai con trâu vào gốc mít.

– Có chuyện gì vậy ba? Chị hỏi, chị là con gái thứ hai của ông Hai Lý.

– Trâu nhà ai thả vào dậm nát hết vườn chớ gì. Tao cột lại đây để ai là chủ nó thì phải bồi thường. Tức lắm không chịu nổi. Đâu phải cây trái tự nhiên nó mọc. Làm hết hơi hết nghỉn mới coi được mát mắt một chút chớ phải chơi đâu.

Và chị Năm cũng căm tức nữa. Chị biết rằng vườn tược xanh tốt là do sự cần cù chăm sóc của ba chị và chị để kiếm hoa lợi nuôi bốn đứa em nhỏ-Má chị mất cách đây bốn năm sau cơn bịnh trầm kha suốt mười mấy năm trời. Do đó mà gia đình đã nghèo lại khổ hơn. Tự nhiên chị cảm thấy thương ba chị vô hạn. Và càng thương ba chị càng cảm thấy căm giận kẻ nào đã thả trâu vào dẫm phá vườn chị.

Nhưng kẻ thả trâu vào vườn chị vốn là một chàng trai. Và chàng trai đó đủ sức làm chị thảng thốt tâm thần khi chị gặp mặt. Sự xuất hiện của chàng trai có một cái gì như hình ảnh khổ đau của gia đình chị lãng vãng, nhất là qua điệu bộ bi thảm và giọng nói phân trần chân thực của anh ta:

– Xin bác thương tình tha cho cháu, cháu nghèo khổ mới đi làm thuê ở mướn cho họ, đặng kiếm tiền…

– Chú mày làm có tiền thì phải bồi thường những thiệt hại này chớ không thương tình gì ráo trọi.

– Dạ cháu định nói là cháu làm kiếm tiến để nuôi ba cháu. Ba cháu bị bịnh bại nằm liệt giường mấy năm nay.

– Thôi mệt lắm rồi. Giọng nói ông Hai Lý lạt hẳn xuống.

– Xin bác thương mà tha cho cháu, thuốc men cho ba cháu còn chưa đủ lấy gì mà bồi thường. Tội nghiệp cháu mà bác. Giọng anh Năm lúc đó trầm lắng xuống và dư vang âm ỉ tỏa rộng raphủ trên tâm hồn chị Năm khi chị hai tay chắp đằng sau đứng dựa vào vách lắng nghe. Hốt nhiên chị nghe trái tim chị đập rất rất mạnh và nhanh. Và chị cũng biết rằng ba chị đã động lòng – có thể ông Hai Lý sẽ nghĩ đến bà Hai Lý.Có thể ông sẽ nhớ đến tuổi trẻ của ông không còn nữa.

Vậy là hôm ấy có hai trái tim đã cùng đập rất mạnh và nhanh khianh Năm quay cặp mắt hoảng hốt, ngờ nghệch của mình về phía chị Năm: hai cặp mắt dường như nói rất nhiều, và có thế nói rất lớn hơn tất cả những chiếc loa trên cõi đời hiệntại mà ta thường nghe. Và chị Năm vội chạy xuống nhà bếp.

Cố nhiên, sau cùng anh Năm khỏi phải bồi thường gì cả. Nhưng có một điều mà anh Năm vượt qua một cách khó khăn là việc anh cậy người đến cưới chị Năm. Ông Hai Lý thì không ghét gì anh, còn trái lại là khác. Song cái khổ mà gia đình ông đã kinh qua, khiến ông lạnh lùng dững dưng trước hai trái tim đập mạnh đó. Ông đã biết thế. Ông cũng thương “con Liên nó giống mẹ nó lắm”, ông thường khoe với người ta như vậy. “Song nếu thương thì phải cương quyết”, ông tự nghĩ“bởi vì một đời cha mẹ nó đã khổ, lẽ nào con Liên cũng khổ nữa hay sao!”.

Đó là những tình tự của Á-châu đau khổ, nghèo nàn. Ớ đó, những đêm nằm không ngủ nghe bốn bên vẳng lên tiếng côn trùng thao thức như dòng suối róc rách trôi chảy không ngừng, như cuộc đời đi mãi những thế hệ: bởi  sau cùng chị Năm cùng anh Năm đã tạo ra một đứa con trai ngộ nghĩnh. Nó tên là Luân. Trần văn Luân.

Khi bé Luân được mười hai tháng thì có tin “Tây lại đổ bộ lên đất nước Việt-nam yêu dấu của chúng ta” và ít hôm sau thì có tin Tây sắp đi bố vùng quê làng chị Năm. Chị bàn tính với anh Năm nên đi trước “Đàn bà với con nít bề gì cũng không đến nỗi nào”. Chị nói và hối thúc anh Năm nên đi tránh trước. Nhưng sáng hôm sau thì làng kề cận khói lửa đã bốc cao và súng đã nổ một cách dòn dã, một cách ngẩn ngơ, lạc lõng bởi từ lâu làng quê vốn im lặng đìu hiu.

Chị hối hả bồng bế bé Luân chạy theo đám đông. Khi ấy những cành gai mắc cỡ dưới chân chị vừa cộm nhứt vừa mát lạnh bởi những giọt sương. Đó là một buổi sáng nào như sáng nay, nhưng là một buổi sáng của dân làng hốt hoảng, một buổi sáng không còn cạnh những bát chè xanh bốc khói đang khởi đầu thêm một ngày bình lặng, quen thuộc của làng Bình Thới Trung, một buổi sáng mà sự bình lặng quen thuộc chợt vỡ tung ra như tiếng “xoảng” vang vọng khô khan của một cái chén rơi xuống nền nhà. Đó là một buổi sáng của chị Năm. Vâng, phải nói rằng đó là một buổi sáng duy nhất mà chị Năm đã trải qua. Một buổi sáng mà chị biết thế nào là thương yêu, hối tiếc, đau khổ, xót xa. Đó cũng là một buổi sáng của Á-châu, nơi ánh mặt trời lên rất đẹp, vì những dòng sông lóng lánh, phản chiếu cứ trôi chảy mãi không ngừng.

Khuya hôm nay, cái ao đó, cánh đồng đồng đó, buổi sáng đó sống lại trong trí nhớ chị một cách rõ ràng khi chị chợt nghe trong tiềm thức vẳng lên tiếng hát ru em của bác Liêu. Bác Liêu là người đàn bà miền Bắc, theo chồng vào Nam đã lâu, tận cái thời theo đợt tuyển nhân công cho đồn điền cao su. Bác Liêu vào đây đã lâu, nên giọng hát của Bác như có một sự giao nối giữa hai miền; nhất là giữa trưa vắng vẻ của làng quê hoặc những đêm mưa rã rích trên mái lá, cạnh ngọn đèn dầu, người ta nghe giọng hát ấy ngân dài ra một cách tức tửi, một cách xót xa bởi lời hát bình dị dường như đã được người hát phổ vào đấy linh hồn mình. Linh hồn của một người đàn bà Á-châu nghèo nàn, khốn khổ không biết bởi vì đâu!

Người ta thường đem câu chuyện của bác Liêu ra bàn tán. Qua những câu chuyện ấy ta biết rằng bác Liêu trai đã bỏ xác ở một đồn điền xa xôi vì lam sơn chướng khí và vì những lý do không ai biết được. Bơ vơ lạc lõng, bác Liêu đành phải ở mướn làm thuê kiếm tiền nuôi mấy đứa con. Đôi khi quá buồn bác cũng nhậu nhẹt thẳng tay nên đã say sưa đến đỗi. Nằm lăn giữa đường. Chửi rủa tục tĩu. Đập phá đồ đạc. Xóm làng ai cùng khinh ghét bác. Nguyền rủa bác là người đàn bà hư đốn “Thứ đàn bà mà uống rượu thì còn ra cái nước mẹ gì.”

Duy chỉ có một người có thể “thông cảm” hoàn cảnh bác Liêu ấy là chị Năm. Phải nói rằng chị Năm hết sức thương yêu bác. Vì qua giọng hát tức tửi, xót xa đó chị Năm như cảm nghe được cái hình ảnh bi đát hẩm hiu của người đàn bà góa bụa và lại xa cách quê hương. Quê hương xa rồi là xa cả những hoài vọng thiết thân tự thuở mình biết thở nhịp thở đầu tiên của một đời sống: nhịp thở rất yếu mềm song rất keo sơn gắn bó với trời đất giao hòa. Người chồng mất rồi là mất cả niềm vui sâu rộng, là mất hết sự đau khổ cao vút huy hoàng của ánh mặt trời lên. Bởi những người như chị Năm và bác Liêu lấy chồng không phải để sung sướng tấm thân, lên xe xuống ngựa, nhưng là để thiết lập bảng giá trị mới của riêng mình: sống trong mối sầu như sông và niềm vui như núi, và dựng lại cuộc đời mình qua hình ảnh của một Trần văn Luân chẳng hạn.

Sau buổi trưa duy nhất ấy, chị Năm đã trở thành là một kẻ xa quê. Cũng là sự tình cờ dun ruổi hình ảnh quê hương chợt hiện lên trong tâm hồn chị qua tiếng hát của bác Liêu. Có gì lạ lắm đâu. Nếu có một tấm gương đối diện, ta sẽ thấy ngay mặt mình. Cái mặt vừa hiện lên rõ ràng vừa chập chờn thoáng hiện, bởi vì khi ta nhìn cái mặt ta, nó không còn là cái mặt: nó là một đối diện trong gương đã mất đi những khung trời tưởng nhớ.

Mặt trời lên vừa khỏi ngọn cau- Người ta nghe tiếng chó sủa dồn dập đằng xa rồi càng lúc càng gần hơn. Khói. Nắng. Cánh đồng như nghe được sự đổ vỡtrong cơn gió hắt hiu, xào xạc. Đất nghe rền lên thình thịnh của những bước chân. Rất nhiều bàn chân hối hả. Những bàn chân không còn bước đi trên trái đất về nẻo chân trời. Những bàn chân lạc mất nhịp điệu hòa hài: hối hả, dồn dập, ngơ ngác, lưỡng lự.

Đúng là những bàn chân không thấy con đường về cõi trú ngụ. Những bàn chân đang quằn quại chọn lựa giữa lẽ sống và sự chết. Những bàn chân hớt hải như con kiến, đang lăng xăng chạy tới chạy lui trên một khúc củi đang cháy dở. Những bàn chân ấy ai biết sẽ về đâu ? Và súng nổdòn dã. Và khói bốc cao, bốc cao. Và mặt trời lầm lì ướt đẫm mồ hôi.

Có tiếng đứa bé khóc thét lên từng hồi cùng với tiếng vang rền của từng những bàn chân nện xuống bờ ruộng thình thịch. Đứa bé càng khóc thét lên. Súng càng nổ gần hơn với khói bốc cao lên tận chân trời. Tiếng chó sủa vọng theo cơn gió bùng lên lắng xuống từng hồi như sự ngổn ngang dàn trải lên cánh đồng cháy nắng chói chang. Buồn thay đứa bé vẫn khóc và khóc một cách không gì cản nổi.

Có tiếng thét lên lanh lảnh như một mệnh lệnh của Thượng Đế ác nghiệt:

– Bóp họng nó lại hay là mấy trăm người sẽ chết.

Tiếng thét như một nhát dao chém xuống dưới nước thật mạnh, dư âm của nó là một sự bất thần vụt điếng lặng mênh mông. Những con mắt ngơ ngác tìm nẻo cảm thông. Rất nhiều những con mắt chớp lên nhìn xuống, ta trông như những con đom đóm lập lòe tìm lối trong đêm tối.

– Bóp họng nó ngay hay là liệng nó xuống ao! Trời ơi không thể chần chờ được.

Rồi như từ một cõi ma quái nào có tiếng nức nở vọng lên một cách rời rã, một cách đứt đoạn, một cách tan nát.

Được rồi bà con cô bác ơi tôi sẽ ném nó xuống ao, trời ơi tôi không thể nào bóp họng nó được nó tên Trần văn Luân nó mới được mười hai tháng tôi không thể nào hiểu được tôi sợ lắm anh Năm ơi con ơi cha mẹ tôi đâu… súng nổ… lửa khói — tôi sợ lắm tôi có biết gì đâu. Con ơi… trời ơi tôi sẽ ném nó xuống ao tôi sẽ ném nó xuống ao tôi sẽ ném nó xuống ao, trời ơi…!

Và những cái bọt nước bực lên sùng sục từng cụm, từng cụm rồi lan mãi lan mãi vào bờ, mặt ao lại lặng lờ phản chiếu một bầu trời rất đẹp vì từng khối mây trắng chồng chất ngổn ngang lên nền trời xanh biếc.

– Im lặng – Im lặng –  Im lặng – Im lặng. Thỉnh thoảng người ta nghe một tiếng nấc lên song đã được chận lại bởi sự dồn nén quá độ. Một tiếng nấc tức tửi, nhỏ nhoi, vô vọng nhưng ta nghe như đất trời đã rung chuyển bởi vì trong một buổi trưa người đàn bà chợt thấy cuộc đời khác hẳn. Cuộc đời đâu có cho ta được quyền mãi mãi yêu con. Ta là nó, nó là ta. Sao ta vẫn còn mà nó đâu?

Câu hát không có gì cả, nó chỉ có hai câu được lặp đi lặp lại qua giọng hát não nề của bác Liêu. Không biết ma lực nào đã gợi lên trong tiềm thức chị Năm tất cả những hình ảnh: quê hương, ấu thơ, tình yêu, đau khổ. Những hình ảnh ấy quay cuồng thoáng hiện qua giọng hát chợt trầm chợt bỗng theo nhịp võng kẽo kẹt đung đưa. Giữa một đêm khuya, tiếng hát bỗng bừng lên như tiếng nói vô cùng đích thực của cuộc đời. Một cách ray rứt. Một cách ẩn ức, xót xa. Câu hát ấy như vầy:

Trách trời sao khéo rạng đông,
Chẳng khuya chút nữa cho lòng thở than.

Phải nói thêm rằng câu hát này là của chị Năm. Của riêng biệt một chị Năm. Bởi vì chị Năm vẫn nằm đó – một cách bất động – trong căn nhà tối tăm mà thỉnh thoảng những tia chớp đằng cuối chân trời lóe lên cũng không sáng được bao nhiêu. Khuya khoắt – Tối đen – Im lặng – Duy chỉ có tiếng hát là lên thật cao – Thật cao vút tận bốn chân trời.

HOÀI- KHANH

 



Chuyên mục:Báo Chí Phật Giáo, Tác giả - Tác phẩm, Văn Chương

Thẻ:, ,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: