Nguyễn Hưng Quốc: Lời Mở Đầu tác phẩm “Sống Với Chữ” | tái bản với nhiều bài mới, 2021

SỐNG VỚI CHỮ
tái bản với nhiều bài mới
Tác giả: Nguyễn Hưng Quốc

Văn Mới xuất bản lần đầu 2002, tái bản, 2014
Lotus Media tái bản, 2021
Bìa và trình bày: Uyên Nguyên
ISBN: 978-1-716-10105-2
© Nguyễn Hưng Quốc & Lotus Media 2021. All rights reserved.

Lời nói đầu

1.

Tôi ao ước, một lúc nào đó, có thể viết nguyên cả cuốn sách vài ba trăm trang về một chữ. Bất cứ là chữ gì, nhưng chỉ một, xin nhấn mạnh: chỉ một chữ mà thôi.[1] Tôi tin là điều ấy có thể làm được: bất cứ chữ nào cũng có vô số các mối quan hệ với các chữ khác; một số khá nhiều còn có quan hệ với văn hoá giao tiếp, văn hoá chính trị và trình độ trí thức của xã hội. Và cần làm: những thay đổi trong ý nghĩa cũng như sắc thái tu từ của một chữ có khi tiết lộ nhiều bí ẩn trong nếp nghĩ và nếp cảm của một dân tộc hơn là cả những biến cố chính trị hay xã hội ồn ào và ngỡ như lớn lao. Tuy nhiên, để làm được điều ấy, cần có nhiều thì giờ. Trong khi chưa có thì giờ, tôi hay nghĩ ngợi bâng quơ về chữ. Cuốn sách này là kết quả bước đầu của những nghĩ ngợi bâng quơ ấy. Nghĩ ngợi bâng quơ về chữ có nghĩa là nghĩ ngợi không như một nhà ngôn ngữ học mà chủ yếu như một nhà phê bình văn học: điều tôi quan tâm nhất không phải là các khía cạnh ngữ âm, ngữ nghĩa hay ngữ pháp của chữ mà là màu sắc thẩm mỹ của chúng. Nhiều lúc tôi có cảm tưởng như tôi có thể phân biệt được chữ này nóng, chữ kia lạnh, còn chữ nọ thì yếu ớt, đứng liêu xiêu như sắp ngã trên trang giấy. Chữ, với tôi, giống như những sinh vật: chúng biết thở, biết làm duyên, biết phục kích, biết cào cấu và để lại trong tâm hồn người đọc những vết xước có khi cả hàng chục năm mới tan hết.

Ngoài các bài về ngôn ngữ, trong cuốn sách này còn có một số bài về văn học. Hầu hết các bài này đều được viết từ góc độ một người yêu chữ hơn là từ góc độ một nhà phê bình văn học: những vấn đề và những văn nghệ sĩ được đề cập đến với tôi một cách tình cờ, phần lớn từ lời mời gọi của các chủ bút cho một số báo đặc biệt nào đó, chứ không hẳn là một chọn lựa thuần tuý trên căn bản văn học hay mỹ học. Do đó, không nên đặt ra vấn đề: tại sao viết về người này mà không viết về người khác; tại sao quan tâm đến vấn đề này mà không quan tâm đến vấn đề nọ. Tất cả đều tình cờ. Và tất cả đều dừng lại ở những cảm nghĩ bâng quơ.

Cảm bâng quơ.

Nghĩ bâng quơ.

Sống với chữ, ai mà chẳng chìm đắm, có lúc triền miên, trong những nỗi niềm bâng quơ như thế nhỉ?

2.

So với bản in lần thứ nhất năm 2004, ấn bản này được sửa chữa và bổ sung khá nhiều. Những bài viết mới ấy cũng tập trung vào hai đề tài chính: ngôn ngữ và văn học. Và cũng có một văn phong: nhẹ nhàng. Như một thoáng bâng quơ.

_____________________________________

[1] Chữ, tôi dùng ở đây, chính là từ, word; không phải là mẫu tự, letter.

 

Vài nhận xét về Nguyễn Hưng Quốc

“Bình luận về thơ ở ngoài nước hiện giờ, chúng ta có một tài viết thông minh và xuất sắc: đó là Nguyễn Hưng Quốc.” (Mai Thảo, tạp chí Văn tháng 9. 1992)

“Nguyễn Hưng Quốc là một tay cự phách viết về thơ, ở ngoài cũng như ở trong nước Việt Nam.” (Đỗ Quý Toàn, Thế Kỷ 21 tháng 8, 1996)

“Nguyễn Hưng Quốc […] tỏ ra am tường về thơ Đông Tây kim cổ nói chung và thơ Việt Nam nói riêng, đọc nhiều, biết rộng, nhận xét tinh tế, tài hoa, trình bày mạch lạc giản dị và sáng sủa ngay cả những vấn đề phức tạp trừu tượng nhất. Nguyễn Hưng Quốc là một tài năng trong lĩnh vực phê bình lý luận thơ, điều đó không còn phải nghi ngờ.” (Đỗ Minh Tuấn, tuần báo Văn Nghệ 1. 3. 1997)

“Một số người ở hải ngoại đã nuôi ảo tưởng rằng nếu được tự do phổ biến thì văn học hải ngoại sẽ như một làn gió mới, gây nên những chấn động gì kinh khủng lắm. Có lẽ không như vậy. Gây chấn động bây giờ có phải dễ đâu. So với những sáng tác của hải ngoại thì có khi lối viết phê bình của Nguyễn Hưng Quốc lại gây tác động với trong nước nhiều hơn. Ông Quốc hội tụ được cả ba điểm: Một, tiếp thu được những lí thuyết mới; hai, nắm chắc văn học Việt Nam […]; ba, có một lối viết vừa là khoa học vừa là văn chương.” (Phạm Xuân Nguyên, Talawas 21. 4. 2005)

“[M]ột cây bút phê bình như anh [NHQ] tiếc thay đã không thể có ở Việt Nam.” (Đinh Bá Anh, Talawas 18. 5. 2005)

“[B]ộ môn phê bình ở miền Nam trước kia và hải ngoại bây giờ rất yếu. Có thể đếm trên đầu ngón tay những người phê bình có uy tín. Bây giờ điểm lại người có uy tín nhất hiện nay là Nguyễn Hưng Quốc, tiếp theo là Đặng Tiến, Bùi Vĩnh Phúc, Thụy Khuê, Trần Hữu Thục, Nguyễn Vy Khanh… và một vài người khác nữa.” (Nguyễn Mộng Giác, Talawas 14. 3. 2006)

“Chữ nghĩa đanh thép, lý luận sắc bén như Nguyễn Hưng Quốc không phải thời nào cũng có.” (Nguyễn Xuân Hoàng, VOA blog ngày 2. 9. 2010)

 

 

Có thể mua sách ở đây: https://www.amazon.com/S%E1%BB%90ng-Vietnamese-Nguy%E1%BB%85n-H%C6%B0ng-Qu%E1%BB%91c/dp/1716101050/ref=sr_1_1?dchild=1&keywords=Song+Voi+Chu&qid=1617816175&s=books&sr=1-1



Chuyên mục:Lotus Media, Tác giả - Tác phẩm, Trên kệ sách, Văn Chương

Thẻ:,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: