Uyên Nguyên: “Hoan hô văn hóa cởi truồng”

 

Giới trí thức cởi truồng cũng đẹp
kẻ ngu si giầy dép vẫn bần
(thơ Lưu Ðình Vong, Hoan hô văn hóa cởi truồng,
trích trong tập Thơ Giập Mật, Người Việt xuất bản 1988
tại California, Hoa Kỳ)

 

Chừ, có người đọc blog, rồi trách xa trách gần. Ở ngoài đời, mình giao du với bạn, nhưng trong số đó có nhiều ông nhà thơ nhà văn, ưa “văn(g) tục”!?

Chữ nghĩa là phong cách. “Thi sĩ làm thơ bán cả trời.” Cái phong độ tiêu giao tùng lâm chữ nghĩa không phải ai ai cũng có cùng một tầng số thậm thâm. Thằng thi sĩ tình nguyện đèo trên vai sứ mệnh vươn tới cái tuyệt đẹp, tuyệt đúng, tuyệt lành. Nhưng vì lãng mạn lý tưởng, “Văn chương văn nghệ chán chua người,” thơ văn vì vậy lắm lúc cũng khiến người đọc “giập mật!” Mà chính hắn, thằng thi sĩ, trước hết phải hứng chịu.

Ô hô! Ba tiếng khóc cười
bức tranh tị nạn vẽ người lưu vong
Lời đầu tập thơ Giập Mật

Con người lưu vong, không thể đổ hết cho vận nước điêu linh, cho phận người phiêu bạt. Con người lưu vong tự trong bản ngã khôn lường của chính hắn:

Thi sĩ làm thơ bán cả trời
đâu như vớ vỉn lũ đười ươi
no cơm tán vượn: gà ra cuốc
dửng mỡ bàn hươu: khỉ hóa người
Ðất nước rung rinh chồn lùi cáo
Non sông hỏa hoạn chuột lòi đuôi
Tốt làm các đấng khoe làm tốt
Tốt quá thành ra mất nước rồi.
(Lộn Ngôn, tr.15)

Các quan lớn đua nhau hồi ký
kể công lao cai trị của mình
chuyện từ trong phủ trong dinh
chuyện trên chuyện dưới chuyện mình chuyện ta
Nước đã mất cửa nhà tan nát
Dân điêu linh phiêu bạt xứ người
Tội, công năm đã rõ mười

Những oan hồn đồng đội phơi thây
hơn mười năm chốn tù đày
chết không nhắm mắt ngậm cười vì ai
nào ngờ vẫn mặt dầy mày dạn
cứ nhận mình là đấng thương dân
quẩn quanh Quít chịu Cam làm
Thầy đổ cho Bóng: Tôi oan Thị Mầu
Mất nước tại thằng Tàu, thằng Mỹ
Còn tôi thì đích thị… năm bờ oăn

Thương dân cái khố chẳng còn
thương lính, lính chết, thương (cái) con… có vòi!
Không chửi tục tức người anh ách

(Hồi ký quan lớn, tr.21)

Việt Nam chết đói quí ngài ơi!
Muốn gởi gạo về sợ nó xơi
Giải phóng hết đà dân rách mướp
Ðấu tranh quá mạng lính thèm khoai
Chú Linh phú lỉnh im như thóc
Cậu Oánh đi xin vác mặt dầy
Cộng sản hết cơm thành hậu sản
Mác, Lê còn sống cũng khoanh tay.
(Hết thuốc, tr.44)

Chưa lúc nào, tôi đọc nhiều thơ văn của thi nhân, nhất là ở trong nước hiện nay, một thể loại thơ tạm gọi là “giập mật” như cách nói của Lưu Ðình Vong ngót 25 năm trước ở ngoài này. Nhiều, và rất nhiều nữa là đàng khác:

… Nếu không thể chửi thề
ngươi sẽ chết vì câm nín
Nếu không thể chửi thề
ngươi sẽ là địa ngục
tôi nói với kẻ dẫn đường, tao muốn địt mẹ mày
bởi vì đó là niềm hy vọng cuối cùng
cho một sự thay đổi

Trong một bầu khí ngụy tín
bị đầu độc bởi một bọn lưu manh
ngôn ngữ khốn cùng, tôi chết
không một ai biết khóc
không một ai đeo tang
không một ai tự hỏi mình đã thật sự sống
tình yêu mạt rệp, tôi chết
không một ai bước lên ngọn đồi để quăng thân mình vào gió
không một ai bước xuống huyệt để đo sự giới hạn
không một ai tự hỏi mình có tự do không

Những viên gạch xếp hàng
những viên gạch không mang số
tôi chết vì mùi trong những khẩu hiệu

Những viên gạch nối dài mộ địa ở bên kia thế giới
lại mang tên sự sống
tôi nói với hàng chữ, địt mẹ chúng mày
mị dân

Viết dưới hầm mộ, thơ Nguyễn Viện

Bay về phương Nam trên một chuyến bay đang bị kiện tụng lằng nhằng
hình như mấy cái ốc bị bỏ quên dưới cánh máy bay lại không siết chặt
ngạc nhiên chưa
lang thang ngõ hẻm sài gòn sặc sụa mùi bia
nhậu lai rai với mấy thằng bạn già văn nghệ
mấy thằng bạn văn nghệ mềm như bún đang hăng tiết chọi nhau với quả đấm thép
mấy thằng văn nghệ bụng phệ kính mười đi ốp
mấy thằng văn nghệ chửi đổng như hát hay
cổ họng rắn hổ mang trơn tuột liếm mồi trong các hội đoàn
hóng hít chính trị như chó hít hóng cứt
ngạc nhiên chưa
mi (zê) bỏ đi miền tây cóc cần duyên cớ
chạm cốc ai bây giờ
không chán sài gòn
nhưng gớm ghiếc
rung mình nhận ra
cuộc cách mạng đang bị hành quyết
thoi thóp
chưa chịu chết
cách mạng hiện diện nụ cười em gái bãi nôn mua tởm lởm trên hè
cách mạng trà trộn cuộc tháo chạy bẩn thỉu của bọn cướp ngày trong các hang ổ nhà lầu biệt thự cao ốc nhầy nhụa
ngơ ngác cách mạng trong những câu thơ
cách mạng trầm ngâm trốn trong ánh mắt bà mẹ ngồi quay nước mía bên đường
cách mạng tụt quần điên cuồng điệu nhảy quán bar thác loạn
đêm sài gòn
ngạc nhiên chưa
chạm cốc ai bây giờ
đao mèo
Ðêm Sài Gòn, thơ Nguyễn Ðình Chính

2.
Lang thang qua phòng phát hành của Quách Hiếu, sáng nay tôi nhặt được tập thơ “Giập mật” của Lưu Ðình Vong, tức nhà văn Ðịnh Nguyên, do Người Việt xuất bản, 1988. Nói nhặt được vì nó đã quá cũ, và hiếm hoi ở nơi chốn xô giạt này, bởi còn rất ít người nói đến, hay chẳng thiết nói đến những điều tưởng chẳng liên can đến mình. Nhưng với chiều kích của một đời người bươn chải khốc liệt và tấm lòng tác giả, văn chương vẫn đâu đó giúp mình nhận diện lại giá trị thẩm mỹ của cuộc sống, đồng thời nhận diện lại xã hội còn diễn bày những tuồng bát nháo.

Orange lính ít, Quan nhiều
Nhân sĩ một đống, Thúy Kiều một dây
Orange mắt phượng, mày ngài
Áo khoe lông nách, quần lòi (cái) rún xinh
Orange là xứ phong tình
Chồng theo, vợ bỏ, mình mình, ta ta
Orange lắm quỷ nhiều ma
Quỷ là quỷ quyệt, ma là ma cô
Orange chính trị lắm trò
Hất cẳng anh nọ, bắt giò bà kia
Orange báo bổ lia chia
ganh ăn chụp mũ vi-xi (loạn) cào cào
Orange đủ hội tầm phào
Bố làm Bộ trưởng, con vào hội viên
Vợ thì Thủ quỹ đứng tên
Hỏi ra mới biết hội Tiền đấy thôi
Orange chính khách, nhân tài
Bàn chuyện cứu nước (trong) canh bài thâu đêm
Orange tối lửa tắt đèn
Lá rách cứ rách, lá lành (cứ) phây phây
Orange tên Mỹ, tên Tây
Tôtô ổi, Kyki Xoài hay ghê
Orange buôn bán trăm nghề
Cối xay cũng lắm, gà què cũng đông
Orange tìm vết, bới lông
Hễ mà mở miệng “Cộng đồng chúng ta…”
Cộng nào bằng Cộng… đô la
(Ca dao Orange County)

Bấy giờ, ở đâu cũng vậy. Thơ văn vì thế bay cao và xa hơn, tùy cơ mà thâu, hóa.

3.
Có điều, như nhà văn Nguyễn Mộng Giác nói trong lời giới thiệu cho tập thơ Giập Mật của Lưu Ðình Vong. Hẳn nhiên bay cao thì gặp gió dữ, song “bạn tôi không phải là cây lau vô tri phất phơ. Anh muốn vươn lên cao, tới cho được cái tuyệt đẹp, tuyệt đúng, tuyệt lành.”

Suy cho cùng, những bài thơ có một chút “văn(g) tục” thì thường không làm cho người đọc dễ chịu bao giờ, và có thể cả người đã làm ra nó. Nhưng từ đó, chúng ta có thể nhận ra rằng, có một mẫu số chung nào không, trong tình huống bi đát của đời sống văn học – văn hóa Việt Nam hiện nay, đặc biệt ở trong nước.

Ngày 21 tháng Tám, 2013
UYÊN NGUYÊN



Chuyên mục:Nhân vật, Sự kiện, Tác giả, tác phẩm, Tưởng niệm, Văn Chương

Thẻ:, ,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: