Đi đón chị Tạ Phong Tần, không mang theo cờ. Anh Ba “cà thọt” bị bạn rầy cắc cớ:
– Ông không thể hiện rõ ràng lập trường Quốc Gia!
Tự ái, anh Ba “cà thọt” bỏ về ngang. Trên đường về đưa tay sờ vết sẹo bằng chừng nửa cánh tay, từ bắp vế xuống đầu gối, vẫn lên cơn hành mỗi lúc trời trở lạnh. Miểng bom đã gắp ra rồi, thay vào đó là một thanh sắt.
Bước vào nhà, con Út hỏi:
– Ủa, sao Ba về sớm vậy, thấy hình ảnh nhộn nhịp ở phi trường mà kiếm hoài không thấy mặt ba?
– Ừ, tau không có lá cờ!!!
Anh Ba như muốn trút hết cơn uất lên con Út, nhưng kịp dằn lòng, nói lầm bầm vừa đủ nghe, rồi lẳng lặng bước tới bàn thờ, châm đèn thắp nén nhang cho Mẹ và chị con Út, chết biển.
Con Út như hiểu được tâm trạng của anh Ba “cà thọt”, nó tới đứng bên cạnh, xoa xoa lưng cha.
– Ba à! Ba, Má và chị Hai chính là ngọn cờ thiêng liêng của con…
Nghe đứa con gái nói, bất chợt anh Ba trào nước mắt…
*
Mỗi chúng ta là một lá cờ, mỗi lá cờ ôm giữ hình riêng và tình riêng. Bản chất một lá cờ khi bay, hiển hiện nhiều vẻ.
Bấy giờ, lá cờ là một lá cờ sống. Lá cờ đang hùng hồn bay, chung một ngọn gió.
Tất nhiên đây không phải là chân lý, nhưng một khi mình quá vin vào lá cờ vải để nhận diện và kết luận lập trường, hành vi của một cá nhân hay đoàn thể, thì ngược lại, sẽ có kẻ mượn hình thức đó để ngụy trang cho mọi mưu chước bất chính!
Mỗi chúng ta hãy cứ bay như một lá cờ, nhiều vẻ nhưng chung một ngọn gió nhân-nghĩa.
Tôi tin ngọn cờ tôi đang kính trọng, là biểu tượng của Nhân-Nghĩa chứ không phải chủ nghĩa!
Bolsa, tháng Chín, 2015
UYÊN NGUYÊN
Chuyên mục:Nhân vật, Sự kiện, Độc thoại
Trả lời