Uyên Nguyên – Quách Thoại, một hồn thơ tức tưởi

 

quachthoai

Tóc xanh tươi ta vội vã lên đường
(Quách Thoại)

Chưa hẳn buổi ấy, ra đi sớm sủa, là bất hạnh!

Yểu mệnh, có thể là điều đã khiến chúng ta kinh hãi, nhưng với Quách Thoại thì hình như ông chỉ xem nó như một lần hạ màn cuối tuồng, nói theo cách của nhà văn Mai Thảo:

Hạ màn, thế kỷ hết trò chơi.
Mai Thảo, Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền

Dù sao với Mai Thảo, cuộc đời vẫn còn có chút thi vị, chí ít là mượn cõi văn chương mà trau truốt lại. Nhưng với Quách Thoại thì lúc nào cũng dữ dội và nhẵn nhụi hơn:

Ôi con người thế kỷ ở trong tôi
đã cất xong ngôi mộ cạnh hồn đồi.
(Tôi khóc, tr.63)

Hay:

Ðịa ngục đen sầu thăm thẳm
trần gian tăm tối bơ vơ
hồn nhỏ buồn thương lệ thảm
nhìn ra xanh thắm đợi chờ.
(Nostalgie Blue, tr.65)

Hoặc:

Ai réo gọi hồn ta trong hiện tại
ta trở về một buổi sớm hồng mai
vũ trụ ơi ta đã sống đêm dài
thương những cái vô cùng viễn vọng.
(Ta đi, tr.66)

Sự chết luôn đợi chờ chúng ta, hay mình thì đang chờ đợi cái chết đến mỗi ngày thật gần, rồi nhiều khi bất ngờ! Quách Thoại trong cơn đau bệnh giật giã, đã nhắc đến sự chết vốn dĩ ấy, và sự chết luôn sẵn chờ như chính nó một cách rất tự tại không chút hoảng sợ, dầu có lúc nghe thê thiết và ai oán:

Ðêm tối về sờ soạng bóng ma chơi
(Ta sẽ đến, tr.79)

Sợ chăng, ông sợ “những con người thế kỷ” phải sống trong thời buổi ấy, rồi xót xa mong chờ một mùa Xuân sẽ được thắp lên.

Tôi đã đi trên những buổi chiều
Những buổi chiều của quá khứ
Rất cô liêu
Và mưa gió rất nhiều
Trên những buổi chiều Việt Nam
Rất thân yêu
Của ngày nay

Tôi cũng đang đi đây
Ôi đường dài xơ xác
Lá vàng heo may
Bóng dáng xanh xao
Những em bé ăn mày
Những người anh
Máu chảy cả đôi tay
Chiều chiến tranh
Những mẹ già run sợ
Vì tiếng súng cối xay
Đêm sắp tối rồi
Người ta đang giết nhau quá mê say

Tôi rất nhớ
Đến những phút chiều
Trên ngọn Hồng Lĩnh
Xa xa ở phía Tây
Ngoài kia vùng Bắc Việt
Nơi kẻ thù tôi
Và đồng bào tôi
Đang giết nhau

Ôi còn gì đớn đau
Loang lổ rồi trốn nhau Chiều về hấp hối
Trên Nhị Hà chảy mau

Kìa Cửu Long Giang cuồn cuộn máu
Giòng Hương đã đổi màu
Chiều về
Biết đâu mà nương náu
Quê hương tôi
Cờ đủ lối thay nhau

Tôi khóc đây rồi
Chiều về lạc lối
Những giây thép gai
Loài người tôi chia làm hai
Buồn hơn cả
Một tiếng thở dài
Sầu hơn cả
Một tiếng bi ai
Chiều! Chiều!

Ôi những buổi chiều Việt Nam đớn đau
Hằng triệu kẻ gục đầu
Quằn quại phơi thây
Kêu gào la khóc
Trong chế độ đỏ ngầu

Hỡi ôi
Đất nước chia đôi
Nam Bắc hai đầu
Nhìn nhau mà ruột đứt
Tang thương này
Còn mãi đến bao lâu…
(Những Buổi Chiều Việt Nam, tr.148-153)

Vậy thì Quách Thoại đã làm thơ trong cơn đau chung của đất nước và con người Việt Nam, cơn đau bồi thêm nặng cho chứng bệnh riêng tai ác, rồi cô đơn chết giữa một hồn thơ tức tưởi. Thơ như nấm mộ tự chôn ông xuống đã cất xong từ lâu, nhưng nỗi lòng Quách Thoại tha thiết như thế để sống vào buổi ấy, chết còn hơn!

Và chính bây giờ tôi có ý tưởng Thoại nên chết thì hơn. Sống khốn nạn và hắt hủi thì chết còn nhẹ. – Thanh Tâm Tuyền, Thoại ơi! Thoại ơi! Không biết khóc. Sáng Tạo số 16, 1/1958.

Vì nhiều năm sau nữa, một thế hệ cầm bút cùng thế kỷ Quách Thoại, và tiếp luôn thế kỷ này, vẫn phải sống dở và chết dở trong cái chế độ đỏ ngầu ấy.

Cánh cửa bứt khỏi cổng
nhà bứt khỏi người
trang giấy bứt khỏi mặt bàn
chữ nghĩa bứt khỏi sách.
(Trần Dạ Từ, Hòn đá làm ra lửa)

Dầu sao thì vẫn phải nhìn nhận rằng, Quách Thoại chưa bao giờ yểu tử. Vì sau cái chết thể xác, ta thấy thơ Quách Thoại là một niềm tin bất diệt. Mà càng tức tưởi bao nhiêu, người đọc sẽ thấy hoài vọng bấy nhiêu!

Tôi tin như lời Quách Thoại nói, khi người ta bứt cổng đi, bứt giấy đi, bứt hết sách đi… Trong cái ngõ cùn đường khốn nạn ấy… mình mới thật sự thấy – Tự Do – là điều đang quyến rũ!

Ôi tự do! Thật vô cùng quyến rũ.
(Cờ Dân Chủ, tr.199)

Chốn bụi, tháng 7, 2013
UYÊN NGUYÊN

 

Feature Image; Chân dung nhà thơ Quách Thoại, tranh họa sĩ Ðinh Cường



Chuyên mục:Nhân vật, Sự kiện, Tổng Quát, Tưởng niệm, Văn Chương

Thẻ:, ,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: