Năm 1836, vua Minh Mạng cho sáp nhập phần lãnh thổ phía Đông Nam Cambuchia vào đế quốc Đại Nam, đặt làm thành Trấn Tây. Sau đó xuống chỉ dụ cho các tướng tiến hành chính sách đồng hóa: Đất mọi từ lâu đã thuộc bản đồ của ta, dân mọi cũng là con đỏ của ta. Nên mở mang dẫn dắt, khiến chúng nhuốm gội phong tục Hán. Cho phép các ngươi vào những lúc nhàn hạ… chỉ bảo khai hóa dân ấy. Phàm hết thảy nhu yếu thông thường đều phải học tập dân Hán, chăm chỉ làm ăn. Đến như ngôn ngữ thì khiến chúng dần học tập tiếng Hán. Ăn uống, trang phục cũng khiến chúng dần theo tục Hán. Ngoài ra, vẫn có những thứ nên thay đổi sự hủ lậu mà giản tiện dễ làm, cũng tùy nghi chỉ bảo. Lượng tình chúng tuy man mọi, nhưng cũng có khả năng hiểu biết. Riêng việc dần đổi phong tục, phải nên từ từ dạy bảo… Tùy theo thứ tự trước sau mà làm, khiến chúng không hay không biết, thuận theo phép tắc đế vương, hun đúc nhuốm gội, dùng văn minh Hoa Hạ thay đổi thói tục Man Di, ấy cũng là một trong những đường lối sửa đổi phong tục. (Nguyên văn chữ Hán ở sách Đại Nam Thực Lục – Đệ nhị kỷ – Quyển 163 – Tờ 11)
Trong các sách vở thời Nguyễn, người Việt đều được gọi là Hán nhân (người Hán), Hán dân (dân Hán). Và như đã thấy trên, cái thứ ngôn ngữ bao gồm cả tiếng nói nôm na bình dân cho đến chữ viết quan phương bác học đều được gọi chung là tiếng Hán. Cũng chính vua Minh Mạng từng chuẩn y cho Bộ Công đặt tên chữ Hán cho các từ nôm na như gỗ lim được gọi thành thiết mộc, quả loòng boong được gọi thành quả nam trân, lỗ châu mai được đổi thành bác môn, than đá được gọi thành kiên thán v.v. vì cho rằng cách nói nôm na thô thiển. (Nguyên văn chữ Hán ở sách Đại Nam Thực Lục – Đệ nhị kỷ – Quyển 163 – Tờ 29).
Đây là nhận thức về ngôn ngữ, văn hóa của vua quan Việt Nam thời phong kiến, cụ thể là ở thế kỷ 19. Và chỉ 100 năm sau, nhận thức này đã bị soán chỗ bởi nhận thức Cộng Sản. Tuy nhiên, lý giải nhận thức phong kiến nêu trên có thể giải thích cho câu hỏi tại sao trong tiếng Việt hiện đại, ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa v.v, thể hiện tư duy phức tạp, chiều sâu, lại nhiều từ vựng cấu thành bởi từ tố gốc Hán. Và tại sao từ Hán Việt, vô hình trung lại mang lại sắc thái trang trọng, lịch sự hơn so với những từ tạm gọi là thuần Việt.
Giai cấp phong kiến thống trị cùng những trí thức được hình thành nên từ chính thể đó, trong hàng ngàn năm đã coi chữ Hán, văn Hán là ngôn ngữ bác học. Đây là tình hình chung của cả khu vực Đông Á, bao gồm bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, chứ không riêng gì Việt Nam. Có điều, người Việt hiện đại đã có nhận thức rất khác so với tổ tiên họ trước đây, cũng như so với người Hàn, Nhật. Họ khao khát Âu hóa, và nhiều người nghĩ, hệ thống chữ quốc ngữ latin gần với châu Âu, sẽ giúp người Việt Âu hóa nhanh hơn. Nhưng nếu nhìn sang Hàn – Nhật, cả hai quốc gia đều coi trọng Quốc học bên cạnh Tây học, sẽ thấy tinh thần của người Việt đương đại hết sức nhược tiểu, đáng thương! Và càng mong muốn thoát Trung lại càng chẳng thoát đi đâu được, khi mà cái cần thoát không nằm ở văn hóa hay chữ viết, mà ở ngay nền chính trị thượng tầng!
PS: Hán nôm có khi chỉ đơn giản như cái ĐỒNG HỒ nước dưới đây. Ai cũng nói /đồng hồ/, nhưng chẳng bao giờ tự hỏi, đồng là gì mà hồ là gì.
Ảnh minh họa từ phải qua trái:
Hình 1. Hình dạng chữ Hồ với nghĩa gốc là cái bình. Đồng hồ, bình bằng đồng, đựng nước, dùng để tính thời gian.
Hình 2. Ba chữ Hán – Nôm “Đồng hồ nước” được vẽ trong Kỹ thuật của người An Nam.
Hình 3. Nguyên văn chữ Hán ở sách Đại Nam Thực Lục – Đệ nhị kỷ – Quyển 163 – Tờ 11.
Chuyên mục:Bài hay trên net., Ngôn Ngữ
Trả lời