Nhà thơ Du Tử Lê (Ảnh: Uyên Nguyên)
Không nhớ bao lâu, tôi chưa có dịp gặp lại Nguyễn Thị Khánh Minh – – Sau khi người thơ nữ từng có được cho mình những “mùa thơ bội thu”, phải nhập viện, giải phẫu cột sống.
Tôi cũng không biết, những chùm hoa tử uyên ương trong thơ của Nguyễn còn đỏ tươm một góc vườn? Hay đã thẫm. Chiều. Những tách trà son, nhạt. Bơ vơ hành lang yên, ắng. Đìu hiu?
Tôi cũng không biết, Nguyễn còn di chuyển bằng chiếc walker mà, từ những bước chân gập ghềnh kia, từ ghế ngồi nọ, thơ có được cho nó, những hôn phối mới? Những hôn phối giữa chữ, nghĩa đằm thắm tỏ tình kín đáo cùng tâm thức, nhậy cảm.
Nhưng tôi biết, gần đây, Nguyễn đã có được cho mình, một cõi-giới văn xuôi — Không chỉ là những chấm-phá-thi-ca; với tôi, còn như những luống-hoa-thi-ca, thấy được, rực rỡ từ cánh rừng tâm hồn Nguyễn — Nắng, gió mưng, mưng.
Tôi không biết Nguyễn gọi những trang văn xuôi vun đầy những luống-hoa-thi- ca của mình là “tùy bút” hay, “tản văn”?
Tuy nhiên, dù với chỉ danh nào thì, tôi vẫn muốn nói, tôi thích lắm, những trang thơ-văn-xuôi ấy.
Nơi bất cứ một trang văn xuôi nào của Nguyễn, tôi cũng được thở ngạt ngào hương thơm của những động tự hay, tĩnh tự bay lên.
… Từ hồi ức Nha Trang, những ngày mới lớn. Saigòn, những ngày Duy Tân. Quê người, những ngày đi tìm cái tôi, thất thổ. Lênh đênh. Những Nguyễn!
Rõ hơn, tôi cảm được cái “nồng của nắng”, cái “ngát rộng của gió khơi” hay, “… nhánh sông đang hối hả chạy ra biển…” của Nguyễn:
“… Con đường phố biển. Nồng của nắng, ngát rộng của gió khơi, hợp tấu cùng muôn ánh tươi rói của sắc mầu mùa hè làm con đường lênh đênh như một nhánh sông đang hối hả chạy ra biển. Xanh ngắt trời nối xanh thẫm nước biển đổ tràn mắt tôi. Các cô gái mặc áo tắm đi hai bên đường, nổi làn da đỏ nắng, mắt họ biếc xanh, tiếng cười họ xôn xao những tán lá. Tôi đi như cái bóng giữa dòng nắng thanh xuân của họ. Bóng phất phơ giữa những đường ranh của thời gian…”
Hoặc hình ảnh người con gái “ngậm tuổi mười sáu” của mình, nơi mùa hè. Quê cũ:
“Và tôi ngậm tuổi mười sáu hát ca suốt mùa hè như con ve sầu trong một phim họat hình trẻ con, không màng gì đến thu sang đông tới, để rồi, trong đêm mưa ve vác cây đàn sầu ủ dột trên lưng, đi xin ăn, tới nhà kiến, bị xua đuổi, có lẽ kiến bảo, sao suốt mùa hè chỉ lo đàn ca…” (Trích “Đường Main, Một Ngày Cuối Hạ”)
*
Tôi cũng không biết, những chùm hoa “tử uyên ương” trong thơ của Nguyễn còn đỏ tươm một góc vườn? Hay đã thẫm. Chiều. Những tách trà son, nhạt. Bơ vơ hành lang yên, ắng. Đìu hiu?
Nhưng, nơi bất cứ một trang văn xuôi nào, tôi cũng được thở ngạt ngào hương thơm của những động tự hay, tĩnh tự bay lên từ hồi ức Nguyễn, những ngày thiếu nữ.
Rõ hơn, tôi cảm được cái “núm nắng gió” trong đoạn văn:
“… Tôi không là họa sĩ, chỉ mong ký ức dẫn lời để có thể phác họa được cùng người một cách diễm lệ hình ảnh 16 mùa nắng Nha Trang, Nha Trang nhi đồng, Nha Trang dậy thì, và, Nha Trang lớn lên xa vợi, giật lùi sau chuyến xe lửa đang chở tia nhìn nuối buồn đau ngày tôi bị gỡ đi cái núm gió nắng mặn mòi ấy… ” (Những Mùa Nắng Nha Trang)
Rõ hơn, dù Nguyễn nói, Nguyễn không là họa sĩ, nhưng bằng vào tản-văn dưới đây, tôi trộm nghĩ, ngay những họa sĩ tài hoa nhất, từng phải lòng với văn chương, cũng sẽ ngẩn ngơ, nếu không muốn nói là sẽ ganh với bức tranh niên thiếu có đủ ba chiều không gian, vẽ bằng chữ trên tấm canvas-thiếu-thời của Nguyễn:
“… Thật sự lúc này tôi thấy mình đã sẩy đi ít nhiều ký ức về Nha Trang, Người đã cùng tôi một thời bé dại. Tôi đâu biết rằng, mỗi bước nhảy cò cò của tôi là từng bước một ánh nắng buổi mai đi về sau lưng, mỗi mảnh ngói nhỏ ném xuống đánh dấu ô ‘cái nhà’ của mình chỉ là một không gian hư ảo, tan đi khi những đường phấn kẻ ô chơi bị xóa vội vàng dưới cơn mưa… Tôi cũng không hay mỗi trái banh thảy lên từng thẻ đũa bị tóm, tờ tợ như từng mảnh thời gian bị lấy đi, để khi tàn một ván chơi thẻ thì thời gian không còn dấu gì trên vuông gạch (…) “… Đó là thời gian của chồi nắng. Chồi 3, chồi 5 tuổi. Nắng ăn nắng ngủ và nắng khóc nhè…”
Và, vì thế: “… dường như em đã lớn lên trong cái kén của riêng mình, như thế” (Trích “Những mùa nắng Nha Trang”)
*
Tôi cũng không biết, những chùm hoa “tử uyên ương” trong thơ của Nguyễn, còn đỏ tươm một góc vườn? Hay đã thẫm. Chiều. Những tách trà son. Nhạt. Bơ vơ hành lang yên, ắng. Đìu hiu?
Nhưng, tự nơi những trang văn xuôi của Nguyễn, tôi còn được thở ngạt ngào hương thơm của những động tự hay, tĩnh tự của Nguyễn, bay lên từ những bình nguyên đời thường. Từ những ngọn-đồi-thao-thiết-thi-ca…
Ở kênh, mạch nào của cõi-giới tản-văn Nguyễn Thị Khánh Minh, với tôi, cũng vẫn là những con chữ, đẹp. Những con chữ như những bông hoa, làm thành những lẵng hoa mang tên Tuổi Thơ. Kỷ niệm. Bằng hữu. Tình yêu… Treo dọc thủy trình dòng-sông-tùy-bút của Nguyễn.
Dòng-sông-tản-văn này, đã đem lại cho tôi những lượng đất bồi đáng kể trước những sạt lở chữ, nghĩa trong tùy bút của chúng ta, hôm nay.
Tôi nghĩ, một ngày nào, gặp lại Nguyễn, tôi sẽ nói:
“Cảm ơn Khánh Minh. Cảm ơn những lượng phù sa mà, Khánh Minh đã bù đắp cho những sạt, lở chữ nghĩa nơi dòng sông tản văn của chúng ta, hôm nay.”
Từ đó, tôi thấy tôi đã cùng gió… bay lên. Bay lên.
“Bay lên. Gió ơi.”
DU TỬ LÊ,
Chuyên mục:Lotus Media, Tác giả - Tác phẩm, Tác giả, tác phẩm, Trên kệ sách
Trả lời