Nhà thơ Lê Giang Trần (Ảnh: Uyên Nguyên)
Tôi được Nguyễn Thị Khánh Minh coi là bạn qua nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, từ đó được biết nhà thơ Khánh Minh với tài chữ nghĩa thi phú tuyệt vời thơ mộng, mà, sau khi đọc kỹ xong tập thơ “Ký Ức Của Bóng” của thi sĩ, tôi vô cùng yêu thích, trong lòng bảo phải viết một bài về thơ của người thi sĩ tài ba chan chứa tâm hồn thiên thần này. Rồi thời gian trôi.
Nhưng chưa hết, sau đó tôi có dịp đọc một số tản văn của nữ thi sĩ, tôi càng ngạc nhiên, ngoài tâm hồn và tài ba về thi ca, thi sĩ còn cho thấy tản văn của thi sĩ là một thế giới lộng lẫy tuyệt vời khác. Tôi bỗng khẩu phục tâm phục ngang xương người phụ nữ thi sĩ và văn sĩ này, ước mơ ngớ ngẩn rằng phải mình có chút ít chữ nghĩa của Khánh Minh có lẽ mình làm thơ hay hơn!
Có thể chính vì thế mà tôi chùng tay, bao ý nghĩ hùng dũng lúc trước nổi lên định viết về thi ca của Nguyễn Thị Khánh Minh đã bị cơn địa chấn chữ và nghĩa và thơ mộng trong tản văn của Khánh Minh làm sụp đổ tan tành.
Không phải không thể viết, mà bỗng tự sinh một thái độ, là, chữ nghĩa óng ánh tươi đẹp của “nàng” như thế (xin phép người bạn Khánh Minh cho dùng chữ nàng mới diễn tả được,) mình nói lung tung lang tang không khéo chữ nghĩa của nàng sẽ mắng cho một trận! Nói tận đáy lòng, tôi trân trọng và trân quý chữ nghĩa của “nàng”, tôi rung động khi đọc tản văn của Nguyễn Thị Khánh Minh.
Do bạn nhờ lược xem lại về kỹ thuật dàn trang cho tập tản văn “Bóng Bay Gió Ơi”, tôi được đọc qua các bài viết của Du Tử Lê, Nguyễn Xuân Thiệp, Phan Tấn Hải và Nguyễn Lương Vỵ nói về văn chương của Nguyễn Thị Khánh Minh với xúc cảm chân tình và trang trọng. Phan Tấn Hải đã hứng thú trích ra nhiều đoạn văn chương của Khánh Minh, cho thấy ngoài tâm hồn còn có tài ba ru hồn người đọc bằng ngôn ngữ và ý tưởng diễn đạt của tác giả. Tôi đã có như thế, đã bị rung động bởi chữ nghĩa và ý tưởng trong sáng thơ mộng của Khánh Minh, đã hoan hô, đã cổ võ, đã yêu đời sau khi đọc văn thơ của “nàng”. Những lời ngợi khen xứng đáng của quý vị trên không còn gì hơn và không cần thêm những tràng pháo tay bằng con chữ của tôi.
Tôi viết đôi dòng này, ngắn gọn nói lên sự ngưỡng mộ đối với Nguyễn Thị Khánh Minh, “nàng” trong mọi tình huống cuộc sống vẫn yêu đời một cách trong sáng thi vị và nhân ái và dũng cảm (đúng ra, muốn dùng chữ “trí dũng” của đức Phật); Tâm hồn và trái tim của Nguyễn Thị Khánh Minh luôn tươi đẹp như thế cho nên tất cả những con chữ và ý ngữ tươi đẹp đã tìm đến quy phục nàng; Nói ví von như đức Phật bảo rằng “Từ Bi” mới chính là pháp thuật tuyệt cao thượng đỉnh trên hết tất cả phép thuật biến hóa, “nàng” có pháp Từ Tâm Từ Bi nên đã thu tóm hay thu phục hết mọi phép thuật chữ nghĩa.
Pháp thuật từ tâm của “nàng” đã chuyển hóa, liên kết những con chữ, dù đơn sơ, thành ra sống động, linh động và thần tiên. Ông Nguyễn Du đã công nhận “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
LÊ GIANG TRẦN
(111614, mùa thu Cali)
Chuyên mục:Lotus Media, Tác giả - Tác phẩm, Tác giả, tác phẩm, Trên kệ sách
Trả lời