Lê Giang Trần: Tiếng Hét Báo Động Của Những Anh Hùng Bất Cần Bạo Lực: Bùi Giáng – Phạm Công Thiện – Tô Thùy Yên, (1993) – p1

Nhà thơ Lê Giang Trần (ảnh: Uyên Nguyên)

DẪN NHẬP

Năm 1988, tôi có một khoảng thời gian rỗi rãi đọc sách. Đọc lại phần giới thiệu thơ Tô Thùy Yên trong “Thi Ca Việt Nam Hiện Đại” của Trần Tuấn Kiệt, “Con Đường Ngả Ba, bước đi của tư tưởng” của Bùi Giáng (tái bản tại Hoa Kỳ) và vài quyển sách tái bản khác của Phạm Công Thiện như “Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học”, “Chỉ Còn Tiếng Thơ Trên Mặt Đất”, “Im Lặng Hố Thẳm”, “Henry Miller”. Từ các quyển sách này, tôi có tập hợp ghi lại một số câu, đoạn mà tôi thấy ba thi sĩ này đã linh cảm và tiên tri về tai họa của đất nước Việt Nam sau khi ông Hồ Chí Minh chạy theo chủ nghĩa Cộng sản và đảng Cộng Sản Việt Nam áp đặt chủ nghĩa này vào vận mệnh dân tộc bằng chiêu bài đánh đuổi thực dân, giải phóng miền Nam và trường kỳ kháng chiến để thống nhât đất nước.

Trong phần mở đầu quyển “Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học” do nhà Đại Nam tái bản tại Hoa Kỳ 1987, với tựa đề “Không mong đợi gì cả” (Thư gửi một em tuổi trẻ Việt Nam tha hương), Phạm Công Thiện nhắc lại: “…từ khi quê hương lọt vào quỹ đạo của chủ nghĩa hư vô thế giới(nihilisme mondial), ngày đánh dấu là ngày 30 tháng 4, 1975… tên của tôi đã bị tạp chí Văn Nghệ Học Thuật ở Hà Nội kết án là «tên tập trung nhất của chủ nghĩa hư vô». Người bị kết án là «tên tập trung nhất của chủ nghĩa hư vô» bây giờ lại lên án: tất cả lý thuyết chủ nghĩa Karl Marx và Lénine đều là chủ thuyết tập trung nhất của chủ nghĩa hư vô thế giới.”

Từ lâu, qua nhà thơ Cao Đông Khánh tôi càng chú ý thêm nhiều về dòng thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên, có “một cái gì khác”, lớn hơn ngoài thi tính trong thơ ông. Mới đây, đọc “Thơ Miền Nam” của Võ Phiến, trong đó nhà văn Võ Phiến – theo tôi – đã dành nhiều ưu ái cho vị trí thơ của Tô Thùy Yên, và tôi lại có dịp nhìn thấy thêm tư tưởng của thi sĩ đứng trước hư vô chủ nghĩa đang tàn phá đất nước. Lại đọc phải bản “Bạch Thư” của Dương Thu Hương, khiến tôi sực nhớ đến số liệu tập hợp cũ, mang ra xem lại mà viết thành bài này, nhân đúng vào tháng Tư thứ 17 sau 1975.

Có thể nói, sự thúc đẩy mãnh liệt khiến tôi đủ can đảm ngồi rị mọ chép lại và sắp xếp từng phần thơ, văn của người theo cái thấy của mình, do bắt gặp đoạn thơ xuôi của Tô Thùy Yên sau đây, mà qua đó, tôi đã mượn ý câu cuối làm tựa cho bài viết:

“Đau khổ như biển khơi trên mặt cuồng điên
mà dưới đáy im lìm;
anh chìm xuống đó sâu thêm,
càng ngày anh càng lặng lẽ,
anh định ngày rất gần đây,
sẽ thôi làm văn nghệ,
tôn giáo của những người anh hùng bất lực…”
[Tô Thùy Yên/TCVNHĐ/TTK]

Đương nhiên, mượn thơ văn người để nói lên cái thấy đồng điệu của mình đôi khi cũng không chính xác theo thể điệu dẫn giải thơ mộng của mình, nhưng đọc thấy có vài câu sau đây, thành ra phấn chấn, tự xem như phiếm luận “một mình ta với ta”.

  • “Người ta thường hay sợ ảnh hưởng, còn tôi thì chẳng sợ ảnh hưởng gì cả, vì chẳng có gì ảnh hưởng đến cái gì cả, đồng thời tất cả đều ảnh hưởng với nhau”. [H.M./PCT]
  • Heidegger từng nói: “Những nhà tư tưởng hoằng đại từ xưa, nếu có sử dụng luận lý, là bao giờ cũng với một «hậu ý» «hậu tình nào đó, không bao giờ coi trọng thứ của cải nhà ma kia”. [CĐNB/BG]
  • Đức Phật dạy: “Đừng tin theo cái gì cả, dù là các ngươi đọc thấy ở đâu hoặc dù là ai đã dạy bảo, ngay cả dù là ta dạy bảo đi nữa, chỉ tin theo những gì thuận ứng theo lòng mình, trí mình”. [H.M./PCT]

Tất cả mọi trích dẫn trong các quyển nêu trên, được viết tắt trong ngoặc vuông tên tác phẩm và tác giả, để mạch văn liên tục và tránh rườm rà.

  1. TIẾNG HÉT CỦA BÙI GIÁNG,THI SĨ LƯU VONG TRONG NƠI KHÔNG LƯU VONG

Trong phần mở đầu quyển “Con Đường Ngả Ba”, Bùi Giáng đã dùng một ngữ báo trước với người Việt Nam về mức độ xâm thực tiệm tiến của chủ nghĩa Hư Vô do đảng Cộng Sản Việt Nam áp đặt vào hệ mệnh đất nước Việt Nam, mà ông gọi đây là “một cuộc rụng đổ đệ nhất hy hữu trong lịch sử tồn lưu”. Đoạn tiên tri này như sau:

“Dù sao thì dù, trong khi chờ đợi, ít ra cũng đã thấy thị hiện rõ dần một nét đặc thù trong Hoạt Tính Thể của Hư Vô chủ nghĩa. Và nét đặc thù ấy là gì? Là: Hằng Thể đã trầm mịch di vong lưu lạc đến độ nào mà? Mà khắp nơi nơi chốn chốn trong lịch sử dị thường Thời Đại Mới Chúng Ta Ta Ta Người Người Mạt Hậu, đã thấy thị hiện một sự vụ khổng lồ vô lượng bất khả tư nghị thiên thu: Hư Vô chủ nghĩa được lẫn lộn với Chân Không Diệu Hữu, và Hoạt Tính Thể của Chân Không bị tan tành tinh hoa trong Luận Lý Chủ Nghĩa… Sự lẫn lộn kỳ dị đó, là một cuộc Rụng Đổ đệ nhất hy hữu trong sử lịch tồn lưu, vì rụng đổ theo thể lệ Rụng Rơi mà tuyệt nhiên Tự Thân không rõ biết là Bản Thân Rơi Rụng. Tự thân không rõ biết là tự thể bản thân rơi rụng, thì hẳn nhiên cũng không rõ mình từ đâu mà rụng đổ tới đâu, nên càng tưởng là tự thân đã thăng cao đến chơi vơi trời thẳm…” [CĐNB/BG]

E rằng lời báo động của ông chưa làm cho người Viêt Nam nhận ra sự Rụng Đổ, Rụng Rơi là tiền thân của Di Vong Lưu Lạc, ông nhấn mạnh thêm, rõ ràng hơn qua bốn câu lục bát:

Chép lời u mật mông lung
Miêu cương mạc ngoại hãi hùng kim hoa
Yên đào từ mọc cành thoa
Ngần sương thúy đạm vừa sa dấu bèo
(Miêu Cương)

Đại ý của lời mông lung u mật của ông, nếu ai có óc thông minh khôi hài, ví von “kim hoa” như những cánh hoa vàng trên vai người chiến sĩ, sẽ thấy tương lai lúc nào đó, những cánh hoa vàng này sẽ lưu lạc miêu cương mạc hải; còn gái vừa nỏn tơ nhánh đào đã như cánh bèo trôi vào nơi sương gió. Ông còn tái tặng thêm bốn câu thơ, như dành riêng tặng cho những người mang tâm trạng não nề, ngồi lặng lẽ trên mõm đá đảo hoang nhìn ngóng về quê nhà nơi phương xa diệu vợi:

vai mang đầu tóc mặt mày
thân như ảo mộng đi dài ngỏ thuông
ngồi trên mõm đá xa nguồn
chiều qua như một cơn buồn đã qua.

Những lời lẽ tiên tri có vẻ u mật lung mông của ông, theo ông không những là hậu quả khủng khiếp riêng dành cho giới học giả trí thức mà, “tai hại hơn nữa là ngay tại giữa trái tim máu me bình sinh tại thể mọi chúng ta”, và ông than: “… than ôi cuộc cờ dâu biển mở ra vẫn quả thật là mang mọi mô dạng lù lù hãi hùng mê hoặc. Và quả thật nghìn mộng mị chiêm bao không chuộc nổi một trận gió bão tan tành. ”

Bốn câu thơ sau đây, cũng vẽ lên hình ảnh trớ trêu về một thời đại sẽ thay đổi, vượn lên làm người, còn những anh hùng dũng mãnh như beo như gâu -như những phù hiệu tượng trưng cho các binh chủng oai hùng của quân lực- thì sẽ xuống rừng thưa nói năng thều thào trong đày ải…

Vượn về châu thổ phù sa
Gươm treo chính điện quỉ ma kêu gào
Rừng thưa beo gấu thì thào
Trần gian du hỷ chốn nào là nơi…?

Chân dung Bùi Giáng – Phạm Công ThiệnTô Thùy Yên, tranh sơn dầu của Họa sĩ Trần Thế Vĩnh

“Trần gian du hý chốn nào là nơi” là tiếng hét đau đớn của thi sĩ Bùi Giáng khi ông nhìn ra không còn nơi chốn nào trên mặt đất cho ông du hý. Trần Tuấn Kiệt trong “Các tác giả tác phẩm tiêu biểu văn học hiện đại” có kể về nỗi chán ngán, bất lực của Bùi Giáng như sau: “Sau một thời gian đề cập đến những vấn đề trầm trọng của Việt Nam trong các quyền tư tưởng triết lý của ông, chiến tranh vẫn bùng nổ ác liệt. Những lúc đó, khi gặp riêng tôi, ông có đề cập đến, hỏi han và chán ngán nói: Xem ra các việc mình làm cũng chẳng đi đến đâu.” Có phải vì thế, ông đã tiên tri về thời thế “Hậu Mạt” và chọn cho minh một thái độ trong thời buổi nhiểu nhương cùng mạt trước mắt:

Hư Vô chủ nghĩa hành
Nghĩa hành hư nghĩa chủ
Bảo tố trướng tam hành
Ba đào banh bái trụ
Người đi về chưa đủ
Kẻ ở lại chưa cam
Tôi vĩnh biệt hội đàm
Người khước từ hội thoại

Tôi Trung Niên Thi Sỹ
Tôi Từ Giã Loài Người
Làm Vượn Hú Đười Ươi
Ươi Đười Hú Vượn Khỉ
Người rằng người có lý
Kẻ rằng kẻ chịu thua
Dâu biển vẫn cợt đùa
[CĐNB/BG]

Và trong thư trả lời nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng về một số câu hỏi, ông cũng thở dài cho thấy trong cái tai họa của thời buổi điên đảo tàn phai này, ông cũng tự biến mình làm người khách lạ mênh mông, và chỉ còn biết:

“Ta đã để hồn tan trong tiếng thở
kêu gọi Lời đưa tiễn Buổi Tàn Phai

Cùng với bước thăng trầm của lịch sử trước 1975, thi sĩ Tô Thùy Yên đã chia sẻ cùng thế hệ của ông những kiên nhẫn, chấp nhận, phấn đấu, chịu đựng. Nhất là chịu đựng, sự chịu đựng cay nghiệt nhất của kiếp người trong chiến tranh. Nhưng cuối cùng, ông đã thất vọng chán chường, thán như sau:

Lịch sử vốn lớp lang cuộc hành trình vạch sẵn
Thôi tôi trở về nhà tay trắng cả say mê
Trên phiếm dửng dưng ra ngồi lặng qua ngày
Nghe tóc hạc âm thầm mọc phủ khắp tâm tư.
[TCVNHN/TTK]

Ở một bài thơ khác, cũng bắt gặp nhịp điệu bi tráng đượm đầy ngôn ngữ tiên tri của ông:

“Chúm hai trũng tay hứng đầy tội lỗi đen ngòm, chém mình xối xả máu me chẳng thấy tanh nôn là cuộc đời…

Trái đất tròn như con số không, trái đất muôn năm. Anh đứng lên như tiếng chửi thề, bỏ đi, xa lánh mọi người để giáp mặt cuộc đời, cắn vào trái cây độc địa…”[TCVNHN/TTK]

Riêng Bùi Giáng, khi nhìn thấy “cuộc chấn động mênh mông của toàn khối hiện thể đã mở hoác ra những hang hốc ngoài sức tưởng tượng” [CĐNB/BG] thì ông hét lên câu “Trần gian du hý chốn nào là nơi?”hành tập điên cuồng theo thể lệ thù thắng của riêng ông. Ông phát biểu về thế cách Lưu vong trong nơi không lưu vong của ông như sau:

“Chỉ còn cách là nhắm nghiền hai mắt lại, nằm xuống ngủ vùi «quên quên đã mang trái tim người» hoặc là mở to hai mắt ra và chịu nhìn vào Ngả Ba một chút. Không kinh hoàng thì ít ra cũng kinh ngạc trước sự vụ khổng lồ trong hoạt tính thể Ngả Ba. Hành tập điên cuồng theo thể lệ thù thắng. Nghĩa là tuyệt trù thơ dại. ” [CĐNB/BG]

Nietzsche đã hét lên tiếng hét mà Bùi Giáng gọi là “tiếng gầm thét hỗn độn nghiêng trời lệch đất”, còn chính Bùi Giáng thì hét lên bằng “ngôn ngữ thi nhiên việt vào một lãnh địa gia danh hư huyễn khôn hàn Mnémosyne bằng một đường tơ oát toàn điều giải, hàm nhiếp bến bờ lả tả về một bờ bến Khe Nước Lưu Tồn lổ đổ rớt hột mù sa” hét rằng Trần gian du hý chốn nào là nơi?

Bùi Giáng đã tự chọn cho mình thế cách sống Hành Tập Điên Cuồng và lưu vong chính nơi quê hương của mình, là cõi trần gian du hý đã không còn nữa. Ông chọn ở lại quê hương như một người không lưu vong, nhưng thật sự chính là, ông đã lưu vong cực cùng trong nơi chốn đó vậy.

(Còn tiếp)



Chuyên mục:Nhân vật - Sự kiện, Nhân vật, Sự kiện, Tác giả - Tác phẩm, Thân hữu, Thân hữu

Thẻ:, , ,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: