Lê Giang Trần: Tiếng Hét Báo Động Của Những Anh Hùng Bất Cần Bạo Lực: Bùi Giáng – Phạm Công Thiện – Tô Thùy Yên, (1993) – p3

Nhà thơ Lê Giang Trần (Ảnh: Uyên Nguyên)

 

TIẾNG HÉT CỦA TÔ THÙY YÊN, THI SĨ TRỰC DIỆN HƯ VÔ CHỦ NGHĨA TRÊN CHIẾN TRƯỜNG MIỀN NAM VIỆT NAM

Ở cùng một định mệnh thi sĩ, Rilke đã hét lên: “Khi tôi hét lên, ai sẽ nghe tôi, ai, trong hàng Thiên xứ, trong những Thiên thần.” [CCTTTMĐ/PCT]

Và người thi sĩ vĩ đại Tô Thùy Yên, bất lực trước tàn phá của chiến tranh trên quê hương, trên Tính, Mệnh, của người dân Việt Nam, ông cũng đã phải chua chát hét lên như thế:

“Thiên hạ quan sát tôi như là loài thú hiếm. Nhưng ai là kẻ hiểu tôi và gọi đúng tên tôi?” [TCVNHN/TTK]

Hãy mượn một ít nhận xét của nhà văn Võ Phiến trong “Thơ Miền Nam”, tập Một, nói về Tô Thùy Yên như sau: “Gần như toàn bộ sự nghiệp thi ca của ông là một dấu hỏi khổng lồ nêu lên trước cái bí ẩn muôn đời của vũ trụ” và: “Nếu miễn cưỡng phải là triết gia, ông là thứ triết gia ràn rụa nước mắt, triết gia héo hắt tâm can… ông cảm xúc triết lý bằng tấm lòng, bằng ngũ quan..”

Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
như người bị bức tử canh khuya
xé toang từng mảng đời tê điếng
mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê

và:

Ta hỏi han hề Hiu Quạnh Lớn
mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ
(Trường Sa Hành) [TMN/VP]

Vừa là một thi sĩ có tư duy lớn, vừa là một chiến sĩ trực diện cuộc chiến tàn khốc ở Việt Nam trước 1975, mà Trần Tuấn Kiệt gọi là “Cái sân khấu bi hài kịch, cái viễn tượng mịt mù trong Tô Thùy Yên” [TGTP\TTK], thơ ông đã tiềm ẩn nhiều mật ngữ tiên tri về số phận con người, về bước đi của lịch sử… Muộn phiền trước sự tàn tạ của đạo lý phương đông, trước sự lấn át của chủ thuyết hư vô vào phương đông yếm thế:

mùa gió xoay chiêu, gió khốc liệt
bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi
đám cây bật gốc chờ tan xác
có hối ra đời chẳng chọn nơi?

ôi! lũ cây gầy ven bãi sụp
rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh
gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
hay đến ngày bờ tái tạo sanh
(Trường Sa Hành) [TMN/VP]

Những lời thơ trên rõ ràng như lời tiên tri mà ông đã linh cảm về một phương Đông và thế hệ chống chỏi của ông. Sau khi tự thấy mình bất lực, ông hét tiếng hét bi ai,thống trách:

Nghĩ tới bao điều thầm lặng lớn
Trí ta không đủ lực đo lường
Nên ta phó mặc cho trời đất
Trời đất vô ngôn lại bất nhân
Nên ta lẳng lặng đi đi khuất
Trong lãng quên xanh hút thời gian
(Hề ta trở lại gian nhà cỏ) [TMN/VP]

Không riêng gì Tô Thùy Yên gọi “Văn Nghệ” nói chung và ám chỉ Thơ nói riêng, là tôn giáo của “những người anh hùng bất lực”. Trước ông, Jean Cocteau đã gọi “Thơ là tôn giáo tuyệt vọng”.

Khi tiếng hét bi tráng của thi nhân thét lên những mật ngữ muôn đời của thi ca, có nghĩa là đã hiển hiện trước mắt dấu hiệu sụp đổ của một triều đại. Sau khi hét lên trước đồng loại, thi nhân thường chọn cho mình một thái độ sống:

“Khối đau đớn nặng nề như chiếc bứu trên lưng
Tôi khép cửa thôi tiếp lời quấy nhiễu.”

“Thường tôi vùi đầu trong những ngón tay xương, làm con chuột chùi chui nhủi dưới hồn mình và đào xới nó. Tìm thấy trên những đá gạch tàn phế vận nhung rêu nỗi thất vọng của các thời đại trước.” [TCVNHN/TTK]

Thi nhân là những con người thường sống với những Thầm Lặng Lớn và đôi khi trí lực của thi nhân không đo lường nổi. Tâm trạng này không riêng Tô Thùy Yên bật hét lên như thế. Trong bức thư của Nietzsche gửi cho người bạn gái vào tháng hai năm 1884, đã đồng thanh tương ứng với Tô Thùy Yên, nói lên hoài bảo ôm ấp to lớn của thi nhân, kể cả dự phóng vô cái thế cách “Im Lặng” nếu cần thiết:

“Nhưng điều quan trọng nhất là điều này: tôi mang trong hồn tôi những sự việc nặng chĩu gấp trăm lần sự ngu xuẩn của loài người…

… và rất có thể một ngày nào đến đây tôi phải tự im lặng vì thương nhân loại!!!” [ILHT/PCT]

Trong quyển viết về Henry Miller, Phạm Công Thiện cũng đã diễn tả tâm trạng này qua câu “Tiếng run rẩy đầu tiên được đặt vào trang giấy là tiếng của một thiên thần bị thương: tiếng Khổ [H.M./PCT]. Tô Thùy Yên mang tâm trạng này khi ông khám phá ra “những đá gạch tàn phế vận nhung rêu” là di sản của các thời đại đông phương để lại. Chính vì thế, Tô Thùy Yên với tuổi trẻ bấy giờ mang hoài bảo như bao nhiêu tuổi trẻ khác: “Tôi muốn đổi thay thế giới đòi lại hình người”. Đây là một thứ tiếng hét đồng điệu với Phạm Công Thiện khi tuổi trẻ Phạm Công Thiện hét lên: “Con Người không còn nữa”. Nhưng rồi cũng như Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Tô Thùy Yên cũng cảm thấy những người mang hoài bảo như thế cô đơn quá: “Ta lớn lao và ta cô đơn, cô đơn như Nietzsche đã bộc bạch qua nhân vật Zarathustra:

“Bây giờ ta đang đứng trước chóp đỉnh cuối cùng của đời ta, mà từ lâu ta vẫn chưa được đối mặt. Hỡi ôi, ta phải đi theo con đường mình, con đường khó khăn gian nan nhất trên đời! Ơi chao, ta bắt đầu chuyến đi cô đơn nhất của đời mình!

Kẻ nào mang một dòng máu như ta thì sớm muộn gì cũng không thoát khỏi giờ phút đó, giờ phút lên tiếng gọi thầm: “Chỉ có lúc này mới đúng là lúc mi đi theo con đường oanh liệt cao sang của mi”… “ [ILHT/PCT]

Hành động “khép cửa” của Tô Thùy Yên là thái độ bắt đầu bày tỏ sự Im Lặng. Im lặng vì bàng hoàng thất vọng đến nỗi đau đớn ấy như chiếc bứu trên lưng; và ông khinh miệt, đóng cửa không tiếp bọn người quấy nhiễu ngu xuẩn. Nỗi thất vọng ê chề trước sự tối tăm của đám người ngu xuẩn kia đến độ “Tôi òa khóc những chiều mây xuống thấp” như đoạn thơ dưới đây:

“Buộc phiến tâm hồn vào cổ cứng
tôi gieo mình xuống đáy đau thương
ẩn dật làm thinh như thủy quái
khăng khăng ôm giữ khối u tình” 

“Nên tôi bỏ đi hoang và tôi cũng quên em
quên tuổi nhỏ gia đình quên bạn bè tất cả
tôi muốn đổi thay thế giới đòi lại hình người
lấy tuổi trẻ làm gươm mộc rồi lang thang

dăm kẻ vỗ tay đa số bất bình
thiên hạ mấy người thấy mặt mình lem
tôi òa khóc những chiều mây xuống thấp
treo khí giới trên cành tìm hiểu những vì sao”
[TCVNHN/TTK]

Cũng chính vì sự ngu xuẩn của con người “Mạt Hậu” không thể lọt vào tai hồi chuông cảnh tỉnh của thi nhân, Nietzsche lại một lần nữa dùng ẩn ngôn qua nhân vật Zarathustra, cay đắng nói lên sự bất mãn này:

“Mi có thể khua động đạo lý vào tai họ bằng những tiếng chuông: những chủ hiệu buôn ở chợ búa lại khua động mạnh hơn mi bằng những đòng tiền của họ.

Trong đám họ ai cũng ham nói; không ai còn biết cách hiểu nữa..; không có gì ra hồn nữa và thành tựu được nữa. Tất cả mọi người đều cục tác như gà mái mắc đẻ, nhưng còn có ai chịu ngồi im trong ổ để ấp trứng?” [ILHT/PCT]

Phạm Công Thiện cũng thở dài, tiên tri đồng nhịp điệu bằng ẩn ngữ khác, qua tác phẩm “Chỉ còn tiếng thơ trên mặt đất” viết về Rilke:

“Thời đại bần nhược điêu linh chẳng những vì Thượng Đế đã chết mà lại còn bởi vì con người không còn biết được bản tính tử vong của mình, vì con người đã không còn có khả năng để biết rằng mình sẽ chết.”

Bởi cùng mang một tâm trạng như Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, nên Phạm Công Thiện cũng đã thét lên Tiếng Hét đồng vọng: “Con người đã không còn biết nghe tiếng hét của thi sĩ.”

Tô Thùy Yên, nhà thơ tư tưởng, nhà tư tưởng, theo Bùi Giáng thì “Người tư tưởng thượng thừa là kẻ vĩnh viên đi trên Ngả Ba ở những nẻo chênh vênh lâm tuyền huyễn ngạn, dưới một bầu không khí heo hút sa mù… “mà Bùi Giáng «nói nôm na tục tĩu như Nietzsche» là “Người tư tưởng, kẻ triết gia, là kẻ sống chon von ở đầu non tuyết giá, nơi sâm lĩnh quai nhai, thượng thừa giáp trĩ… “[CĐNB/BG]

Phạm Công Thiện, thì ví von vị thế đứng của nhà tư tưởng hay thi sĩ là “Đứng ở chỗ khôn lường mà chơi ở miền không có”, “thể hết lẽ khôn cùng mà chơi ở nơi không triệu trẫm.”[Ứng Đế vương trong Nam Hoa Kinh, bản dịch của Nhượng Tống]

Thật ít khi gặp chỗ đồng điệu giữa hai thi sĩ này khi đùa giỡn một cách thơ mộng nhưng không kém phần nghiêm trang về vị thế của thi sĩ, của nhà tư tưởng. Còn Tô Thùy Yên thì sao? Ông có lựa chọn nào trước Ngả Ba theo kiểu ví thá của Bùi Giáng không? Đương nhiên là có, chỉ khác ở kiểu cách biểu lộ mà thôi:

“Bìm bịp chiều chiều kêu nước lớn
Đi, đi đâu chèo chống mỏi mê
Đến ngả ba, đành theo một lối
Tiếc ngẩn không cùng theo lối kia“
(Đảng Tử) [TMN/VP]

Ông không rẽ theo lối thường tình của nhân gian đi vào ngả đường công danh, bạc tiền, quyền thế… dù có ngẩn người thơ mộng trong tíc tắc theo thể điệu tình thường trước sự chọn lựa của mình, nhưng đồng thời mái chèo trên tay ông vẫn tiếp tục theo thể điệu định mệnh, chống con thuyền tâm linh đời mình ngoặc vào một Ngả Ba của dòng sông mà ông đã chọn lựa:

“Dòng sông u hiển trôi vô lượng
Dòng sông hiền triết chảy vô tâm
Mà ta ngưỡng vọng như sư phụ
Mà ta thân thiết tựa tri âm”
(Hề, ta trở lại gian nhà cỏ) [TMN/VP]

Cũng nên nhân đây, lược sơ qua một cách thơ mộng về cái Ngả Ba của Bùi Giáng. Mật ngữ của Bùi Giáng ám chỉ Ngả Ba là “Con đường bước đi của tư tưởng”; Ngả Ba theo mật ngữ Phạm Công Thiện là “Hố Thẳm Im Lặng, con đường triết lý Việt Nam”; Hý lộng ẩn ngôn theo Cao Đông Khánh là “Cầu Chữ Y, nơi lui vê dưỡng quân”; Thi sĩ Đoàn Thị Điểm lúc giả dạng cô lái đưa đò, dùng tinh nghĩa Ngả Ba làm vũ khí khóa mồm bọn quan lại Tàu hống hách, là “nơi từ đó thiên hạ sinh ra”; Bí mật theo tinh thần Mật Tông Tây Tạng là “Cứu cánh rốt ráo”, biểu tượng bằng kim cương nhụy sen: “thân khẩu ý tịch tịnh… “ Không có sự bỡn cợt nào ở đây. Tất cả mật ngữ và mật nghĩa biểu thị này đều rất linh thiêng dù tạm mượn qua phương tiện ngôn ngữ hay hình tướng hoặc cảm tưởng.

Theo Bùi Giáng, Bước Đi của Tư Tưởng là “một loại ngả ba theo dõi mãi con đường trong mỗi bước chân đi, trong từng mỗi mỗi niệm, mỗi mỗi sát na thù thắng.” Và cũng giống như người hoát ngộ lần đầu tiên trong hành trình tu tập, ông nhấn mạnh, nhắc nhở những người nào bước đi theo con đường tư tưởng rằng: “Không ai một lần vượt qua Ngả Ba là coi như vĩnh viễn từ nay không còn Ngả Ba nào chon von eo óc khiến bàng hoàng. Phải luôn luôn thể hội một điều: Ngả Ba còn hằng tại mãi ở dưới bước chân đi…”, “lịch hành theo thể thống đó, yêu sách cuộc hành tập tư tưởng một cách nghiêm mật cheo leo.” [CDNB/BG]

Hành tập tư tưởng một cách nghiêm mật cheo leo như thế nào? Ông dẫn dụ về người hành tập tư tưởng nghĩa là: “Nhiếp dân cái làm (sở hành sở vi) và cái không làm (vô vi) vào cõi tương ứng với cái gì hằng hằng mỗi mỗi là thổ lộ (biểu hiện) cái cốt yếu tinh hoa (tinh thể anh hoa).” [CĐNB/BG]

Trở lại với Tô Thùy Yên, thoạt đầu khi đối diện với định mệnh khắc nghiệt áp đặt lên tuổi trẻ thời đó, bằng quật cường tính của tuổi trẻ ông tin rằng có thể đập tan nát nó đi, nhưng đến khi định mệnh trở thành một thứ phù phép bí ẩn ngoài sức tưởng liệu của tuổi trẻ trong thời chiến tranh, ông cũng đành uất nghẹn, sa lầy trong tuyệt vọng của mâu thuẫn:

“Hung hãn như dòng sông khởi sự hành trình
Tôi đập nát những tĩnh từ sầu nhớ tiếc thương” 

“Tôi sống để quên quên để sống
chẳng thể đa mang tôi vốn tật nguyền
với một chân sa lầy tuyệt vọng
chỉ còn một dùng đeo đuổi tương lai”

“Cũng kiếp ngựa nhưng là ngựa rằn nên không để cưỡi,
tôi mở đường máu cho tâm khảm thoát thân
khỏi bề mặt của cuộc đời bình lặng
Tôi trang bị hoài nghi mà thám hiểm tương lai,
ngày một lạc sâu vào hoang địa
nối chán chường cứ trải rộng ra,
và vòm trời như nấp áo quan bằng cẩm thạch
Ôi giá được dừng chân,
tôi sẽ dựng lều nghỉ già trong tuổi nhỏ.”
[TCVNHN/TTK]

Càng về sau, thơ Tô Thùy Yên càng mang nhiều tư tưởng lớn hơn. Nhưng hình như một mặt ông cũng muốn rút lui ẩn mình vào Nơi Im Lặng:

“Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Sống tàn đời kẻ sĩ tàn mùa”

Lý do thúc đẩy thi nhân Im Lặng, không ngoài vì đã linh cảm thấy trước một tàn cuộc thảm khốc, mà, nhất là khi thi nhân tự nhìn ra vai trò “Bất Mãn” của “những người làm văn nghệ”, những “người anh hùng bất lực” theo ông, và đồng bệnh tương lân với Bùi Giáng, với Phạm Công Thiện, với Jean Cocteau dùng Thơ như “tôn giáo tuyệt vọng”. Rải rác qua rất nhiều bài thơ của Tô Thùy Yên, người tinh mắt đều nhìn thấy những tiếng hét đầy tuyệt vọng, báo động, tiên tri trước về cơn bão tố khủng khiếp sắp xảy ra trên vận mệnh quê hương, mà ông ví như một cuộc cờ không bày tướng, y hệt chiến trưởng cuối cùng của miền Nam dẫn đến ngày 30 tháng 4, 1975:

“Xa nghe đợt gió lên cơn bão
Nhân loại quay cuồng biến đổi sâu
Bầy chó năm châu cắn sủa rộ
Quỷ ma cười khóc rợn đêm thâu
Cuộc cờ kỳ lạ không bày tướng
Ăn sạch quân, trừ lính được thua”
(Hề, ta trở lại gian nhà cỏ)

Trong bài thơ “Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai” Tô Thùy Yên đã mượn điển tích xưa cũ mà ông gọi là “Ta mò đoán nghĩa dòng hư tự” để nói lên điềm thấu thị tiên tri của mình về thân phận của nhiều hạng người trong xã hội:

“Những người thuở trước giương cung cứng… Nửa chiều chết đứng hận giai nhân”; “Những người thuở trước đi tìm mộng… Buộc sầu, xõa tóc, thả thuyền rong”; ‘Những người thuở trước tham chung đỉnh… Đày ra quan ngoại, chết không chôn”; “Hỡi ôi, gió nổi lên cùng khắp / Giục gã du hành rảo bước thôi!”; “Biểu dương, hãy biểu dương cùng tận / Vinh dự lầm than của kiếp người / Hi hữu một lần trên trái đất / Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai” (1972)

Riêng phần mệnh của ông, không phải ông không đoán lấy được. Bài thơ “Hề, ta trở lại gian nhà cỏ” là bài thơ mang nhiều tâm trạng gửi gấm của chính ông trong đó nhất. Ông vạch trước cho mình một cuộc sống mai hậu qua bốn câu kết của bài thơ:

“Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Tử tội mừng ơn lịch sử tha
Ba vách, ngọn đèn xanh, bóng lẻ
Ngày qua ngày, cho hết đời ta. “

Dù ông có thở than như “Anh Hùng Bại Trận”, đó là sự bại trận anh hùng của riêng tư duy ông đối với những vấn đề triết lý ông tư duy. Thơ ông vẫn mạnh mẽ như núi, sinh động như biển, cô động như kim cương. Ông là “kẻ đã leo được lên đỉnh núi cao nhất, cười cợt tất cả những vở kịch bi đát và thực tại trang trọng bi đát”, nói theo thể điệu của nhân vật Zarathustra [ILHT/PCT]. Ông có quyền như vậy. Và, để nói lên cái sĩ khí của một thi sĩ vĩ đại, Phạm Công Thiện kết luận như sau: “Biết thất bại và biết rằng Định Mệnh chỉ là con so của trí tưởng tượng, đó là sống với sợi tơ hồng trên đầu ngọn kiếm đã gãy. “ [H.M./PCT]

Sau 1975, quả thật thi sĩ Tô Thùy Yên như một Anh hùng sống với sợi tơ hồng giăng gieo trên đầu ngọn kiếm đã gãy. Kỳ lạ thay, người ta không bao giờ coi Tô Thùy Yên sau 1975 như “những người anh hùng bại trận”, mà người ta quý trọng ông vì chỉ có lúc này mới đúng là lúc ông đi theo con đường oanh liệt cao sang của ông.

(Còn tiếp)



Chuyên mục:Nhân vật - Sự kiện, Thân hữu, Thân hữu

Thẻ:, , ,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: