Lê Giang Trần: Tiếng Hét Báo Động Của Những Anh Hùng Bất Cần Bạo Lực: Bùi Giáng – Phạm Công Thiện – Tô Thùy Yên, (1993) – p4

Thi sĩ Lê Giang Trần (Ảnh: Uyên Nguyên)

ĐẠO THÍNH ĐỒ THUYẾT: THỜI ĐẠI CỦA CON NGƯỜI MẠT HẬU XUẤT HIỆN

Bùi Giáng trong phần mở đầu quyển “Con Đường Ngả Ba”, nói về sự xuất hiện của con người mạt hậu như sau:

“Nói theo ngôn ngữ thần thông du hí tam muội Heidegger, thì con người mạt hậu xuất hiện chính vào lúc mà Mythos va Logos khởi sự chia lìa nhau và chống đối nhau, nghĩa là vào lúc mà cả Mythos và Logos cùng không thể bảo tồn được tinh thể sơ thủy của mình.” [CĐNB/BG]

Ông còn nói rõ về bản chất của con người mạt hậu: Đạo thính đồ thuyết (nghe ngoài đường và nói ngoài đường) là hoạt tinh thể của con người mạt hậu. Nó thông minh một cách thô thiển, nó vểnh tai ở ngoài đường và bi bô ăn nói ở ngoài đường để tàn phá mọi Ngả Ba đường của bước chân đi từ nội tâm nội mật.”[CĐNB/BG]

Đó là lời tiên tri linh hiển nhất, báo trước vấn nạn bọn văn công văn bộc Hà Nội sẽ lũ lượt vào miền Nam, con người mạt hậu này sẽ dùng đủ loại “bông hồng” xanh đỏ vàng tím để gây truyền nhiễm và gây tẩu hỏa nhập ma cho bọn thi sĩ yếu ớt. Mà, Tô Thùy Yên tiên đoán trước là “Thi sĩ Bắc Nam đều chết rạp”, còn Phạm Công Thiện dùng ngôn ngữ Nietzsche gọi con người mạt hậu là Bọn cục tác như gà mái mắc đẻ.

Anh hùng tận. Thời đại điêu linh đã hiện hình trên non sông gấm vóc. Nhiều hiện tượng thiên nhiên kỳ quái lần lượt xuất hiện. Con Người đá không còn nữa. Tuổi trẻ ngày đó dắt theo thế hệ gạch nối và đèo thêm thế hệ kỳ vọng thứ ba vượt núi thẳm sông ngàn rừng sâu núi độc, ra biển đi về phía mặt trời tìm tự do. Con người đã không còn đủ khả tính quyết định sự sống còn, đúng như Phạm Công Thiện đã linh cảm. Ông con nhìn thấy trọn vẹn hơn qua những dòng thơ của Rilke mà ông mượn làm tiên tri về tương lai “Di Vong Lưu Lạc”:

Thỉnh thoảng một người đứng dậy vào buổi ăn chiều
và bước ra khỏi nhà và đi và đi và đi mãi
trong cô liêu
vì một cổ tự mọc lên ở phương đông trái đất
Những đứa con làm ấn và coi kẻ ấy như đã mất
và một người khác chịu ở lại để chết trong căn nhà vô vị
Chịu ở lại nhà, ở lại cả đời với bàn và ly,
để cho những đứa con mình lang thang
trên cõi đời lênh đênh
Đi tìm một giáo đường mà người ấv đã quên
[CCTTTMĐ/PCT]

Mở đầu bài thơ “Đảng Tử” của Tô Thùy Yên, lời thơ như thúc giục Lên Đường, tiên tri về một cuộc tuần du bất tận:

Bạn có nghe, này bạn có nghe
Ở bìa rừng bên gió sửa soạn
Tuần du – cuộc tuần du bất tận
Bạn có nghe, này bạn có nghe
Giữa tầng trời cao chim giục giã
Từng giàn như những thủy triều sôi
Bạn có nghe, này bạn có nghe
Trên đỉnh non nhòa, mây xôn xao
Về nơi hẹn nào không định trước

Rồi bài thơ “Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai”, Tô Thùy Yên lại tiên tri về sự “Ra Đi”:

Ra đi như nước ao lềnh đặc
May gặp ngày mưa lớn thoát tràn”

Ra đi như một bình minh lạ
Trên kỷ nguyên chưa kịp hiện hình”

Ra đi như một âm thanh sáng
Xuyên suốt tâm linh, dội cảm sầu”

Tự Do, ta thết mừng điên đảo
Cuộc tiệc trăm năm nhục thánh thần”

“Con đường vô định chưa ai tới
Hay tới nơi,”thôi chẳng trở về”.
[TMN/VP]

Những con người Việt Nam đã bỏ lại tất cả để “Lên Đường”, để “Ra Đi”. Họ tới nơi. Họ chẳng trở về. Họ phải sống với thế cách như thế nào sau khi định mệnh khốc liệt của chiến tranh Việt Nam chấm xuống hàng 1975 và lật qua trang sách cuối cùng của thế kỷ XX? Theo thi sĩ Phạm Công Thiện thì “Phải sống như cái nhìn của kẻ ra đi mà còn quay đầu nhìn lại cánh đồng lúa đang trổ đòng đòng.” Theo thi sĩ Bùi Giáng thì sau cuộc trừng trị miên man của đêm dài Mạt Thế thì “Hằng Thủy Sơ Nguyên muôn trùng sinh nơi Viễn Ngạn ở cuối đường Mai Hậu muốn phục hồi về Hiện Tại và chào đón Hiện Tại ở khắp mặt Tương Lai đang hình thành trong thệ khứ Mạt Thế. Thế của Sử Lịch Tồn Lưu làm nên mối bâng khuâng của Phù Du Tại Thể.”[TGTP/TTK]

Thiên chức của thi nhân là phụng sự cho nỗi chờniềm nhớ. Chờ và Nhớ là hai đầu sông, như Việt Nam và Thế Giới, như Âm và Dương, như Hiện Tại và Tương Lai, như Mạt Thế và Viễn Ngạn, như người Trong Nước và người Ngoài Nước. Trong và Ngoài chuyển động thành Bốn: “Tứ Khổ Đế”: Khổ, nguyên nhân khổ, chấm dứt khổ, và “Con Đường”. Con đường nào? (Bát Nhã: Trí huệ) Đưa đến đâu? (Ba La Mật Đa: Vượt qua lằn Mé bên kia, qua sông). Tiếp tục biết hỏi, Bốn sẽ lũy tiến thành Tám, tám con đường chính, Bát Chánh Đạo: 1- Sự thấy biết chân chính, 2- Sự suy nghĩ chân chính, 3- Sự ăn nói chân chính, 4- Sự làm việc chân chính, 5- Sự sống chân chính, 6- Sự cố gắng chân chính, 7- Sự tưởng niệm chân chính và 8- Sự tập trung chân chính.

Bao giờ thì Tám sự chân chính hóa thành tám cánh liên sen chuyển động thành ra vòng tròn Không Tính để ôm nối lại hai đầu sông, để hòa hợp lại âm dương, để dung thông viên nhiếp Việt Nam và thếgiới?

Đó cũng là những “Bước chân đi hàng «Hai» theo thể lệ chữ «Bát» cho máu me đánh mãi nhịp chữ«Không»”của Bùi Giáng bước đi trên Ngả Ba đường; một Ngả Ba còn mang Mật nghĩa khác ngoài Bước Đi của Tư Tưởng. Đó là Tam Ấn: Vô Thường,Vô Ngã, Niết Bàn; Và Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng với ba dạng thể Đồng thể Tam Bảo, Xuất thế Tam Bảo và Thế gian trụ trì Tam Bảo. Phải đây mới chính là tinh mật nghĩa mà thi sĩ Bùi Giáng ngấm ngầm mật lộ cùng người hữu duyên chăng?

Dưới triều đại của Người Mạt Hậu, thi sĩ Bùi Giáng đã chọn cho mình cách thế sống hành tập điên cuồng theo thể lệ thù thắng trải qua hai thời đại Tiền Mạt Hậu Đệ Nhị Cộng Hòa và Hậu Mạt Hậu Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Dưới mắt của người mạt hậu, “Thi sĩ là một kẻ bị nguyền rủa đọa đày, tư tưởng gia bị gọi là một thằng khùng, con người nghệ sĩ bị gọi là kẻ đào ngũ, kẻ thấu thị tiên tri bị gọi là một tên phạm tội.”[H.M./PCT] Như vậy, phải nói là Bùi Giáng là một thi sĩ thật vĩ đại mới không bị ô uế và ô nhiểm bởi hơi hám của chúng. “Phải là đại dương đại hải thì mới có thể đón vào lòng mình một dòng sông dơ bẩn mà mình không đến nỗi phải chịu phận dơ theo.” [CDNB/BG]

Tô Thùy Yên xem đời như chuvện phiếm, cũng bị người mạt hậu đưa vào cùm xích quản thúc vì nhận biết rõ ràng họ chỉ là nhúm lông hồng phù phiếm trên đầu lưỡi gươm, dù là lưỡi gươm gãy, của người thi sĩ chiến sĩ này.

Phạm Công Thiện người có tiếng hét của con Ó Lửa triết gia và có nỗi im lặng của con Rắn Độc Mái Gầm thi sĩ, cũng không chịu nổi người Mạt Hậu Bolso Mỹ quốc, đã vượt đêm hoang vu đi về phương trời Kangaroo, ngồi ẩn dật vô danh nơi một ngọn đồi trên bãi biển bát ngát của đất trời châu Úc.

Con đường Ngả Ba – bước đi của tư tưởng, Im Lặng Hố Thẳm – con đường triết lý Việt Nam, câu thơ “Văn nghệ, tôn giáo của những người anh hùng bất lực” chẳng qua chỉ là phương tiện một gương soi mà thi nhân mượn làm bức tường diện bích để tĩnh tâm kiến tính, nhìn ra cái Vị Thế Sống tuyệt cùng bi tráng: “Phải sống như cái nhìn của kẻ ra đi mà còn quay đầu nhìn lại cánh đồng lúa đang trổ đòng đòng”(PCT) của người Việt Nam ở ngoài đất nước Việt Nam.

Nếu ai biết nghe tiếng hét của thi nhân, thì đôi mắt người đó sẽ nhìn thấy được chim bồ câu trắng bay ngang cung đàn của âm điệu thi ca.

Lê giang Trần

(Fresno, tháng 9/88 và E. LA, tháng 4/92)



Chuyên mục:Nhân vật - Sự kiện, Nhân vật, Sự kiện, Thân hữu, Thân hữu

Thẻ:, , ,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: