Nguyễn Xuân Thu: Nhà xuất bản trong ga-ra xe hơi

 

Hành trình từ trường làng
đến Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam (Hồi ký)
Tác giả: GS Nguyễn Xuân Thu
Người Việt Book xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ, 2014
Bìa: Trần Minh Triết

 

Đến Úc khoảng chưa đầy hai tuần lễ mà có được một việc làm tốt trong một trường đại học tôi nghĩ mình là một trong những người Việt tỵ nạn may mắn nhất. Công việc của một giảng viên đại học dạy môn tiếng Việt được giao rất cụ thể: soạn thảo và giảng dạy hai chương trình tiếng Việt: chương trình sơ cấp để dạy những người không biết nói tiếng Việt và các chương trình trung cấp và cao cấp cho những sinh viên người Việt. Học viên thuộc nhóm thứ nhất gồm nhiều loại người từ nhân viên cộng đồng, nhân viên xã hội, y tá, điều dưỡng, bác sĩ đến những người làm việc cho các tổ chức thiện nguyện. Họ học tiếng Việt, lịch sử và văn hoá Việt Nam để giúp cho cộng đồng người Việt sớm ổn định trong xã hội mới. Nhóm thứ hai là sinh viên người Việt thuộc các trường sư phạm, khoa phục vụ cộng đồng, khoa đa văn hoá, khoa tội phạm học. Trong thời gian dạy và học, cả thầy lẫn trò gặp một trở ngại rất lớn là thiếu trầm trọng tài liệu học tập.

Vì môn tiếng Việt là một môn học mới và do chính phủ liên bang tài trợ, rất khó có thể xin tài trợ của trường để giải quyết sự thiếu hụt về tài liệu học tập. Do đó, cả thầy giáo lẫn sinh viên hợp lực soạn sách tập đọc, nhờ một vài hoạ sĩ vẽ tranh, và sử dụng công nghệ in ấn mới nhất thời bấy giờ để đánh máy và in sách tiếng Việt. Kết quả, giữa năm 1983 quyển tập đọc mỏng song ngữ Thanh’s FamilyGia đình Thanh ra đời. Không ngờ tập sách mỏng này được nhiều gia đình người Việt tại Úc cũng như ở Mỹ nhiệt liệt đón nhận. Sau Gia đình Thanh, nhiều quyển sách khác được ra đời và thành phần soạn sách cũng đa dạng hơn, gồm nhiều người quan tâm đến giáo dục và từ nhiều tiểu bang khác nhau.

Đến khoảng cuối năm 1984, tôi nhận được thư của anh Nguyễn Mộng Giác[1] (lúc ấy anh đang định cư tại tiểu bang California, Hoa Kỳ) nhờ tôi phổ biến tại Úc tạp chí Văn Học ra hàng tháng do anh làm Chủ bút (Tổng biên tập). Anh Giác và tôi vốn đã quen biết nhau từ ngày chúng tôi còn học tại Viện Đại học Huế, và sau này chúng tôi lại cùng làm việc với nhau trong nhiệm sở cuối cùng tại Nha Sưu tầm và Nghiên cứu thuộc Bộ Giáo dục trước khi chính quyền miền Nam sụp đổ. Ít tháng sau, khoảng đầu năm 1985 anh Võ Thắng Tiết nhờ tôi phổ biến một số quyển sách mới in do Nhà xuất bản Văn Nghệ của anh vừa được thành lập. Anh Võ Thắng Tiết không phải là người xa lạ trong giới viết văn. Anh là thầy Từ Mẫn làm Nhà xuất bản Lá Bối lúc còn ở Việt Nam. Anh là bạn thân và lúc ấy là người ở chung nhà với anh Nguyễn Mộng Giác tại khu Westminster, bang California.

Lúc đầu mỗi tháng tôi nhận được vài tên sách và một số quyển báo Văn Học. Tôi gửi bán cho các thư viện thuộc các thành phố có đông người Việt định cư tại Melbourne như Footscray, Richmond, Springvale, Box Hill…. Dần dần do nhu cầu đọc sách báo tiếng Việt gia tăng tại nhiều nước có người Việt định cư, số sách báo tiếng Việt xuất bản ở Hoa Kỳ, Canada và Pháp cũng được in ấn và phổ biến nhiều hơn. Số sách báo gửi cho tôi ở Úc cũng mỗi ngày một gia tăng. Thị trường phân phối sách báo tiếng Việt của tôi lúc này không chỉ giới hạn trong bang Victoria mà có cả một số thành phố tại các tiểu bang và lãnh thổ khác như Sydney (NSW), Canberra (ACT), Adelaide (Nam Úc) và Brisbane (Queensland).

Cũng vào giữa năm 1984, Học viện Công nghệ Phillip (Phillip Institute of Technology) nơi tôi giảng dạy nhận được một ngân khoản tài trợ từ Ủy ban Học đường của Chính phủ Liên bang (Commonwealth Schools Commission) để soạn một bộ sách cho học sinh người Việt đọc. Để soạn các sách phục vụ nhu cầu đọc của học sinh, một Ban soạn sách cho học sinh người Việt (Committee for Preparation of Vietnamese Reading Materials) được thành lập vào đầu năm 1985.

Số lượng sách được soạn và nhu cầu sử dụng văn hóa phẩm bằng tiếng Việt cũng gia tăng mạnh nên tôi với sự giúp đỡ của một sinh viên người Úc và một vài đồng nghiệp đã cho ra đời Nhà xuất bản Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam (Vietnamese Language and Culture Publications), thường gọi là nhà xuất bản VLCP, tại thành phố Melbourne, thuộc tiểu bang Victoria. VLCP vừa là nhà xuất bản vừa là nhà phân phối và văn phòng của VLCP được đặt trong ga-ra xe hơi (ôtô) của gia đình tôi.

Từ lúc cộng đồng Việt Nam được thành hình cho đến nhiều năm về sau tại Úc chỉ có VLCP là nhà xuất bản duy nhất. Tại mỗi tiểu bang đều có tiệm bán sách, báo, CD nhạc và đủ loại tạp hóa. Sách, báo và các loại văn hóa phẩm sản xuất từ Việt Nam trong giai đoạn này chưa được phổ biến trong cộng đồng người Việt ở Úc, vì một mặt nội dung còn nặng ý thức hệ Cộng sản và mặt khác vết thương của người Việt tỵ nạn Cộng sản tại Úc còn quá mới mẻ và nhiều gia đình không muốn đọc những gì liên quan đến kẻ thù.

Vì Nhà xuất bản VLCP không có cơ sở phát hành trong các khu thương mại nên tất cả việc mua bán sách báo hay giao dịch của Nhà xuất bản này đều qua thư đặt hàng từ các nơi gửi về, đa số là từ các thư viện và trường học. Phần lớn công việc xuất bản và phân phối sách lúc đó chỉ diễn ra trong những ngày cuối tuần và ngày lễ. Những ngày trong tuần tôi dành cho công việc dạy học, soạn bài, chấm bài và hướng dẫn sinh viên, là những việc chính của một giảng viên đại học để có nguồn thu nhập nuôi sống gia đình tôi lúc bấy giờ.

Về mặt kinh tế mà nói, việc xuất bản và cung cấp sách của VLCP trong thời gian từ lúc thành lập cho đến lúc đóng cửa vào năm 1995 không phải là một hoạt động kinh doanh thực sự. Nhưng về mặt tinh thần, hoạt động của nhà xuất bản VLCP có đạt dược một số mục tiêu khác.

Trước hết, lúc đầu nhà sách được lập ra như là một phương tiện để giúp duy trì tiếng mẹ đẻ trong giới trẻ người Việt tại Úc và phổ biến văn hóa Việt Nam vào trong cộng đồng chính mạch Australia. Cho đến năm 1995 có khoảng gần 20 đầu sách thuộc loại này được xuất bản. Những quyển sách do VLCP xuất bản như quyển Understanding the Vietnamese Refugees in Australia (“Tìm hiểu người Việt tỵ nạn tại Úc” do Nguyễn Xuân Thu và Desmond Cahill biên tập), Australia and Indochinese Health Issues (“Nước Úc và các vấn đề sức khoẻ của các cộng đồng Đông Dương” do Nguyễn Xuân Thu, Desmond Cahill và Lidio Bertelli biên tập) có một thời rất thịnh hành. Với những quyển sách ấy, người Úc hiểu rõ hơn những khó khăn của người Việt tỵ nạn, và từ đó, chính phủ Úc lập ra những chính sách thích hợp để giúp cộng đồng Việt Nam sớm hội nhập vào xã hội mới.

Ngoài ra, số sách bằng tiếng Việt, tiếng Anh hoặc bằng song ngữ (Việt – Anh) do VLCP xuất bản trong thập niên 1980[2] cũng đã giúp một số em học sinh có sách để đọc, khỏi phải quên tiếng Việt. Chính bộ sách này cũng là nguồn cảm hứng để sau này, khoảng từ năm 1991 về sau, một số giáo viên giảng dạy trong các trường Việt ngữ Thứ bảy soạn ra các tập sách giáo khoa nhằm giúp các em đăng ký học môn tiếng Việt ở các lớp từ mẫu giáo đến lớp 12, trong đó phải kể đến bộ sách cho người nước ngoài học tiếng Việt do ông Phan Văn Giưỡng giảng viên tại trường Đại học Victoria biên soạn và bộ sách giáo khoa tiếng Việt gồm 13 tập (năm 2013) cho học sinh các lớp phổ thông của ông Thái Đắc Nhương, hiệu trưởng trường Việt ngữ Lạc Hồng và một số đồng nghiệp của ông biên tập và xuất bản.

Từ năm 1989 trở về sau, chúng tôi có những hoạt động để hỗ trợ phổ biến các tác phẩm bằng tiếng Anh nhằm giúp các cộng đồng nói tiếng Anh và các thế hệ trẻ người Việt được sinh ra ở nước ngoài biết về lịch sử Việt Nam; tại sao có làn sóng người Việt tỵ nạn sau năm 1975; trong 20 năm chia cắt Nam-Bắc, miền Nam đã sống ra sao, hoạt động văn học nghệ thuật như thế nào… Với mục tiêu đó, chúng tôi đã dành phần lớn số tiền lời ít ỏi của nhà xuất bản VLCP để tài trợ các công tác dịch thuật ra tiếng Anh một số tác phẩm được viết bằng tiếng Việt hoặc in một số tác phẩm liên quan đến Việt Nam. Thể hiện rõ nhất là VLCP đã in quyển Intact do James Banerian dịch ra tiếng Anh từ quyển “Nguyên vẹn” của Võ Phiến hoặc tài trợ dịch và in quyển Vietnamese Literature in South Vietnam 1954-1975 dịch từ quyển “Hai mươi năm văn học miền Nam” cũng của Võ Phiến[3].

Trong những năm đầu của thập niên 1980, do nhu cầu đọc sách tiếng Việt của các cộng đồng người Việt ở hải ngoại rất lớn nên một số nhà xuất bản như Xuân Thu, Đại Nam tại Hoa Kỳ và Làng Văn ở Canada đã in lại các sách xuất bản trước năm 1975, phần lớn là sách chưởng và tiểu thuyết. Những quyển sách này cùng với những sách do các nhà xuất bản khác, đặc biệt là nhà xuất bản Văn Nghệ được nhà sách VLCP nhập vào Úc và phân phối cho các thư viện công cộng nơi có nhiều người Việt định cư và những độc giả người Việt chỉ cần đến thư viện mượn sách về đọc.

Tại các thư viện công cộng, cộng đồng người Việt lúc bấy giờ là một cộng đồng non trẻ nhất nhưng được đánh giá là cộng đồng ham mê đọc sách. Trong các thư viện như thư viện Fairfield, thư viện Marrickville, thư viện Bankstown ở bang New South Wales và thư viện Maribyrnong (Footscray), thư viện Springvale, thư viện Sunshine, thư viện Richmond ở bang Victoria, số sách tiếng Việt rất lớn, nhưng trên các kệ sách của thư viện thường trống rỗng vì tất cả các sách đều đã được mượn đọc. Một số lớn trong số sách tiếng Việt tại các thư viện công cộng là sách do nhà xuất bản VLCP cung cấp. Do đó, có thể nói, trong gần 20 năm đầu kể từ ngày cộng đồng người Việt được thành lập, nhà xuất bản kiêm phát hành sách VLCP đã có đóng góp một phần đáng kể trong việc cung cấp sách tiếng Việt cho các thư viện công cộng tại các tiểu bang có nhiều người Việt sinh sống tại Úc.

Đến thập niên 1990, nhu cầu đọc sách, báo và nghe nhạc, xem phim gia tăng mạnh trong các cộng đồng người Việt ở Úc. Trong lúc đó, số sách xuất bản ở ngoài Việt Nam mỗi ngày một ít lại, hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu giải trí tinh thần của người Việt. Ngược lại, số sách báo xuất bản ở Việt Nam mỗi ngày một nhiều và có cải thiện về cả nội dung lẫn hình thức. Một số độc giả người Việt yêu cầu thư viện mua sách phi chính trị từ Việt Nam. Các thư viện có ngân sách và đồng ý mua các sách do độc giả yêu cầu. Nhưng một số người Việt thuộc các hội đoàn chính trị không muốn thấy bất cứ sách gì xuất bản từ Việt Nam lưu hành trong các thư viện công cộng. Đây là một vấn đề có liên quan đến chính trị rất phức tạp. Nhưng các vị quản lý thư viện tại các vùng có đông người Việt định cư như Cabramatta, Bankstown, đã giải quyết rất khôn khéo, rất chuyên nghiệp. Đại diện các hội đoàn chính trị tuy không hài lòng nhưng cũng không thể không công nhận nhu cầu giải trí tinh thần của đồng hương của họ. Cuối cùng các thư viện vẫn mua được sách báo từ Việt Nam để phục vụ độc giả người Việt. Dĩ nhiên không có những quyển sách mang màu sắc chính trị.

Ngoài một số hoạt động trên, nhà xuất bản VLCP tuy không trực tiếp nhưng cũng đã đóng góp một phần trong việc dấy lên phong trào giảng dạy và học tập tiếng Việt tại nhiều tiểu bang ở Úc. Đỉnh điểm của phong trào này là một số hội giáo chức người Việt đã làm việc với Bộ Giáo dục Úc nhằm đưa tiếng Việt vào trong chương trình thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại hai tiểu bang Victoria và New South Wales. Muốn thuyết phục các cơ quan chuyên trách trong Bộ Giáo dục Úc, hồ sơ phải có chương trình, giáo viên, sách tham khảo, sách tập đọc…và bộ sách tiếng Việt và song ngữ do nhà xuất bản Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam VLCP in là một phần không thể thiếu trong bộ hồ sơ ấy.

Giai đoạn từ 1985 đến năm 2000 là thời gian bùng phát giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam trong một số trường đại học ở các tiểu bang, trong một số trường phổ thông, và trong nhiều trường Thứ bảy do cộng đồng người Việt điều hành. Tiếng Việt nhờ thế được chính phủ liệt kê là một trong số 14 ngôn ngữ ưu tiên[4] được giảng dạy trong các trường phổ thông ở Úc. Điển hình tại tiểu bang Victoria, tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam được đưa vào giảng dạy như một môn chính trong chương trình Cử nhân đa văn hóa tại Học viện Công nghệ Footscray, sau đổi thành trường Đại học Victoria. Tiếng Việt còn được giảng dạy như là một môn tự chọn tại các trường Đại học Melbourne, Đại học La Trobe. Tại New South Wales cũng có giảng dạy chương trình tiếng Việt tại trường Đại học Phía Tây Sydney (Western Sydney University). Tại Canberra chương trình tiếng Việt có trong trường Đại học ANU. Tại South Australia có chương trình tiếng Việt trong trường Đại học Adelaide, và tại Tây Úc trong Học viện Công nghệ Mount Lawley[5]. Bản báo cáo “Tháo gỡ tiềm năng ngôn ngữ Australia – Dáng vóc các ngôn ngữ tại Úc – tiếng Việt” (Unlocking Australia’s Language Potential – Profiles of Languages in Australia – Vietnamese) do Viện Ngôn ngữ Quốc gia Australia in năm 1995 có ghi rõ các thông tin trên. Ngoài việc cung cấp sách cho các cơ sở giáo dục trên, Nhà xuất bản VLCP còn cung cấp cho các trường học và các khách hàng khác tại Úc và một số nước trên thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ (trường học, cơ sở giáo dục, trung tâm nghiên cứu), Canada (trường học), Hồng Kông (trại tỵ nạn), Philippines (trại tỵ nạn), Mã Lai (trại tỵ nạn), New Zealand, Anh Quốc (trường Việt ngữ)…

Chủ trương của giới trí thức người Việt ở Úc gồm có nhiều người trong đó có ban điều hành của nhà xuất bản VLCP là muốn có nhiều tài năng người Việt đến sống và làm việc ở Úc. Chỉ có những con người như thế mới có thể xây dựng được một nền học thuật bằng tiếng Việt đủ mạnh tại Úc xứng đáng là một thành viên trong cộng đồng đa văn hoá tại nước sở tại. Và trên thực tế VLCP đã thực hiện được một phần chủ trương ấy theo khả năng của mình.

Ngày nay nhà xuất bản Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam (VLCP) không còn nữa. Nhưng có hai công ty song sinh ra đời. Đó là công ty phân phối và cung cấp dịch vụ thư viện LN Vietnamese Books Pty Ltd ở Melbourne và công ty NP Vietnamese Books ở Sydney. Cả hai công ty ngày nay đều là những cơ sở kinh doanh sách đúng với ý nghĩa đích thực của nó.

GS Nguyễn Xuân Thu

(Trích hồi ký “Hành trình từ trường làng đến Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam”, Người Việt xuất bản, 2014)

____________________________________

[1] Nguyễn Mộng Giác trước năm 1975 lúc đầu đi dạy học tại Quy Nhơn, sau làm Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Bình Định trước khi về làm chuyên viên nghiên cứu tại Nha Sư tầm và Nghiên cứu thuộc Bộ Văn hoá Giáo dục. Mất tại Hoa Kỳ năm 2012.

[2] Một số quyển sách song ngữ như The Last Train Journey, My Village, Old Stories from Vietnam, Folk Tales from Indochina, The Adopted Children in the Kelly Family, Life with Past Images, The Tadpoles, Five Vietnamese Folktales

[3] Intact do James Banerian dịch từ quyển Nguyên vẹn của Võ Phiến, 1990, Melbourne, VL&CP; và Literature in South Vietnam 1954-1975 do Võ Đình Mai dịch từ quyển Hai mươi năm văn học miền Nam của Võ Phiến, 1992, Melbourne, VL&CP.

[4] 14 ngôn ngữ ưu tiên lúc ấy gồm tiếng Arabic, Chinese, French, German, Indonesian/Malay, Italian, Japanese, Modern Greek, Spanish, Korean, Thai, Vietnamese và Russian.

[5] Nguyen Xuan Thu, Unlocking Australia’s Language Potential – Profile of Languages in Australia: Vietnamese, 1995, Canberra, The National Languages and Literacy Institute of Australia, trang 22.



Chuyên mục:Nhân vật - Sự kiện, Nhân vật, Sự kiện

1 reply

Trackbacks

  1. Nguyễn Xuân Thu: Gởi Các Bạn REMITVIETNAM20 – Uyên Nguyên

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: