Trích Tạp Chí Vạn Hạnh,
Nghiên cứu phát huy văn hóa Phật giáo và Dân tộc.
của Viện Đại học Vạn Hạnh.
Chủ nhiệm kiêm chủ bút: Thích Đức Nhuận
Số 8&9, chủ đề Kỷ Niệm Ngày Đức Phật Thành Đạo.
Vạn Hạnh–tạp chí nghiên cứu phát huy văn hóa Phật giáo và dân tộc, “không phải cơ quan của riêng ai để làm lợi cho riêng ai”, do “một số học giả và nhân sĩ” chủ trương, được ấn hành trong khoảng thời gian 1965-1967, được biết ra tới số 25. Vạn Hạnh có 4 số đôi là 8&9, 13&14, 20&21, 23&24; hai số 1 là 1 thượng và 1 hạ. Như vậy, nếu thật sự số 25 đã được xuất bản thì Vạn Hạnh có tổng cộng 26 số. Khổ báo 16×24 cm, mỗi số dày từ 150-300 trang.
Cuộc đời hiện hình trước mắt con người như một cơn cuồng mộng, hỗn tạp, bất trắc, bóc lột, phản bội, chiến tranh… và chết chóc. Sự diễn hóa ào ạt mò mẫm nguy hiểm đó, đã tù hãm thân phận mong manh của con người, đã vẽ nên khuôn mặt thảm não của cuộc đời, đã là nội dung của thế giới hiện nay.
Những sự kiện trên, buộc con người phải thao thức soi thẳng thức giác vào cõi tự đối để tìm sự hiện hữu của chính mình cũng như giá trị đích thực của cuộc sống nhân loại và vạn hữu.
Nhưng con người đã tuyệt vọng khi nhận thấy cuộc hiện hữu mong manh của mình bị giới hạn bằng sự chết. Sự chết xuất hiện ở cuối đường hiện hữu, đánh dấu sự bất lực ghê sợ của công trình tự đối, thú nhận một ý nghĩa phi lý toàn triệt của cuộc sống. Sự chết đã xúc động nguồn rung cảm xót xa tức tưởi thống khổ, rồi xâm chiếm suy nghiệm của con người, đẩy tâm tư đến trạng thái rã rời hoang mang tuyệt vọng để xô con người vào lối hành xử thác loạn buông xuôi liều lĩnh. Đó là thực trạng thời đại đã bật thành tiếng kêu cứu, bức bách tâm thức con người phải vượt lên khỏi thảm trạng vũng đọng của chiều cảm nghĩ “Phi lý tự đối”. Sự bức bách dồn nén khắc khoải đó đã dẫn tới sự nổ tung của tâm tư, phá vỡ lớp vỏ ngã thức hữu hạn bực bội, nhờ đấy bức tường chết đen ngòm rùng rợn bị thiêu hủy, để tỉnh thức người thể nhập vào dòng sống “Siêu lý tuyệt đối”. Cuộc hiện hữu của con người lúc này là những đợt điều hòa liên tục của dòng hiện hữu bao la đầy khắp vô hạn. Không gian của ngã thức một khi bị cháy trụi thì thời gian của tâm thể cũng sẽ bị mất biên cương, để tâm thức người tồn tại vô cùng trong dòng sống minh nhiên hằng hữu, bao trùm nội tại thăng hóa nơi vạn hữu.
Khi đã thức đạt được thực thể và giá trị của “Siêu lý tuyệt đối”, tức là con người ổn định nổi tâm tư, thỏa đáp được khát vọng trường tồn thì lúc đó mới là lúc nhập cuộc để thể chứng những minh nhận của mình trong cõi “Hợp lý tương đối”. Cõi tương đối là cõi chia cắt: Mọi hiện tượng đều mang hình thái thực chất giá trị cá biệt, nên chúng luôn luôn có khuynh hướng vừa bổ sung vừa vượt chiếm tha thể, do đó vạn hữu thường xuyên bị đặt trong cảnh dư thừa thiếu thốn đầy khổ đau bất hạnh. Nhưng dù có thế nào đi nữa, thì vạn hữu vẫn kế tiếp nhau tồn tại sinh hóa. Trong cuộc tồn tại sinh hóa ấy, những đặc tính hợp lý đều biểu hiện như một nguyên tắc phổ biến. Chính vì vậy, mà các hệ thống lý luận được thành lập nhằm đưa ra những biện chứng suy nghiệm hợp lý về con người và vũ trụ, để tổ chức êm đẹp về đời sống tương liên giữa tự thể tha thể và tập thể. Nhưng rồi những ý thức hệ hợp lý đó lại một lần nữa chia cắt nhân loại ra làm nhiều mảnh tập thể lý tưởng chống đối nhau, một cách cuồng tín và vô vọng. Đã đến lúc nhân loại phải lược bỏ thành kiến, đặt con người làm cứu cánh suy nghiệm để tận dụng sáng ý sáng kiến sáng tạo của người xưa, người nay và mở lối cho người sau tiến lên đóng góp với công trình xây dựng phận người, cuộc đời và vũ trụ.
Con người muôn đời tiếp sức cho nhau, để nổ lực vượt bỏ cuộc sống mặc thức mông muội hoang sơ, triển nở tâm thức, mở ra vận hội ý thức, tức là bước vào cuộc sống cảm nghĩ phân biệt mà ý thức tự nhược vốn dễ xâm chiếm tâm tư con người nhất, khi con người phải đối diện với rừng hoang thâm hiểm, thú dữ tàn bạo và vũ trụ hãi hùng. Thế nên ý thức đa thần đã hiển linh trong tư tưởng tự nhược của nhân loại bộ lạc xa xưa. Nhưng nguồn năng lượng mãnh liệt của con người vốn có sức hàng vượt, nhờ đó những bí ẩn của hiện tượng lần lần bị khám phá. Óc mê tín đa thần bị lược bỏ dần dần để dẫn tới ý thức độc thần Thượng đế, ngự trên trời xanh cao rộng, lãnh vực bí mật cuối cùng của vô trụ vô biên.
Các tôn giáo Duy thần thành lập, ngự trị tâm tư nhân loại cho tới mùa ý thức tự chủ xuất hiện. Ý thức tự chủ đã lóe sáng bằng những thức thuyết dịch biến của Trung hoa, ảo ảnh của Ấn độ và hoài nghi của Hy lạp. Rrồi dẫn tới các phái hệ Duy nhiên, Duy nghiệm, Duy lý, Duy tâm, Duy thức, Duy thực, Duy vật, Duy sinh… những ý niệm “Duy” đó xuất hiện ở khắp các nền văn minh để công phá lẫn nhau, rồi hợp thành các ý thức hệ nhập cuộc vô cùng hiệu nghiệm.
Ý thức hệ Duy thần đã được võ trang bằng mọi thứ lý luận, suy nghiệm của các ý niệm Duy trên kia, theo chiều tích cực chống đối hoặc tích cực bổ sung để tạo ra lý tưởng có hệ thống đi từ nhận thức hữu thần, vũ trụ có bản thể, hữu ngã là Thượng đế rồi vào đời thành cá nhân chủ nghĩa. Cá nhân chủ nghĩa của tôn giáo vốn mang tính chất tích cực thỏa hiệp với tha nhân, nhưng khi nào thực tế xã hội đã sa đọa thành cá nhân cực đoan, cạnh tranh sinh tồn. Kẻ thù của ý thức Duy thần là ý thức Duy vật, duy vật cũng đã được võ trang bằng những thứ lý luận Duy qua hai chiều bổ sung và đối kháng để tổng hợp thành một chủ nghĩa xã hội cực đoan, phủ nhận giá trị siêu nhiên của vũ trụ, hạ thấp giá trị tâm tư con người để đề cao giá trị sản xuất đưa kinh tế lên hàng cứu cánh cho đời sống xã hội.
Hoạ phẩm “Hoa Mạn-đà-la” của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí
in trên bìa tạp chí Vạn Hạnh số 8&9, năm 1966
Trong thế đối nghịch của hai hệ thống Duy thần, Duy vật, tâm thức con người bị chà xát, đè nén, thao thức, nên đã quay về với mọi tư tưởng có hệ thống bằng một phong trào hiện sinh sôi bỏng phủ nhận mọi ý niệm phổ biến hợp lý của tư tưởng cộng đồng, nhằm làm phát hiện một con người hiện hữu cô đơn vòi vọi trong cuộc đời ngang trái và vũ trụ lầm lũi vô thức. Mặt khác tâm thức con người lại đã tích cực hơn trong việc khám phá triển khai tận lượng thức tánh nơi mình để cung ứng với tha thể và vạn hữu trong nguồn yêu thương thông cảm hòng thể chứng lối sống tự do tự biến trong cộng động cộng biến.
Thực tại của tư tưởng giới hôm nay, là một thực tại khám phá phát huy tới mức tối đa mọi lãnh vực để mở ra một vận hội nhận thức toàn diện đầy khắp và thăng hóa. Chính vì vậy, mà cuộc sống nhân loại đang gặp cơn khủng hoảng tan vỡ như chưa từng thấy trong lịch sử. Trạng thái sụp đổ khắp mặt tư tưởng và nhân sinh của thế giới đã trung thành chiếu lên thân phận và khuôn mặt Việt Nam. Một dân tộc từ ngàn xưa là cửa ngõ du nhập của các luồng tư tưởng Trung hoa, Ấn độ và gần đây các luồng tư tưởng Âu Mỹ hậu duệ văn minh của Địa trung hải đều đã vào, để tích cực chống đối tích cực bổ sung cho nhau khiến người Việt Nam tự giác được một lối nhận thức toàn diện đầy khắp hòng góp với nhân loại những dữ kiện cần thiết cho việc tạo cho một vận hội mới.
Lối nhận thức toàn diện ở đây không bị giới hạn trong một lĩnh vực phi lý tự đối hay siêu lý tuyệt đối hoặc hợp lý tương đối mà bao gồm khắp mặt hiện hữu của tự thể, tha thể và tập thể, đi từ nội quan tự đối phi lý vươn lên đại quan tuyệt đối siêu lý để minh nhiên minh nhận minh đồng nhập cuộc tương đối hợp lý. Nhập cuộc thì bất cứ ở phận vị địa hạt hoàn cảnh nào cũng đòi hỏi con người phải thể hiện trọn vẹn ý nghĩa hợp lý không buộc ở đối tượng quá mức nhận chịu của chúng. Khi chân thật như vậy, thì cuộc sống hợp lý không còn là chướng ngại cho sự tự do tự đối, không còn sai biệt với sự tự chủ tuyệt đối và không còn cản trở việc tự tạo tương đối nữa.
Lúc này con người đã đạt tới mức siêu ngã khắp mặt tròn đầy sáng suốt, chấp nhận những thực tại mà đời thường cho là khổ đau, vì đích ra khổ đau chỉ là nghiệp dĩ của con người khi chưa minh nhận được giá trị siêu ngã của con người, vẫn ràng buộc tâm thức của mình trong một lối cảm nhận hữu ngã hữu hạn. Khổ đau sẽ chấm dứt, nếu con người minh nhiên hòa điệu trong nhịp đại thăng hóa vũ trụ, minh nhận được thực tại cuộc đời đầy trở ngại bất trắc để rồi minh động góp sức chuyển hóa xã hội và vạn hữu.
Xã hội luôn luôn chuyển diễn theo nhiên luật Bổ sung-Phân hóa-Điều hợp. Luật sung phần hợp đã được thể hiện miên tục trong lịch sử, thể hiện một cách mặc thức, ý thức hoặc nhận thức qua sự kiện tích cực xây dựng và tích cực phá hủy. Một giai đoạn lịch sử bị loạn lạc đó là thời kỳ mà yếu tố phân hóa bị đề cao khuếch đại thành những vụ đấu tranh, vì những quyền lợi tinh thần và vật chất khi những quyền lợi đó gặp nhau và chưa tìm được phương pháp bổ sung thích ứng và hữu hiệu. Nhưng con người với đặc tính tham sống, đã luôn luôn phát hiện ý hướng muốn tìm một giải pháp ổn thỏa để chấm dứt những vụ tương tranh vô ích, thế nên phương pháp điều hợp luôn luôn được kêu đến mỗi khi nhân loại gặp đại họa. Điều hợp được hiểu theo ý nghĩa một cuộc hòa âm của bản đàn nhân sinh.
Vì nếu vũ trụ là bản trường ca bất tuyệt mà trong đó mỗi hiện tượng là một nốt nhạc lời ca, mỗi sự việc là một cung điệu nhiệm mầu, cùng tấu lên một vũ khúc âm ba thể cách tuyệt vời, thì cuộc sống người cũng phải là một bản đàn muôn điệu, trong đó mỗi người là một nốt nhạc dệt nên bài tình ca muôn thuở, nhưng đôi khi những nốt nhạc đó phải nhận chịu sự thăng giảm tất nhiên để âm ba hòa điệu, thế nhưng những nốt nhạc vẫn có bản sắc riêng. Con người là những nốt nhạc ý thức, tự nhận thức vị trí và bẳn sắc của mình để tự thăng giảm gia nhập cung đàn xã hội, để cho bài ca thấm dịu nồng nàn. Đó là nghệ thuật hòa chung cuộc sống của những con người giác ngộ.
Thế giới hôm nay là một thế giới đại loạn, bởi đấy phương pháp điều hợp cuộc sống được coi như một đòi hỏi cấp bách của con người. Chỉ khi nào con người thể hiện một cuộc sống minh nhiên, minh nhận, minh động điều hợp thì lúc đó xã hội mới yên ổn, các hố sâu ngăn cách giữa tự thể và tha thể trong tập thể mới hết còn giằng xé khổ đau, giữa tập thể giàu nghèo, một tập thể cường nhược mới không còn đấu tranh chém giết, vấn đề chân lý cộng đồng và tự do tự chủ mới không còn là chướng ngại cho cuộc sống. Khi nào cuộc điều hợp được con người và nhân loại tích cực thể hiện thì lúc đó thế giới sẽ mở ra một vận hội mới. Vận hội nhân loại điều hợp để vươn lên cuộc sống liên hành tinh.
LÝ ĐẠI NGUYÊN
Mấy Nét Về Nhà Báo, Bình Luận Gia Lý Đại Nguyên
Lý Đại Nguyên: Nhà lập thuyết cuối cùng – Ngô Nhân Dụng
Tiểu Sử Lý Đại Nguyên
LÝ ĐẠI NGUYÊN sinh ngày 14-4-1930 ở Bắc phần. Lớn lên trong không khí đầu mùa Độc Lập Dân Tộc 1945. Vào Nam năm 1954.
* 1946, vào cuộc kháng chiến với nhiệt tình của tuổi trẻ vừa mới lớn.
* 1952, rời cuộc kháng chiến với một nhận thức cần phải vượt bỏ Chủ Nghĩa Cộng Sản ngụy biện tàn độc nguy hiểm cho Dân Tộc và Loài Người.
* 1953, tham gia Mặt Trận Dân Chủ do bốn đảng Quốc Gia tập hợp gồm: Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Gia Xã Hội, Đại Việt Quốc Dân Đảng và Đại Việt Duy Dân.
* 1956, Mặt Trận ra tuyên cáo đòi Tổng Thống Ngô Đình Diệm phải ban bố luật Tự Do Báo Chí trước khi tiến hành bầu cử Quốc Hội Lập Hiến. Lý Đại Nguyên, với tên hoạt động thời đó là Võ Anh Đức, gọi thường là Phong, bị an ninh quân đội bắt cùng với các lãnh tụ Mặt Trận khác.
* 1957, Lý Đại Nguyên chính thức gia nhập mặt trận truyền thông, viết bình luận chính trị cho tờ tuần báo TÂN DÂN, một trong hai tờ báo Độc Lập và dám Đối Lập với chính quyền.
* 1960, báo bị đóng cửa. Lý Đại Nguyên tham gia những sinh hoạt Văn Hóa Phật Giáo.
* 1962, hoàn tất cuốn TỔNG THỨC VẬN. Tổng hợp các nền tư tưởng Cổ Kim Đông Tây, dung hóa tất cả, nhằm đóng góp với suy tư thời đại.
* 1963, Sau khi ra khỏi trại giam tại Tổng Nha Sài Gòn. Lý Đại Nguyên đứng tên xuất bản nhật báo TIN SÁNG.
* 1964, Chiến tranh Việt Nan bắt đầu bị “Mỹ hóa”. TIN SÁNG thường xuyên viết bài cảnh giác Mỹ sẽ bị sa lầy tại Việt Nam, nếu không biết tới hai yếu tố Dân Tộc và Dân Chúng Việt Nam. Đồng thời đòi chấm dứt chế độ Quân Phiệt, để xây dựng một nền Dân Chủ đúng nghĩa. Báo bị đóng cửa, Lý Đại Nguyên bị truy đuổi.
* 1968, chủ bút tờ tuần báo DÂN CHỦ với cùng chủ trương đòi Tự Do Dân Chủ, nhưng cũng chung số phận với các tờ báo trước là bị đóng cửa.
* 1972, chủ bút nhật báo SÓNG THẦN với chủ trương dứt khoát chống tham nhũng để cứu Miền Nam, nhưng chỉ trụ được đến cuối năm 1974 là bị đóng cửa và lại bị truy đuổi.
* 1975, ngày 1 tháng 9. Cộng Sản đến tận nhà đọc án lệnh bắt giam với lý do thuộc thành phần nguy hiễm gây hoang mang dư luận. Bị tù cải tạo trên 10 năm, cuối năm 1985 mới được thả.
* 1995, định cư tại Hoa Kỳ. Viết bài cho các báo: Phật Giáo Việt Nam, Phật Giáo Hải Ngoại, Chân Nguyên, Trúc Lâm, Saigon Times, Thủ Đô, Thằng Mõ, Việt Nam tại Gia Nã Đại, và nhiền báo khắp nơi có đăng bài của Lý Đại Nguyên.
* 1998, in cuốn VIỆT NAM, DÂN TỘC BỊ ĐỌA ĐẦY do nhà VĂN NGHỆ xuất bản và phát hành.
* 2000 in cuốn TỔNG THỨC VẬN do TRÍ TUỆ xuất bản và VĂN NGHỆ phát hành.Tác phẩm:
– Dòng Sinh Mệnh Văn Hóa Việt Nam (1967)
– Dòng Vận Động Cách Mạng Việt Nam (1967)
– Nền Nhận Thức Nhân Chủ Toàn Triển (1967)
Chuyên mục:Báo Chí Phật Giáo
Trả lời