GS, Linh Mục Lê Tôn Nghiêm: Ý Thức Giáo Dục Đại Học (2)

Trích tạp chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh,
số 4, chủ đề Giáo dục, ngày 01-09-1969

 

Như thế, biết không phải là học nhiều mà biết là phải cảm nghiệm cái biết nơi chính mình, vì biết còn phải là thay đổi một cái gì trong chính người biết và có khi còn phải hoán cải cả một cuộc đời của chính người biết. ở Đại học trong mỗi ngành chuyên môn người sinh viên cũng như giáo sư của họ nhiều khi cũng thấy diễn ra trước mắt mình những thực tại phong phú như một trật tự vận hành của hoàn vũ. Trước cảnh tượng huy hoàng ấy, tâm hồn họ được nâng cao và trí óc được khích lệ, để học hỏi thêm và học hỏi cho tới nơi tới chốn. Chính những thực tại sống động ấy đã cảm hứng cho một Newton, một Einstein. Trong tác phẩm Wilhelm Meister của ông, Goethe đã tóm tắt tinh thần học vấn nói trên như sau: «điều thiết yếu là mỗi người phải hiểu biết tận căn một cái gì và chăm chú hoàn toàn vào đó, mà không một ai khác có thể làm như thế được.»

Trong «Pourquoi des Professeurs», Gusdorf có ghi lại điều đặc sắc trong tinh thần học vấn của người Nhật qua tác phẩm «Le Zen dans l’art chevaleresque du tir à l’arc», của E. Herrigel. Ở đây E. Herrigel, một người Đức, kể lại kinh nghiệm học vấn của ông về nghệ thuật bắn cung với một giáo sư người Nhật. Thoạt đầu, với tâm trạng của người tây phương, ông lầm tưởng rằng: học bắn cung là học những kỹ thuật của nó, y như học những môn thể thao, điền kinh khác. Nhưng khi theo học, ông Thầy Nhật của ông lại dạy ông một cái gì không phải kỹ thuật chút nào cả. Trái lại, sau cùng Herrigel khám phá thấy rằng: học bắn cung là để thực hiện chính nơi mình một cái gì. («Le tir à 1‘arc ne consiste nullement à poursuivre un résultat extéri­eur avec un arc et ses flèches, mais uniquement à réaliser quelque chose en soi – même.») (tr. 62-63)

Cũng trong viễn ảnh ấy, Newman đã thiết định tinh thần học vấn ở Đại học một cách sâu sắc hơn như sau: «Mục tiêu đích thực và hoàn bị cho việc huấn luyện tinh thần và cho một Đại học không phải việc học hay thâu thập kiến thức, trái lại phải tư tưởnq hay suy tư trên kiến thức, hay phải là điều mà tôi gọi là triết lý» (The true and adequate end of inlellectual training and of a University is not Learning or Acquirement, but rather, is Thought or Reason exercised upon knowledge, or what may be called Philosophy) (sd. tr. 131).

Đó là một khía cạnh giáo dục của tinh thần học vấn ở Đại học.

Tinh thần học vấn trên còn phải được tiếp tục và bổ túc bằng công trình nghiên cứu riêng tư, liên tục của mỗi học giả và mỗi sinh viên.

Đại học chính là khuôn khổ thích hợp nhất có thể làm nảy sinh và phát triển tinh thần nghiên cứu.

Tuy ngày nay, các Đại học không còn giữ độc quyền nghiên cứu khoa học, nhưng Đại học vẫn là nơi cống hiến một bầu không khí thuận lợi nhất cho hoạt động nghiên cứu. Cũng chính Đại học là những cơ quan luôn luôn bảo đảm phần lớn công việc quan trọng đối với tương lai. Chính trong lòng Đại học mới có tự do, mới phát sinh những con đường mới, rồi những con đường mới này mới được thám hiểm một cách hệ thống hoặc là do chính những Đại học, hoặc là do những Viện nghiên cứu lớn, công hay tư.

Sứ mệnh đặc biệt của những cơ sở nghiên cứu ấy là thâu thái và ghi chép những «tài liệu» quý báu nhờ ở những phương tiện khổng lồ. Nó là dự phóng một cách hệ thống những gì còn đang được phỏng đoán hay những gì đã hầu như biết rõ được.

Nhưng nếu một ngày nào đó, Đại học chỉ tự hạn hẹp mình vào việc giảng huấn và học vấn không thì khoa học mất đi đến ba phần tư khả năng biến cải của nó rồi.

Nói tóm, theo kinh nghiệm cố hữu của thế giới chính trong những tổ chức Đại học mới gặp được tinh thần nghiên cứu vô tư có khung khổ lý tưởng nhất.

Nhưng trong những cơ cấu Đại học tổ chức theo lối «phân khoa» và «diễn đàn» ví dụ của Pháp xưa và những Đại bọc rập mẫu lại Đại học ấy, tinh thần nghiên cứu nói trên không được phát triển và hữu hiệu bao nhiêu, vì những Đại học ấy chỉ chú trọng tới việc «giảng huấn» mà không nghĩ đến tìm tòi nghiên cứu.

Một số Đại học như vậy chỉ có thể tồn tại với những phân khoa gồm 6 hay 7 Giáo sư, vì ở đây hoạt động nghiên cứu chỉ do Giáo sư chính thức với một Giáo sư phụ khảo trong phòng thí nghiệm của ông mà thôi.

Nhưng tổ chức ấy không thể sống trong một tình trạng Đại học đòi hỏi sự phân phối ra nhiều «diễn đàn» hay đối với với những phân khoa hiện nay, hơn nữa tổ chức ấy không thể thích hợp với những vấn đề và đà tiến của việc nghiên cứu hiện nay nữa.

Vậy tinh thần nghiên cứu cần được tiêm nhiễm ngay cho sinh viên khi họ mới bước chân vào Đại học tức là khi bước chân vào những năm cử nhân, nếu chương trình chưa sửa đổi, nhất là những năm từ cao học và tiến sĩ trở lên.

Các nhà giáo dục phải luôn luôn quan niệm rằng: giảng huấn và nghiên cứu liên hệ với nhau một cách mật thiết và cơ cấu Đại học phải phản ánh sự liên hệ ấy!

Chính những «Phân Ban» (Déparlements) mới là những cơ cấu Đại học vừa có tính cách giảng huấn vừa có tính cách nghiên cứu, và chính những Ban này phải lãnh trách nhiệm về những hoạt động của Đại học về mọi lãnh vực khác nhau.

Để hoạt động một cách thích đáng, hình như mỗi «Phân Ban » không được lớn quá cũng như không được nhỏ quá. Nó phải có thể dung nạp chừng 5 đến 15 Giáo sư gồm Giáo sư diễn giảng hay những nhà nghiên cứu có trình độ tương đương nhau với những ê kíp của họ.

Theo tổ chức ấy, chỉ nên hoạch định một số quy luật dễ dãi, đơn giản để tránh những lầm lạc. Những quy luật này hoặc do Đại học hoặc do chính phủ trung ương đặt ra, ví dụ Trưởng Ban phải do đồng nghiệp bầu lên theo thời hạn 3 năm. Nếu còn được bầu lại, người ấy cũng chỉ được thi hành nhiệm vụ 2 khóa liền mà thôi.

Rồi cần có một Hội đồng Ban, hoạt động theo cương vị của nó như một Hội đồng Viện. Hội đồng này họp nhau một tháng một lần; thâu thập những Giáo sư, Giáo sư diễn giảng và những nhà nghiên cứu cùng đồng trình độ.

Đó là khung cảnh ngoại tại cần thiết cho hoạt động nghiên cứu.

Nhưng chưa đủ, khung cảnh ngoại tại ấy có thể bị tan rã, nếu không được khích lệ bên trong do tinh thần nghiên cứu với những đức tính cao quý của nó, vì như đã nói ở trên, nhịp sống của Đại học đòi hỏi một cộng đồng giữa Giáo sư với Giáo sư và Giáo sư với Sinh viên. Tất cả đều phải được hấp dẫn bởi một động cơ duy nhất là làm sao khám phá ra được con đường để học hỏi và tiến bước mãi trên con đường kiến thức và sáng tạo.

Những bước tiến nào cũng đòi hỏi một công việc làm lâu dài và kiên trì.

Công việc ấy gồm 3 yếu tố:

– Mở rộng chân trời kiến thức và tìm ra được một phương pháp.
– Chú ý liên lỉ.
– Tinh thần tổng hợp.

Theo nghĩa hẹp, công trình nghiên cứu có nghĩa là học hành và thực tập, mở rộng kiến thức thực sự và nắm vững được những phương pháp.

Hơn mọi công việc khác, nghiên cứu chỉ tồn tại được là nhờ ở kỷ luật và trật tự.

Nó là cái gì làm mất thì giờ nhất, và có thể khởi sự lúc nào cũng được.

Chỉ có nghiên cứu khó nhọc mới đạt được nền tảng cần thiết, mới rèn luyện được tính khí con người, mới có thể thay thế phương pháp cần thiết bằng những gì để diễn tả và ghi nhận bất cứ một khám phá mới nào, mới kiểm chứng ngay được những gì còn trong vòng giả thuyết và phỏng đoán thuần túy.

Ở đây không được quên rằng: phải tuân theo một kỷ luật sắt và phải nỗ lực thường xuyên.

Người Sinh viên có thể khởi đầu với công việc này lập tức ngay khi họ mới học ở trường, như Goethe nói: «Chúng ta càng sớm thực hiện được những điều người ta thường gọi là một con đường hệ thống (hay gọi đó là khả năng hay nghệ thuật tăng gia những nỗ lực của ta) thì càng may mắn cho chúng ta».

Nhưng nghiên cứu không thể chỉ là tập dượt lao nhọc không ngừng, mà còn phải mang một ý nghĩa nội tại.

Ý nghĩa ấy không thể đạt được bằng thiện chí. Đó là những gì Kant gọi là những «ý tưởng điều hành» (idées régulatrices), nghĩa là những ý tưởng không có tính cách lý luận như những khái niệm của trí năng, mà phải là những trực giác. Những trực giác này thường đòi hỏi những bộ óc đam mê nghiên cứu một sự chú ý liên tục. Chính sự chú ý liên tục này là công việc có một sức mạnh vô thức. Sức mạnh đó tạo nên những ý tưởng hướng dẫn cho nhà khoa học. Một khi nắm được những ý tưởng này rồi, nhà khoa học sẽ được khích lệ không ngừng và tự ý hiến trọn đời cho công cuộc nghiên cứu.

Hơn nữa, một khi phát triển rồi, những ý tưởng còn biến đổi. Đó là những gì không do thiện chí. Nên những ý tưởng chỉ phát triển đối với những ai thật tình nghiên cứu. Tuy nhiên trọn con đường nghiên cứu, nhà khoa học còn gặp biết bao tinh cờ, dò dẫm không sao lường hay tiên đoán được. Vì ở cùng đường của mỗi ý tưởng điều hành đều có những bờ cõi mịt mù, không thể suy luận bằng lý trí hay cảm nghiệm bằng đo lường được.

Đó chính là động cơ thúc đẩy con người càng mạo hiểm thêm, càng thắc mắc hơn nữa.

Ra như số mệnh của con người nghiên cứu đòi hỏi họ phải sống khắc khổ. Nhất cử nhất động của họ đều phải thấm nhuần ý tưởng họ đang theo đuổi. Nên họ không được đãng trí vào những công việc khác ngoài việc nghiên cứu. Biết bao người đã có được những ý tưởng kỳ diệu nhưng những ý tưởng ấy đã biến dần mất chỉ vì người thai nghén ra chúng đã mãi chơi bời.

Ngoài ra các học giả và bác học còn cần có một đức tính khác, Jaspers gọi là «ý thức tinh thần» (an intellectual conscience). Kinh nghiệm cho thấy rằng: những con người say mê nghiên cứu thường hay sa vào 2 lỗi lầm:

một là thay đổi chiều hướng vì những lý do tầm thường,

hai là cố chấp trong một đường hướng duy nhất.

Ý thức tinh thần là ánh sáng soi cho họ phải tiếp tục một con đường khảo cứu như thế nào và khi nào cần phải cắt đứt sự liên tục ấy để tiến lên một phương hướng, xa hơn.

Đó là điều mỗi người phải tự mình suy xét.

Chỉ có ý thức tinh thần của họ mới quyết định được điều đó. Ngoài ra không một lời khuyên nhủ nào có thể soi sống cho họ cả.

Nói tóm, tinh thần nghiên cứu phải là một thành tố thiết yếu cho một nền giáo dục Đại học.

Trong 1‘Université en question, Gusdorf đã nhấn mạnh trên điểm đó như sau: «Đại học là vị trí đặc biệt cho sự thai nghén một kiển thức tinh thần và sự truyền bá kiến thức ấy. Do đó, Đại học có 2 sứ mệnh: trong trường hợp người ta chỉ chú trọng nghiên cứu mà không giảng huấn. Cả 2 trường hợp ấy không thể nói tới Đại học theo nghĩa đích thực được. Trái lại trong một cơ sở Đại học, Giáo sư và Sinh viên phải hoạt động chung để cùng thai nghén và truyền bá văn hóa. Công việc này đòi hỏi một sự đối thoại giữa những trí óc, mặc dầu xa cách nhau về tuổi tác. Một Giáo sư không sáng tạo hay không đủ tư cách để khởi động kiến thức, một Sinh viên với khả năng trí óc thấp kém thì cả hai không thể thực hiện được một đối thoại nhằm đạt tới một công trình nghiên cứu chung được.» (tr. 200)

Tinh thần học vấn và nghiên cứu vừa nói trên là 2 yếu tố cần thiết để bảo trì đời sống tinh thần ở Đại học mà không một ai có ý thức giáo dục Đại học ngày nay được phép quên lãng.

Hơn nữa, đối với một nền văn hóa tổng hợp như bên Đông phương của chúng ta, tinh thần học vấn và nghiên cứu có tích cách phân tích và theo những kỹ thuật khắt khe như vậy còn là một điều cần thiết hơn nhiều. Nếu chỉ nệ cổ thì lối học vấn của ta có thể đi đến chỗ mông lung, mờ mịt, nhất là không thể truyền bá cho một ai hay ít ra không phổ biến rộng rãi được.

Vì vậy, càng ngày người ta càng nhận thức ra tầm quan trọng của những kỹ thuật trên và tinh thần của chúng.

Tuy nhiên cả 2 yếu tố ấy vẫn còn cần tới một căn bản. Chúng tôi gọi đó là tinh thần văn hóa toàn diện với mục tiêu giáo dục của nó.

Trước diễn tiến hùng mạnh của học đường hiện nay, từ tiểu học lên Đại học, chúng ta đang chứng kiến 2 khuynh hướng lớn:

một là khoa học hóa mọi kiến thức,

hai là đại chúng hóa Đại học.

Đang khi nền giáo dục nói chung và riêng nền giáo dục Đại học sa vào tình trạng khủng hoảng, người ta nỗ lực tìm đủ giải pháp để khôi phục lại tinh thần cho Đại học, một trong những giải pháp được đề cao nhất là khoa học hóa. Ngày nay hầu như mọi dân tộc đều khát vọng được hấp dẫn vào quỹ đạo của khoa học. Phi thuyền Apollo 11 đổ bộ mặt trăng là một khích lệ lớn lao trong đường hướng ấy. Mọi người ai ai cũng muốn tìm ra một ngôn ngữ chung, để mọi người có thể đồng ý được với nhau. Hiện nay, đúng như lời tiên tri của A. Comte, xem ra chỉ có ngôn ngữ của toán học là môn duy nhất có khả năng đoàn kết và hòa giải được mọi dân tộc. Tiếp đó khoa học và kỹ thuật là những áp dụng của toán học, vì những môn này cũng không biết bờ cõi, không gặp chướng ngại vật. Đâu đâu người ta cũng nói cùng một thứ tiếng như nhau trong ngành khoa học và kỹ thuật. Hơn nữa càng ngày những môn này càng quan trọng đối với sinh mệnh của toàn thế giới. Các nhà toán học, các nhà vật lý học, các kỹ sư mọi người đều hiểu nhau được trên khắp thế giới. Họ là những người cầm vận mệnh hiện tại và tương lai. Nhờ đó, ngày nay khoa học mới nắm phần ưu thế hầu như tuyệt đối. Vì vậy, người ta mới dự định nêu ra một văn hóa có tính cách khoa học và kỹ thuật có khả năng áp dụng dễ dàng cho bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Văn hóa khoa học ấy đã được gọi là «Nhân bản khoa học» (Humanisme scientifique), như dự định của quyền Science et humanisme của một Schrodinger.

Như thế, khoa học thực nghiệm đã đi vào một giai đoạn tiến triển kỳ thú nhất trong lịch sử nhân loại.

Tuy nhiên, những hy vọng trên vẫn không đạt được kết quả mong muốn. Trước hết vì theo Jaspers, tự nền tảng «những khoa học thực nghiệm luôn luôn thiếu mất viễn tượng toàn diện; nghĩa là tuy chúng đã đạt được trình độ thống nhất khá cao, nhưng những khái niệm nền tảng của chúng lại chỉ thể hiện như những tạp thu bằng những thí nghiệm, chứ không như những chân lý đã sở đắc được một cách chung cục» (Les sciences de la nature restent dépourvues d’une perspective d’ensemble; malgré leur degré élevé d’unification, les concepts fondamentaux dont elles usent se présentent comme des recettes d’expérience plutôt que sous la forme de vérités acquises de façon définitive) (La situation spirituelle de notre époque, tr. 159).

Do đó, khoa học bước vào giai đoạn khủng hoảng về nền tảng khi thuyết vật lý học vô định của Heisenberg và toán học của Godel xuất hiện.

Hơn nữa, chính thành ngữ «nhân bản khoa học» cũng thàm hồ và mâu thuẫn rồi. Vì theo nguyên tắc, thái độ khoa học và kỹ thuật theo nghĩa đích xác nhứt là một thái độ khách quan của con người đứng trước những hiện tượng của thiên nhiên. Trong hiện tượng ấy hình ảnh con người đã bị loại trừ hẳn. Ở đây cuộc đời không còn ý nghĩa, không còn giá trị, mà chỉ còn là một thế giới con số, thế giới những tương quan vô ngôi vị, thế giới của những phản ứng xung động v.v… Thì còn đâu là con người !còn đâu là nhân bản!

(Còn tiếp)



Chuyên mục:Báo Chí Phật Giáo

Thẻ:, , ,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: