Uyên Nguyên: Pháp Lữ Thiền Môn

Thầy Tuệ Sỹ thá tùng Ôn Huyền Quang ra Hà Nội chữa bịnh

Hôm nay kể một vài mẫu chuyện về quý Ôn, hay đúng hơn là đạo tình Nhà Phật, cũng liên quan một chút thời sự của Giáo Hội những ngày gần đây, nhất là khi một vài thầy trẻ, phật tử, chứ chưa nói đến ngoại nhân, hay thế lực vô minh hắc ám khác, vì thiếu am hiểu, am tường hoặc không biết do mục đích gì, đã có những lời lẽ hoặc thái độ bất kính với các bậc Thầy PG. Dẫu cho đứng trên lập trường lý tưởng hộ quốc-hộ đạo-hộ dân, điều được nghĩ là đấu tranh trực diện với chế độ cộng sản (Việt lẫn Trung Cộng), nhưng khi biến lý tưởng thành chủ nghĩa cực đoan, chỉ đạo cho hành động, thì điều đó cũng không bao giờ là tinh thần Chiến Đấu Thắng Phật.

Ở trong Gia đình Phật tử, tôi có nhiều người Anh, Chị chứ không phải là một, với lý tưởng chống cộng thì không ai phũ nhận. Tinh thần chống của họ rất mạnh, và cao. Nhưng tất nhiên ở đây cần nói thêm đến phương pháp. Điển hình một ví dụ, có anh trưởng nói với tôi, hễ mà cộng sản làm cái gì sai bậy, thì “có ít xít ra nhiều”. Tôi không cản được, nhưng quyết không theo phương pháp này. Tại sao? Xin mượn nhận định sau đây của người bạn trẻ Huỳnh Thục Vy mà trả lời: “… Tôi luôn tâm niệm rằng: không có mục tiêu nào tốt có thể đạt được bằng các phương tiện xấu ác. Trong khi, đảng và nhà nước cộng sản có nguồn nhân lực và tài nguyên quốc gia, có súng, xe tăng, nhà tù và bộ máy tuyên truyền dối trá… những người đang đấu tranh cho Dân chủ tự do và Nhân quyền tại Việt Nam không có gì ngoài chính nghĩa; và chính nghĩa đó đến từ sự thật, tự do và công lý. Không cố gắng để trau dồi và gìn giữ những giá trị đó, chúng ta sẽ thua chế độ độc tài ngay từ đầu” (Nhận Định Sự Thật – Tự Do và Nhân Quyền – https://uyennguyen.net/2015/10/14/huynh-thuc-vy/)

Năm 2005, Sư Ông Nhất Hạnh có về Già Lam, có ý lên thăm Thầy Tuệ Sỹ. Buổi đó nhằm lúc Thầy nhập thất. Báo chí thông tin nhiều chi tiết là Thầy khóa trái cửa Thị Ngạn Am, không tiếp. Tất nhiên phàm nhân hiểu theo cách phàm nhân, mà đến nay thì không biết rõ lý do xác đáng là gì, vì Sư Ông không nói mà Thầy Tuệ Sỹ cũng không kể thì làm sao hiểu hết lý, tình. Nhưng qua năm 2006, chưa đầy một năm, tôi về ngồi cạnh Thầy, có đem ra hỏi lại, lý do tôi hỏi vì một phần thấy anh em trong Gia Đình Phật Tử cũng hoang mang, cũng có chỗ buồn lòng vì đệ tử Sư Ông Nhất Hạnh không phải ít, mà khi thấy cảnh anh em khác trong cùng tổ chức theo đà thông tin phiến diện, chủ yếu từ PTTPGQT và các phó bản báo chí truyền thông cộng đồng mà chỉ trích Sư Ông có lúc nặng nề. Thầy chỉ nghiêm dạy: “Ôn Nhất Hạnh có việc của Ôn, Ôn chịu trách nhiệm việc Ôn làm. Nói với anh em ngoài đó không được vô lễ với Sư Ông Nhất Hạnh”. Anh em ở đây tất nhiên là GĐPT.

H1: HT. Thích Huyền Quang tới Tu viện Quảng Hương Già Lam, viếng Giác linh HT. Thích Trí Thủ
H2: HT. Thích Huyền Quang viếng giác linh cố HT. Thích Thiện Siêu, (2003)
H3: Hòa Thượng Huyền Quang và Hòa thượng Đổng Minh
về viếng tang lễ Ôn Đồng Thiện, Tu viện Nguyên Thiều. 2001.

Thầy cũng kể cho biết thêm nhiều sự kiện mà bề mặt thì thấy như vậy như kia nhưng khi đi vào chi tiết thì hoàn cảnh có khi không phải chính xác là như vậy, nhưng nghiệp vụ truyền thông thì cần khai thác tối đa cho một mục đích nào đó và để phục vụ cho nhu cầu người đọc, mà còn phải phù hợp lý tưởng, xu thế và tâm lý đấu tranh cộng đồng nữa. Cho nên nhiều điều, hay tâm tư ở cái thế mà xưa Thiền Tổ cũng có nói rồi. “Nói ra là kẹt, mà không nói cũng kẹt”. Như là việc Giáo chỉ 2. Giáo chỉ thì tôi biết có thật, dù “giờ thứ 25”, và bài bản, nhưng bấy giờ thì Thầy có nói với tôi, nghĩa là sau một năm, giọng buồn chứ không phải là vô cảm đâu: “Đến giờ Thầy vẫn chưa nhận được một tờ giấy thôi việc nào từ Ôn… nhưng bây giờ nói ra thì kẹt cho Ôn”. Ôn đây là Ôn Quảng Độ. Chừng ấy thôi thì mình có thể tự hiểu nhiều vấn nạn bên trong rồi, và nỗi buồn của Thầy không phải chuyện đi, hay ở lại với Giáo Hội, càng không phải vì chỗ ngồi này, hay vị trí kia, mà buồn cho vận hội PGVN, của Giáo Hội Thống Nhất, và Đạo Tình giữa các Thầy tăng có chỗ khuất tất vây hãm.

Tôi nói thêm để quý Thầy trẻ, quý vị còn quan tâm đến nguồn Đạo mình phải tự tìm hiểu mà nhìn thấy. Đại Hội năm 1981 xong, Cao Tăng Chân Nhân phải tùy thuận đại chúng nhiều căn cơ thấp cao, bơ vơ mà hoằng truyền và giữ gìn mạng mạch Chánh Pháp, tôi nói Chánh Pháp chứ không nói khu trú vào tổ chức Giáo Hội, là giai đoạn ngậm ngùi thương cảm biết bao! Không riêng Ôn Minh Châu, Trí Thủ… mà Ôn Từ Đàm-Thiện Siêu sau giữ đến vai Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, chịu đầy lời ong tiếng ve… Nhưng nếu hành xử thô thiển do cái biết hời hợt nông cạn như chúng ta hiện nay, thì thử hỏi chuyến đi ra Bắc chữa bịnh, rồi ghé về Huế, thời Ôn Đệ Tứ Tăng Thống Huyền Quang có đối ảnh mà dâng nén hương lên Giác Linh Ôn Từ Đàm không? Hình ảnh còn lưu lại đó và bài tường thuật của Thầy Tuệ Sỹ chưa phai lạt kia mà (https://uyennguyen.net/…/thich-tue-sy-tuong-trinh-ve-chuye…/). Riêng hải ngoại, Ôn Mãn Giác khi nhắc đến Ôn Thiện Siêu, cũng với một lòng trước, sau cung kỉnh:
“Hòa thượng Thiện Siêu, tuyên bố cho ngày Đại Lễ, cung cách từ tốn như tự bao giờ mà từng tiếng, từng tiếng như đánh động tận đáy lòng người nghe: “…Chiến thắng của Chánh Pháp cao hơn tất cả chiến thắng…” Giữa lòng một quê hương chìm đắm trong bóng tối của bạo quyền, trước những con người vẫn luôn luôn si mê với “chiến thắng”, những tiếng nói như thế được nói lên, nếu không phải là người có sự kiên định vững chắc như núi thì dễ đâu làm được.” (https://sentrangusa.com/…/thich-man-giac-chien-thang-cua-c…/). Cũng bằng tâm tình linh sơn cốt nhục này, khi về tới Sàigòn, Đức Tăng Thống cũng từng đến Già Lam mà niêm hương kính lễ Giác Linh Ôn Hoà Thượng Trí Thủ.

Ngày 19 tháng Chín, 2001, Ôn Đồng Thiện viên tịch ngoài Bình Định, Ôn Đổng Minh thân lâm ra Tu Viện Nguyên Thiều mà viếng tang, tấm ảnh trong bài này tuy không nói lên được nghĩa tất cả, nhưng có lẽ một phần thể hiện được mối Đạo Tình của hai Ôn Huyền Quang – Đổng Minh, nào có suy suyễn vì thế thái, thế thời.

Từ chỗ này, có thể trả lời công án của Ôn Trí Quang mà tôi có đề cập ở bài trước.

Còn nhiều, nhiều lắm để chiêm ngưỡng những nhân cách Bồ Tát giữa đời thường mà đủ thấm vào đâu cho chỗ hiểu biết hời hợt, nông cạn và tính bầy đàn thời thượng của mình. Không lấy cái bao la rộng lớn như các Ôn Ngài để ôm trọn nhân sinh, nhân tính thì lấy đâu mà còn hai chữ thống nhất.

Và chừng đó thôi, để thấy đâu là sự, là tình, là lý. Nghĩa là phải hiểu cái sự, tình và lý nơi cửa Phật, của những Bậc Trượng Phu Xuất Thế Gian nhưng vẫn nhập vào thế gian vì hạnh nguyện cứu độ.

Cuối cùng, lại nhân lúc suy niệm về ngày 30 tháng Tư, về hòa hợp hòa giải thì không ai mà đi hòa hợp hòa giải với một chính quyền tham ác hiện tại. Nhưng mỗi người Việt Nam trong và ngoài nước, với tâm thức nhân bản, vẫn nhận ra đâu là tình tự dân tộc để tự mình hóa giải với nhau những cộng nghiệp trên mảnh đất đã hứng chịu quá nhiều thương đau này. Từ trong Thông Điệp của Viện Tăng Thống, 2000 (https://uyennguyen.net/…/songchet-no-nhau-nhung-nghia-tinh/…), Phật Giáo nêu cao tinh thần và chỉ đạo hành động ấy, nếu không vượt lên mọi chướng duyên nội tại, để tự mình thống nhất, Trang Nghiêm Giáo Hội thì làm sao thống nhất và nhiếp phục đồ chúng, hàng phục ma đạo, trên hết thảy là hoàn thành đại nguyện Tịnh Độ Nhân Gian.

28 Tháng Tư, 2020



Chuyên mục:Nhân vật - Sự kiện, Nhân vật, Sự kiện

Thẻ:, , , , ,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: