Tháng Tư, đọc thơ Tô Thùy Yên, Viên Linh, Nguyễn Tất Nhiên và Trần Mộng Tú

Gia Phả

quê hương gốc tích ngàn năm
sao nhìn gia phả… ôi! toàn câu kinh?
ông tôi đi lính triều đình
giáo gươm thất thủ nơi thành quách xưa
cha tôi kháng chiến đánh Chà
tầm vong gẫy dưới chiến xa năm nào
anh tôi áo trận hoa màu
một ngày con khóc, vợ đau mất chồng
tôi, sinh viên dở học hành
AK nón cối – chiến trường Cao Miên
chừng nào xứ Việt bình yên?
tôi ngu ngơ hỏi hoài trên xác người

Paris 21/4/80
Nguồn: Thơ Nguyễn Tất Nhiên, NXB Nam Á, Paris, 1982

Tiếc Thương

Anh ơi!
Đọc hàng chữ Nghĩa Trang Quân đội
trên những trang báo viết bằng tiếng Việt Nam
nhìn tấm hình bức tượng người lính trước nghĩa trang
bị kéo xuống
mặt úp vào mặt đất
trái tim em ai xé ra trong ngực
niềm xót thương nghẹn cứng không lời

Ôi người lính miền Nam
anh đã sống hết một đời cho tổ quốc
anh chết chưa kịp yêu cho riêng mình
anh còn bận lòng yêu đất nước
anh chết trước cha già
anh chết trước mẹ già
anh chết trước khi kịp về nhìn cây lựu ra hoa
anh chết trước khi biết là mình chết trẻ.

Ôi những tướng, tá miền Nam
Người nằm trong nghĩa trang này cùng với lính của mình
những huy chương nào gắn trên áo trận
nhành dương liễu nào trên mộ bia
giải khăn tang nào cho con, tặng vợ
ai vuốt mắt Người như khép vì sao khuya

Em đi trong nghĩa trang
em vòng qua mộ chí
làm sao em đếm hết những hàng bia
làm sao em thắp nến
làm sao em đốt nhang làm sao em chia nước mắt mình thành mười sáu ngàn giọt lệ
nhỏ trên những nấm mồ đổ nát
đã thành những ụ đất hoang

Em gọi mưa trên trời rơi xuống
Trời khóc thương anh khóc thương em
Trời khóc thương cho cả hai miền
Trời khóc thương người mẹ quê miền Bắc
sống cô đơn trong túp lều mục nát
thương những người con đi xẻ Trường Sơn
một ngày, mẹ nhận được mảnh giấy Ghi Ơn
và xác con mất tích
hòa bình rồi, mẹ chống gậy khom lưng
đi hỏi từng người
đường đến Đài Tổ Quốc Ghi Ơn

Trời khóc thương cho người mẹ miền Nam
con chết trận
con chết tù
cả hai con cùng mất mộ
chiếc nôi cuối của một kiếp người
hiến cả đời cho đất nước
ai nỡ đập vỡ đi

Anh ơi!

Hãy cầu xin bằng ngàn giọt lệ
cho những người đã nằm trong đất
những người lính trận của hai miền
họ sống anh hùng và chết bình yên
đất ôm họ bằng vòng tay người mẹ

Đất nước mình sao buồn bã thế
tiếng súng ngưng lâu lắm rồi
sao khói súng còn bay!

Tháng 6/2007
Trần Mộng Tú

(trích Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, 1969-2009
Tác giả xuất bản, 2009)

Điếu thi:Thủy Mộ Quan

(để tưởng nhớ những oan hồn uổng tử trên Biển Đông)

Trên Huyết Hải thuyền trôi về một chiếc
Chiều bầm đen trời rực rỡ đau thương
Thân chìm xuống băng tuyền giờ tận biệt
Sóng bạc đầu hối hả phủ trùng dương

Thấp thoáng trần gian
Mịt mù bóng đảo
Trôi về tây về bắc về đông
Trôi về đâu bốn bề thủy thảo
Về đâu kiếp đắm với thân trầm.

Hồn ơi dương thế xa dần
Hồn đi thôi nhé thủy âm là nhà
Hồn về trong cõi hà sa
Sống không trọn kiếp chết là hồi sinh.
Xong rồi một cỗi u minh
Ngựa Hồ chim Việt biến hình mà đi.

Hồn vẫn ở la đà Ðông Hải
Hồn còn trôi mê mải ngoài khơi
Hồn còn tầm tã mưa rơi
Tháng Tư máu chảy một trời sương tan.

Thân chìm đắm cõi điêu tàn nước cũ
Những lâu đài thành quách những vàng son
Những tân thư kỳ mặc những linh đường
Những rực rỡ của một thời dựng nước
Bao mắt mở bao tóc sầu dựng ngược
Bao tay cùm bao ngực vỡ hôm qua
Trong rêu xanh ngần ngật bóng sơn hà
Lướt hải phận về dưới trời cố quốc.

Nhắm hướng hôi tanh
Chia bày trận mạc
Hồn binh tàn hỗn chiến Thủy Mộ Quan.

Ðêm rơi thời hết vận tàn
Ô y cầu nhỏ người sang Lạc Hà (1)
Thác rồi thân hóa phù sa
Mon men trở lại quê nhà mỗi đêm.

Về đâu đêm tối
Hương lửa lung linh
Những ai còn bóng
Những ai mất hình

Những ai vào kiếp phù sinh
Hóa thân hồ hải làm binh giặc trời
Khi nào hết quỉ ngoài khơi
Ta vào lục địa ta hồi cố hương.
Cùng nhau ta dựng lại nguồn
Chẻ tre đẵn gỗ vạch mương xây đình.
Ông Nghè về lại trong dinh
Tướng quân giữ ải thư sinh dưới đèn.
Từ Thức lại trở về tiên
Sĩ phu giảng huấn người hiền bình văn
Nương dâu trả lại con tằm
Ruộng xanh trả bác nông dân cần cù.
Ngựa ông trả lại thằng cu
Nhà chung trả Chúa chùa tu trả Thày
Quạt mo tao trả lại mày
Các cô yếm thắm trả bày trai tơ.
Việt Nam dựng lại sơn hà
Móng rồng năn lượt Quê Nhà phục hưng.

Ðã tỉnh sầu u thương tiếc hết
Bình minh lên nghe, hoàng hôn biết
Chim lạnh về Nam sông núi ta
Không nói không cười chân trở bước.
Nỏ thần thủa trước
Gươm bén hồ xưa
Tràn lên như nước vỡ bờ
Lạc Long lại đón Âu Cơ về thuyền.
Các con từ dưới biển lên
Từ trên núi xuống hai miền gặp nhau.

Năm nghìn năm lại bắt đầu
Chim nào tha đá người đâu vá trời(2)

Chúng ta rời bỏ xứ người
Loài chim trốn tuyết qui hồi cố hương.

1. Lạc Hà hay Nại Hà, là nếu ai qua cầu đó là đi vào thế giới bên kia. “Bia đề rằng Nại Hà Kiều, Kẻ nào có phước quỉ đều dắt qua.” (Nguyễn Ðình Chiểu, Dương Từ Hà Mậu).
2. Kiếp trước của chim Tinh Vệ là công chúa con gái vua Viêm Ðế, đi chơi ngoài biển chẳng may chết đuối, nàng tức giận biến thành con chim tha đá, quyết lấp cho đầy biển, đặng không còn ai chết đuối nữa. Nàng Nữ Oa là em gái vua Phục Hy, thấy trời có những khoảng trống, nàng nghĩ rằng vòm trời bị thủng, bị vỡ, nên tha đá ngũ sắc lên vá trời, đặng vòm trời sẽ liền lại. Xin khỏi chú thích các huyền thoại khác như Từ Thức, Thằng Bờm và cái quạt mo, hay Ông Nghè, Sĩ phu. (Chú thích của V.L.)

Hành Giả Âu Sầu

Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế…
Bát Nhã Ba La Mật Đa

Đi. Đi qua. Đi qua nữa. Đi qua nữa nữa
Mê mỏi chuyến miệt mài
Đau đáu chiêm bao ước hẹn quên
Buồn bã vương vất chút ngủ thiếu
Thoát lan từ tiền sinh
Trùng trùng những lớp cửa liên hồi mở, đóng, mở
Làm sao khỏi loạn tâm?
Người, hoa nhất thời của vĩnh cửu
Từng ngày, từng ảo tưởng phai buông
Chết do sống
Tạo hoá tham công hay đã lỗi lầm?
Biển tù hãm dẫy, vô phương thoát
Quẳng bờ những xác sóng mưu toan

Để đổi lấy một hạn kỳ tạm ngụ
Trước càn khôn, khách có hứa chi chăng?
Sao một đời không đáng một đời vậy?
Sao để xô vào một chương hồi lịch sử hỗn mang
Đáng xé vứt?
Sao chịu bịt mù hồn, chơi sinh tử quái đản
Nam quân, Bắc quân trời sai tru diệt nhau?
Tàn trận, ngồi sảng hoàng giữa bãi xác bạn, thù
Khóc loạn trí
Chính nghĩa nào thay được mạng người đây?

Khách một thời lâm cõi a tỳ
Đời bỏ đi, sá gì thân ngoại vật
Buổi trời đất bất minh
Người chưa đủ sáng thành người
Những đồi nổng khai hoang dăm tháng trước
Qua mùa đông, đã nổi chật mồ tù
Chiều bầm máu thảm thiết
Bãi ao tối nghịt rừng nhân dạng trần truồng
Phải đó cảnh loài người sắp tận diệt?
Rồi sẽ chẳng ai còn khóc được cho ai

Khách cũng từng trẩy hội phồn hoa
Yêu đến rã tan mình
Thế giới không còn thường nhật nữa
Bữa ấy, nàng ca kỹ tài sắc đương mùa trải lòng van vỉ
Người ở đừng về
Nhưng rồi hạnh phúc vốn mau chán cảnh, chán người vẫn dứt áo ra đi
Bỏ lại đám tuỳ tùng bi đát ấy
Ai tử biệt lãng quên xưa
Một khắc động tâm hồi dương chốn rộn rã
Én dệt vội vàng chiều
Ngơ ngác lầu không, thờ thẫn nguyệt
Đâu cả rồi những thuyền quyên, thư sinh?

Khách cũng từng trôi xuống hạ lưu
Chung đụng với bần cùng
Ngậm ngùi cơm hẩm ngon, hậu muối ngọt
Cuộc hỗn sinh rừng rú
Người lớn chết bệnh soàng
Trẻ nhỏ suy dinh dưỡng mù mắt
Con cái đòi cha mẹ chia nhà ẩu đả nhau
Bởi chẳng do lòng nhân lớn nổi lên
Cách mạng chỉ đổi phiên bầy cướp khác

Khách có lần lao sóng tiền đường
Một đời khổ ải nặng là vậy
Kẻ tự trầm sao chẳng chìm cho?
Mới hay sống chết dễ mà khó
Mệnh nghiệp không là chuyện tự dưng
Khách đôi bận tìm qua chốn cũ
Hỏi chẳng ra nhà mỗi quới nhơn
Nên về yết lớn nơi sân mình
Một lời thâm tạ trăm năm chung

Chiều hôm ngồi cuối dốc
Thương trăng sao đày đoạ ngoài không gian
Nhìn mê muội lửa hiu quạnh
Hồn thả rã mịt mờ
Vò võ nhớ quê nhà biết có không
Vũ trụ tạo hủy dở dang mãi
Khách mong chi hoàn tất chuyến trường hành
Thinh lặng có là thinh lặng hẳn?
Kẻ hỏi thăm đường đợi đã lâu

Liệu đời ta còn chăng một chỗ phẳng
Đủ dọn quang mà dựng am mây
Nương ngày tháng, đi về không động bóng
Trụ nơi tâm, tự tại giữa vần xoay
Chuyện kể cốt qua đêm, nề chi chuyện kể lại
Chó tru miền xa tối rợn gai
Nơi hốc đá, một cành hoa đợi sáng nở
Đi. Đi qua. Đi qua nữa. Đi qua nữa nữa

1.2003
Nguồn: Tô Thùy Yên, Thắp tạ, An Tiêm xuất bản, Houston, 2004


Chuyên mục:Nhân vật - Sự kiện, Tác giả - Tác phẩm, Văn Chương

Thẻ:, , ,

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.