Theo thông tin rộng rãi, Ngôn Ngữ 13 sẽ là số báo đặc biệt giới thiệu về “những cây bút trẻ” trong và ngoài Việt Nam.
Phải thú thật, chúng tôi khá lúng túng trong việc dùng chữ gọi tên cho đúng danh. Những người viết mới hay những cây bút trẻ đều có thể gây ra một ít hiểu lầm, dù thật sự, chúng tôi cũng chỉ lặp lại theo những tạp chí đi trước 1975 tại miền Nam Việt Nam.
Những người chúng tôi chọn hôm nay, gồm những người đã viết mươi năm nay hoặc có hơn, nhưng vì nhiều điều kiện họ ít xuất hiện trên các diễn đàn văn học, chưa được nhiều bạn đọc lưu ý; cùng những người trẻ tuổi đời mới nhập cuộc chơi chưa lâu.
Số lượng tác giả trong Tuyển Tập Bút Mới lần này được tất cả 21 người. Số đặc biệt, dù bất cứ đề tài nào cũng đi kèm những bài bình thường của những cây bút quen thuộc của tạp chí, số 13 này chúng tôi tăng thêm nhiều trang. Tuy nhiên vẫn khó đi hết số bài bạn văn thương mến gởi đến, đành dành lại một ít đi số kế tiếp, mong các tác giả vui vẻ thông cảm.
Về việc tài trợ một phần của nhà xuất bản Nhân Ảnh để in tác phẩm đầu tay của một tác giả, chưa lần nào in sách như đã thông tin trước đây, chúng tôi sẽ thông tin sau khi số 13 này hoàn tất. Hy vọng đây là bước đầu, từ từ Nhân Ảnh sẽ thực hiện tốt đẹp hơn.
Nhóm chủ trương Ngôn Ngữ xin gởi lời chúc an lành đến quý bạn đọc và bạn viết khắp nơi.
Thân tình,
Luân Hoán
______________________________________________
Giới thiệu những bài thơ và một trong các truyện ngắn
trong “Tuyển tập Bút Mới” – Ngôn Ngữ số 13,
phát hành ngày 1 tháng Năm, 2021
______________________________________________
Cái Người Bữa Đó Lên Chùa
Nguyễn Dạ Quỳnh
Học ngành Art & Design ở Swansea, Anh. Đã có nhiều bài viết trên các báo in trong và ngoài nước cũng như trên mạng. Hiện sống và làm việc tại Sài Gòn.
Thơ dại và lỗi lầm – hình như có mối quan hệ rối rắm. Chuyện đã qua lâu rồi, cũng không biết đó là thơ dại hay lỗi lầm, chỉ biết ký ức thỉnh thoảng lại cắn vào tim Mây nhoi nhói.
15 tuổi, lần đầu tiên Mây lên chùa. Đi cùng với Ngọc, bạn cùng lớp mà cũng là Phật tử nhỏ của ngôi chùa được cất trên đất nhà ông bà Ngọc hiến tặng. Ngọc thấp thấp tròn tròn, dễ thương và lành như hột mít. Mây cao và mảnh như cây sậy, tóc dài, da trắng, chuyên gia đầu têu những trò nghịch phá tai quái. Hai đứa đi với nhau ngó như số 10 – thầy cô và bạn bè vẫn hay trêu vậy nhưng không ảnh hưởng đến tình thân của hai cô – lúc nào cũng khắng khít như hình với bóng.
Chùa nằm khuất sau rừng cây xanh phủ kín ngọn đồi thâm thấp. Mỗi ngày đi học, Ngọc và Mây vẫn chở nhau trên chiếc xe đạp ngang qua đồi để đến trường, khi xuống dốc xe lao vùn vụt mang theo tiếng cười lanh lảnh của hai cô bé, khi lên dốc thì chỉ có tiếng thở hào hển của tài xế Ngọc và tiếng động viên cao vút trong veo của hành khách Mây – cố lên, cố lên. Một bữa trưa, sau khi thi xong môn cuối học kỳ, Ngọc rủ Mây ghé chùa lễ Phật vì bài cô bé làm không tốt lắm, hy vọng Phật phù hộ được 5 điểm khỏi thi lại. Nhà Mây chẳng có tín ngưỡng gì cả, chỉ có mỗi đạo thờ cúng Ông Bà – theo như lời bà ngoại cô bé, mỗi khi cô bé phải điền lý lịch tới mục tôn giáo và thắc mắc hỏi bà. Tò mò không biết trong đó có gì hay nên Mây hăm hở theo Ngọc leo lên con dốc dài dẫn đến cổng chùa. Qua khỏi cổng, Mây òa lên háo hức trước một vườn điều lủng la lủng lẳng những trái điều non xanh mướt điểm thêm mấy trái chín vàng ươm, thơm nức. Cô bé dụ dỗ Ngọc:
“Khoan vô lễ Phật đã, để tao leo hái mấy trái điều rồi tụi mình vô đó xin tha lỗi luôn thể, hihi”.
Ngọc chần chừ suy nghĩ miết chưa hiểu được tính logic trong lý lẽ của cô bạn tai quái thì Mây đã cởi giày thót lên nhánh cây, thoăn thoắt trèo thêm mấy nhánh nữa, vói tay tới trái điều chín mọng đang đong đưa trêu ghẹo trên cao. Ngọc nói hùa theo bạn:
“Ê nhỏ, liệng xuống đây tao chụp”.
Mây sợ Ngọc chụp hụt nên cô bé gỡ luôn chiếc nón rộng vành móc bằng sợi nylon rất đẹp đang đội để làm rổ hứng trái. Hy sinh vì nghệ thuật cũng nên mà, đúng không Ngọc? Miệng leo lẻo mà tay vẫn thoăn thoắt, chỉ một lát, chiếc nón đã chứa đầy những trái điều chín vàng hoặc hườm hườm, trông rất bắt mắt. Phát hiện nãy giờ cô bạn thân đứng dưới gốc im thin thít, Mây ngạc nhiên hỏi:
“Mày sao vậy Ngọc, sợ hả? Sợ gì, tội lỗi gì tao chịu hết cho”.
Ráng vói tay hái thêm một trái chín đỏ nằm tuốt luốt ngoài đầu nhánh cây phía trên, bẻ hột liệng xuống đất, chùi chùi sơ trái điều vào tay áo, cô bé đưa lên miệng cắn một miếng.
“Ui, nước trái này chín ngọt lắm Ngọc nè, dù phần thịt ăn dơ dở”.
Miệng ngậm miếng điều, tay túm vành nón, tay kia bám vào thân cây, thoắt cái cô bé đã nhảy xuống gốc và sửng sốt mở tròn mắt. Cô bạn thân đang ngoan ngoãn chắp tay cúi đầu trước một vị sư áo vàng đang đứng dưới gốc điều bên cạnh. Vị sư mỉm cười, đặt tay lên miệng, ý nói Ngọc đừng lên tiếng, sợ Mây giật mình té. Mây không té, chỉ có y như bị trồng xuống đất, giống một cây điều non mảnh khảnh. Ngọc bảo:
“Chào Sư đi Mây, làm giống Ngọc nè – Mô Phật, bạch Sư, con mới tới”.
Sư cười, khoan thai:
“Con mới tới hả, Sư tưởng con tới lâu rồi chứ?”
Hai cô bé le lưỡi nhìn nhau. Sư bảo Ngọc vô nhà trù lấy bịch nylon đựng điều vừa hái. Mây vội vàng chạy theo. Nhà trù là nhà bếp, Ngọc nói vậy. Ngọc dẫn Mây ra giếng giặt chiếc nón dính nhựa điều và rửa mấy trái điều đem lên chánh điện lễ Phật. Mây thì thầm:
“Sao ngó Sư trẻ quá vậy Ngọc, hơn tụi mình chừng vài tuổi hà?”
Ngọc lừ mắt:
“Trẻ mấy cũng là Sư, mày phải xưng con và chắp tay cúi đầu bỏ giày ra chào khi mới tới và trước khi về mới đúng lễ nghe chưa?”
Từ đó, sau mỗi buổi tan học, Mây thường theo Ngọc qua chùa. Cũng có khi Mây đi một mình, chỉ vào chánh điện lễ Phật rồi tha thẩn trong vườn chùa. Ngôi chùa nhỏ, có một Sư trụ trì thường hay đi vắng, một vị Sa Di – là người bắt quả tang Mây leo cây bữa nọ – và chú Huệ kém Mây độ một tuổi. Vị Sa Di cũng chỉ khoảng 20, đã xuất gia từ khi còn là một đứa trẻ 5 tuổi, pháp danh Minh Hiếu. Chú Huệ cũng vậy, 5 tuổi đã được bà nội đem gởi chùa, Mây nghe Ngọc gọi là Huệ Phong. Mây tới chùa chơi miết, nhưng trong lòng cũng chẳng có chút tín ngưỡng nào. Cô bé bướng bỉnh và ngang như cua, có lúc ngồi tranh luận với sư Minh Hiếu, sư phải lắc đầu chịu thua.
“Bạch Sư, có Niết Bàn không ạ?”
“Bạch Sư, mấy cô Phật tử mang nhiều đồ cúng tới để hối lộ Phật phải không ạ?”
“Bạch Sư, Đức Phật bây giờ đang ở cõi nào ạ? Sao người không hiện thân để mọi người tin cho dễ?”
“Bạch Sư, sao thiên hạ thắp nhang làm gì rồi sau đó Huệ Phong lại phải rút hết nhang đi bỏ vậy ạ?”
“Bạch Sư, ai đã từng xuống địa ngục rồi quay về để vẽ tranh thập điện diêm vương ạ?”.
Không phải sư không trả lời được, chỉ là nếu sư trả lời, cô bé sẽ tiếp tục bắt bẻ cho tới cùng, mà điểm tận cùng vẫn mãi không thấy tới. Ngọc khác Mây, Ngọc tin hết dù thiệt ra không hiểu gì hết. Trong những cuộc tranh luận dài dằng dặc giữa sư và Mây, Ngọc với Huệ Phong chỉ đóng vai khán giả ngoan ngoãn ngồi nghe, thỉnh thoảng ngáp dài và thường xuyên cười trừ. Bữa nọ sư Minh Hiếu nói với Ngọc:
“Con yên tâm đi, những đứa đa nghi ưa phản biện như Mây, khi nào hiểu mới chấp nhận và lúc đó nó sẽ có một lòng tin bền vững”.
Mây nghe Ngọc kể lại, trầm tư mất một phút, tưởng tượng đến lúc mình sẽ hiểu và sẽ tin thì sẽ thế nào. Thôi kệ, tới đó rồi hay. Cô bé lắc mạnh mái tóc ra sau vai, cười tươi rói với Ngọc rồi tiếp tục leo lên cây ổi sau chùa, lựa những trái chín thảy xuống cho bạn, còn những trái ương ương giữ lại cho mình. Chú Huệ 14 tuổi đang kéo nước bên giếng bất chợt dừng tay lắng nghe tiếng nhai rôm rốp từ hàm răng trắng lấp ló giữa khoé môi hồng hồng rồi cười vu vơ. Bầy ve bỗng kêu ran trên những vòm lá xanh.
*
Mây làm thơ từ hồi 13 tuổi. Những bài thơ trong suốt hai năm chỉ có Ngọc là độc giả trung thành duy nhất, cho tới ngày Ngọc đem khoe sư Minh Hiếu và chú Huệ Phong. Sư đọc, cười và không nói gì, chỉ đem tập thơ Mây chép tặng cất kỹ. Sau này Mây mới biết sư cũng là một nhà thơ. Cô bé ngạc nhiên lắm, cứ tưởng sư chỉ là … sư, tức là chỉ biết tụng kinh, gõ mõ và thuyết pháp. Nên khi nhận được tập thơ do sư chép tay tặng lại, cô bé cảm động lắm đem về nhà cất vào ngăn kéo để mỗi khi ngồi vào bàn tưởng như học bài, hóa ra lại lấy ra đọc. Một lần, mẹ Mây trông thấy, giành lấy xem rồi bảo Mây đừng lên chùa nữa nếu không có tín ngưỡng. Mây không hiểu, chỉ thấy chút kỳ lạ khi dì Út, em mẹ, chụp lấy tập thơ, xem lướt qua rồi nháy mắt cười – Đừng làm Thị Mầu lên chùa nghe nhóc! Dì uốn giọng hát chèo – Này thầy tiểu ơi, thầy như lá rụng sân đình í a… Mây phóng tới giật lại tập thơ, mắt đỏ hoe tức tối:
“Dì chỉ được cái nói bậy thôi!”
Cuộc chiến giữa hai dì cháu sắp xảy ra thì bị mẹ cản lại bằng ánh mắt nghiêm lạnh:
“Út, thôi ngay, không chọc cháu! Mây, không nói hỗn với dì. Mẹ bảo đừng lên là đừng lên. Thế thôi!”
Mây lì, đương nhiên không nghe lời mẹ. Cô bé vẫn cứ tha thẩn lên chùa một mình những khi có chuyện buồn giận, ví dụ như khi bị mẹ la hôm đó, ngồi lặng lẽ ngoài hiên chánh điện cho tới lúc sư xong giờ công phu, bước ra hỏi chuyện. Mây chẳng kể lại được lời dì và mẹ, chỉ than thở là ở nhà chẳng ai hiểu con cả, bạch sư. Thiệt ra, Mây muốn nói là Mây chẳng hiểu chính mình. Những tần số rung động nhẹ nhàng lạ lẫm làm Mây như đi trong cõi lạ, ngơ ngẩn và bâng quơ, lúc buồn lúc vui. Y như con mất hồn – là câu dì Út dạo này hay mắng khi Mây quên làm một việc gì đó do dì nhờ cậy. Vị sa di trầm ngâm nhìn cô bé rồi thở dài quay vào tụng kinh. Tiếng mõ đều đều điểm nhẹ vào cuối mỗi câu kinh dằng dặc ê a làm Mây càng buồn hơn. Cô bé đứng dậy vào nhà trù xem chú Huệ đang chuẩn bị bữa ngọ:
“Bữa nay ăn gì vậy, Huệ Phong?”.
“Canh tần ô, Mây ở lại ăn cho vui nha!”.
Mây và Ngọc thích nói chuyện với chú Huệ hơn nói chuyện với vị Sa Di nghiêm trang kiệm lời kia. Cùng trang lứa nên ba cô cậu có thể nói đủ thứ chuyện mà không e ngại giữ gìn. Một bữa Mây và Ngọc thấy mặt chú Huệ dàu dàu, lông mày cạo trọc. Hai cô ngạc nhiên xúm vô hỏi. Chú dấm dẳng:
“Trò buồn!”.
“Buồn gì?”.
“Buồn tình!”
“Má ơi, là sao?”.
Hoá ra Huệ Phong bị sư phạt quỳ hương vì tội làm bể bình bông trong chánh điện, sau đó còn trả treo là có sinh ắt có diệt, chẳng qua thời điểm theo ông bà của cái bình đã tới, đâu phải lỗi của con. Ngọc cười chảy nước mắt, cười đau cả bụng khi biết thêm lý do làm bể bình bông là do chú Huệ lấy trộm tập thơ của Mây tặng sư, đọc rồi đem giấu trong chánh điện, lóng ngóng làm sao mà làm rơi chiếc bình cổ xanh biếc. Mây không cười, cô bé lặng lẽ suy nghĩ gì đó mà đôi mắt rất đỗi mông lung như có chút khói nhang lẫn vào. Huệ Phong bất chợt dịu dàng hỏi:
“Dạo này Mây có còn ra bờ sông ngồi ngắm lục bình trôi rồi làm thơ nữa không? Trò đọc thơ của Mây, trò buồn trò khóc miết. Thơ Mây buồn quá!”
Ngọc cố nuốt tiếng cười vào bụng, ngắc ngứ chen vào:
“Ừ, thơ Mây hay mà buồn thiệt đó! Mây lạ, lúc nào cũng vui, lúc nào cũng cười giỡn vậy mà làm thơ buồn thấy ớn”.
“Trò nghĩ, Mây có nỗi buồn tiền kiếp đó Ngọc. Có khi kiếp trước Mây thất tình tự tử trên cây mận, cây mận rung rinh rớt xuống sình, oái, ui da, bần tăng bị yêu nhền nhện cắn rồi, đau quá! Tín nữ tha tội, tha tội!”
Dấu răng đã từng cắn ngập trái điều dạo trước, bây giờ để lại trên cánh tay chú Huệ một vòng tròn rướm máu. Mây vội vàng quay đi, giấu chút rưng rưng trong khóe mắt:
“Tập thơ đó Mây chép tặng sư Minh Hiếu. Ai cho phép Huệ Phong lấy?”
Ngọc ngây người một thoáng rồi vội đuổi theo Mây. Hai tà áo trắng chấp chới như đôi cánh bướm bay ra phía cổng tam quan để lại chú Huệ nhỏ với hai hàng lông mày cạo sạch đứng ngẩn trong sân chùa mà lòng đầy dấu hỏi.
Mây 17 tuổi. Má hồng hơn, tóc mướt xanh hơn, bước đi dịu dàng hơn, bớt nghịch ngợm hơn, Mây trở thành cô thiếu nữ xinh nhất khối lớp 11. Cô bé vẫn thường lên chùa, ít khi có Ngọc đi cùng, có khi giúp sư trụ trì quét dọn tủ kinh, có lúc xuống nhà trù phụ giúp các cô Phật tử luân phiên nấu bữa ngọ cho quý sư, tán gẫu với chú Huệ.
Cô bé càng ngày càng gắn bó với sư Minh Hiếu, trở thành học trò cưng của sư, thường trao đổi đủ thứ chuyện về đạo, về đời, về thơ, về thiền. Đám con trai cùng trường, cùng khối lớp theo đuổi Mây một cách vô vọng, thấy Mây thường xuyên lên chùa nên nghĩ Mây muốn đi tu. Có cậu còn ác miệng, tung tin đồn Mây mê mấy ông sư. Mây nghe, chỉ cười khẩy. Mây chỉ biết mình thích lên chùa, thích nói chuyện với sư Minh Hiếu, thích lặng lẽ ngồi một mình bên mái hiên chánh điện, mải miết đan cái áo len màu xanh chưa bao giờ xong vì hết đan vào lại tháo ra. Mây ngồi miết cho tới lúc nghe tiếng bước chân trần nhẹ êm trên nền gạch, cô bé biết sư đã đến và quay lại nhoẻn cười, nói tiếp câu chuyện không bao giờ dứt. Tình cảm Mây dành cho vị sư chỉ hơn mình bốn tuổi khá phức tạp, hình như là tình yêu mà cũng không phải tình yêu, chỉ là sự cần thiết có nhau của hai tâm hồn cùng nhạy cảm và lạc lõng. Sư trụ trì chẳng phê phán gì mối quan hệ của hai người, chỉ gọi cô là học trò cưng của sư Minh Hiếu, có khi ông còn gọi đùa là hai thầy trò nhà thơ.
18 tuổi. Năm cuối cấp và kỳ thi đại học chờ phía trước làm Mây ít có thời gian lên chùa hơn. Thi xong môn cuối, Ngọc mới bảo:
“Sư Minh Hiếu nhắn mày mấy bữa nay vì sư sắp phải nhập thất ba tháng ở pháp viện. Tao mắc ôn thi nên quên, chắc sư đã đi rồi”.
Mây vội vàng đạp xe vượt qua con dốc dài lên chùa. Bước vào cổng tam quan, nhìn qua chánh điện rồi nhìn về phía cốc sư ở, lòng Mây bất chợt nghe rất vắng, tim nhói lên rất nhẹ một nhịp đập lạc lõng:
“Mây biến đâu mất hổm rày? Sư Minh Hiếu mới đi chiều qua. Sư có ý đợi Mây, trò nhìn trò biết!”.
Mây không quay lại nhìn Huệ Phong để chú không thấy đôi mắt rưng rưng một trời tuyệt vọng của mình, giọng nhẹ như mây:
“Mây bận thi!”
“Mây kỳ lạ lắm!”
“Lạ sao?”
Mây kéo tóc che nửa mặt, quay lại nhìn Huệ Phong với vẻ hiếu kỳ. Chú Huệ nhỏ đen đúa nhỏ thó ngày nào bữa nay ngó cao hơn Mây nửa cái đầu, tướng tá bặm trợn, gương mặt già dặn hơn nhưng vẫn còn nguyên vẻ bướng bỉnh bất cần thuở xưa. Ánh buồn nhẹ lướt trong mắt Huệ Phong, chú chậm rãi buông từng tiếng rời rạc, khó khăn:
“Là Mây lúc gần lúc xa, lúc thân thiết lúc lạnh lùng. Mây làm trò sốc hoài. Ví dụ như giờ nè, Mây rất gần gũi thân thiện. Nhưng bữa qua, trò gặp Mây đi học về, chào mà Mây cứ lơ đi chẳng nhìn. Cũng có lúc Mây lên đây, ngồi một mình ngoài hiên, trò đứng sau lưng chờ mãi mà Mây không quay lại. Mây nghĩ gì, trò chẳng bao giờ biết được.”
“Vậy sao?”
Mây hờ hững hỏi mà không đợi chú Huệ trả lời. Mắt cô hướng về phía cốc, chờ đợi vô vọng một bóng áo vàng, cao gầy với dáng đi chậm rãi quen thuộc. Huệ Phong lặng lẽ dõi theo ánh mắt Mây, bàn tay chú đang vân vê một cuộn giấy nhỏ:
“Trò tặng Mây nè. Bữa Mây cứ theo hỏi miết trò đang vẽ gì mà giấu giấu giếm giếm đó, nhớ không?”
Mây quay lại cầm cuộn giấy mở xem. Con đường đất đỏ trải dài hun hút, hàng điều nghiêng mình che chiếc bóng sau lưng cô gái áo dài, dắt xe đạp đi ra phía cổng chùa. Mái tóc dài bay như một vầng mây bướng bỉnh cứ muốn trôi ngược hướng bước chân cô. Góc dưới bên phải bức tranh vẽ chì chỉ có một chữ Gió.
“Trò muốn níu Mây ở lại mỗi lúc Mây về. Có Mây, nơi đây ấm áp, vui vẻ. Mây về, mọi thứ trở nên buồn và vắng quá đỗi. Mấy cây điều, cây ổi, cây mít, mấy chậu bông vạn thọ, mấy chậu bông dừa cạn hình như cũng nhớ Mây nên tụi nó gục đầu ủ rũ”.
Nghe Huệ Phong nói một hồi, tới câu cuối, bất giác Mây bật cười giòn tan:
“Mấy nay nắng quá, sư đi rồi nên Huệ Phong làm biếng quên tưới cây chứ gì?”.
“Nếu Mây đậu đại học, sẽ phải xuống Sài Gòn trọ và ít ghé chùa phải không? Trò sẽ xuống ký túc xá thăm Mây nha, đem mít với xoài xuống cho Mây nữa.”
Mây quay lưng về phía Huệ Phong im lặng hồi lâu, chỉ thấy mái tóc buông trên vai lắc nhè nhẹ:
“Đừng tới. Cuối tuần Mây về. Mà nói chi sớm, Mây chưa thi mà. Thi rồi cũng chưa chắc đậu.”
“Mây viết tặng trò bài thơ đi”.
Giọng Huệ Phong nài nỉ. Mây gật nhẹ đầu:
“Ừm, từ từ có hứng, Mây viết. Giờ Mây về đây. Khi nào sư quay lại chùa, Mây lên thăm”.
Huệ Phong đứng ngẩn trông theo bóng lưng Mây, lòng bất chợt chùng xuống buồn hiu.
*
Mây thi đậu đại học. Giữ lời hứa cô bé viết tặng chú Huệ nhỏ bài thơ. Huệ Phong cầm miết tờ giấy, đứng tựa bên bờ giếng, lẩm nhẩm đọc như đọc kinh chiều.
Tháng chín này Mây đi rồi đó
Phong trở về đọc lại bài thơ
Phong có thấy mây chiều bỏ ngỏ
Trôi nhẹ nhàng như tóc Mây xưa…
Tháng chín Mây nhập trường. Quay cuồng trong việc học, làm thêm, làm quen cuộc sống mới, cô bé chẳng còn thời gian về thăm lại chùa xưa.
Tháng mười. Sư Minh Hiếu hoàn tất khóa tu nhập thất, được phong đại đức và chuyển về trụ trì một ngôi chùa khác khá xa. Ngọc rủ Mây lên chùa dự buổi tiệc nhỏ các Phật tử tổ chức tiễn sư.
“Mô Phật, bạch sư, con mới tới.”
Mây cúi chào rồi ngước nhìn sư. Sư gầy hơn, mắt sâu và buồn, mỉm cười nhìn Mây:
“Con thi đậu rồi hả? Đi học chắc vui và bận rộn lắm?” “Dạ, sư!”
Lòng Mây bất chợt nghe rất lạ, cảm giác khi xưa của cô bé với sư Minh Hiếu hình như bay biến đâu mất cả. Trước mặt cô chỉ là một vị sư quen quen lạ lạ chứ không phải tri âm xưa mà cô đã từng kể lể đủ chuyện buồn vui. Cô vội vàng chào tạm biệt rồi chạy ra với Ngọc, ríu ra ríu rít phụ giúp các bà các cô nấu nướng.
“Mây!”
Ngước lên, Mây nhìn thấy Huệ Phong. Vài tháng không gặp, cả hai đều lớn hơn một chút, ngượng nghịu hơn một chút, xa lạ hơn một chút. Ngọc khoe giùm Huệ Phong:
“Mây không biết đâu, chú Huệ mới thọ giới sa di, pháp danh là Thích Minh Phong đó, chào sư đi”.
Mây đứng dậy chắp tay nửa thật nửa như đùa:
“Mô Phật, bạch sư, con tới nãy giờ, hihi.”
“Lên chánh điện, giúp trò chưng dọn một xíu đi cô Mây!”.
Mây miễn cưỡng đứng lên theo sau Huệ Phong. Chú Huệ lộc ngộc hồi nào giờ nghiêm chỉnh trong bộ tăng bào màu vàng, bước đi điềm đạm. Dừng lại bên hàng điều, Minh Phong lặng lẽ nhìn Mây:
“Mây khác quá!”
“Ai rồi cũng khác mà, Huệ Phong!”.
“Ừ, cứ gọi trò vậy đi, đừng bạch sư gì cả, nghe không quen. Mây đi miết rồi chẳng về thăm chùa như đã hứa. Mít chín, điều rụng, ổi bị chim ăn hết trơn”.
Mây kéo tóc, che đi nét cười. Dường như cô bé năm xưa lên chùa chỉ vì ham chơi, lưu luyến chùa vì tìm thấy nơi đây một tri âm, chứ chẳng phải vì tín ngưỡng – đã lớn lên và trở về với cuộc đời. Ngôi chùa và những thân quen xưa đã trở thành ký ức, xếp kỹ vào từng ngăn kéo các giai đoạn của đời người. Mây bước đi rất xa nhưng thời gian nơi đây chậm hơn. Mây thay đổi trong khi nơi đây chựng lại. Sự chênh lệch làm mất đi mối dây giao cảm, chứ chẳng phải lòng Mây bội bạc, cô bé nghĩ vậy với chút xíu chao lòng buồn thương quá khứ khi nghe Minh Phong trầm giọng đọc bài thơ cô viết tặng:
Ngày Mây về, Phong có nhớ Mây không
Hay lẳng lặng như chưa hề quen biết
Ngày Mây về, ai còn nhớ Mây không
Hay là đã quên theo ngày tiễn biệt…
“Thơ thôi mà, Huệ Phong, Mây bận rồi, Mây phải về chuẩn bị xuống trường đây. Nhắn chào sư Minh Hiếu giúp Mây và nhắn cả Ngọc là Mây về trước nha”.
Mây vội vã quay đi. Bỏ lại sau lưng bóng áo vàng đứng chôn chân nhìn theo mớ tóc bay ngược gió như một vầng mây vẫy gọi. Bỏ lại cả một bóng áo vàng khác đứng ở hiên cốc lặng lẽ cúi đầu lẩm nhẩm đọc kinh, bàn tay bối rối lần theo tràng hạt như để ghìm lại cơn sóng xô bạt trái tim thanh tịnh.
*
Mây đi lần đó rất lâu, chẳng bao giờ vào ngôi chùa nào nữa. Ra trường, đi làm, lấy chồng, sinh con – bình thường như những người phụ nữ khác, cuộc sống cứ thế lôi kéo Mây đi, bỏ lại những bài thơ chìm lấp trong nợ áo cơm. Thỉnh thoảng về thăm quê, gặp Ngọc, bây giờ là cô thợ may vườn, đậm đà, hạnh phúc và vẫn tất bật như xưa. Ngọc kể:
“Sư Minh Hiếu bệnh, bệnh gì không biết, chỉ biết sư mỗi ngày một gầy yếu, lúc quên, lúc nhớ. Mày rảnh thì đi thăm sư. Còn sư Minh Phong đã hoàn tục rồi, ông ấy bây giờ là diễn viên điện ảnh, bữa nọ về đây quay ngoại cảnh cho một bộ phim, có hỏi thăm miết mà tao không dám cho số điện thoại của mày. Ê nhỏ, dạo này còn làm thơ không, đưa tao đọc với?”
Mây hỏi như Maika, cô bé từ trên trời rơi xuống:
“Thơ, thơ là gì vậy?”
Rồi hai cô cười phá lên làm bé nhóc con Ngọc đang lẫm chẫm đi men trong cũi giật mình khóc thét.
Mây không ghé chùa xưa, cũng không đi thăm sư Minh Hiếu. Cuộc sống lại kéo cô mải miết trôi đi theo những công trình, những dự án và cả những lo toan trong bổn phận với gia đình. Một lần, khi đang ngồi hoàn tất bản dự án trong quán cà phê, Mây giật mình nghe người gọi tên mình:
“Mây, Mây phải không?”
Người đàn ông vạm vỡ, đầy vẻ phong trần đang cúi nhìn cô, ánh mắt rất quen trên gương mặt rất lạ.
“Mây không nhớ tôi sao?” Mây bỡ ngỡ lắc đầu.
“Đã từng rất thân mà!”
“Xin lỗi, tôi không nhớ!”
“Xin một lần trở về trong trí nhớ / một người đi cùng tháng chín xa xôi – Nhớ chưa?”.
“Huệ Phong? Ôi, đúng Huệ Phong đây rồi – Mây mừng rỡ – ôi hồi xưa đầu trọc mà, bây giờ khác quá làm sao Mây nhớ?”
“Gọi Phong thôi, tên thiệt đó. Mây vẫn vậy, chỉ xinh và đằm thắm hơn.”
Phong kể đã hoàn tục ít lâu sau khi Mây đi học. Có một đoàn phim tuyển diễn viên, thấy Phong tướng tá bặm trợn nên mời vào vai một tướng cướp, từ đó Phong theo nghiệp này luôn. Phong nghĩ như vậy Mây sẽ dễ nhận ra Phong hơn, ai dè Mây bận quá, chẳng bao giờ coi một bộ phim Việt nào. Mây thiệt vô tâm, đúng không? Phong cười – ý thích thôi mà, Mây không thích nên không coi, đâu có vô tâm gì đâu, do Mây đâu biết Phong theo nghiệp diễn, đúng không?
Mây biết, nhưng đã không quan tâm – Mây định nói thế, rồi lại thôi. “Sư Minh Hiếu mất, Mây có hay không?.
Tim Mây bất ngờ ngưng một nhịp, nhói đau. “Sao vậy Phong ơi?”
“Sư bệnh gì không biết, chỉ biết mỗi ngày một suy kiệt, lúc nhớ lúc quên, rồi mất thôi Mây. Ngọc với Phong có đến viếng và tiễn Sư về với Phật”.
Mây bàng hoàng. Quá khứ dường như đã ngủ quên trong miền ký ức bất chợt ùa về qua giọng kể trầm trầm của Phong:
“Hồi đó Mây còn nhỏ xíu, ngày Tết mặc áo dài hồng phấn lên chùa lễ Phật. Phong đứng phía trong nhìn ra, thấy Mây thiệt dễ thương. Lần Mây leo cây điều, bị mủ điều dính áo trắng, sợ về bị la, ra giếng gột hoài không trôi, Mây nhớ chứ? Lần Mây giận bạn học thì phải, đem mấy cuốn lưu bút lên chùa tính đốt hết, Phong giật lại, đem cất tới giờ. Trong đó, có kẹp mấy bức thư của tụi con trai tán tỉnh Mây nữa, chắc Mây quên hết rồi”.
Mây quên hết rồi. Trong trí nhớ chỉ còn hiện hữu một bóng áo vàng nghiêm trang chắp tay đứng dưới gốc cây, ánh mắt bao dung và mỉm cười dịu dàng với con nhóc vừa tuột từ trên cây rớt đánh bịch xuống đám lá khô mà tay vẫn giữ chặt chiếc nón chứa mấy trái điều.
Cái người bữa đó lên chùa như một vầng mây vô tư bay qua soi bóng xuống dòng sông rồi nhẹ nhõm bay đi không vướng bận – Mây đó! Cũng chẳng biết mình có gây ra điều gì lầm lỗi khi bước vào một chốn thanh tu mà lòng không chút tín ngưỡng, chỉ vì sự tò mò thơ dại của một đứa trẻ con rồi lưu luyến nơi đó vì tìm thấy một tri âm.
“Mây về đây, tới giờ đón con rồi, gặp Phong sau nha!”.
Mây vội vã đứng lên, bước đi như làm tiếp một cuộc trốn chạy quá khứ, như để ngăn Phong tiếp tục nói những điều Mây không nên nghe.
Mái tóc Mây giờ cắt ngắn, chẳng còn như một đám mây vẫy gọi Phong bước theo những năm xưa.
Cái người lên núi xin xăm
Lên chùa lễ Phật đêm rằm tháng tư
Cái người đòi bỏ theo tu
Làm quay cuồng đến mịt mù tiểu, tăng
(Hoàng Chính)
Nguyễn Dạ Quỳnh
______________________________________________
Họ tên thật: Huỳnh Thị Quỳnh Nga Ngày sinh: 27/12/1978 tại Tiền Giang. Bút danh: Quỳnh Nga và Huỳnh Thị Quỳnh Nga Hiện dạy tại Trường Mầm Non Long An, ấp Long Tường, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Trăng Của Phố
Huỳnh Thị Quỳnh Nga
Đón hạt mưa xanh tôi quên
Trên đôi tay em ngày xưa
Lặng ngắm một bờ mi xa phố
Còn lại tôi tiếng thở
Rì rào phố nhớ nhung heo may
Đón mùa xuân trên đôi môi em vui
Trong tôi một nụ hồng đã nở
Và hương bay phía chiều em mênh mông rộn ràng nỗi nhớ
Chạm vết thời gian quên trôi
Một nửa tôi về Một nửa mồ côi
Cong vênh vạt chiều non trăng phố
Cà phê. Sách. Tôi còn em mà cứ ngỡ
Trăng cứ bồn chồn thắp lửa lên tim
Một tôi về phố gầy giấc ngủ quên.
Nghe Ca Dao
Chạm Mềm Lá Cỏ
Ta nghe con nước vàng chân sóng
Nhịp nắng lưng cầu bay phơi hương
Em về lại thơm lòng quê sớm
Bình minh xanh vừa trôi trong sương
Ta bâng khuâng hỏi mùa mây cũ
Bay về đâu? Cội gió lao xao
Em nghiêng xuống triền xưa cánh én
Gọi mùa xuân đến tự khi nào!
Nghe ca dao chạm mềm lá cỏ
Xanh miền thơ dại tím lời ru
Ơi ngây ngô? Em còn ở đó
Để ban mai rụng một sương mù!
______________________________________________
Tên thật: Bùi Thị Ngọc Trâm Năm sinh: 1973, tại Sóc Trăng. Bắt đầu viết năm 1992, cộng tác với tạp chí Sóc Trăng và nhiều trang web trong nước. Chưa có tác phẩm ấn hành.
Bước Chậm Lại
Ngọc Trâm
Bước chậm lại giữa thế gian này vội vã
Có những thứ mất đi không tìm được nữa bao giờ
Rã rời nhìn gầy guộc giữa cơn mơ
Đời xuôi ngược cứ xoay vần hối hả
Đâu phiên chợ nên chẳng thể nào mặc cả
Ngã giá sao cho những phút yên bình
Hỏi chân tình hình như chỉ im thinh
Cái được ngỡ nguy nga mà hoang vắng
Bước chậm lại bỏ buông điều lo lắng
Giữ đơn sơ màu khói tỏa lam chiều
Gửi nhẹ nhàng làn gió thổi hiu hiu
Để bình dị thong dong hòa mây nước
Bước chậm lại ngẫm cho cùng sau trước
Cũng ngày về bàn tay trắng hư không.
______________________________________________
Ngày sinh: 30/3/1989. Địa chỉ nơi công tác: Giáo viên Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ, Xã Tam Hiệp, Huyện Núi Thành, Tỉnh Quảng Nam.
Nếu…
Nguyễn Thị Thuyền
Người ta nhốt âm thanh trong [những] phòng kín nỗi buồn
không thể rục rịch
tháng Ba thành phố
nhiều đường hoa giáp ranh hẹn ước
Em chẳng thể hỏi anh về hạnh phúc
chưa bao giờ có được
ai cũng chẻ nụ cười để tách vỏ cơn đau
Anh đừng dối lòng nếu hai đứa gặp lại nhau.
Chuyên mục:Tác giả - Tác phẩm, Trên kệ sách, Văn Chương
Trả lời