Uyên Nguyên: Chuyện những cây cầu đã gãy

1.
Mậu Thân 1968, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng sáng tác ca khúc “Chuyện một cây cầu đã gãy.” Năm 2010, trong một bài viết nhà thơ Du Tử Lê nhắc lại:

Trước biến cố kinh hoàng, được biết dưới tên đơn giản là “Tết Mậu Thân Huế, 1968,” một thành phố tựa mối tình đầu của ông, đồng thời cũng là nơi tiếp giáp quê hương Quảng Nam của mình; Trầm Tử Thiêng đã sáng tác ca khúc “Chuyện một chiếc cầu đã gãy!”

Một ca khúc ra đời từ hơn 40 năm trước, nay nghe lại người thưởng ngoạn vẫn còn cảm thấy bùi ngùi. Ngay cả khi người nghe không có một chút ấn tượng, hiểu biết gì về biến cố ghê rợn ấy.

Có dễ vì âm điệu của ca khúc được xây trên nền của các câu hò, hoặc dân ca Huế, như Nam Bình, Nam Ai… thích hợp với nội dung, khí hậu của bản nhạc (?)

Ðã thế, ông còn “vẽ” lại một cách lớp lang, thứ tự như một truyện ngắn cảm động bằng âm nhạc, nên dù ai nghe, cũng khó cầm lòng!

Ca khúc mở đầu bằng sự nhớ lại những ngày đầu tiên, khi chiếc cầu được xây dựng:
“Một ngày vào thuở xa xưa trên đất Thần Kinh – Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh – Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời – Khắp cố đô dân lành vui ca thành điệu Nam Bình – Niềm vui bao lâu ước mơ giờ trên xứ thơ cầu nối liền bờ – Thỏa lòng người dân hằng chờ có ngày hẹn hò tình đẹp như mơ.”

Rồi trải qua hàng trăm năm với mưa, nắng, buồn, vui, những cuộc đời thơ mộng, trưởng thành, qua đi, để bao thế hệ tiếp nối lại được mùa hẹn hò, được sống như thi ca trước sự chứng kiến của chiếc cầu nối liền hai đầu tử, sinh đó.

Trong tác phẩm của Trầm Tử Thiêng, chiếc cầu không còn là một kiến trúc, một vật thể làm phương tiện nối liền đôi bờ một con sông mà, nó còn là chứng nhân tình cảm, trung tín nhất của những người ra đi, gầy dựng tương lai, nhưng vẫn không quên lời nguyện thầm, trở về:
“Từng đoàn người dệt tương lai đi nắng về trưa – Dập dìu trong tay chan chứa tình thương – Cầu êm bóng xa xa nắng tre rập đường – Áo trắng về trắng cầu quê hương – mỗi lần chiều tan trường – Cầu quen đưa bao chuyến xe – Nhiều khi vẫn nghe buồn vui tràn trề – Âm thầm người đi, người về, trót ghi lời thề ngoài miền sơn khê.”

“Ngày nào cầu đã đưa anh qua phố tìm em – Cầu đã đưa ta sang chỗ hẹn nhau – Cầu tha thiết khuyên anh giữ trọn tình đầu – Nước dưới cầu trong veo – Như cuộc tình duyên nghèo…”

Thế rồi, bất ngờ, thảm họa xẩy ra: “Tình người về giữa đêm xuân chưa dứt cuộc vui – Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi – Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi – Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài…” – Du Tử Lê, Trầm Tử Thiêng và “Chuyện Một Chiếc Cầu đã gãy”

Rồi những năm gần đây, tôi đọc nhiều tản văn và thơ của nhà thơ Trần Mộng Tú, vẫn hình ảnh của những cây cầu thấy trong nhạc Văn Giảng hay Trầm Tử Thiêng, nhưng không phải là cây cầu của thời chia đôi đất nước, hay thuở binh biến lan tràn trên quê hương. Những chiếc cầu của thời hòa bình(!), không gãy vì bom đạn, cản ngăn do ý thức hệ mà vì sự tham lam và mông muội của những người lãnh đạo, đang cầm nắm sinh mệnh của hàng triệu đồng bào Việt Nam.

Trên quê hương của anh
Mỗi buổi sáng từ nhà đến sở, tôi đi qua một cây cầu
Một cây cầu không bắc qua một giòng sông, mà chỉ bắc qua một giòng xe cộ
Trên quê hương tôi tất cả những cây cầu đều bắc qua sông
Từ chiếc cầu xây cho đến cây cầu khỉ
Nếu anh chưa đến quê tôi thì anh chưa biết thế nào là một cây cầu khỉ
Đó là một cây cầu có cánh tay vịn khẳng khiu trông giống như cánh tay khẳng khiu của người chồng Việt Nam, đưa cho vợ nắm để sang ngang giòng đời
Anh cứ đến quê tôi anh sẽ thấy
Mỗi cây cầu, mỗi giòng sông là một niềm bí mật
Mỗi buổi sáng trời trong xanh, dưới chân cầu anh bắt gặp
Xác mẹ già với chiếc quần thâm vá nhiều mảnh vụn
Xác em thơ bụng lớn hơn mình
Họ bình thản gối lên đám lục bình, ngủ không bao giờ thức dậy
Trên quê hương của anh
Mỗi sáng từ nhà đến sở
Tôi đều đứng lại giữa cầu cúi nhìn giòng xe cộ
Tôi cố tưởng tượng ra
Nước sông đang lên
Hoa lục bình đang nở
Để thấy nước mắt tôi nhỏ xuống thành cầu
Trên quê hương của anh
Mỗi buổi chiều từ sở trở về nhà
Tôi đều dừng lại giữa cầu cúi nhìn giòng xe cộ
Tôi cố tưởng tượng ra
Nước sông đang cạn
Những đứa bé da vàng đang lội bì bõm hai bên bờ
Những đứa bé không hề có tuổi thơ
Chúng đang đi tìm sự sống
Sự sống trên những xác thú chết đã trương phình
Và chẳng cần tưởng tượng tôi cũng thấy mũi tôi đang ngửi được mùi bùn
Mùi bùn của giòng sông quê hương tôi
Không giống mùi bùn của bất cứ một giòng sông nào trên thế giới
Mùi bùn của giòng sông quê hương tôi có pha lẫn mùi máu, nước mắt, mồ hôi
Có pha lẫn mùi xác thú, xác người
Tôi quả quyết tôi không hề nói dối
Anh cứ đến quê tôi anh sẽ thấy
Mỗi buổi sáng từ giòng sông, tiếng hát cô lái đò với khoang thuyền đầy rau trái.
Nàng đang quang gánh lên bờ cho kịp buổi chợ mai
Những đứa bé dắt nhau qua cầu đến trường làng trong tú còn nóng một củ khoai
Mắt thơ dại còn đong đầy hạnh phúc
Nhưng cũng trong buổi chiều cùng ngày hôm ấy
Xin anh cũng đừng ngạc nhiên khi thấy
Cô lái đò ban sáng
Đang gục khóc trên xác người tình dưới chân cầu đổ nát
Tóc nàng, nước mắt nàng, hòa với nước sông thành một giòng
Ôi một giòng tan tác
Những đứa bé trên đường từ trường trở về nhà
Trở về chân tay mỗi nơi một mảnh
Những đứa bé chết trước khi biết đánh vần thế nào là hai chữ Thanh Bình
Hôm nay tôi đang sống
Trên quê hương của anh
Trên quê hương thanh bình có những cây cầu rất đẹp
Trên quê hương có cây cầu nạm vàng *
Nhưng suốt đời tôi làm thế nào tôi quên được
Những cây cầu trên đất nước Việt Nam
Những cây cầu bắc qua giòng tan tác
Giòng máu, mồ hôi, và nước mắt da vàng
Trần Mộng Tú (Thơ Trần Mộng Tú, Người Việt 1990)

2.
Giờ này ở quê nhà, tôi thương nhiều người ra sức bảo vệ chiếc cầu Long Biên đang bị các cơ quan thẩm quyền nhà nước “bức tử.” Nhưng tôi biết ở một nơi khác, người ta chẳng nghĩ ra nổi cách gì bảo vệ trước đó cho 8 nhân mạng và hơn 30 người khác bị thương vì chiếc cầu Lai Châu vừa đứt dây cáp.

Những cây cầu thay phiên nhau gãy. Những em bé vẫn bì bỏm lội qua sông học chữ. Sự chết luôn rình rập không do bom đạn chiến tranh… Sự chết mang tên rất bình thường, ăn mòn nhân tính con người như một thứ vi trùng thời XHCN: Tham nhũng.

Lại nhớ điều này: “tham nhũng là một quốc nạn.” Do đâu  ngoại bang lấn lướt ngoài khơi và hăm he biên ải? Vì tham nhũng cũng đủ khiến đất nước và lòng dân xơ xác, điêu tàn đến thế rồi!

26 tháng Hai, 2014
UYÊN NGUYÊN



Chuyên mục:Nhân vật, Sự kiện, Xã hội, Độc thoại

Thẻ:, , ,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: