Lê Giang Trần: Tiếng Hét Báo Động Của Những Anh Hùng Bất Cần Bạo Lực: Bùi Giáng – Phạm Công Thiện – Tô Thùy Yên, (1993) – p2

Nhà thơ Lê Giang Trần (Ảnh: Uyên Nguyên)

 

III. TIẾNG HÉT CỦA PHẠM CÔNG THIỆN, THI SĨ LƯU VONG TRONG LƯU VONG

Trần Tuấn Kiệt nhận định “Phạm Công Thiện là một trong số những nhà thơ (vài ba người lỗi lạc nhất) của miền Nam hiện đại. Là một nhà tư tưởng thâm cảm với hố thẳm với hư vô trầm thống và quyết liệt trong thời đại thi ca ngày nay.” [Tác Giả Tác Phẩm / Trần Tuấn Kiệt]

Phạm Công Thiện, ở con người thi sĩ, có lẽ ông là một thi sĩ mang tính lưu vong sớm nhất, ngay cả khi bản thân ông đang còn nằm trong chiếc nôi quê hương. Chính vì mang nỗi lưu vong này, qua tất cả tác phẩm cũng như rất nhiều bài viết của ông, kể cả thi ca, đều hàm chứa tình yêu quê hương, tình yêu dân tộc đậm đà, kín đáo và đầy khiêm tốn. Đến độ, nếu không khéo nhận ra những ẩn khuất vi tế này, người ta dễ dàng kết án ông “chối bỏ quê hương” qua lối ngôn ngữ ẩn dụ đôi khi bằng cả thể “phản đề”.

Vừa khi chạm mặt với triết lý Tây phương, ông đã lưu vong ngay trong sự sụp đổ của ngôn ngữ luận lý “mâu thuẫn” hoặc “tránh mâu thuẫn” của lý trí phương tây; Vừa khi ông phủi tay với triết lý Đông phương, ông đã lưu vong ngay trong sự mơ màng yếm thế “nhị nguyên” của phương đông; Vừa khi ông nắm bắt được mục đích của Thần học thì ông đã lưu vong ngay trong nỗi ngưỡng vọng đầy thất vọng của ông; Cho đến ngay khi ông thu liễm được tinh túy của triết lý Phật giáo, thì hình như, ông cũng đã lưu vong trong nỗi cô độc khủng khiếp qua tinh thần mật nghĩa “không chấp trước” của Mật Kinh Bát Nhã Ba La Mật.

“Một hôm nhìn những gốc cây bị đốn ngoài đường thì tôi mới biết rằng mình không còn con nít nữa, tôi đã lớn và lớn có nghĩa là ôm trái tim đi lây lất ăn mày sương mù trên khắp nẻo đường trái đất” [một chút nắng trôi về biển/PCT, Khởi Hành số 57]

Ông lưu vong có lẽ vì thấy không có một cái gì có thể “bám víu” được. “Bám níu vào là sẽ vuột tay đâm đầu xuống hố thẳm chết tươi ngay tức khắc”. “Bám Níu” là một ý nghĩa khác của “Chấp trước”. Đó là một lời giảng dạy của ông trong một lớp học về Bát Nhã Ba La Mật Kinh mà vô tình tôi nghe được, sửng sờ, hốt nhiên chết đứng với câu nói đầy mật nghĩa này của ông.

Ngay cả khi ông quyết định rời đất nước, ra đi sống đời sống lưu vong theo ý nghĩa tầm thường nhất, ông cũng vẫn là người lưu vong trong chính cuộc sống lưu vong tầm thường mà ông đã chọn.

Nãm 1985, nhà văn Mai Thảo trong “Chân Dung mười lăm nhà văn nhà thơ Việt Nam” phần viết về Phạm Công Thiện, có nhắc lại nhận xét của Thanh Tâm Tuyền vào 1970 với ông về Phạm Công Thiện như sau:

“Anh phải nhìn thấy sớm muộn rồi Phạm Công Thiện cũng phải một lần bỏ đi như thế, đi hẳn thật xa, mất tích. Có như vậy mới đúng là Phạm Công Thiện. Chúng ta ít nhiều là những định tinh. Hắn hơn là một hành tinh. Hắn là một ngôi sao băng.” [Chân Dung/ Mai Thảo, 1985]

Người ta nhìn hành trình lưu vong đó qua tinh thần “Triết gia” đầy “phá chấp tính” dữ dội và “thúc đẩy cực cùng” bàng bạc trong ngôn ngữ tràn trề linh động của ông. Ít người để ý rằng chính “con người thi sĩ” của ông mới thực sự đã quyết định mãnh liệt nhất cái thế cách sống của ông. Tất cả những cái gì thơ mộng nhất, tàn nhẫn nhất, cuồng nhiệt nhất, yếu đuối nhất, ngây thơ nhất, lý trí nhất vân vân đều hầu như có đủ trong đời sống sinh động từng giây phút của ông. “Sống cho ra hồn”, “sống cho ra một ngày đáng sống”, “đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất”… chỉ là vài trong số nhiều “trò chơi Sống” của ông…

Trong mấy dòng đầu mở đầu chương I của quyển “Im Lặng Hố Thẳm” xuất bản 1967 (tái bản tại Mỹ hai mươi năm sau 1987), Phạm Công Thiện đã báo động với người Việt Nam: “Nước Việt Nam đang bị tàn phá đến cùng độ, dân Việt Nam bỗng nhiên và tự nhiên được Tính phú cho chịu đựng và Thể nhận tất cả nỗi điêu đứng đau đớn cùng cực của thể kỷ XX…” [ILHT/PCT]

Trong cái âm u của chiến tranh trên đất nước, cái thảm kịch mà ông đã thâu thị trọn vẹn và đã thốt lên không hiếm những lời lẽ tiên tri về Tính, Mệnh, Việt của đất nước, có lúc ông lại để lộ ra nỗi cuồng lực điêu tàn trong lòng mình trước phối cảnh đó. Bốn câu thơ mang tâm trạng này, đọc thấy trong bộ Thi Ca Việt Nam Hiện Đại của Trần Tuấn Kiệt, khó ngờ lại là của một triết gia từng vỡ bừng ra những ngôn ngữ bốc lửa:

Tôi nằm im giữa âm u
để từng hơi thở tạ từ trần gian
sầu đông làm lạnh chim ngàn
màu xuân đang nở điêu tàn trong tôi
[TCVNHN/TTK]

Hay trong tập “Ngày sanh của Rắn”, bài bảy chữ sau đây mang nét buồn mênh mông khó tả của một người ly hương long đong theo chiếc bóng lưu vong của mình từ tây sang đông rồi lại từ đông sang tây, mà, tiếng gà báo hiệu một bình minh mong đợi sao nghe chừng xơ xác quá… Bài thơ của Phạm Công Thiện mà Võ Phiến có lẽ cũng yêu thích, trích vào trong tập “Thơ Miền Nam” của ông:

mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây 

gió thổi đồi tây hay đồi đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông 

gió thổi đồi thu qua đồi thông
mưa hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa đông
[Phạm Công Thiện]

Ấy vậy mà trong quyển “Hố Thẳm của Tư Tưởng” xuất bản năm 1966, tác giả Phạm Công Thiện trong phần trả lời về tư thế của ông đối với chiến tranh Việt Nam, ông trả lời như một lần cuối cùng: “Từ đây trở đi, tôi đã dứt khoát với chiến tranh Việt Nam; Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt trong lòng tôi… Chiến tranh lan rộng và tàn phá khắp hoàn cầu, mà chỉ có dân Việt Nam là nạn nhân trầm trọng nhất… Bây giờ tôi đã nhìn thấy rằng tôi đang tham dự một trận chiến tranh còn tàn khốc gấp một triệu lần trận chiến ở Việt Nam; đó là trận chiến trong tâm hồn trước Hố Thẳm vô hình, mà Rimbaud gọi là «trận chiến tâm linh»” [HTTT/PCT]

Dưới nhãn quan của ông, cũng trong phần trả lời, ông cho biết chiến tranh không giải quyết mà hòa bình cũng không giải quyết được sự phân ly của con người và con người.

Trở lại, qua thi ca, thi sĩ Phạm Công Thiện mới thật sự cho thấy tâm hồn thực sự tiềm ẩn bên trong của ông, “tất cả mọi sự đều xuất phát từ đóm lửa trong tim” [PCT]: trong sáng, khắc khoải, thơ mộng… tương phản hoàn toàn với “con người triết gia” hiển lộng bên ngoài. Đặc biệt nhất, ông sử dụng tiếng Việt Nam vào trong thi ca thật tuyệt vời, không cần vay mượn tiếng Hán-Việt vẫn cảm diễn xúc tích, cô động tài tình. Khó mà có thể chối bỏ được lòng khâm phục về tài năng dùng tiếng Việt tài tình của ông.

Bài thơ Trường Giang Mỹ Tho, được ông cho biết sáng tác bài thơ này lúc ông ở Pháp 1980. Một buổi chiều đọc báo, tin tức về những nạn nhân hải tặc với hình ảnh xác chết một thiếu nữ Việt Nam lõa lồ trôi tấp vào bãi biển, đã khiến ông bàng hoàng và đau xót đến cùng độ. Trong cơn xúc động đó, khơi dậy lại cho ông tất cả mọi thảm kịch của đất nước Việt Nam mà hầu như theo dòng thời gian ông đã không chú tâm mấy từ sau khi ông tuyên bố dứt khoát với chiến tranh Việt Nam. Nỗi lưu vong lại sống dậy trong lòng, và ông nhìn thân phận người dân Việt Nam qua thân phận ông, tâm sự đó ông diễn tả qua bài thơ “Trường Giang Mỹ Tho” có lúc như phẫn nộ, có lúc như ngậm ngùi, sầu héo, ngây ngô, có lúc man rợ, cay đắng, bồi hồi… là tất cả tiềm ẩn nỗi niềm lưu vong to lớn khôn cùng trong lòng ông, con người Việt Nam thi sĩ. Xin trích ra đây vài đoạn:

thôi nôi con trường giang mọi rợ
tôi mọi mãi mỗi trường giang
con diều hâu chạy hắt con chim
con chim lòn qua kẽ núi
lọt qua gió Hải Nam thổi hiu hắt về Trường Sơn
nước, trường giang mẹ ru chim ngủ
con lớn khôn rồi bỏ mẹ bay xa
cha con già Trường Sơn con ơi

tôi nhìn sông Cửu Long chảy
tôi đúng rồi trường giang mọi rợ
mẹ hãy về đi và hãy bỏ con đi

rồi từ ấy trường giang lại càng mọi rợ
khi chảy khi bay
khi thượng đỉnh đìu hiu khi trác táng đến tận màn sân khấu

người con gái nằm trôi thây trên bãi lạ
chiều nay
chim bay quá nhiều
chuyện đời xưa không còn nữa

[Phạm Công Thiện]

Tại sao nhìn Phạm Công Thiện như một thi sĩ lưu vong trong chính nỗi lưu vong? Như đã nói, con người triết gia của ông đã như mặt trời nổ đi để làm nền cho vầng trăng thi ca trong con người thi sĩ của ông sáng lên một cách lộng lẫy. Đời sống tư duy mãnh liệt từng giây phút của ông đã làm cho thơ ông rực rỡ. Do đó ai nhìn Phạm Công Thiện chỉ qua hình ảnh một triết gia quả là chưa có mất. Nhưng cũng ngược lại, muốn nhận chân ra con người thi sĩ thơ mộng của ông, cần nên đọc kỹ những ẩn ngữ, mật ngữ mà ông đã sử dụng qua ngòi bút triết gia xuyên qua hầu hết các tác phẩm văn xuôi mà ông đã xuất bản trước 1975.

Ai đọc Nietzsche, đều biết Nietzsche trở thành kẻ lưu vong ngay khi hét lên “Thượng Đế đã chết”. Ít ai chú ý rằng chính Phạm Công Thiện cũng đã hét lên tiếng hét đau đớn tương tự như thế trong một dạng ẩn ngữ khác: “Con Người không còn nữa!”. Phạm Công Thiện đã lưu vong ngay sau khi hét lên với hàm ý ràng“Nhân Tính”không còn hiện hữu trong “con người hậu mạt hôm nay” nữa!

Phạm Công Thiện hét lên “Con Người không còn nữa!” giống như “những tiếng sấm rầm rộ đánh vào đầu núi lửa, những tiếng sét nổ máu đánh vào trái đất rạn nứt, “hét lên, hú lên, rong lên, ca lên, tôi đã chết. Tôi đã biến thành quỉ, một loài quỉ không đầu.” [H.M./PCT]

Ông hét lên trước tai họa con người đang đối diện. Ở Việt Nam, chiến tranh là tai họa tàn nhẫn mà người Việt Nam phải chịu đựng:

“Không có tai họa thì loài người chỉ là những con ma đói, những con ma vất vơ trong cõi dương để ăn mày một chút tro tàn giấy bạc cho đỡ ấm qua một mùa đông oan nghiệt”. [ILHT/PCT]

Ông hét lên, đồng nghĩa với kêu gào, như một tuyên ngôn của lương tri:

“Một chút kêu gào man trá của một tên man di gửi về một xã hội lịch sự để tru lên một lần nữa trong muôn ngàn lần nữa rằng trái đất đang sụp đổ, con người lịch sự đang mua chuộc sự thịnh trị của thế giới: trái đất đang cựa mình để hất thế giới như hất cái vỏ chuối xuống rãnh.” [H.M./PCT]

Khi ông nhìn thấy con người Việt Nam đứng trước thảm họa, mượn cái đồng điệu ở Henry Miller, bằng tâm hồn thi sĩ ông thố lộ: “Từ ngày ấy, tôi mới mở mắt ra biết rằng tất cả những thảm họa đau khổ lớn lao nhất của trái đất sẽ nuôi dưỡng tôi như mẹ nuôi con.” [H.M./PCT] và cũng mượn con người đồng điệu Henry Miller như lối dùng phép “cách sơn đả ngưu” để trình bày về vị trí lưu vong rốt ráo của mình, “một kẻ đứng cô độc, đứng một mình trần truồng trước sinh mệnh và tính mệnh của mình” qua câu nói của Henry Miller: “Tôi không phải là loại người mà thế giới dân chủ hay thế giới cộng sản phát xít chấp nhận. Tôi không sống thuận ở đâu cả, nhất là với hiện trạng thế giới hiện nay.” [H.M./PCT]

Từ ngày ấy, Phạm Công Thiện bằng ẩn dụ khác, bước bước chân đầu tiên nhưng vĩnh viễn vào nỗi lưu vong khôn cùng: Lưu vong trong chính nỗi lưu vong.

(Còn tiếp)



Chuyên mục:Tác giả - Tác phẩm, Tác giả, tác phẩm, Thân hữu, Thân hữu

Thẻ:, , ,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: